Xá-lợi | Biết thêm về ngọc xá-lợi

Xá-lợi

Biết thêm về ngọc xá-lợi

Thân xác con người, dù nam hay nữ, lớn hoặc nhỏ, lúc quá vãng sau khi thiêu xong đều để lại xương và răng, không nhiều thì ít. Nhưng đó chỉ là xương thông thường mà không đổi màu, chỉ một màu trắng chứ không có màu sắc nào khác. Riêng về ngọc xá-lợi chỉ có người tu giữ giới nghiêm tịnh mới có, mà qua đó trong Kinh Tạng thường nhắc đến xá-lợi xương, răng và xá-lợi ngọc của Phật là phần di thể của Ngài sau khi trà-tỳ còn lại. Nói một cách khác, ngọc xá-lợi là thành quả của những năm tháng tu hành, giữ giới luật nghiêm minh và công năng tu tập thiền quán cao thâm của những bậc tu hành. Xá-lợi có thể chia thành hai loại: Thân xá-lợi, và pháp xá-lợi.

A- Thân xá-lợi:

Là những gì liên quan đến đồ dùng, pháp khí hoặc nhục thân của Phật, Bồ-tát, A-la-hán, hoặc các vị cao tăng đại đức chứng đạo. Trong kinh tạng có nhắc đến xá-lợi khi nói về những phần như tóc, móng tay, răng, xương, và ngọc xá-lợi của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Kinh Đại Bát-niết-bàn diễn tả rằng đức Phật đã lưu rất nhiều xá-lợi gồm có: Răng, xương xá-lợi, ngọc xá-lợi, toàn thân xá-lợi.

1- Răng & xương Xá-lợi:

Như đã đề cập, răng và xương là hai phần rắn chắc nhất của cơ thể còn lại sau khi trà-tỳ. Trong số các xá-lợi, xá-lợi răng đặc biệt là đôi răng nanh được xem là quý giá nhất, đẹp nhất và sáng nhất. Cũng theo kinh Đại Bát-niết-bàn ghi lại, vua trời Đế Thích cầu thỉnh đức Phật trước khi nhật diệt, khi nào nhật lưu xá-lợi xin cho ngài một chiếc răng nanh sau khi lễ trà-tỳ để ông ta đem về thờ tại điện Phạm thiên.

Liên quan đến việc tôn thờ xá-lợi, tại Tích Lan có một ngôi tháp nổi tiếng nhất hiện nay đang thờ xá-lợi răng, không phải răng thường mà là răng nanh của đức Phật do hoàng tử Mahinda con của vua A-dục đem tặng. Xá-lợi răng nầy hiện nay được coi là quốc bảo của Tích Lan. Do vậy mà ngày xưa là các vị vua, và ngày nay là các vị tổng thống của Tích Lan mỗi lần nhậm chức đều phải đến lễ Xá-lợi răng nầy

Bên cạnh Tích Lan, tại Bắc Kinh, chùa Linh Quang cũng có thờ Xá-lợi răng của Phật gọi là Nha Xá-lợi hiện nay được xem là quốc bảo, và ở huyện Bảo Kê thuộc ngoài thành thành phố Bảo Kê, cách thành phố Tây An tức là Trường An khoảng 300km, chùa Pháp Môn có thờ xá-lợi xương đốt lóng tay của đức Phật gọi là ngọc chỉ Xá-lợi. Tất cả các ngôi chùa ở Trung quốc chỉ có chùa Linh Quang và chùa Pháp Môn có xá-lợi xương răng và đốt lóng tay của đức Phật, còn các ngôi chùa khác thì thờ ngọc xá-lợi.

