Về vụ giải cứu 5 thừa sai Pháp năm 1843
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Về vụ giải cứu 5 thừa sai Pháp năm 1843
Trong một lá thư chung của Hội Thừa sai Paris có nhắc về việc giải cứu 5 nhà thừa sai pháp khỏi án tử hình ở Đàng Trong. Nay tôi mới tìm được một bài báo khác bằng tiếng Anh, trên tờ South Australian Register năm 1843, nay xin dịch lại để bạn đọc tham khảo:
Sau khi thuyền trưởng L'Eveque tuyên bố hùng hồn cách đây khoảng một năm sẽ về Pháp để báo cáo những sự kiện liên quan đến chiếc tàu Ville de Bordeaux, thì dường như như ông đã lênh đênh trên vùng biển Trung Hoa, và bây giờ mới thực sự trên đường đến châu Âu.
Những sự kiện liên quan đến chuyến hải trình của ông, và việc giải cứu năm nhà truyền giáo khỏi những hành hạ dã man chưa từng có ở Đàng Trong, được lấy từ một tờ báo Singapore gần đây, và sẽ là chủ đề đáng mong đợi và nhận được sự quan tâm rộng rãi:
Trong tuần này, tàu hộ vệ Pháp L'Héroine do ông L'Eveque chỉ huy, đã cập cảng Singapore từ Đàng Trong, trên tàu có năm nhà truyền giáo Pháp, thuộc cùng một hội truyền giáo Công giáo với các nhà truyền giáo Công giáo đã ở đây, những người này đã được đón tiếp nồng nhiệt. Những vị linh mục đáng kính này là các cha Berneux, Galy, Charrier, Miche và Duclos, tất cả năm người bị giam cầm trong tù ở Đàng Trong, bị gông cùm và bị đối xử tàn bạo khi tàu L'Héroine, khi quay trở lại từ chuyến tuần tra Trung Quốc, thả neo ở vịnh Turon (chú thích: Vịnh Đà Nẵng) để đòi thả họ.
Hai người đầu tiên, các cha Berneux và Galy, bị bắt vào ngày 11 tháng 4 năm 1841, ở một nơi ở Tây Đàng Ngoài, cách kinh đô Huế của Vương triều Đàng Trong khoảng 480 dặm. Sau khi bị đánh đập dã man, họ bị nhốt vào một cái lồng chật hẹp, rồi bị đưa đến kinh đô, mất 50 ngày để đến nơi, ở đó họ bị đưa ra xét xử trước các tòa án của các quan quân khác nhau hơn 30 lần, và bị đánh roi dã man nhiều lần, máu phun ra từ mỗi vết roi, thậm chí thịt đôi khi cũng bị bay ra thành mảnh vụn dưới làn roi. Họ cũng bị đe dọa tra tấn bằng kềm nung đỏ, những cái kềm được đốt nóng ngay trước mặt họ, và những lời đe dọa đó sẽ được thực hiện nếu vị thẩm phán có thẩm quyền tuyên án hình thức trừng phạt này có mặt lúc đó. Các quan lại sử dụng mọi cách để buộc những người không may này từ bỏ đức tin mà họ tự xưng là những nhà thừa sai, và giẫm đạp lên biểu tượng thiêng liêng của đức tin của họ, những thứ mà các nhà truyền giáo chỉ càng hôn kính một cách chân thànhmỗi khi nó được đưa ra trước mặt họ, trong khi họ từ chối một cách quyết liệt nhất để tuân theo. Sau đó, họ được đề nghị kết hôn, với sự đảm bảo rằng với điều kiện đó, nhà vua Đàng Trong sẽ tha thứ cho họ vì đã đến vương quốc của ông mà không có sự cho phép, một đề nghị mà các nhà truyền giáo đã từ chối với sự kinh tởm. Cuối cùng, họ bị kết án tử hình, và bị tuyên án chém đầu vào đầu tháng 10 năm 1841, và đầu của họ sẽ được treo trên đầu một cây giáo ở ngoài chợ trong vòng ba ngày. Các thẩm phán háo hức thực hiện bản án này, nhưng nhà vua trả lời họ rằng: "Họ sẽ chết khi ta muốn".
