Phật giáo và con đường thoát khổ
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Phật giáo và con đường thoát khổ
Khổ ( दुःख - Dukkha trong tiếng Pali, Duḥkha trong tiếng Phạn) là một khái niệm cơ bản của Ấn Độ giáo và Phật giáo chỉ trạng thái khổ sở, không đạt được ước nguyện trong cuộc sống ở trần gian. “Dukkha” có nhiều nghĩa, thường được diễn tả với ẩn dụ một bánh xe rơi ra khỏi trục, là điều được Đức Phật đề cập như là trạng thái của một người không được thỏa mãn trong cuộc sống. Ngài dạy rằng có 3 cái khổ: Cái khổ thứ nhất là nỗi đau đớn của thể xác và nỗi khổ tâm do những căng thẳng không thể tránh khỏi trong cuộc sống như lão, bệnh, tử. Cái khổ thứ hai là nỗi tuyệt vọng khi thấy mọi vật đều vô thường và luôn thay đổi, chẳng hạn như nỗi khỗ vì không có được điều mình mong muốn hay đánh mất điều mình coi là quý giá nhất. Cái khổ thứ ba là nỗi khổ vì phải làm người, phải sống trong những điều kiện nhất định và phải tái sinh. Ở nguồn gốc của nỗi khổ là lòng tham dục hay sự chấp trước. Chúng ta sống trên đời này, bám lấy những điều chúng ta cho là có thể mang lại cho mình sự thỏa mãn và giúp mình tránh được nỗi khổ. Chính sự bám víu hay sự chấp trước này là nguồn gốc của nỗi khổ. Chúng ta giống như những kẻ sắp chết đuối vớ được một cái phao, tưởng là mình có thể thoát chết, nhưng cuối cùng thấy sự an ủi hay sự thỏa mãn chỉ là tạm thời; chúng ta chẳng bao giờ thấy đủ với những gì mình có và những điều ấy cũng sẽ không tồn tại mãi mãi.
Nhiều kinh văn của Phật giáo đã chép lại đoạn đối thoại giữa Đức Phật và tôn giả La Hầu La (Rahula), con trai ngài, để khẳng định tam tướng (trilakṣaṇa trong tiếng Phạn, tilakkhaṇa trong tiếng Pali) là vô thường, khổ và vô ngã. Đoạn đối thoại đó như sau:
“Đức Phật từng dạy tôn giả La Hầu La:
- Này Rahula, mắt, tai, sắc, thanh, sắc, thọ và thức là thường hay vô thường?
- Là vô thường, bạch Thế Tôn (Vô thường).
- Cái gì là vô thường là khổ hay vui?
- Là khổ, bạch Thế Tôn (Khổ).
-Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu xem cái ấy, cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?
-Thưa không, bạch Thế Tôn (Vô ngã).
(Kinh Tương Ưng II, Tương Ưng Rahula, phẩm 1)
Khổ (dukkha) cùng với vô thường (anicca) và vô ngã (anatta) là tam tướng (ti-lakkhana), tức 3 dấu chứng hay 3 tính chất cơ bản của mọi pháp, mọi sự vật, hiện tượng ở thế gian.
Đức Phật đã nói: “Cái khổ não, hoạn nạn lớn nhất của con người là có cái thân ngũ uẩn giả hợp này”. Một hôm, tại chỗ Đức Phật đang giáo hóa, có 4 vị tỳ kheo mới xuất gia tu hành, nhân lúc nhàn hạ ngồi nói chuyện dưới một gốc cây lớn, cùng nhau bàn cãi xem cái gì là nỗi khổ, hoạn nạn lớn nhất của con người.
Một trong 4 vị tỳ kheo nói:
– Theo tôi, cái khổ lớn nhất, ghê gớm nhất của con người không gì bằng sự đam mê sắc dục. Thí dụ nếu không đoạn trừ được tâm dâm dục thì không có cách nào vào đạo.
Một người khác nói lên cảm nghĩ của mình:
– Cái khổ lớn nhất là cái khổ thiếu ăn! Một khi gặp cơn đói khát, con người không làm được gì cả!
Người thứ ba nói:
– Theo tôi, lòng sân hận mới là hoạn nạn đáng sợ nhất của con người! “Nhất niệm sân tâm khởi, bát vạn chướng môn khai” (Một niệm tâm sân nổi lên là 8 vạn cánh cửa chướng ngại mở ra) kia mà! Sân hận cũng là nguyên nhân khiến người ta phải chịu vô lượng tội vạ!
Người cuối cùng nói:
– Theo tôi, sợ hãi mới là cái khổ lớn nhất của con người! Sống trong sợ hãi giây phút nào là giây phút đó không có chút yên ổn!