2- Ngọc Xá-lợi:

Ngọc Xá-lợi là phần tủy kết tinh lại thành những viên ngọc có hình thể tròn và cứng, hình dạng lớn nhỏ khác nhau. Có viên lớn như hạt bắp, có viên lớn như hạt đậu, có viên như hạt mè hạt cát... Ngọc xá-lợi có nhiều màu sắc và sáng đục khác nhau. Thông thường xá-lợi có từ ba đến năm màu chính là: trắng, đỏ, hồng, xanh, và vàng. Trong các màu, có thứ trong như thủy tinh, có thứ trắng ngà như hạt gạo, có thứ phát ra ánh sáng nhẹ nhàng như pha lê, cũng có thứ màu sắc tươi nhuận như san hô... Cũng liên quan đến việc tôn thờ xá-lợi, trong kinh Đại Bát-niết-bàn diễn tả rằng: Sau lễ trà-tỳ, xá-lợi của đức Phật được chia làm tám phần cho đại diện tám nước đem về thờ tại tám bảo tháp tại kinh đô của tám nước. Sử ghi rằng, sau đó trên hai trăm năm sau khi đức Phật nhập niết-bàn, hoàng đế A-dục thống nhất toàn cõi Ấn-độ và trở thành vị vua Phật tử hộ đạo, vì muốn làm lợi ích và truyền bá chánh pháp rộng rãi, nên vua A-dục đã ra lệnh gom tất cả Xá-lợi của Phật đã được thờ tại tám quốc gia trước đây lại và chia thành 84,000 phần tôn thờ trong 84,000 ngôi tháp báu nhỏ và ban bố đi khắp các nơi trong và ngoài nước Ấn-độ. Trong số những tháp được vua A-dục gởi đi, có ba tháp hiện thờ tại Trung quốc, đó là: Bạch Tháp ở Ngũ Đài Sơn, tỉnh Sơn Tây; một ngôi tháp tại chùa A-dục Vương thuộc Ninh Ba, tỉnh Triết Giang; tháp còn lại thờ tại chùa Lục Dung, tỉnh Quảng Châu.

Tương truyền ngọc xá-lợi của Phật có thể biến hoá từ ít thành nhiều, từ nhỏ thành lớn, từ đục thành trong, và tỏa hào quang. Sự biến hóa kỳ diệu nầy phải do tâm chí thành lễ bái của người có tâm đạo. Tuy nhiên nếu thờ mà không chuyên tâm lễ bái thì xá-lợi sẽ biến mất. Có lẽ đây là lý do giải thích tại sao các nước Phật Giáo Nam Tông có xá-lợi nhiều như Tích Lan, Thái Lan, Lào, Miến Điện... Đặc biệt là Miến Điện có đến 10,000 bảo tháp thờ ngọc xá-lợi.

Như đã đề cập, xá-lợi răng và xương của Phật còn lại rất ít vì không biến hóa ít thành nhiều, do vậy bảp tháp thờ răng và xương rất hiếm. Riêng tháp thờ ngọc xá-lợi thì rất nhiều. Tại Việt Nam, Phật Giáo Việt Nam, trước năm 1975 chỉ có một số chùa thờ xá-lợi Phật, điển hình là chùa Xá-lợi tại Sài Gòn. Viên ngọc xá-lợi thờ tại chùa Xá-lợi Sài Gòn do Giáo hội Phật giáo Tích Lan cúng dường vào đầu năm 1960. Tuy nhiên sau năm 1975 cho đến ngày nay có lẽ tại Việt Nam cũng có khá nhiều chùa có xá-lợi Phật.

3- Toàn thân Xá-lợi:

Nói về toàn thân xá-lợi là chỉ cho nhục thân bất hoại, hoặc chân thân bất hoại của các vị cao tăng đắc đạo để lại. Theo các nhà Phật học Trung Hoa giải thích rằng, nhục thân của các vị tăng được hỏa táng thì sẽ để lại xá-lợi răng xương và ngọc. Lọai xá-lợi nầy gọi là Toái thân Xá-lợi. “Toái” nghĩa là vở từng mảnh nhỏ, chỉ cho răng rời từng chiếc, xương vở từng mảnh, và tủy kết thành từng viên nhỏ. Còn nếu các vị cao tăng sau khi mất để lại nhục thân bất hoại thì gọi là Toàn thân Xá-lợi vì hình hài không hư nát, và giữ được với thời gian. Tuy thế nhục thân bất hoại của một số vị bị nhỏ theo thời gian.

