NGƯỜI CÔNG GIÁO CÓ NÊN DÙNG MẠNG XÃ HỘI ĐỂ PHÊ BÌNH GIÁO HỘI KHÔNG?
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
NGƯỜI CÔNG GIÁO CÓ NÊN DÙNG MẠNG XÃ HỘI ĐỂ PHÊ BÌNH GIÁO HỘI KHÔNG?
Đây là một câu hỏi được đặt ra bởi một nickname Giolanhsg trên diễn đàn Phải Làm Gì của nhóm DoCat. Quả là một câu hỏi thẳng thắn, cởi mở và mang tính thời sự đối với người giáo dân Việt Nam.
Tác giả đề xuất mọi góp ý, phê bình phải được thực hiện trên tinh thần Tin Mừng và cần tuân thủ các các thủ tục hành chính của Giáo hội. Hai điều này rất đúng và rất có lý trong những trường hợp thông thường, nhưng khi soi chiếu vào những vấn đề nổi cộm trong Giáo hội Việt Nam, tôi thấy giữa lý thuyết và thực tế vẫn hãy còn một khoảng cách khá xa, những bế tắc cần phải được khai thông.
Tôi xin đề nghị được đổi câu hỏi:
Thay vì phê bình Giáo hội, tôi đặt vấn đề khác đi một chút: Người Công giáo có nên sử dụng facebook để bàn chuyện giáo hội hay không? Tôi chọn facebook vì đó là kênh truyền thông theo tôi hiện giờ đang mạnh nhất, thu hút được sự tham gia, bình luận và bày tỏ ý kiến của nhiều người nhất. Tôi cũng chọn thay từ phê bình thành bàn chuyện, vì phê bình dễ gây cảm giác khó chịu tới người chất vấn các bất cập, trong khi bình luận có thể mở rộng cho nhiều vấn đề, không nhất thiết là các vấn đề tiêu cực.
Không tính mấy cái chuyện cỏn con, vụn vặt, mà mấy người rảnh rỗi thích đưa lên mấy cái group thắc mắc này nọ, tôi thấy những sự việc gần đây nếu không nhờ facebook thì có lẽ sẽ chẳng ai có thể biết đến, và nếu không nhờ sức ép của dư luận trên không gian mạng, có lẽ những chuyện tréo nghoe cứ vẫn tiếp tục phô diễn mà không màng đến sự bức xúc thánh thiện của giáo dân như lời của Đức Tổng Năng vẫn gọi.
Trong hoàn cảnh giáo hội Việt Nam, khi mà những trang truyền thông Công giáo chính thống chưa làm trọn trách nhiệm của người loan tin như đúng nghĩa truyền thông, thì đừng mong người giáo dân sẽ có một nguồn tin chính qui, nhanh nhẹn và kịp thời đáp ứng nhu cầu được biết được hiểu của họ.
Tin để đọc còn chưa đáp ứng đủ vì bị hạn chế, bị bưng bít thì cũng đừng hi vọng rằng sẽ có những diễn đàn chính qui, nơi họ có thể thảo luận về những mối bận tâm với chuyện thời sự của giáo hội một cách thẳng thắn và cởi mở. Ấy là chưa nói đến chuyện trách nhiệm ngôn sứ của Truyền Thông Công giáo chưa được làm tròn mà đã bị cố tình làm vơi đi!
Tác giả bài viết sử dụng đoạn kinh thánh về sửa lỗi anh em Mt, 15-17 để rút ra kết luận: Chúa Giê-su đề nghị chỉ nên giải quyết vấn đề ở trong nội bộ Giáo hội. Tôi tự hỏi: Chú giải Kinh Thánh như thế đã ổn hay chưa khi bê chuyện cá nhân vào mà áp vào chuyện một tổ chức? Nhưng thôi, xin để dành cho các nhà chú giải làm việc.
Tôi nghe lập luận ấy thì liền liên tưởng tới sai lầm của nhiều giáo hội Phương tây đã và đang và còn tiếp tục phải gánh chịu hậu quả bi đát cũng vì cái lối hành xử: Chuyện nội bộ, xử lý nội bộ, dàn xếp nội bộ mà phớt lờ đi tiếng nói của người giáo dân.
Nếu theo dõi và đọc các văn kiện hướng dẫn trong những năm gần đây của Tòa Thánh, ta sẽ thấy cái văn hóa bao che, giấu diếm là thứ đang bị loại trừ,xóa bỏ. Rất nhiều lần, những yêu cầu về việc xây dựng một giáo hội ‘minh bạch’- transparency, thay vì một giáo hội với nền văn hóa bí mật – secrecy đã được đặt ra, nhất là trong Thượng hội đồng Giám mục gần đây nhất. Đây không phải là bài luận để chấm điểm nên tôi xin phép không trích dẫn nhiều.
Quay lại vấn đề: Người Công giáo có nên dùng mạng xã hội để bàn chuyện giáo hội hay không?
Nếu ai hỏi tôi, tôi sẽ trả lời: Tùy lương tâm của anh chị, Chúa cho mình trí khôn để phán đoán và con tim để phân định điều cần làm. Vấn đề quan trọng nên tự hỏi là: Mình nói chuyện gì, trong tâm thế và tinh thần như nào và với mục đích là gì? #nguoiconggiaovamangxahoi
Sẽ không có một chiếc quần đùi phù hợp size với hết mọi người. Nhưng rất có thể người đó lại thắc mắc: Lương tâm tôi nói được mà lương tâm bạn tôi lại nói không được?
À, dễ thôi: Hãy lo lắng đến sự đào tạo, huấn luyện lương tâm của mình. Anh có lương tâm sắc bén thì anh sẽ dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa nói để biết việc anh cần phải làm hơn.