Đại lễ Phật đản 2024: Đức Phật và lý Duyên khởi
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Đại lễ Phật đản 2024:
Đức Phật và lý Duyên khởi
Donald S. Lopez, giáo sư giảng dạy Phật học và Tây Tạng học tại Đại học Michigan, đã viết về giây phút giác ngộ và thành đạo của Đức Phật trong mục từ “Đức Phật” của Bách khoa toàn thư Anh: “Một đêm rằm tháng 5, 6 năm sau khi rời bỏ cung điện, ngài trầm tư mặc tưởng cho đến khi bình minh hé rạng. Mara, thần Dục vọng, biết rằng vị thái tử sẽ triệt tiêu được dục vọng và thoát khỏi sự khống chế của mình, đã tấn công ngài với những cơn gió, những cơn mưa, những viên đá, những vũ khí, những hòn than nóng, tro nóng, cát bùn và bóng tối. Nhưng vị thái tử vẫn thản nhiên như không và tiếp tục suy tưởng về tình yêu thương, biến tất cả những đòn thù của Mara thành những đóa hoa rạng ngời. Mara liền phái 3 cô con gái xinh đẹp của mình là Dục vọng, Thèm khát và Bất mãn đến để cám dỗ ngài, nhưng ngài vẫn không mảy may xúc động. Vô cùng tuyệt vọng, Mara đòi Ngài trả lại cho hắn chỗ trên mặt đất ngài đang ngồi, viện lẽ chỗ ấy thuộc quyền sở hữu của hắn. Và thế là diễn ra một cảnh tượng sẽ được thể hiện rất nhiều trong nghệ thuật Phật giáo châu Á là vị thái tử vẫn ngồi trầm tư mặc tưởng trên mặt đất, giơ bàn tay phải ra chạm vào mặt đất. Khi đưa tay chạm vào mặt đất, ngài đã yêu cầu nữ thần Mặt đất xác nhận rằng trong tiền kiếp, khi còn là hoàng tử Vessantara, ngài đã tặng cho bà một món quà là mặt đất nên giờ đây ngài hoàn toàn có quyền ngồi trên mặt đất dưới bóng cây bồ đề. Nữ thần Mặt đất đã xác nhận điều này bằng cách làm cho mặt đất rung chuyển và Mara đã phải bỏ đi. Ngài lại ngồi trầm tư suốt đêm và vào canh một, thấy lại tất cả những kiếp trước của mình, nhớ lại mình là ai, tên gì, sinh ở đâu, thuộc đẳng cấp nào. Đến canh hai, ngài thấy nghiệp báo của con người trong vòng luân hồi sinh tử và đến canh ba, chỉ vài giờ trước khi bình minh hé rạng, ngài đã đạt tới sự giải thoát. Người ta đã không thống nhất với nhau về điều ngài đã thấu hiểu trong giây phút ấy. Có người cho là ngài đã tìm thấy tứ diệu đế: bản chất của khổ, nguồn gốc của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ. Người khác lại cho rằng ngài đã nhận biết lý Duyên khởi: vô minh dẫn tới hành động và dẫn tới sinh, lão và tử nên một khi đã thoát khỏi vô minh, sinh, lão và tử cũng sẽ không còn nữa. Dù cách lý giải có khác nhau như thế nào, mọi người đều thừa nhận rằng đêm rằm (đêm 15 tháng 4) ấy, ngài đã thành Phật, trở thành bậc giác ngộ đã thoát khỏi vô minh và trí tuệ đã bao trùm cả vũ trụ…”
Theo Bách khoa toàn thư của Anh (Encyclopedia Britannica), “duyên khởi (paticca-samuppada trong tiếng Pali, Đoàn Trung Còn dịch là “thập nhị nhân duyên”) chính là khái niệm cơ bản của Phật giáo chỉ chuỗi các nguyên do phụ thuộc vào nhau dẫn đến sự phát sinh của đau khổ và những điều không thể không xảy ra trong cuộc đời mỗi người là già, chết và tái sinh. Sự sống được coi như một chuỗi sự kiện vật chất và tâm lý có liên quan với nhau, nhưng mỗi sự kiện tự nó không có tự tính, không có tính chất độc lập và có tính chất vô thường. Các sự kiện này xảy ra hàng loạt, mỗi nhóm sự kiện lại làm phát sinh một nhóm sự kiện khác và thường được gọi là 12 nhân duyên (thập nhị nhân duyên - nidana)".
