Trung Vu Cssr
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
LÀM MẸ LÀ CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ THÁNH THIỆN
Trải qua lịch sử, các vị thánh đã sống cuộc đời đầy hy sinh và nhân trong mọi vai trò: tử đạo, nhà truyền giáo, nhà thần bí; bác sĩ, luật sư, giáo viên; công nhân, tu sĩ chiêm niệm và cả những người ăn xin lang thang. Nổi bật trong số đó là những vị thánh đã kết hôn, ít nhất là trong một phần cuộc đời, và nhiều người trong số họ là những bậc cha mẹ mẫu mực. Tuy nhiên, nếu so sánh với thực tế cuộc sống thường nhật của hầu hết các bậc cha mẹ Công giáo, ta thấy hoàn cảnh sống của những vị thánh đã kết hôn này có phần khác biệt. Dường như để trở thành một vị thánh đã kết hôn được tuyên thánh, họ cần phải:
-Sáng lập một dòng tu sau này trong cuộc đời (Thánh Elizabeth Anne Seton, Thánh Bridget Thụy Điển)
-Chết trong những hoàn cảnh đặc biệt đau đớn hoặc bi thảm (Thánh Gianna Beretta Molla, Chân phước Elisabeth Leseur)
-Xuất thân cao quý và từ một gia đình giàu có (Chân phước Elizabeth Canori Mora, Thánh Frances của Rome)
Ngoại lệ đáng chú ý nhất là Thánh Isidore và Maria của Tây Ban Nha, những người nông dân giản dị và vợ chồng chung thủy. Tuy nhiên, việc họ chọn sống độc thân trong hôn nhân (sau cái chết của con trai duy nhất) vẫn xếp họ vào danh mục có hoàn cảnh sống đặc biệt so với phần lớn chúng ta.
So sánh với cuộc sống gia đình mà hầu hết các bậc cha mẹ Công giáo dành nhiều năm đắm chìm, bao gồm: thay tã, thức đêm, sắp xếp lịch trình, giáo dục đức tin cho con cái, lo toan chi tiêu và bảo dưỡng xe cộ, không thể phủ nhận rằng những vị thánh đã kết hôn được tuyên thánh cũng trải qua những thực tế này. Có thể những thông tin này ít được biết đến hơn, nhưng chắc chắn mỗi vị thánh đều đã từng thay tã, dành nhiều năm nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, các bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ có con nhỏ, khi cảm thấy được kêu gọi nên thánh và tìm kiếm những tấm gương gần gũi với cuộc sống của họ, lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những hình ảnh để noi theo. Dường như con đường được Giáo hội công nhận chính thức là một vị thánh có phần tách biệt khỏi những khía cạnh cơ bản và tiêu tốn nhất của cuộc sống gia đình.
Liệu một bà mẹ ở nhà có cơ hội đạt được sự thánh thiện nếu bà không bao giờ thành lập một dòng tu và chết yên bình ở tuổi già?
Mặc dù Giáo hội khẳng định (với sự quyết tâm ngày càng tăng kể từ Công đồng Vatican II) rằng giáo dân dù đi theo con đường sự nghiệp hay ơn gọi nào cũng có thể và nên trở nên thánh thiện, chúng ta cũng dựa vào những tấm gương được tôn vinh từ những vị thánh được tuyên phong chính thức. Bản thân tiến trình phong thánh không truyền đạt sự thánh thiện lớn hơn cho cuộc đời của một người so với những công trạng đã được chứng minh; Giáo hội không tạo nên một vị thánh. Điều quan trọng là những câu chuyện về đức tin mà chúng ta được kể và những tấm gương được tôn vinh cho anh chị em tín hữu trong quá trình mưu cầu sự thánh thiện của chính họ.
Không khó để thuyết phục một bà mẹ Công giáo có con nhỏ tin rằng bà được kêu gọi nên thánh ngay lúc này, trong công việc hằng ngày của mình cho con cái và gia đình. Bà có thể tin những công việc mà bà thực hiện hằng ngày ở nhà cũng có thể được làm cho vinh quang của Thiên Chúa ngang bằng với những công việc của một linh mục hay một nhà truyền giáo.