Thân bất hoại của cá vị thiền sư đôi lúc được giát vàng lá, hoặc tô một lớp dầu sơn mài đặc biệt ở bên ngoài. Theo Cao Tăng Truyện thì khi mới viên tịch, thân thể các vị Thánh Tăng nầy tỏa ra hương thơm đặc biệt lâu ngày mới tan. Nhục thân nầy không bị thối nát theo thời gian, đây là nét đặc thù của Phật gáo Trung Hoa và Việt Nam. a- Tại Trung quốc

Tại Trung quốc hiện nay có trên 10 nhục thân bất hoại của các vị thánh tăng, trong số đó tiêu biểu như là: Lục Tổ Huệ Năng; Thiền Sư Đan Điền; Thiền Sư Hám Sơn...

b- Tại Việt Nam

Tại Việt Nam cũng có các vị thiền sư để lại nhục thân bất hoại như ngài Chuyết Công Thiền Sư là người Trung Hoa là vị tổ truyền thừa phái Lâm Tế ở đàng ngoài, và nhục thân của ngài thờ tại chùa Phật Tích Bắc Ninh. Ngài Đạo Chân (Vũ Khắc Minh), ngài Đạo Tâm (Vũ Khắc Trường). Hai vị thiền sư nầy vốn là hai thầy trò mà cũng là hai chú cháu để lại hai nhục thân bất hoại tại chùa Thành Đạo mà người địa phương gọi là chùa Đậu ở huyện Thường Tích cách Hà Nội 23 Km.

B- Pháp Xá-lợi

1- Tâm Đại Nguyện Xá-lợi:

Ngoài hai loại xá-lợi, toái thân xá-lợi và nhục thân xá-lợi, còn có một loại xá-lợi đặc thù khác tạm gọi là: Tâm Đại Nguyện Xá-lợi. Loại xá-lợi nầy là một bộ phận trong thể của các vị thánh tăng để lại làm chứng cho lời đại nguyện của các ngài. Loại xá-lợi nầy hiện có tại Việt Nam, mà qua đó trái tim bất diệt của Hòa thượng Quảng Đức là một thí dụ cụ thể. Tại Trung quốc cũng có ngài Cưu-ma- la-thập (344-413) dịch giả hàng đầu đã để lại cho đời xá-lợi lưỡi để chứng minh lời dịch của ngài là chơn thật.

2- Thơ văn Xá-lợi:

Một đặc thù khác của pháp Xá-lợi, là nhiều vị thiền sư không để lại nhục thân bất hoại vì xác thân của ngài nhập tháp. Khi đã nhập tháp có nghĩa là không trà-tỳ, mà đã không trà-tỳ thì không để lại Toái thân xá-lợi. Đối với thiền tôn các nhà nghiên cứu học Phật giải thích rằng các bài thơ chứng đạo, thị tịch, hoặc các hiện tượng lạ trước khi vị tăng hoặc ni qua đời là bằng chứng cho thành quả tu hành, mà qua đó bài thơ thị tịch của Mãn Giác Thiền Sư là một thí dụ:

“Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vi xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”

Dịch là:

“Xuân đã qua thời tiết đổi thay

Trăm hoa tàn úa rụng rơi đầy

Định luật tuần hoàn luân lưu mãi

Rồi lại xuân về trăm hoa khai

Kiếp người ngắn ngủi với thời gian

Trẻ đi già đến thật ngỡ ngàng

Đường tưởng xuân tàn hoa rụng hết”

Đêm qua mai nở trước hành lang.”

và của Vạn Hạnh Thiền Sư:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô uý thí

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”

Nghĩa là:

“Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cối xanh tươi thu nãi nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Giống như ngọn cỏ giọt sương Đông.”

Như trên là chúng ta đã biết qua những loại và giá trị của xá-lợi, do vậy có thể nói ai là người có phước duyên mới được nghe, và được thấy xá-lợi.

Kính Mời chư Phật Tử, Chư Đồng Hương về chùa Dược Sư để chiêm bái Xá-lợi Phật vào THỨ BẢY NGÀY 02 THÁNG 06 NĂM 2007.

(Bài viết không đề tên tác giả, chỉ ghi địa chỉ chùa ở: Chùa Dược Sư Vạn Phật, 6918 42nd Ave. S. Seattle, WA 98118)

Last updated

Was this helpful?