Hành trình tìm nơi lưu giữ thánh tích của một vị thánh tử đạo trên đất Sài Gòn
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Hành trình tìm nơi lưu giữ thánh tích của một vị thánh tử đạo trên đất Sài Gòn
Bên cạnh nhiều thánh tử đạo Việt Nam hiện còn đền thờ, mộ phần, thánh tích và gia phả hậu thế..., thì vẫn có một số vị như thánh Phaolô Lộc không còn lưu nhiều dấu vết, kể cả dòng họ được cho là sinh sống ở làng An Nhơn (gồm gần hết vùng Gò Vấp và quận 12 bây giờ), cũng không thể tìm ra được một người thân thích. Và bộ xương cốt của ngài nữa, dù lịch sử có viết lại khá rõ ràng, nhưng khi lần theo tư liệu của tiền nhân, mới thấy không hề đơn giản. Có lẽ, thời gian và những biến động lịch sử đã làm nhòa đi những điều xưa cũ.
Từ cậu bé mồ côi đến giám đốc chủng viện
Trong 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam, thánh Phaolô Lê Văn Lộc là một trong 37 linh mục người Việt, cũng là vị thánh duy nhất sinh ra và mất tại Sài Gòn - Gia Định. Ngài thuộc địa phận Tây Đàng Trong, sinh năm 1830 tại làng An Nhơn, tỉnh Gia Định. Con của ông bà Lê Kim Ngân và Võ Thị Tây là những người Công giáo đạo đức, đã chuyên cần dạy dỗ con sống tử tế, giữ đạo sốt mến ngay từ nhỏ.
Mặc dù mồ côi cha mẹ từ năm 10 tuổi, nhưng cậu bé Lộc may mắn được cha sở họ đạo Chợ Quán cưu mang và cho theo học tại chủng viện Cái Nhum. Nhờ tài năng của bản thân, cậu đã được Đức cha Dominique Lefèbvre - Ngãi gởi sang học thần học tại chủng viện Penang, và sớm trở thành một học sinh ưu tú. Thầy Phaolô Lộc được Đức Giám mục Lefèbvre truyền chức linh mục ngày 7.2.1857 tại Lái Thiêu, sau đó bổ nhiệm làm giám đốc Tiểu chủng viện (thời đó gọi là Trường Nhỏ Latinh) tại Thủ Đức, về sau chủng viện dời về Thị Nghè, được hai năm thì phải giải tán do việc bắt đạo của triều đình.
Trong những năm tháng đầy biến động đó, cha Lộc vẫn không ngừng tìm cách bảo vệ và chăm sóc cho các chủng sinh của mình. Dù phải sống trong cảnh lẩn trốn, cha kiên trì truyền dạy giáo lý, huấn luyện những thợ gặt tương lai của Giáo hội. Mùa hè năm 1858, quan quân càng thi hành lệnh bắt đạo gắt gao hơn. Lúc đó cha Lộc đang ẩn trú trong nhà một cựu chủng sinh, bị một phụ nữ ngoại giáo bắt gặp và đi trình báo. Quan quân bao vây làng, lùng xét và bắt được cha ngày 13.12.1857. Đầu năm 1859, thấy không thể chiếm được Huế, tướng Pháp quyết định chuyển hướng đưa quân vào chiếm tỉnh Gia Định theo lối cửa Cần Giờ. Khi quân Pháp bắn phá Sài Gòn, các quan liền cấp tốc tâu vua cho trảm quyết đạo trưởng Phaolô Lê Văn Lộc. Ngày 13.2.1859, cha Lộc bị điệu ra Trường Thi trong thành Gia Định hành quyết (vị trí này hiện nằm ở góc đường Hai Bà Trưng và Nguyễn Thị Minh Khai), lúc chỉ mới 29 tuổi với hai năm linh mục.
Ngày 2.5.1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã nâng linh mục Phaolô Lê Văn Lộc lên bậc Chân phước. Ngày 19.6.1988, Ðức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển Thánh.
