GIỮA NGHI NGỜ VÀ TIN TƯỞNG
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
GIỮA NGHI NGỜ VÀ TIN TƯỞNG
Một bức tranh tuyệt đẹp lấy cảm hứng từ bài đọc Tin Mừng hôm nay (Chúa Nhật 2 Mùa Phục Sinh) được thực hiện bởi Caravaggio (1571–1610) mang tên “Sự hoài nghi của Thánh Tôma” (1602). Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Caravaggio - có lẽ là tác phẩm được sao chép nhiều nhất với 22 bản sao được biết đến chỉ riêng trong thế kỷ 17.
Nguyên bản được thực hiện cho Vincenzo Giustiniani, giờ đây tác phẩm được lưu trữ tại Sansscouci - một viện bảo tàng ở Potsdam, Đức. Caravaggio, họa sĩ baroque nổi tiếng người Ý, đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các họa sĩ khác cũng nổi tiếng không kém - Rubens, Rembrandt, Vermeer, Velazquez và Bernini. Cách ông diễn giải bản văn Phúc âm có thể dẫn chúng ta đến một số góc nhìn độc đáo, thường bị lờ đi và lãng quên trong các bài giảng quen thuộc về sự kiện này.
Giữa niềm hân hoan của sự phục sinh, Caravaggio đưa chúng ta đến sự phức tạp và mâu thuẫn của trải nghiệm như vậy, đồng thời chỉ ra hy vọng thực tế nổi lên từ những vùng đất khắc nghiệt nơi những người bình thường trong tranh của ông sinh sống.
Hãy để tôi thử phân tích bức tranh của Caravaggio.
Đầu tiên là cảm giác xung đột cảm xúc được miêu tả trên những vầng trán nhăn nheo và gương mặt đầy lo lắng của ba môn đệ. Trong khi ngón tay của Tôma khám phá các vết thương, Chúa Giêsu cũng co rúm lại trước tác động của ông. Ở cả hai khía cạnh, những gì Caravaggio muốn truyền tải là sự căng thẳng tâm lý mãnh liệt đóng vai trò là bối cảnh trực tiếp của Sự Phục Sinh.
Các môn đệ hẳn đã không có khoảng thời gian dễ dàng nào sau cái chết của Chúa Giêsu. Về mặt chính trị, có thể đã có những người quyết tâm truy bắt các môn đệ của Người. Vì thế, ta có thể hiểu được sự chối bỏ liên tục trước đó của Phêrô. Hoặc lý do tại sao tất cả họ đều phân tán vội vã và bỏ Chúa Giêsu lại một mình. Kể cả khi nỗi sợ hãi này chỉ là kết quả của hoang tưởng sau một bi kịch khắc nghiệt, các môn đệ cũng vô cùng mệt mỏi, thất vọng, tức giận, áy náy tội lỗi và trong tột cùng nỗi đau vì sự mất mát to lớn của họ. Những cái co rúm và gương mặt nhăn nhó của Caravaggio truyền tải tất cả những đấu tranh nội tâm này một cách rõ ràng nhất.
Trong trạng thái tâm lý như vậy, họ có hai lựa chọn: dùng đến bạo lực (để trả thù) hoặc sống một cuộc đời ẩn dật (trong sợ hãi). Họ đã chọn vế thứ hai. Vì vậy, khi Chúa Giê-su phá vỡ sự cô lập của họ, đó là điều bất ngờ nhất trong cuộc đời họ. Đúng vậy! Nhưng niềm vui sướng ấy cũng không tự động xóa nhòa căng thẳng trong tim họ và nỗi đau hằn trên gương mặt.
Trải nghiệm của những đứa trẻ mồ côi và những góa phụ của cuộc chiến chống ma túy (EJK) cũng cho thấy cảm giác tương tự. Họ muốn phản đối nhưng không thể. Vì vậy, hầu hết họ che giấu nỗi đau. Một số người thậm chí rời bỏ nơi mà họ từng ở để tránh phải chịu đựng sự hổ thẹn. Thật khó để đau buồn khi cả Tổng thống và những người hàng xóm đều đổ lỗi hoặc phớt lờ họ. Dẫu vậy, thật ngạc nhiên, Chúa Phục Sinh đã đến theo những cách không ngờ. Mọi người bắt đầu giúp đỡ, công việc được tạo cho họ, con cái họ được trở lại trường. Nhưng họ không sống một cuộc đời hạnh phúc mãi mãi về sau. Những nghi ngờ quay lại. Nỗi đau tái diễn. Vấn đề lại bắt đầu nảy sinh.
Một nhà bình luận về Caravaggio đã quan sát nhận thấy, khi Tôma nhìn vào vết thương của Chúa Giê-su, bàn tay trái của ông đang nắm lấy sườn của chính mình, như thể ông cũng bị thương. Sự Phục sinh không xóa đi những nỗi đau sâu sắc trong cuộc sống đày thương tích của chúng ta. Thay vào đó, nó khiến chúng ta nhìn vào vết thương của Chúa Giê-ssu và thấy ở đó một tia hy vọng le lói.