Xã hội luôn nói với các bà mẹ rằng việc chỉ toàn tâm toàn ý chăm sóc con cái là chưa đủ. Họ cần phải liên tục trau dồi bản thân và các năng lực của mình, cả trong công việc lẫn đời sống cá nhân, nếu không họ sẽ trở nên vô dụng khi quay lại thị trường lao động và có thể biến thành những con người nhàm chán. Ngụ ý ở đây là công việc nội trợ và chăm sóc con cái không thực sự đáng khao khát, cũng không mang đến niềm vui thuần túy. Nó không tạo được không gian cần thiết để người phụ nữ phát triển bản thân và sống trọn vẹn, bởi họ bị bó buộc trong vô vàn nhiệm vụ tầm thường ngốn hết ngày, tháng, năm của họ. Thông điệp mà phụ nữ nhận được là họ phải vừa làm mẹ vừa làm một điều gì đó khác, nếu không muốn trở nên hời hợt, lạc hậu.
Nếu xã hội thế tục luôn hiểu sai và đánh giá thấp thiên chức làm mẹ như một công việc chính, thì đôi khi ngay cả Giáo Hội cũng không đề cập một cách rõ ràng hay thường xuyên rằng làm mẹ nên được đón nhận trọn vẹn như một ơn gọi đầy sức sống, tự nó đủ trở thành con đường dẫn đến sự thánh thiện. Sự thật hiển nhiên là sinh con và nuôi một đứa trẻ đủ 18 năm rõ ràng không tạo nên một ơn gọi. Người mẹ theo Kitô giáo được kêu gọi đến một lối sống sâu sắc và có mục đích hơn nhiều nếu thiên chức làm mẹ của cô ấy trở thành phương tiện để nên thánh.
Tôi tớ Chúa Dorothy Day, người sáng lập Phong trào Công nhân Công giáo (Catholic Worker Movement), đã viết về vấn đề này với sự sâu sắc. Luôn là một người thực tế, Day thừa nhận rằng cuộc sống gia đình ẩn chứa "những khoảnh khắc của thiên đường và địa ngục", nhưng bà khẳng định rằng người mẹ nhận ra tiếng gọi của mình trong việc nuôi dạy con cái để chúng sau này cũng có thể trở thành các vị thánh thì đã sẵn sàng trên đường đến thiên đàng. Xin trích một đoạn dài từ cuốn sách On Pilgrimage (Hành Hương) của bà:
Những người thiển cận dường như nghĩ rằng các bà mẹ, dù có một con hay cả tá con, thì luôn cực kỳ bận tâm về những thụ tạo: con cái, thức ăn, quần áo, nhà ở, những vấn đề trần tục và nặng về vật chất, như tã bẩn, bát đĩa, nấu nướng, nhồi nhét thức ăn vào miệng trẻ con, v.v. Cơ thể của người phụ nữ, nặng nề vì mang thai, bị con cái kéo lê, là một gánh nặng giống như cây thánh giá cần mang vác. Từ sáng đến tối, họ luôn bận rộn với việc lo toan, nhưng đó là sự lo toan cho người khác, cho những nhiệm vụ mà Chúa đã ban cho họ... Điều tôi muốn nhấn mạnh là một người phụ nữ có thể đạt được đời sống thiêng liêng cao nhất và sự kết hợp với Chúa thông qua ngôi nhà và con cái của cô ấy.[1]
Bản thân là một người mẹ và người bà, Day hiểu rõ gánh nặng của cuộc sống gia đình và “cái giá” mà nó dường như buộc người phụ nữ phải trả. Bà không nói giảm nói tránh về những thách thức thực tế và tinh thần trong công việc hàng ngày của một người mẹ, nhưng bà hình dung chúng trong thuật ngữ độc đáo của Kitô giáo là "sự khắc khổ". Bà tiếp tục:
Và đây là sự khắc khổ các giác quan của người mẹ:
Mắt cô bị tổn thương bởi sự lộn xộn, nhầm lẫn, khi chứng kiến những bệnh tật và nhược điểm của con người. Mũi cô cũng vậy; đôi tai cô bị dày vò bởi những tiếng khóc chói tai, cảm giác thèm ăn thường xuyên suy giảm; xúc giác của cô đau đớn vì mệt mỏi và yếu đuối.