Khi lục tìm những tư liệu cũ về các anh hùng tử đạo, người viết tình cờ đọc được một ghi chép của Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, nguyên Tổng Giám mục TGP Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, kể rằng sau khi chịu tử đạo, xác của cha Phaolô Lộc được bổn đạo Chợ Quán, cụ thể là đôi ba người đi với bà Nở và ông tổng Đàng (là biện họ, tương đương ông trùm họ hay trưởng khu giáo ngày nay) đem về chôn cất ở Đồng Mật Cật, gần nghĩa trang nhà xứ. Về sau, khi mở cuộc điều tra để phong chân phước cho ngài, hài cốt được cải táng, chuyển tới nhà nuôi trẻ mồ côi dòng Thánh Phaolô thành Chartres tại Sài Gòn để tôn kính và coi giữ. Cuối cùng là được chuyển từ dòng Phaolô sang bảo quản ở Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn.
Chính từ những thông tin này, chúng tôi quyết định tìm lại dấu xưa của vị tử đạo sinh ra và chết vì đức tin ngay trên mảnh đất nay là Tổng Giáo phận TPHCM, bắt đầu từ việc đi tìm lại nơi đang lưu giữ xương cốt của ngài, giờ đây đã được xem là thánh tích.
Những mảnh ghép nhỏ
Không đơn giản như hình dung trước đó, việc căn cứ theo những chỉ dẫn lịch sử khi được lật lại đã sớm đi vào ngõ cụt.
Đầu tiên là đến Chợ Quán, họ đạo tương truyền có Đồng Mật Cật chôn cất vị thánh thời ban đầu, hỏi những người giáo dân lớn tuổi xung quanh thì gần như không có thông tin hay vị trí chính xác về cái tên Đồng Mật Cật, dường như có vẻ xa lạ với dân chúng ở đây thời hiện tại. Dầu vậy, chúng tôi vẫn xác tín là thánh nhân từng được chôn ở khu vực này, vì theo ghi chép của cha Charles Emile Bouillevaux Long (cha sở họ đạo Chợ Quán giai đoạn 1867-1874), thì hài cốt của thánh Phaolô Lộc đã được phát hiện cùng với hài cốt thánh Matthêu Gẫm trong vùng Chợ Quán. Có thể là phố xá của kỷ nguyên số thay vào các nơi chốn cũ, và thời gian làm mờ quên các địa danh xưa. Hiện chỉ còn ba dấu tích có liên quan đến thánh Lộc nơi giáo đường Chợ Quán đã xây dựng gần 130 năm, đó là một mẩu xương nhỏ được đặt trong hào quang đựng thánh tích, tượng thánh nhân đúc thạch cao đứng bên phải phía trong nhà thờ, và bức tranh kính màu vẽ chân dung ngài ở ô cửa sổ trên cung thánh. Tất cả như một minh chứng cho sự hiện diện thiêng liêng của vị thánh trẻ trong lòng Giáo hội, giữa cộng đoàn Dân Chúa của họ đạo cổ kính này.
Rời Chợ Quán, chúng tôi ghé qua tỉnh dòng Thánh Phaolô Sài Gòn. Các nữ tu Nhà Trắng sau khi tra cứu, xác định gần như chưa hề nghe thông tin gì về việc hài cốt thánh Phaolô Lộc từng được lưu giữ trong dòng, văn khố cũng không có một ghi chép nào về sự kiện này.
Đến địa điểm cuối cùng được Đức cố Hồng y Căn đề cập là Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn, thì linh mục Phêrô Đỗ Duy Khánh, phó xứ Chánh tòa cho biết: “Hiện nay nhà thờ chỉ đang lưu giữ và bảo quản một phần nhỏ xương của cha thánh Lộc, không biết là đã được đưa về đây năm nào, do ai. Nếu nói có cả bộ hài cốt thì hoàn toàn không thấy”.