Chi tiết thứ hai: có một cảm giác hiện thực trong việc khắc họa các nhân vật của mình. Caravaggio, không giống như những nghệ sĩ đương thời, không yêu thích 'vẻ đẹp lý tưởng'. Những người mẫu của ông là dân nghèo đường phố, phụ nữ hành nghề mại dâm, người ăn xin,… Trong bức tranh, các môn đồ là những người lao động nghèo khổ với đôi bàn tay chai sạn trong bộ quần áo lao động, không phải những quí ông đáng kính trong bộ áo choàng hào nhoáng. Họ chỉ là những người dân bình thường: không có hào quang trên đầu; Áo của Tôma bị rách ở các đường may; và bàn tay đặt trên sườn bị đâm thủng của Chúa Giê-su vẫn còn lấm bẩn, có lẽ từ công việc mưu sinh.
Những người lao động như họ khó có thể có được thứ xa xỉ là thời gian để suy đoán vô ích và những “điều gì sẽ xảy ra nếu thế này thế kia” đầy vô nghĩa. Cuộc sống của họ đòi hỏi họ phải thực tế và hữu hiệu. Vì vậy, “Tôma hay nghi ngờ” hoàn toàn không phải là về sự hoài nghi tri thức hay thí nghiệm theo thuyết bất khả tri, thảo luận về mọi thứ không ngừng nghỉ cho đến khi Chúa đến. “Nghi ngờ” của Tôma là một câu hỏi trung thực xuất phát từ những đòi hỏi cấp bách trong cuộc sống hàng ngày của một người bình thường.
Tôma không thiếu can đảm. Thật vậy, ông đã sẵn sàng từ bỏ mạng sống của mình. Khi các môn đồ sợ trở về Jerusalem, ông nói: “Chúng ta cũng hãy đi để chết với thầy” (Gioan 11:16). Truyền thuyết kể rằng ông đã đi xa đến tận Syria và Ấn Độ, và chính cuộc đời ông đã kết thúc với cái chết của một vị tử đạo.
Nhưng ông cũng là một người thực tế. Khi Chúa Giê-su nói với họ rằng ngài sẽ chuẩn bị một chỗ cho họ và sẽ dẫn họ đến đó, Tôma nói: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường được?” (Gioan 14:5). Giống như những người quen sống trong những vùng đất khắc nghiệt, ông không thích ngôn ngữ siêu hình mơ hồ. Ông muốn mọi thứ được đặt ra bằng những thuật ngữ cụ thể. Khi mọi thứ không rõ ràng, ông hỏi, như trong bài Tin Mừng hôm nay.
Sau cái chết của Chúa Giê-su, Tôma không phải là người duy nhất liên tục đặt câu hỏi. Hầu như mọi người đều “nghi ngờ”, giống như đã xảy ra – những người phụ nữ đầu tiên đến ngôi mộ và chạy về; hai môn đồ trên đường đến Emmaus; Mary Magdalene, người đã đổ lỗi cho người làm vườn. Và phản ứng của Chúa Giê-su không phải là trách móc, đổ lỗi hay lên án, mà là sự thấu hiểu, cởi mở và lòng trắc ẩn sâu sắc.
Điều này dẫn tôi đến chi tiết tiết lộ thứ ba. Chúa Giê-su kiên nhẫn dẫn bàn tay bụi của Tôma đến bên sườn của mình như thể nói: “Ta hiểu những nghi ngờ của con. Tới đây, để ta giúp con.” Một thái độ như vậy là một thách thức đối với nhiều cá nhân và tổ chức – kinh tế, chính trị, tôn giáo – những kẻ không thể khoan dung cho những câu hỏi, không thể xử lý được sự bất đồng quan điểm, hoặc sợ hãi sự khác biệt và bị đe dọa bởi tính cách hoàn toàn khác lạ.
Chúng ta đã sống trong sáu năm qua dưới một chế độ bán độc tài ở Philippines. Giết người ngoài vòng pháp luật, cách tiếp cận bạo lực và quân sự đối với đại dịch, luật chống khủng bố, bôi nhọ—hãy kể ra, chúng ta có được tất cả. Tất cả những điều này là công cụ để gieo rắc nỗi sợ hãi, để ngăn chúng ta đặt câu hỏi, để bịt miệng sự bất đồng quan điểm. Sợ hãi là dấu hiệu của cái chết. Tự do là dấu hiệu của sự phục sinh.
Cách nuôi dạy truyền thống của người Philippines—trong gia đình, trường học, nhà thờ—của chúng ta không khuyến khích chúng ta cách thăm dò hoặc hỏi han. Chúng ta chủ yếu được đào tạo để làm theo, không phải để đặt câu hỏi. Và nếu chúng ta dám hỏi, chúng ta sẽ gặp rắc rối.
