Phật giáo Đại thừa: bối cảnh ra đời và ảnh hưởng
Phật giáo Đại thừa: bối cảnh ra đời và ảnh hưởng
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết về bối cảnh ra đời của Phật giáo Đại thừa: “Phật giáo nguyên thủy là những lời dạy của Đức Phật lịch sử, tức Thích Ca Mâu Ni, lúc Ngài còn tại thế. Thời kỳ của Phật giáp nguyên thủy là một thời kỳ hợp nhất: chỉ có kinh tạng (những lời dạy của Đức Phật) và luật tạng (những giới luật).
Thế rồi 150 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, các phái của Phật giáo hình thành, tăng đoàn (tăng già - shanga) nguyên thủy phân hóa thành 2 phái: Theravada (Thượng tọa bộ) theo quan điểm bảo thủ và Mahasanghikavada (Đại chúng bộ) có quan điểm cấp tiến hơn.
Theo thời gian, 2 phái này lại phân hóa thành nhiều phái, có người cho là có 18 phái, có người lại cho là có tới 25, 26 phái, mỗi phái có kinh tạng và luật tạng riêng.
"Theravada" (Thượng tọa bộ) là một từ Pali; từ Sanskrit tương đương là "Sthaviravada". Phái Đại thừa hình thành từ Mahasanghika (Đại chúng bộ) và các kinh văn của Phật giáo Đại thừa đã xuất hiện khi phái này phát triển mạnh mẽ. Bản văn Đại thừa xuất hiện trước tiên là bản văn Bát nhã Tâm kinh (Prajnaparamita).
Vì vậy, có thể nói Phật giáo đã phát triển qua 3 giai đoạn:
1. Phật giáo nguyên thủy
2. Các tông phái Phật giáo
3. Phật giáo Đại thừa.
Khi Phật giáo Đại thừa phát triển, những người tu học theo phái Đại thừa (Mahayana, Đại thặng) đã gọi những người không theo phái của mình là Tiểu thừa / Hinayana, Tiểu thặng (thật ra, “Yana” trong tiếng Sanskrit có nghĩa là “chiếc phà” qua sông).
Chữ “tiểu” ở đây có hàm ý: “Cỗ xe (hay chiếc phà) của các anh không thể chở được nhiều người, chỉ có thể chở mỗi người trong các anh. Cỗ xe của chúng tôi có thể chở được hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn người”. Chữ “tiểu” và chữ “đại” cho thấy có sự cạnh tranh giữa các tông phái của Phật giáo.
Khi các định chế của Phật giáo phát triển, truyền thống bảo thủ dần dần thắng thế, và thay vì tìm kiếm những cách giảng pháp và tu tập có ích trong đời sống hàng ngày, các thành viên của tăng đoàn lại dành hết thời gian để phân tích những điều tế vi trong giáo pháp của Đức Phật, nghiên cứu kỹ lưỡng những bản văn Abhidharma (kinh A Tì Đàm), những ghi chú và luận giải về những lời dạy của Đức Phật.