Các giác quan nội tại của cô cũng bị khắc khổ. Cô đơn chiếc cùng những đứa con nhỏ, sự quan tâm của cô phải hướng hoàn toàn về chúng. Cô ấy thậm chí không có được bầu bạn từ sách vở. Cô không còn những người bạn vui vẻ thời trẻ (thần kinh của họ không thể chịu đựng được tiếng trẻ con). Vì vậy, cô có sự cô độc và tĩnh lặng thay cho những âm thanh cô muốn nghe — trò chuyện, âm nhạc, tranh luận.[2]
Lời than thở này không nhằm mục đích phàn nàn, và tôi dám cho rằng hầu hết các bà mẹ sẽ không nghĩ như vậy. Nó nghe rất quen thuộc, và thậm chí mang lại sự thoải mái. Nhưng chính những trải nghiệm chung của tất cả các bà mẹ (và cả các ông bố, ở các mức độ khác nhau) sẽ không nhất thiết được nâng lên địa vị của sự khắc khổ trừ khi chúng được chấp nhận và thực hiện vì tình yêu của Thiên Chúa - rõ ràng đây là ý của Day. Góc nhìn về thiên chức làm mẹ được mô tả ở đây là điều chúng ta hiếm khi bắt gặp trong các câu chuyện về các vị thánh. Một phần bởi vì những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống làm cha mẹ của họ bị thất lạc theo dòng chảy lịch sử, một phần bởi vì những khía cạnh gai góc này không phải là thứ thu hút độc giả. Dù lý do là gì, thì những phương tiện thầm lặng này của sự nên thánh phần nào chỉ ra tiềm năng to lớn trong ơn gọi làm mẹ cho thấy những đức tính anh hùng khi đối mặt với những gì thường được coi là gánh nặng cần phải tránh hoặc giảm nhẹ.
Để phân tích những tình cảm này một cách rõ ràng hơn, Chân phước Tổng Giám mục Oscar Romero (người đã được chính thức công nhận là vị tử đạo vì đức tin) đã ví việc tự hiến của người mẹ theo đạo Kitô giống như sự tử đạo theo đúng nghĩa đen của các vị thánh. Trong bài giảng tại một đám tang ở El Salvador vào những năm 1970, thời kỳ biến động chính trị và đàn áp Giáo hội, ngài nói:
Hy sinh mạng sống không chỉ có nghĩa là bị giết; hy sinh mạng sống, mang tinh thần tử đạo, là cống hiến trong bổn phận, trong thinh lặng, trong cầu nguyện, trong việc hoàn thành trung thực bổn phận [của mình]; trong sự thinh lặng của cuộc sống hàng ngày; hy sinh mạng sống từng chút một.[3]
Chân phước Romero, thực sự là một người chăn chiên đúng nghĩa, hẳn là một nhà quan sát tinh tế của những người phụ nữ và các bà mẹ trong cộng đồng của mình. Mặc dù bài giảng của ông dành cho một linh mục đã chết vì đức tin, nhưng ông biết rằng những người mẹ đang lắng nghe cũng đang sống cuộc tử đạo trong chính gia đình mình mỗi ngày, theo những cách không được chú ý nhưng vẫn đầy anh hùng. Ông tiếp tục nói rằng người mẹ tử đạo “thụ thai con trong bụng, sinh con, cho con bú, giúp con lớn lên và chăm sóc con với tình yêu thương. Cô ấy hy sinh mạng sống của mình. Đó là sự tử đạo."[4]
Một lần nữa, sự thật sinh học đơn giản về thiên chức làm mẹ là không đủ. Chân phước Romero đề cập đến cách đón nhận trọn vẹn ơn gọi làm mẹ theo đạo Kitô giống như những gì Dorothy Day đã nói. Một người mẹ sống hết mình trong thiên chức làm mẹ “với tinh thần tử đạo” thực sự đang đảm nhận công việc nên thánh. Trong khi cô ấy vẫn có thể làm những công việc khác ở bên ngoài gia đình, thì sự hy sinh thầm lặng trong công việc nhà đã đủ để cô ấy bắt đầu con đường nên thánh khi thực hiện chúng vì vinh quang Chúa.
Theo cách này, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta không có nhiều vị thánh đã kết hôn được phong thánh, người có cuộc sống giống như chúng ta. Chính sự khuất mình trong cách hầu hết chúng ta nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình và thực hành đức tin là một phần trong sự bảo vệ và nuôi dưỡng sự trưởng thành trong sự thánh thiện. Nếu thế giới đang theo dõi hoặc nếu chúng ta nghĩ rằng một ngày nào đó câu chuyện của mình sẽ được kể, có lẽ chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn cái tôi của mình trong việc sống Tin Mừng. Làm mẹ về bản chất là một ơn gọi để sống ẩn dật, và thực tế này có lẽ là yếu tố giúp tiềm năng nên thánh lớn nhất.