Ở trạng thái tốt nhất, chúng ta được khuyên dỗ chỉ làm theo và tuân thủ theo hàng lối. Chúng ta thường được bảo: “Sumunod ka na lang. Wala namang mawawala sa ‘yo.” (Cứ làm theo và vâng lời đi. Sẽ không mất gì cả đâu!). Tệ nhất, chúng ta bị đe dọa, quấy rối, loại trừ, bị giết vì điều mình tin khác với điều mọi người tin.
Nhưng có lẽ cần ghi nhớ rằng một niềm tin không được tôi luyện bằng sự nghi ngờ sẽ trở nên nguy hiểm; một tôn giáo quá chắc chắn về chân lý của riêng mình có nguy cơ trở nên độc đoán. Như Mark Taylor đã viết: “Xung đột tôn giáo sẽ không còn là vấn đề đấu tranh giữa niềm tin và sự vô tín, mà là cuộc đụng độ giữa những tín đồ biết dành chỗ cho sự nghi ngờ và những người không chấp nhận điều đó.”
Cuối cùng, hãy để tôi quay trở lại bức tranh của Caravaggio. Ba người đàn ông lớn tuổi, một trong số họ là Tôma, đang cùng nhau tìm kiếm sâu xa về sự thật của sự phục sinh. Được chiếu sáng bởi nguồn sáng trong kỹ thuật chiaroscuro (sáng-tối), đầu của họ hợp thành một vòng tròn với Chúa Giê-xu — một hình ảnh mạnh mẽ về cuộc tìm kiếm chung liên tục. Mặc dù đang ở trong sự hiện diện của Chúa Giê-su và chứng kiến vết thương của Người, hành trình tìm kiếm vẫn chưa dừng lại. Nó luôn luôn tiếp diễn — điều thể hiện qua những vầng trán nhăn nheo của họ.
Nếu tôi có thể nói thêm về những gì đang xảy ra ở Philippines ngày nay, chúng ta lại phải trải qua nỗi sợ hãi. Chúng ta sợ rằng 20 năm độc tài mà chúng ta đã phải chịu đựng dưới chế độ Marcos — với tất cả những vụ giết người và tham nhũng — sẽ quay trở lại cùng con trai ông ta, người đang dẫn đầu trong tất cả các cuộc thăm dò bầu cử hiện nay. Chúng ta sợ chế độ bạo lực của Duterte với hàng nghìn người vô tội đã bị giết hại sẽ trở lại cùng với con gái ông ta; và theo sau cô ấy là tất cả bè lũ tham nhũng chính trị và những gã hề thối nát mà bạn có thể tưởng tượng.
Tuy nhiên, người dân bình dị, đàn ông phụ nữ bình thường, những người trẻ và người già, đang từ từ, vững vàng tiến bước trên đường phố Philippines, từng bước thuyết phục người dân, tình nguyện đóng góp thời gian và tài năng của họ, với hy vọng mãnh liệt rằng "cơn sóng thần" chính trị này sẽ không xảy ra. Trong tinh thần của Chúa Phục Sinh, nỗ lực chung, cuộc tìm kiếm chung vẫn tiếp tục diễn ra với tâm thế hy vọng, vui tươi và sáng tạo. Liệu chúng ta có thành công? Chỉ có Chúa mới có thể giúp chúng ta.
André Gide, một nhà văn Pháp đoạt giải Nobel Văn học năm 1947, đã từng viết: “Hãy tin vào những người đang tìm kiếm chân lý. Hãy nghi ngờ những kẻ nói rằng họ đã tìm thấy nó.”
Có hai mặt trong hình ảnh Tôma được khắc họa trong Kinh Thánh: sự nghi ngờ (“Tôi cần đặt tay vào sườn Người”) và sự tin tưởng (“Lạy Chúa tôi và Thiên Chúa của tôi”). Cả hai đều rất quan trọng đối với hành động đức tin của mỗi người. Chỉ khi sự căng thẳng này được đảm bảo, đức tin của chúng ta mới thực sự sống động và cuộc sống của chúng ta mới thực sự có niềm tin.
Thánh Augustine nhắc nhở chúng ta rằng, trên thực tế, "nghi ngờ là một yếu tố của đức tin" - một lời nhắc nhở rất hữu ích khi đối mặt với sự cuồng nhiệt và nhiệt thành mù quáng - không chỉ đối với tôn giáo mà còn đối với niềm tin chính trị. Bởi vì như nhà văn Lebanon vĩ đại Kahlil Gibran đã viết: "Nghi ngờ là một nỗi đau quá cô đơn để biết rằng đức tin là người anh em sinh đôi của nó."
Nghi ngờ là biết rằng khi chúng ta tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta vẫn chưa đến đích; khi chúng ta liên tục yêu thương, chúng ta vẫn chưa trao đi tất cả; và khi chúng ta thành thật tin tưởng, chúng ta vẫn chưa và không bao giờ có thể nắm bắt hoàn toàn mọi thứ.
Daniel Franklin Pilario, CM
Vincentian Chair for Social Justice
St. John's University - New York
Duc Trung Vu, CSsR dịch