Đức Giám mục Giuse Nguyễn Văn Yến, nguyên Giám mục GP Phát Diệm, người từng có thời gian dài nghỉ hưu ở Sở Kiện, khi biết chúng tôi đang thực hiện bài viết này, đã tiết lộ ở Trung tâm Hành hương các thánh tử đạo Việt Nam Sở Kiện (thuộc TGP Hà Nội) cũng có lưu giữ một phần xương thánh Lộc. Liên lạc qua điện thoại, cha Gioan Nguyễn Văn Tuyên, Đặc trách trung tâm, đã xác nhận thông tin này, nhưng vẫn chỉ là một mẩu nhỏ. Ngoài ra, theo chúng tôi được biết, tại đền Các Thánh Tử Đạo Việt Nam của giáo xứ Thái Bình (hạt Xóm Mới, TGP TPHCM) cũng có lưu giữ một mẩu xương cha thánh Lộc.
Như vậy là nếu lần theo các chi tiết về hài cốt ghi trong tiểu sử, vẫn chưa thấy được ngọn nguồn, nên chúng tôi đổi hướng, tìm về giáo xứ An Nhơn, quê hương thánh nhân. Ngay trong sân nhà thờ có một bức tượng thánh Phaolô Lê Văn Lộc tạc bằng đá cẩm thạch khá lớn, cao có đến 2 mét. Ông Trương Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐMVGX kể đài thánh Lộc đã có tại nhà thờ này từ nhiều chục năm trước, nhưng bức tượng này thì mới làm lại, nhân dịp giáo xứ được chọn là một trong 10 điểm hành hương Năm Thánh của Tổng giáo phận. Vào ngày 13.2 hằng năm, giáo xứ vẫn tổ chức lễ bổn mạng HĐMVGX cũng là kỷ niệm ngày tử đạo của thánh Phaolô Lộc. Tuy nhiên, khi hỏi về dòng họ của vị tử đạo, ông lại lắc đầu, nói không còn một manh mối nào, chỉ có một phần nhỏ xương của ngài đặt tại bàn thờ. Liên hệ với linh mục Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, chánh xứ Tân Định, nguyên chánh xứ An Nhơn để hỏi thăm, cha nói khi phụ trách xứ An Nhơn, ngài chưa nghe nói đến một người bà con nào của thánh Lộc còn sống ở đó. Còn linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, chánh xứ Thăng Long, cũng nguyên chánh xứ giáo xứ An Nhơn, thì chia sẻ: “Trong suốt 7 năm làm chánh xứ, tôi cũng cố ý tìm hiểu về gia đình, dòng họ của cha thánh Lộc, nhưng không tìm thấy được dấu vết hiện hữu nào. Người dân nói An Nhơn xưa là một làng quê rộng lớn, bao gồm gần hết quận Gò Vấp và quận 12 hiện nay, nên gần như không thể xác định được. Còn hài cốt ngài thì chỉ có một mẩu nhỏ trên bàn thánh như vẫn thấy ở những bàn thánh khác”.
Một chút suy luận
Không bỏ cuộc, chúng tôi đem những câu chuyện nhỏ về việc đi tìm nơi đang lưu giữ hài cốt thánh Lộc theo ghi chép của Đức cố Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn kể ở trên để trao đổi với linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam, với hy vọng biết đâu văn khố HĐGMVN có thông tin. Cha Vũ cũng khẳng định chưa bao giờ nghe nơi đâu giữ trọn bộ hài cốt thánh Lộc. Tuy nhiên, cha đưa ra một giả định theo chúng tôi là rất hợp lý: “Ngày đó ly loạn trong trào lưu cấm đạo, nên khi thánh nhân bị trảm quyết, xác được lén đem về chôn vội, sơ sài. Vì vậy nhiều chục năm sau cải táng, có lẽ chỉ còn một ít xương thôi. Có thể đúng là có đưa tạm về Nhà Trắng rồi gởi qua nhà thờ Đức Bà, nhưng chỉ là những mảnh nhỏ. Từ nhà thờ Đức Bà chắc là sau đó đã được phân chia về nhiều nơi, nên giờ không còn nhiều”. Cha cũng gợi ý thử qua Đan viện Cát Minh Sài Gòn tìm hiểu, vì Nhà Kín ở các giáo phận thường lưu giữ nhiều thánh tích của các thánh tử đạo.