Người ta có thể chẻ sợi tóc ra làm tư hay làm tám và kinh A Tì Đàm có rất nhiều phân tích theo kiểu chẻ sợi tóc ra làm tư như vậy. Khi kiên quyết giữ quan điểm bảo thủ như vậy, tăng đoàn đã không thể hoàn thành sứ mạng và trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Vài trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt, tăng đoàn không còn dấn thân nữa, không còn quan tâm tới đời sống ở bên ngoài các ngôi chùa. Thế nhưng Phật giáo vẫn phải phát triển để duy trì truyền thống linh hoạt của mình. Vì lẽ đó, vào đầu thế kỷ 1, một phái cấp tiến đã hình thành từ phái Mahasanghika, được gọi là phái Đại thừa (Mahayana). Các kinh văn của phái Đại thừa cho rằng những điều tốt đẹp nhất đã có sẵn trong truyền thống, nhưng đã không được phát huy do quan điểm bảo thủ đã thắng thế suốt một thời gian dài. Phái Đại thừa muốn nhấn mạnh vào một ý tưởng của Đức Phật:
Ai cũng có Phật tính và ai cũng có thể thành Phật. Điểm then chốt trong quan điểm của Phật giáo Đại thừa là: Ai cũng có thể thành Phật. Điều mà Thái tử Tất Đạt Đa đạt được, ai trong chúng ta cũng có thể đạt được. Mỗi người trong chúng ta đều có thể thành Phật, và trên bước đường thành Phật, ai cũng có thể trở thành bồ tát…” (Peaceful action, open heart – Lessons from the Lotus Sutra, Thích Nhất Hạnh, tr. 13-18)
Khi vua Kanishka (Ca Nị Sắc vương) lên ngôi vào năm 127 Công nguyên, đế chế Kushan nằm ở vùng thượng lưu của sông Indus và sông Gange đã rất hùng mạnh và rộng lớn, trải dài từ đồng bằng Oxus ở phía Tây Bắc Ấn đến Varanasi ở phía Đông, từ Kashmir ở phía Bắc đến Mathura và Gujarat ở phía Đông Nam. Kinh đô là Purushapura, hiện nay là thành phố Peshawar ở Pakistan. Vua Kanishka đã được tán tụng như là người đã đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của Phật giáo Đại thừa vì dưới sự bảo trợ của ông, Đại hội Phật giáo kết tập kinh điển lần thứ 4 đã được tổ chức khoảng năm 78 (năm 618 Phật lịch) tại thành Kashmir của đế chế Kushan, 400 năm sau khi Đức Phật nhập diệt. Dưới sự chủ tọa của đại sư Vasumitra (Thế Hữu), 500 vị tỷ kheo tham dự đại hội kết tập này đã hệ thống hóa lại các bộ luận của phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin), phái tách ra từ Thượng tọa bộ (Theravada) dưới thời vua Ashoka (A Dục). Đại hội này chính là khởi điểm của sự phát triển của Phật giáo Đại thừa (Mahayana) và từ đó, Phật giáo đã truyền sang Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 2.
Một đoạn trong kinh Diệu pháp liên hoa (còn gọi là kinh Pháp Hoa - Lotus sutra), một trong những kinh văn có ảnh hưởng sâu rộng nhất của Phật giáo Đại thừa, có kể rằng khi mới nghe Đức Phật giảng rằng ai cũng có Phật tính, ai cũng có thể thành Phật, đại đệ tử của Ngài là Xá Lợi Phất (Sariputra) cho là Ma vương (Mara) đã cải trang thành Đức Phật để giảng về một điều khó tin. Mãi một lúc sau, khi thật sự tin rằng lời giảng này về Phật tính chính là lời giảng của Đức Phật, ông rất đỗi vui mừng.
Kinh Diệu pháp liên hoa chép:
“Khi con mới nghe
Đức Thế tôn nói,
trong lòng cả sợ
ngờ vực hết sức:
phải chăng đây là
Ma vương làm Phật
để gây rối loạn
tâm trí của con?
Nhưng rồi Thế tôn
thiện dụng các thứ
yếu tố, ví dụ,
lời chữ tuyệt hảo,
làm cho lòng con
yên như biển cả:
nghe rồi lòng con
sạch hết ngờ vực.
Thế tôn công bố
con đường đích thực,
việc ấy Ma vương
không thể làm được.
Vì vậy mà con
biết chắc chắn rằng
không phải Ma vương
làm ra Đức Phật,
chỉ vì con sa
vào lưới ngờ vực
nên bảo đó là
Ma vương làm ra.
Tiếng nói dịu ngọt
của Đức Thế tôn
cực kỳ thâm thúy,
diễn đạt về pháp
cực kỳ trong suốt.
Nghe tiếng nói ấy
lòng con sinh ra
vui mừng hết sức,
vì nó hết hẳn
ngờ vực hối tiếc,
đứng vững ở trong
trí tuệ chắc thật.
Là con biết chắc
mình sẽ làm Phật,
chư thiên nhân loại
ai cũng tôn kính,
chuyển đẩy bánh xe
chánh pháp vô thượng,
giáo hóa khai thị
chư vị bồ tát…”
Ảnh: Đức Phật và bản đồ Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền
Last updated
Was this helpful?