Bài 14: Trả Lại Em Yêu
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Loạt bài Phượng Trong Tôi
Bài 14: Trả Lại Em Yêu
Một lần ngồi với cây bút Trần Quốc Bảo ở hải ngoại, người con dâu năm xưa của nhạc sĩ Phạm Duy là nữ ca sĩ Julie đã kể lại, chính nhờ chị mà tác phẩm Trả Lại Em Yêu rất nổi tiếng đã chào đời.
… Quả thế thật, trong bộ ba tình ca của ông Phạm Duy - Con Đường Tình Ta Đi, Ngày Đó Chúng Mình và Trả Lại Em Yêu - bài cuối cùng ra đời không từ cảm hứng nào trực tiếp của ông, mà ông chỉ viết nó qua lời kể lại của Julie và dĩ nhiên, ông cũng có cất công đi nghe ngóng ngoài đời thật. Cả 3 bài đều giống nhau ở chỗ, do ông viết cả lời lẫn nhạc, không từ nguyên bản bất cứ bài thơ của thi sĩ nào khác. Phạm Duy đã phổ thơ nhiều, từ Hoàng Cầm, Huy Cận, Xuân Diệu khi ông còn ở miền Bắc; ngang qua miền Trung rồi vùng cao nguyên thì gặp Minh Đức Hoài Trinh và Vũ Hữu Định hoặc Phạm Văn Bình; vào Nam, là các thi sĩ trẻ như Nguyễn Tất Nhiên và Phạm Thiên Thư. Cả 3 bài đã kể không của bất cứ ai trong số đó.
Thời gian ấy, Julie và Duy Quang mới lấy nhau và họ đã trao hết cho nhau những gì nóng bỏng nhất từ cõi lòng son trẻ của họ. Ngay cả khi cuộc sống chung ấy đã ngắn ngủi chỉ vài năm, họ chia tay nhau vẫn trong tình cảm đẹp và không nhiều oán trách để vẫn là bạn. Những ngày cuối của Duy Quang trên giường bệnh, chị đã luôn ở cạnh anh.
Julie nhớ lại, thuở ban đầu về làm dâu, chị đi hát cho ban nhạc The Dreamers của chồng và các em chồng. Những tối từ phòng trà trên đường Hai Bà Trưng trở về nhà, rất muộn, chị thường đi qua con đường Duy Tân chạy sát trường Luật. Chị thích ngồi xích-lô cho xe đi thong thả để tận hưởng cảm giác thư giãn bất tuyệt suốt một con đường nhiều bóng cây. Nếu chị về cùng Duy Quang, hai người sẽ đi bộ một quãng vẫn trên con đường ấy và khi nào mỏi chân thì họ mới gọi taxi để về khu cư xá Chu Mạnh Trinh.
Và dẫu về một mình hay đi cùng người thương, tối muộn nào quãng 10 giờ rưỡi - 11 giờ, chị cũng đều thấy người thiếu nữ ấy mặc áo dài trắng, đứng tựa người vào một thân cây to bên kia đường, lặng lẽ nhìn đăm đăm sang cổng trường Luật. Đêm nào cũng thế, không hề thay đổi, nhìn quen đến nỗi từ lúc đầu Julie có cảm giác rờn rợn nơi sống lưng, mãi đã thành tò mò. Thậm chí có lần chị muốn đến gần, hỏi han cô gái ấy, nhưng lại không dám. Lại nữa, rất lạ, chị chỉ gặp tà áo trắng đó những khi về một mình, và khi chị quay hỏi những người phu xích-lô kia đang chở mình, tất cả đều trả lời không thấy gì lạ. Đi với chồng, Julie cũng hỏi anh tương tự nhưng chỉ nhận được một nụ cười xòa.
Cho đến một đêm, sau gần nửa tháng quen nhìn bóng áo trắng kia, Julie ngạc nhiên khi không thấy cô ấy đâu nữa. Và từ đó trở đi, chị không bao giờ gặp lại cô gái bí ẩn đó. Chị đâm ra nhớ cô, như nhớ một người bạn nhỏ. Rồi chị mất ngủ.