Chúng tôi đã mạnh dạn “gõ cửa” Nhà Kín Sài Gòn, sau một cuộc gọi xin phép bề trên. Nói “mạnh dạn” vì Mùa Chay Thánh, các Đan viện thường hạn chế tiếp khách. Nữ đan sĩ Ngọc Nga, người phụ trách nhà lưu giữ xương các thánh tử đạo tại Nhà Kín Sài Gòn rất nhiệt tình đón tiếp chúng tôi, và cho “tận mục sở thị” thánh tích của cha thánh Lộc, được đặt trang trọng trong một hòm kính. Có thể nói, so với các nơi đang có thánh tích thánh Lộc mà chúng tôi biết được khi đi tìm tư liệu viết bài này, thì Nhà Kín Sài Gòn là nơi đang giữ hai mẩu xương lớn nhất, mỗi mẩu bằng cỡ ngón tay người bình thường, nhưng không xác định được là xương của phần nào trên cơ thể. Theo nữ tu Nga, số thánh tích này được Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn gởi tặng hai lần, vào các năm 1967 (dịp Đan viện kỷ niệm 100 ngày đặt viên đá đầu tiên xây dựng) và năm 1972, có cả giấy chứng thực. Thật bất ngờ và quá đỗi hạnh phúc. Sau một hành trình dài tìm kiếm, những câu hỏi đang dần mở được nút thắt.
Chúng tôi xin tạm có những phỏng đoán từ việc xâu chuỗi các dữ liệu, đối chiếu với tài liệu ghi lại đường đi của hài cốt thánh Phaolô Lê Văn Lộc mà Giáo hội đang phổ biến như sau:
Đồng Mật Cật có lẽ là cái tên dân dã được người địa phương gọi theo tên của những cây Mật Cật mọc hoang trên một bãi đất gần nghĩa địa Chợ Quán xưa, nơi đó có mộ thánh Lộc. Cái tên này không có trong tên gọi hành chánh hay được đề cập ở bất kỳ sách vở nào, dù chúng tôi đã tra cứu trên bản đồ do Trần Văn Học vẽ năm 1815, trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí phần viết về Sài Gòn - Gia Định, sách Sài Gòn Năm Xưa của Vương Hồng Sển, sách Đất Gia Định Xưa - Bến Nghé Xưa - Người Sài Gòn của Sơn Nam, sách Gia Định Xưa Và Nay của Huỳnh Minh..., vẫn không thấy nói đến.
Khi cải táng, hài cốt thánh Lộc qua thời gian phân hủy đã không còn nhiều mảnh. Lúc đưa về nhà thờ Đức Bà, qua cả gần trăm năm, đã được tặng dần về các họ đạo, dòng tu để tôn kính, và nơi đang giữ phần lớn nhất hiện tại là Nhà Kín Sài Gòn. Vì vậy, không thể nào tìm ra cả bộ xương thánh như thoạt đầu chúng tôi suy nghĩ. Dòng họ của ngài hiện cũng không thể truy dấu, vì ngài có người anh nghe đâu mất từ nhỏ.
Tất nhiên, chúng tôi vẫn xem đây là một sự khởi đầu với nhiều nhận định chủ quan, hy vọng rằng trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ và các nghiên cứu sâu hơn, cũng như khi bài viết lan tỏa, biết đâu sẽ có thêm nhiều bằng chứng và thông tin mới, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thân thế của một vị thánh có cả cuộc đời sống đạo, làm chứng Tin Mừng và chết vì đức tin, ngay trên miền Sài Gòn - Gia Định này.
PHÚC HẬU