Nidana (nhân duyên) là một từ trong tiếng Phạn (Sanskrit) có nghĩa là “nguyên do”, “lý do” hay “cơ hội”: “ni” có nghĩa là “với”, “da” hay “dana” có nghĩa là bị “trói buộc”. Trong bài tụng ca 10.114.2 của kinh Rigveda, “nidana” có nghĩa là “nguyên khởi”, “nguyên nhân ban đầu” hay “nguyên nhân có liên quan”, được ví như sợi dây trói buộc vật này với vật khác, chẳng hạn như sợi dây buộc con ngựa vào chiếc xe, còn trong những bài giảng pháp của Đức Phật, “nidana” có nghĩa là “thập nhị nhân duyên”. Trong kinh “Tương Ưng Bộ II” (Samyutta Nikàya), Đức Phật đã thuyết minh về thập nhị nhân duyên (Duyên khởi) như sau: "Do vô minh, có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh sinh, có lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh, hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Điều đó gọi là Duyên khởi…".
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã lý giải quan niệm của Đức Phật về duyên khởi: “Thập nhị nhân duyên (pratitya samutpada hay duyên khởi có nghĩa là mọi vật khởi phát trong sự lệ thuộc vào nhau) là một quan điểm sâu sắc và tinh tế làm nền tảng của mọi thực hành và nghiên cứu về đạo Phật. Pratitya samutpada có khi còn được gọi là quan điểm về nhân quả, nhưng ý kiến này hoàn toàn sai vì người ta thường nghĩ rằng nhân và quả là hai thực thể độc lập và nguyên nhân thường có trước hậu quả, trong khi theo thuyết duyên khởi, nhân và quả khởi phát cùng một lúc (samutpada) và mọi vật đều là hệ quả của nhiều nguyên do và điều kiện. Trứng ở trong con gà và con gà ở trong trứng, trứng và gà khởi phát trong mối tương quan phụ thuộc vào nhau. Duyên khởi vượt khỏi mọi ý niệm của chúng ta về không gian và thời gian. Đức Phật đã trình bày lý duyên khởi bằng những lời lẽ rất giản dị: “Điều này có vì nó có. Điều đó không có vì nó không có. Điều đó sắp có vì nó sắp có. Điều kia không còn nữa vì nó không còn nữa". Người ta có thể thấy lời dạy này của Đức Phật hàng mấy trăm lần trong các kinh Bắc tạng và Nam tạng. Câu quen thuộc trong những kinh tạng này là: “3 cây sậy đã cắt chỉ đứng được khi tựa vào nhau. Khi lấy đi một cây, hai cây kia sẽ ngã xuống”. Sau khi nghe Đức Phật dạy về lý duyên khởi, đại đệ tử Ananda đã nói với Ngài: “Thưa Đức Thế tôn, lý duyên khởi rất huyền nhiệm và tinh tế, nhưng con lại thấy nó rất đơn giản”. Đức Phật đáp: “Ananda, con đừng nói như vậy. Lý duyên khởi sâu xa và huyền nhiệm lắm. Ai có thể thấu hiểu lý duyên khởi đều có thể thấy Phật”.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, các phái của Phật giáo đã phân tích lý Duyên khởi của ngài, nêu ra nhiều điều kiện và nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng tựu trung có 12 nhân duyên (nidana) đã được đúc kết bởi kinh tạng suốt mấy ngàn năm qua" (The Heart of the Buddha's Teaching, tr. 221, 222).
Ảnh: Đức Phật với thủ ấn (mudra)