4 người đang hăng say bàn cãi thì đúng lúc ấy Đức Phật đi ngang qua. Vì họ chưa tìm ra một kết luận thỏa đáng nào cho cuộc bàn cãi của họ, Đức Phật mới hỏi họ đang thảo luận về vấn đề gì. 4 người lần lượt trình bày ý kiến của mình xong, ngài mới ôn tồn dạy rằng: “Là người tu hành mà có thể cùng nhau tụ họp để kiểm thảo cái nhìn của mình đối với vấn đề tu học thật là một điều rất đáng mừng. Nhưng nghe lý luận các ông vừa mới trình bày đó, tuy ai nói cũng có lý nhưng cái lý ấy chưa được rốt ráo. Nay ta nói cho các ông nghe rằng cái khổ não, hoạn nạn lớn nhất của con người là có cái thân ngũ uẩn giả hợp này. Thân là căn bản cho tất cả mọi ưu khổ tạo thành. Vì vậy, chúng ta hay gọi thân là “khổ khí”. Đói khát, lạnh nóng, phiền não, sợ hãi, những tai họa do sắc dục gây ra, tất cả là do thân thể cảm thụ. Lao tâm khổ trí, lo sợ trăm mối và chúng sinh tàn hại lẫn nhau cho đến sự trầm luân trong sáu nẻo, không ngừng lăn lộn trong vòng sinh tử cũng đều do có thân mà ra cả. Muốn thoát ra khỏi cái khổ của thế gian này thì phải cầu tìm sự tịch diệt, tức là sự thoát khổ chân chính. Chế ngự được lòng tham dục, dập tắt được ngọn lửa sân hận, đối với ngoại cảnh hư huyễn thì dùng thái độ không mong cầu thì cứ thế lần lần, cảnh tịch diệt sẽ tự nhiên hiện ra trước mắt”.
Bốn vị tỳ kheo nghe Đức Phật dạy bảo xong chứng được thánh quả rất mau chóng.
Nhận thức về khổ cũng là 4 chân lý (Pali: cattâri ariya-saccâni; Sanskrit: catvâry âryasatyâni; Hán Việt: tứ diệu đế) của Phật giáo. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã trình bày tứ diệu đế trong tác phẩm “The Heart of the Buddha’s Teaching”: “Sau khi đạt được sự giác ngộ trọn vẹn, hoàn hảo (samyak sambodhi), Đức Phật phải tìm ra những từ ngữ để chia sẻ những điều ngài đã trải nghiệm. Ngài đã có nước nhưng còn phải tìm cho được những bình chứa đại loại như Tứ thánh đế và Bát chánh đạo để giữ được nước. Tứ thánh đế là điều cốt yếu trong lời dạy của Đức Phật. Ngài sẽ tiếp tục rao giảng những chân lý này cho đến khi ngài nhập diệt (mahaparinirvana). Người Trung Quốc dịch “cattâri ariya-saccâni” là “tứ diệu đế” hay “tứ thánh đế”. Nỗi khổ của chúng ta sẽ có tính chất thiêng liêng nếu chúng ta đón nhận nó và nhìn sâu vào bên trong nó. Nếu không làm được như vậy, nỗi khổ sẽ không có tính chất thiêng liêng. Chúng ta sẽ bị chìm đắm trong bể khổ của mình. Để diễn tả chân lý, người Trung Quốc viết chữ “nói” và chữ “vương”. Không ai có thể tranh cãi với lời nói của một vị vua. 4 chân lý này là những điều không ai có thể tranh cãi. Đó là những điều người ta phải thực hiện và hoàn thành.
Diệu đế thứ nhất là khổ (dukkha). Nghĩa gốc của chữ “khổ” trong tiếng Hán là “đắng”. Hạnh phúc là điều ngọt ngào; nỗi khổ là điều cay đắng. Mỗi người trong chúng ta đều khổ nhiều hay ít. Thân thể và tâm thần của chúng ta đều có một chút gì đó bất ổn. Chúng ta phải nhận biết sự hiện diện của nỗi khổ ấy và chạm vào nó. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần có sự giúp đỡ của một vị thầy và một tăng đoàn (sangha), những người bạn của chúng ta trong việc tu tập.
Diệu đế thứ hai là nguồn gốc, cội rễ, bản chất, sự sinh thành và phát sinh của nỗi khổ. Sau khi chạm được vào nỗi khổ, chúng ta phải nhìn sâu vào bên trong nó để xem nó phát sinh ra sao. Chúng ta cần phải nhận biết và nhận diện những thức ăn vật chất và tinh thần nào chúng ta hấp thu đã làm phát sinh nỗi khổ.
Diệu đế thứ ba là sự chấm dứt (nirodha) việc tạo ra nỗi khổ bằng cách tránh làm những điều có thể gây ra nỗi khổ. Điều này thật sự là một tin tốt lành. Đức Phật không phủ nhận sự tồn tại của đau khổ và cũng không phủ nhận sự tồn tại của hạnh phúc và niềm vui. Nếu bạn nghĩ rằng Phật giáo quan niệm “mọi sự đều là khổ và chúng ta không thể làm gì được” thì đó là điều trái ngược hoàn toàn với sứ điệp của Đức Phật. Đức Phật dạy chúng ta nhận biết và nhận diện nỗi khổ, nhưng cũng dạy chúng ta cách thức diệt khổ. Nếu như không có cách nào để cho nỗi khổ chấm dứt thì chúng ta còn tu tập làm chi nữa?
Diệu đế thứ tư là con đường (marga) dẫn chúng ta tới chỗ tránh làm những điều có thể làm cho chúng ta đau khổ. Con đường ấy là con đường chúng ta cần đến hơn hết. Đức Phật gọi con đường ấy là Bát chánh đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định” (The Heart of the Buddha’s Teaching, chương 3)
Bản pdf tác phẩm “The Heart of the Buddha’s Teaching” của thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Ảnh: Đức Phật, ngũ uẩn và khổ (दुःख, dukkha)