Cả Dorothy Day và Tổng Giám Mục Romero đều đề cập đến “sự im lặng” bao trùm người mẹ, và điều này thường đúng; nếu không theo nghĩa đen thì chắc chắn về mặt biểu tượng, sự tách biệt phần lớn khỏi âm thanh và hoạt động của thế giới bên ngoài. Có một vẻ đẹp trong thực tế này mà ít ai nhận ra. Im lặng và cô độc đôi khi có thể gây ra sự oán giận và lo lắng, nhưng điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự sắp xếp nội tâm trong linh hồn của người mẹ và những thói quen mà cô ấy chọn để vun đắp. Sự thật là ơn gọi của một người bị che giấu khỏi thế giới sẽ truyền cảm hứng cho lòng can đảm, chẳng hạn, khi được xem xét dưới ánh sáng của Sự Nhập Thể. Chắc chắn một cuộc sống được đánh dấu bởi sự mơ hồ giống như Chúa Kitô khi được sinh ra trong một chuồng ngựa không có nhân chứng nào ngoài một vài con thú thân thiện không thể rời xa Nước Thiên Chúa.
Sẽ chẳng ai biết một người mẹ rửa bát có hướng lòng lên Chúa với sự biết ơn trong tim hay không, hoặc cô ấy có kiên nhẫn đọc truyện cho đứa con muốn nghe đi nghe lại cùng một câu chuyện đó hay không, hoặc liệu cô ấy có đối phó nhẹ nhàng với đứa con nổi loạn hay không. Sẽ không ai biết liệu cô ấy phản ứng với sự dịu dàng hay cay đắng trước những gián đoạn và xáo trộn không thể tránh khỏi của cuộc sống gia đình, được quyết định trong khoảnh khắc chuyển động của con tim, nhưng cô ấy sẽ biết. Cô ấy đưa ra lựa chọn của mình, và vô số những thói quen và lựa chọn thầm lặng này sẽ quyết định sự trưởng thành trong thánh thiện.
Điều này hoàn toàn không hàm ý rằng việc cuộc sống và công việc của phụ nữ mãi khuất mình và ẩn khỏi thế giới là điều tốt đẹp. Sự che mờ trong phần lớn cuộc sống gia đình là một thực tế, nhưng mang nhiều ý nghĩa trái chiều. Trong khi sự ẩn dật bảo vệ gia đình và mang đến cho phụ nữ một con đường tuyệt đẹp để nên thánh, thì cũng chính nó trở thành tấm màn che, ngăn cản Giáo Hội được khai sáng trọn vẹn nhất từ các chứng tá về sự thánh thiện anh hùng đạt được trong những hoàn cảnh bình thường, đơn điệu của cuộc sống gia đình. Quá nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ, không được trao cho viễn cảnh về tất cả tiềm năng chứa đựng trong ơn gọi của họ. Họ cũng thiếu các mối liên hệ và kết nối với những người mẹ khác đang nỗ lực tìm kiếm sự thánh thiện trong vai trò làm mẹ.
Giáo hội vẫn chưa chuyển tải đủ trên bình diện mục vụ sự phong phú của những gì mà các tài liệu của Công đồng Vatican II gọi là "Giáo hội tại gia". Giáo hội thể hiện điều này một cách tuyệt đẹp trong Giáo lý:
Trong thời đại chúng ta, giữa một thế giới thường xa lạ và thậm chí thù địch với đức tin, các gia đình tín hữu có tầm quan trọng hàng đầu, là trung tâm của đức tin sống động và tỏa sáng. Vì lý do này, Công đồng Vaticanô II, sử dụng một lối diễn đạt cổ xưa, gọi gia đình là Ecclesia domestica - Giáo hội tại gia. Chính trong lòng gia đình mà cha mẹ "bằng lời nói và gương sáng... là những sứ giả đầu tiên rao giảng đức tin cho con cái. Cha mẹ cần khuyến khích các con đi theo ơn gọi riêng của mình... " Như vậy, gia đình là trường học đầu tiên của đời sống Kitô hữu và "trường học làm giàu nhân bản". Đây là nơi người ta học chịu đựng và niềm vui trong công việc, tình huynh đệ, sự tha thứ rộng lượng - thậm chí lặp đi lặp lại, và trên hết là việc thờ phượng Thiên Chúa qua cầu nguyện và dâng hiến cuộc đời mình. (GLHTCG §1656; trích LG §11)
