Bài 15: Nỗi Lòng Cư Xá (1)
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Loạt bài Phượng Trong Tôi
Bài 15: Nỗi Lòng Cư Xá (1)
Từ ngữ "cư xá" chắc chắn là thuộc về tiếng Việt tại Sài Gòn trước 1975. Nói về nó, người ta sẽ hình dung ra một khu vực rộng rãi nào đó, phải nhiều bóng cây, đường xá rộng rãi, yên tĩnh và thông nhau.
... Nhà cửa ở đó phải khang trang, diện tích lớn, nhà phố cũng được mà biệt thự cũng được - Nhưng phần lớn là biệt thự một trệt một lầu, và có hiên để xe. Cư dân là những người cùng ngành nghề hay ít nhất, có nghề nghiệp liên quan đến nhau.
Sài Gòn có nhiều khu cư xá nổi tiếng, nếu cấu trúc như đã kể trên, thì tương đối giống nhau nơi những khu cư xá Đô Thành, cư xá Bắc Hải, cư xá Lữ Gia. Xem ra chỉ có một khu duy nhất khác đi, trông nửa nhà phố nửa buyn-đinh, là cư xá Nguyễn Văn Hảo dành cho người Việt nằm nơi phần mũi tàu giao 2 con đường Gallieni và Bảo Hội Thoại, về sau, từ năm 1959 đổi tên thành Trần Hưng Đạo và Bùi Viện cho đến bây giờ.
Khi người nước ngoài theo dòng lịch sử sang đây làm việc và xung trận, trước 1975 họ cũng có những khu cư xá dành riêng của mình. Ví dụ, cư xá Brink dành cho các viên chức cao cấp người Mỹ mà Ủy ban Quân sự đặc biệt Hoa Kỳ đã thuê của chính phủ Sài Gòn. Nó có 6 tầng, 168 phòng, nằm ở số 103 Hai Bà Trưng. Ngày 24/12/1964, đúng Noel, lực lượng Biệt động thành của Mặt trận Dân tộc GIải phóng miền Nam Việt Nam đã đánh bom tại đó, làm 2 người chết và nhiều chục người bị thương.
Những viên chức và sĩ quan người Úc thì thuê hẳn khách sạn Trường Thành, nằm ở số 111-117 Tổng Đốc Phương làm cư xá với tên gọi BEQ (Bachelors Enlisted Quarter) vì họ buộc phải độc thân mới được vào ở. Sau một số sự cố, BEQ đóng cửa tại đây và dời về đường Nguyễn Trung Trực ở khu trung tâm.
Về cư xá Bắc Hải, thoạt đầu, thời Pháp thuộc, đây là con hẻm của làng Chí Hòa. Năm 1946, Pháp xây dựng cư xá sĩ quan cho Quân đội liên hiệp, hẻm được mở rộng thành đường mang tên Quân Sự. Từ năm 1959, theo đà đổi tên chung, cư xá này được gọi là cư xá sĩ quan Chí Hòa. Mười năm sau, cả cư xá lẫn con đường trên được đổi tên thành Bắc Hải. Vào đó, đường đi trông có vẻ đơn giản nhưng nếu không biết mẹo, người không phải dân địa phương sẽ bị loạn địa chỉ và lạc như chơi với những con đường mang tên Tam Đảo, Ba Vì, Bạch Mã, Đất Thánh, vv. Cư xá này cùng nhiều khu cư xá khác vẫn còn, nhà cửa cũng thay đổi ít nhiều và hiện là khu ăn uống, karaoke, cà-phê nổi tiếng. Tại đây có trường học Nguyễn Du là nhiều người biết - Tôi cũng từng trồng cây Si vì bà nhà tôi hồi thiếu nữ học ở đó.
Cư xá Đô Thành thì gồm 4 con đường chính nằm song song nhau là đường số 1, số 2, số 3 và số 4. Cổng vào của nó từ trước là tam quan, nằm phía đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ bây giờ), ngay cạnh một khách sạn đã mở cửa rất lâu là khách sạn Tân Á Châu. Đường số 1 chạy sau lưng bệnh viện Bình Dân, khu nhà quàng, và nó có nhiều hẻm lớn nhỏ thông sang đường số 2 chạy qua cổng sau trường Bàn Cờ. Tới phiên đường này lại thông đường số 3 bằng đường số 6, và đường đó thì chạy qua cổng trước của trường. Cả 3 đường số 1, 2 và 3 đều lớn, nhà cửa cũng lớn, giá đắt trong khi đường số 4 thông từ đường số 3 qua đường số 7 là bị "thiệt thòi" nhất khi có mặt đường hẹp và nhà cửa phần lớn chỉ có diện tích 3x10m. Con đường này thông ra Phan Đình Phùng, Nguyễn Đình Chiểu bây giờ, bằng 2 con hẻm 502 và 524.
Cư xá Đô Thành, từ vài năm nay, đã có tên con đường chạy từ cổng chính vào là đường Nguyễn Hiền. Nó được giới hạn bằng chính đường này cùng đường Vườn Chuối, Nguyễn Đình Chiểu và Điện Biên Phủ. Khu vực này có chùa Tam Tông Miếu, chùa Phật Bửu Tự, chùa Huệ Quang, chợ Vườn Chuối là những địa danh nổi tiếng nằm gần đó.
Câu chuyện về cư xá Chu Mạnh Trinh nổi tiếng của giới nghệ sĩ Sài Gòn ngày trước là sẽ thuộc một bài khác.
Photo: Nhà cửa trong khu cư xá Bắc Hải và Xe buýt quân sự dừng nơi trạm nhìn sang cư xá Brink
——-
(1) Phạm Duy, Trả Lại Em Yêu