Ở Đàng Trong, không bản án tử hình nào có thể được thực hiện mà không có sự chuẩn y của chính nhà vua, và trong trường hợp này, những nạn nhân dự định cho rằng sự chậm trễ này có liên quan đến một số tính toán nhất định với các hoạt động của lực lượng Anh ở Trung Quốc.
Cha Charrier bị bắt vào ngày 6 tháng 10 năm 1841, và giống như các anh em của mình, cha bị nhốt vào một cái lồng, trong đó họ giam giữ ngài trong 19 ngày. Cha bị đánh đập công khai tại điện của viên quận trưởng, bị gánh một cái gông nặng 40 cân và một xích sắt 20 cân. Nhà vua cũng can thiệp trong trường hợp này, biết rằng lúc đó tàu chiến Pháp đang ở ngoài khơi Trung Quốc.
Các cha Miche và Duclos không bị bắt mãi cho đến ngày 16 tháng 2 năm 1842, tại một vùng lãnh thổ Vương quốc Pheu, cách biên giới Đàng Trong sáu ngày đi bộ. Những vị linh mục đáng kính này cũng bị kết án tử hình xử trảm, nhưng như trước đây, nhà vua một lần nữa hoãn việc thi hành án của họ.
Các nhà truyền giáo Pháp kể lại các cuộc thẩm vấn và hình phạt họ phải chịu đựng có nhiều chi tiết thú vị và đáng chú ý. Họ bị giam trong những xà lim ẩm ướt, tối tăm, ngang bằng mặt đất, cùng với các tù nhân khác, đầy chấy rận mà không thể tự giữ mình sạch sẽ. Phần ăn của họ bị giới hạn ở 20 bát thóc mỗi tháng, nhưng không có phương tiện để xay xát hay củi để nấu ăn.
Thời gian bị giam cầm của các cha Bernaux và Galy là 23 tháng, và trong suốt thời gian đó, mỗi người bị mang một xích nặng, quấn quanh cổ, rồi thòng xuống giữa người, chỗ mà nó tách ra làm hai xích, mỗi xích bị xiềng vào một chân.
Mặc dù chỉ huy của L’Héroine đã không nhận được chỉ thị nào từ Chính phủ để giải thoát các nhà truyền giáo, ông đã tự mình chịu trách nhiệm đòi giao nộp họ nhân danh Chính phủ và dân tộc Pháp, với tư cách là đồng hương đang rên rỉ trong xiềng xích, và những tiếng kêu cứu mà ông đã nghe thấy. Người đứng đầu Đàng Trong lúc đầu trốn tránh, nhưng cuối cùng đồng ý giao nộp các nhà truyền giáo.
Vào ngày 12 tháng 3 vừa qua, xiềng xích của họ được tháo ra; và vào ngày 16 họ được gửi đến tàu hộ vệ, chỉ huy của nó đã đón tiếp họ với tất cả sự nhiệt tình của một đồng hương, và dành cho họ tất cả sự chăm sóc và quan tâm mà tình trạng của họ đòi hỏi. Chiếc tàu hộ vệ mới ra khơi, thì một lá thư của Giám mục, Giám mục Phủ doãn Tông Tòa Địa phận Đàng Trong, gửi đến chỉ huy yêu cầu ông trả lại các nhà truyền giáo. Ông L'Eveque khá ngạc nhiên về yêu cầu này, nhưng các nhà truyền giáo, ngay khi nghe biết Đức Giám mục kêu gọi họ, cũng tha thiết yêu cầu vị chỉ huy đáp ứng mong muốn của ngài, nhưng vị sĩ quan này vẫn cương quyết từ chối. Tuy nhiên, sau nhiều lời yêu cầu, ông chấp thuận để lại Singapore các cha Miche và Duclos, trong đó cha Miche được bề trên chỉ định đứng đầu trường dành cho người Hoa ở Penang, và cha Duclos sức khỏe rất yếu khi ra biển. Các cha Bernaux, Charrier và Galy sẽ đi Pháp trên tàu L’Héroine.
Duc Trung Vu, CSsR