Lúc này, cuộc trò chuyện đương nhiên chuyển sang cả các bà mẹ và ông bố, dù trong nhiều trường hợp các bà mẹ vẫn là người chăm sóc chính cho con cái. Khi người chồng theo Kitô giáo công nhận và khẳng định công việc tuyệt vời và thánh thiện mà vợ làm ở nhà và với các con, thì dần dần vỏ bọc che giấu mái ấm gia đình trở nên trong suốt hơn trước Giáo hội theo cách đúng đắn và hiệu quả. Thật khó khăn cho một người mẹ tin rằng cuộc sống gia đình có giá trị vĩnh cửu trừ khi chồng cô ấy là người đầu tiên nhắc nhở điều đó. Và khi người chồng cũng tham gia vào các khía cạnh công việc "ẩn mình" trong gia đình, cùng làm việc và đồng xây dựng "Giáo hội tại gia" bên cạnh vợ, thì họ góp phần thúc đẩy sự nghiệp quan trọng nhất mà con người có thể đảm nhận: đưa Nước Thiên Chúa đến trọn vẹn hơn trên trái đất thông qua tình yêu hy sinh vì người khác. [5]
Mô tả về trách nhiệm của cha mẹ Kitô giáo được gạch ra trong trích dẫn từ Sách Giáo lý trên đây cho thấy sự sáng tạo, trí tuệ và niềm đam mê cần có ở các bậc cha mẹ, nếu họ mong muốn nuôi dạy con cái theo cách xứng đáng với Tin Mừng. Ngay cả sứ mệnh giản dị "là những sứ giả đầu tiên rao giảng đức tin" đã bao gồm tất cả những gì một người đàn ông hay phụ nữ có thể hy vọng về không gian thực hành đầy đủ các năng khiếu và tài năng của họ. Có lẽ điều thường bị coi là sự hạn hẹp trong ơn gọi của người mẹ đơn giản đến từ một thất bại của trí tưởng tượng về tất cả những gì một người mẹ có thể và phải làm nếu cô ấy khao khát sự thánh thiện.
Quay lại câu hỏi về việc một người phụ nữ có trở nên lạc hậu và kém hấp dẫn trước thế giới trong những năm bận rộn sinh con và nuôi dạy con hay không, thì cả xã hội lẫn Giáo hội cần ghi nhận phạm vi các hoạt động thực sự tạo nên một ngày của người mẹ. Một lần nữa, một câu trích dẫn từ cuốn sách On Pilgrimage (Hành Hương) của Dorothy Day rất hữu ích. "Người mẹ phải là tất cả những vai trò này: ca sĩ, nghệ sĩ, nhà điêu khắc, người kể chuyện, vũ công, diễn viên múa rối, nhà chế tạo đồ chơi, nhà phát minh, đầu bếp, thợ giặt và y tá," bà viết. "Thật là một cuộc sống trọn vẹn! Thật nhiều tài năng cần phát triển!" [6] Khó mà tưởng tượng một người phụ nữ đảm nhận những vai trò này với sự nhiệt huyết và sáng tạo lại cảm thấy chán nản hay buồn tẻ.
Quá thường xuyên, các bà mẹ ở nhà mô tả những gì họ làm là "chỉ" ở nhà. Đây là một cách giảm nhẹ hoàn toàn không chính xác về một ơn gọi vốn có mục đích cao cả và thánh thiện, có thể mang lại sự trọn vẹn sâu sắc cho phụ nữ khi đón nhận trong sự viên mãn. Lời nhắn nhủ của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong thông điệp của ngài về hôn nhân và gia đình xuất hiện trong tâm trí. Lời khuyến khích của ngài, "Hỡi gia đình, hãy trở thành chính con người của mình" cũng có thể hiểu là "Hỡi các bà mẹ, hãy trở thành chính con người của mình" (Familiaris Consortio, §17). Thực tế là một phụ nữ có thể than thở việc phải từ bỏ ơn gọi cao cả của một nhà truyền giáo, để đổi lấy cuộc sống trần tục "chỉ" của một người mẹ, bị đè nặng bởi gánh nặng gia đình và xa rời những kỳ tích vĩ đại về mặt tinh thần, cho thấy còn rất nhiều việc cần làm để trao quyền cho các bà mẹ Công giáo nhận ra con người thật của họ.
Trong khi hoàn cảnh sống của nhiều vị thánh đã kết hôn được tuyên thánh có vẻ xa lạ với chúng ta, thì rõ ràng họ đã trưởng thành trong sự thánh thiện phần lớn thông qua thử thách của cuộc sống gia đình. Chúng ta cũng đừng bỏ qua sự thật rằng các vị thánh này cũng chia sẻ nhiều gánh nặng và niềm vui như thế hệ ta.
