Bồ Đề Đạt Ma, vị tổ thứ 28 của Thiền tông
Bồ Đề Đạt Ma, vị tổ thứ 28 của Thiền tông
Thiền tông là một tông phái của Phật giáo Đại thừa hình thành trong khoảng thế kỷ 6, thế kỷ 7 khi Bồ Đề Đạt Ma đưa phép Thiền của đạo Phật vào Trung Quốc, hấp thụ một phần nào đạo Lão. Tại Trung Quốc, Thiền tông trở thành một tông phái lớn với mục đích là hành giả trực nhận được bản thể của sự vật và đạt giác ngộ như Thích Ca Mâu Ni đã đạt được dưới gốc cây Bồ đề. Thiền tông là môn phái quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mạnh mẽ mọi nghi thức tôn giáo và mọi lý luận về giáo pháp. Thiền tông chỉ khuyên hành giả tọa thiển (zazen trong tiếng Nhật) vì đó là con đường ngắn nhất, đồng thời cũng là con đường khó nhất. Những nét đặc trưng của Thiền tông có thể tóm tắt như sau:
“Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tính thành Phật”.
(Truyền giáo ngoài kinh điển
Không lập văn tự
Chỉ thẳng tâm người
Thấy tính thành Phật)
Truyền thuyết cho rằng quan điểm “truyền giáo pháp ngoài kinh điển” đã do Đức Phật vận dụng trên núi Linh Thứu. Trong pháp hội đó, ngài im lặng đưa lên một cành hoa và chỉ có Ma ha Ca diếp (Mahakasyapa), một đại đệ tử, mỉm cười lĩnh hội ý chỉ của cách “Dĩ tâm truyền tâm” (Lấy tâm truyền tâm). Đức Phật ấn chứng cho Ca diếp là sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ. Từ đó, Thiền tông coi trọng đốn ngộ (giác ngộ ngay tức khắc) trên con đường tu học.
Thiền tông Ấn Độ truyền đến đời thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Điều hệ trọng nhất của Thiền tông là “tại đây” và “bây giờ”. Đầu thế kỷ 6, Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Quốc và được xem là sơ tổ của Thiền tông tại đây. Suốt thời gian từ đó đến Lục tổ Huệ Năng, Phật giáo và Lão giáo đã có nhiều trộn lẫn với nhau, nhất là trong phái Thiền đốn ngộ của Huệ Năng phát triển ở miền Nam Trung Quốc. Một phái Thiền khác ở phía Bắc do Thần Tú chấp nhận “tiệm ngộ”, tức là ngộ theo cấp bậc, không kéo dài được lâu. Phái Thiền của Huệ Năng phát triển như một ngọn đuốc chói sáng, nhất là vào thời Đường, đầu đời Tống và sản sinh vô số vị thiền sư danh tiếng.
Thiền tông vứt bỏ những nghi thức rườm rà, những luận giải khó hiểu, là sự tổng hợp độc đáo của hai giáo lý, hai học thuyết nền tảng của Phật giáo Đại thừa Ấn Độ: Trung quán (Madhyamaka) và Duy thức (Vijnanavada). Người ta có thể hiểu phần nào những hành động, lời nói, phương pháp hoằng hóa mâu thuẫn, nghịch lý của các vị thiền sư nếu nắm được giáo lý của Trung quán và Duy thức. Trong các tập công án của Thiền tông, người ta có thể nhận ra hai loại: 1. Những công án xoay quanh thuyết Thật tưởng của Trung quán tông (Madhyamika), tức là tất cả đều là Không và 2. Những công án với khái niệm “Vạn pháp duy tâm” (Cittamatra) của Duy thức tông" (theo “Từ điển Phật học Đạo Uyển”).
Tương truyền, Bồ Đề Đạt Ma sinh ra trong một gia đình thuộc đẳng cấp bà la môn ở miền Nam Ấn Độ. Một số truyền thuyết khác lại cho rằng ông là con trai thứ ba của một vị vua. Ông nghiên cứu Phật pháp với Bát Nhã Đa La (Prajnadhara), vị tổ thứ 27 của Thiền tông, và học được phương pháp giáo ngoại biệt truyền. Sự tích truyền pháp của Bát Nhã Đa La cho Bồ Đề Đạt Ma được thuật lại như sau:
Tổ hỏi: "Trong mọi thứ, thứ gì vô sắc?" Bồ Đề Đạt Ma đáp: "Vô sinh vô sắc". Tổ hỏi tiếp: "Trong mọi thứ, cái gì vĩ đại nhất?"- Bồ Đề Đạt Ma đáp: "Phật pháp vĩ đại nhất".
Năm 520, ông vân du về phía Đông Trung Quốc và có cuộc hội kiến với Lương Vũ Đế, vị vua sáng lập triều Lương thời Nam Bắc triều. Lương Vũ Đế hỏi ông mình đã có được công đức gì khi cho xây nhiều ngôi chùa. Bồ Đề Đạt Ma đáp rằng những hành động bên ngoài như xây chùa chẳng mang lại công đức gì hết vì điều cốt yếu là quán tưởng (meditation).