Hai trong số các vị thánh được Giáo hội tuyên phong gần đây nhất là những chứng nhân đặc biệt phù hợp trong việc cho thấy khả năng đạt được sự thánh thiện thông qua cuộc sống gia đình. Các Thánh Zélie và Louis Martin, giáo dân Pháp thế kỷ 19 và là cha mẹ của Thánh Têrêsa Hài Đồng, đã để lại những cuốn nhật ký và thư từ ghi lại những suy tư gần gũi và thường bình dị của họ về những thăng trầm trong việc nuôi dạy con cái trong một "Giáo hội tại gia" tràn đầy sức sống. Thánh Zélie sinh chín người con nhưng mất bốn người khi còn sơ sinh hoặc thơ ấu, nuôi dạy năm cô con gái và quản lý một cơ sở kinh doanh ren thành công. Bà vẫn dành thời gian trau dồi đời sống thiêng liêng sâu sắc, ảnh hưởng đến cả ngôi nhà mà bà xây dựng cùng chồng. Bà và Thánh Louis thực sự là những vị thánh cho thời đại của chúng ta, bởi họ đã nuôi dạy một cô con gái trở thành một trong những vị thánh được yêu mến nhất của Giáo hội —và một người con gái khác cũng đang trên con đường được tuyên thánh— nhưng quan trọng hơn, là vì cách thức họ âm thầm và khiêm tốn biến ngôi nhà và công việc của họ thành một cuộc chạm trán hàng ngày, sống động với tình yêu của Thiên Chúa. Họ chịu đựng công việc, đau khổ và thử thách với sức mạnh đức tin sánh ngang với các vị tử đạo. [7]
Ngay cả những người Công giáo sùng đạo nhất cũng có xu hướng chùn bước trước viễn cảnh thực sự trở thành một vị thánh. Chúng ta quá ý thức về tội lỗi của chính mình, phần lớn cuộc sống chỉ xoay quanh những thói quen bình thường: thức dậy vào buổi sáng; thực hiện các trách nhiệm; cố gắng tử tế và yêu thương; ăn, uống, xem tivi và đi ngủ để bắt đầu lại tất cả vào ngày hôm sau. Dù Giáo hội thời xưa không nhấn mạnh ơn gọi nên thánh của tất cả mọi người như sau Công đồng Vatican II, các tín hữu giáo dân vẫn chưa thực sự ý thức được giáo huấn đó. Chúng ta vẫn nghĩ về các đức tính anh hùng như công việc của các tu sĩ, nữ tu, linh mục và người sống độc thân. Chúng ta không thể tưởng tượng mình trở thành những vị tử đạo nghĩa đen, và thực sự chúng ta sẽ không bao giờ có đủ can đảm để chết vì đức tin trừ khi chúng ta thực hành sống tinh thần tử đạo trong tất cả các công việc của mình ngay bây giờ. Chúng ta vẫn chưa thấy được thời đại mà những người đã kết hôn sống một cách trọn vẹn ơn gọi cao đẹp mà họ đã nhận lãnh – một thời đại mà người mẹ Kitô giáo đảm nhận vai trò của mình như một người phục vụ trong "Giáo hội tại gia" với sự nghiêm túc mà ơn gọi thực sự đòi hỏi. Bà ấy không bế tắc hay chờ đợi những hoàn cảnh lý tưởng hơn hay một tiếng gọi cao cả hơn; ngay lúc này, ở ngay đây, nếu bà ấy lựa chọn, thì bà ấy đã đang trên đường tiến về sự thánh thiện.
[1] Dorothy Day, On Pilgrimage (Grand Rapids, MI; Eerdmans, 1999), 76.
[2] Ibid, 76–7.
[3] As quoted by Pope Francis in his General Audience on 7 January 2015.
[4] Ibid.
[5] There are many online and print resources available with practical insight on living the domestic church. The Catholic Catalogue is one I highly recommend (New York: Image, 2016).
[6] Day, On Pilgrimage, 230.
[7] See http://www.louisandzeliemartin.org/ for more on Sts. Louis and Zélie Martin. Their journals and letters are compiled in A Call to a Deeper Love: The Family Correspondence of the Parents of Saint Therese of the Child Jesus, 1864-1885 (New York: Alba House, 2011).
Tác giả
Allison Ciraulo
Allison Ciraulo là một người vợ, một người mẹ, một nội trợ và cũng là một nhà văn tự do. Cô sống ở South Bend, Indiana, cùng chồng và hai con nhỏ.
Bản dịch của Duc Trung Vu, CSsR