Cuộc gặp gỡ giữa Bồ Đề Đạt Ma và Lương Vũ Đế được các ngữ lục ghi lại như sau:
“Là một người phụng sự đạo Phật, Lương Vũ Đế đã cho xây trong nước mình nhiều chùa chiền, bảo tháp. Vũ Đế hỏi nhà sư Ấn Độ: "Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?"
Đạt Ma đáp: "Không có công đức gì hết!”
- "Tại sao không công đức?"
- "Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật."
- "Vậy công đức chân thật là gì?"
Đạt Ma đáp: "Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không, vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được."
Vua lại hỏi: "Nghĩa tối cao của thánh đế là gì?"
- "Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh."
- "Ai đang đối diện với trẫm đây?"
- "Không biết."
Lương Vũ Đế không hiểu được điều ông nói, không muốn gặp ông nữa.
Sau đó, Bồ Đề Đạt Ma vượt Trường Giang bằng một chiếc thuyền nhỏ (chiếc thuyền về sau trở thành một đề tài của hội họa Thiền), đến chùa Thiếu Lâm ở miền Bắc Trung Quốc. Ông ngồi quay mặt vào tường (diện bích) suốt 9 năm. Người ta không biết rõ Bồ Đề Đạt Ma mất tại đó hay rời chùa Thiếu Lâm sau khi truyền pháp cho đệ tử Huệ Khả. Theo một truyền thuyết thì Bồ Đề Đạt Ma về lại Ấn Độ sau 9 năm lưu lại Trung Quốc. Theo một thuyết khác thì Bồ Đề Đạt Ma sống đến 150 tuổi, cuối cùng bị đầu độc và được an táng ở Hồ Nam. Sau đó, một vị tăng đi hành hương ở Ấn Độ về gặp Bồ Đề Đạt Ma trên núi Hùng Nhĩ. Bồ Đề Đạt Ma tay cầm một chiếc dép, cho biết mình trên đường về Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tiếp nối dòng Thiền của mình. Về tới Trung Quốc, vị tăng này vội báo cho đệ tử, đệ tử mở áo quan ra thì không thấy gì cả, chỉ còn một chiếc dép. Vì sự tích này, tranh tượng của Bồ Đề Đạt Ma hay được vẽ hay tạc với vai vác gậy mang một chiếc dép.
Kinh “Lăng già” của Phật giáo Đại thừa
“Nhập Lăng già kinh” (một tên gọi khác của kinh “Lăng-già) là một bộ kinh Đại thừa đặc biệt nhấn mạnh đến tính giác ngộ nội tại, qua đó mọi hiện tượng nhị nguyên đều biến mất, đạt tâm vô phân biệt. Đó là tâm thức đã chứng được Như Lai tạng (tathagata-garbha) vốn có trong mọi loài. Kinh này chỉ rõ văn tự không đóng vai trò quan trọng trong việc trao truyền giáo pháp.
Kinh này có 3 bản dịch Hán ngữ:
1. Bản dịch của Cầu-na Bạt-đà-la (Gunabhadra) dưới tên “Lăng-già A-bạt-đa-labao kinh” gồm 4 quyển;
2. Bản của Bồ-đề Lưu-chi (Boghiruci) với tên “Nhập Lăng-già kinh” gồm 10 quyển;
3. “Đại thừa nhập Lăng-già kinh”của Thật-xoa Nan-đà (Siksananda) gồm 7 quyển.
Những thuyết trong kinh này rất gần với quan điểm của Thiền tông. Cùng với kinh Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa và Đại thừa khởi tín luận (Mahayana-nasraddhotpada- sastra), kinh “Nhập Lăng –già” là một trong những bộ kinh Đại thừa có ảnh hưởng lớn đến Thiền tông Trung Quốc. Người ta cho rằng bộ kinh này do Bồ-đề Đạt-ma tự tay truyền cho nhị tổ Huệ Khả. Ngay cả giáo pháp tiệm ngộ (giác ngộ từng bậc) của Thần Tú cũng bắt nguồn từ kinh “Nhập Lăng-già” này.
Kinh bao gồm 9 chương văn xuôi trộn lẫn với các câu kệ và một chương chỉ toàn văn vần. Kinh này được dịch ra Hán văn lần đầu vào thế kỷ 5. Kinh “Nhập Lăng-già” được Phật thuyết tại Tích Lan theo lời mời của một nhà vua xứ này, trong đó Phật trả lời những câu hỏi của Bồ tát Đại Huệ (Mahamati). Giáo pháp trong kinh này là nền tảng của Duy thức tông” (Từ điển Phật học Đạo Uyển, tr. 415, 416)
Bản dịch của ni sư Thích Nữ Trí Hải: [ https://quangduc.com/images/file/HogsSr_w0ggQAF1w/kinh-dai-thua-nhap-lang-gia-thich-nu-tri-hai-dich.pdf ]
Tác phẩm “The Zen teachings of Bodhidharma” (Red Pines): [ https://drive.google.com/file/d/1N4A5WNYryxDpM1vZ8Fva7WPKoJxfQ3KH/view?usp=drivesdk ]
Ảnh: Bồ đề Đạt ma và kinh “Nhập Lăng già”

Nguồn : [ https://www.facebook.com/loc.huynhduy/posts/6756241327764929 ]
Last updated
Was this helpful?