Nỗi thắc mắc lớn dần và không thể nguôi ngoai, đã thúc đẩy chị vào một buổi sáng, nói chuyện với bố chồng. Chị tha thiết đề nghị ông hãy đưa con đường Duy Tân kia vào một tác phẩm mới. Ông hỏi lại, con đường ấy có đặc điểm gì mà chị lại quan tâm đến nó như thế, thì chị trả lời, do hàng đêm đều đi qua nó bằng cách này hay cách khác, chị đã thuộc khung cảnh của nó đến nằm lòng. Chị cũng không giấu giếm gì câu chuyện về người con gái mặc áo trắng. Chị nhắc về hai hàng cây, về ngôi trường với khu cư xá nho nhỏ dành cho sinh viên, nhắc cả về những ánh đèn u hoài phả mầu vàng hiu hiu qua khe song.
Người nhạc sĩ không nói gì. Hôm sau, ông lẳng lặng đi một mình dài theo con đường Duy Tân, đi ngang cổng trường Luật, ngắm nghía cả thân cây cổ thụ mà con dâu ông vẫn kể là đêm đêm nhìn thấy hình ảnh buồn bã kia trong khi không một ai khác thấy. Rồi ông đã nghĩ ra cái ý chính cho bài hát, ông tưởng tượng ra một đôi tình nhân, cũng chính từ ngôi trường này, đã chia ly khi người trai phải ra trận không mong ngày về và một ngày, người con gái kia ở lại thành phố đã nhận được tin dữ. Nó ám ảnh nàng, dù nàng không tin vào nó, nhưng nó vẫn thôi thúc nàng, đêm đêm tìm đến con đường vắng ngắt này, vượt qua nỗi sợ của chính mình để ao ước hoang tưởng rằng, sẽ thấy người yêu mình bước từ trong sân ra, đi qua cổng về phía nàng đứng bên hè đường, cầm tay nàng, môi ngời hạnh phúc.
Julie có kể chuyện thật, nhưng chính thiên tài của Phạm Duy đã đắp linh hồn và cả xương thịt cho bài hát.
Câu chuyện nhỏ đi theo: Hai mươi năm sau, Julie trở về Việt Nam lần đầu. Mùng Một Tết Canh Ngọ 1990, chị vời một ông xích-lô và bảo ông ta chở chị đi chơi để nhìn ngắm thành phố cũ trở lại - Chị chỉ đưa một đề nghị duy nhất là xe phải chạy qua đường Phạm Ngọc Thạch, là đường Duy Tân khi nào. Xe vừa ngang cổng trường Luật, Julie đang mơ màng thì chợt giật nẩy mình khi nghe sau gáy có ai đó đang huýt sáo nho nhỏ chính bài Trả Lại Em Yêu. Chị ngoảnh nhìn, hóa ra ấy chính là người phu xích-lô kia. Khi thấy Julie ngạc nhiên, ông ta cười, cho biết mình là một Thiếu tá quân đội cũ. Năm xưa khi Julie hát bài ấy trong một câu lạc bộ quân đội, ông ta đã ngồi trong số khán giả và khi nãy Julie gọi xe, ông ta vẫn mang máng nhận ra chị dù đã 20 năm trôi qua, nhưng lại không dám nhận xằng. Ông ta sau nhiều năm đi cải tạo, trở về với đời, không thể làm gì hơn là quần quật tấm thân với chiếc xích-lô.
Trả lại em yêu
Khung trời đại học
Con đường Duy Tân
Cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên
Mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường
Vẫn chưa phai nhạt.
Trả lại em yêu
Khung trời mùa Hạ
Ngọn đèn hiu hiu
Nỗi lòng cư xá
Vài giọt mưa sa
Hôn mềm trên má
Tóc em thơm nồng
Dáng em hiền hòa.
Anh sẽ ra đi
Về miền cát nóng
Nơi có quê hương
Mịt mù thuốc súng
Anh sẽ ra đi
Về miền mênh mông
Cơn gió cao nguyên
Từng đêm lạnh lùng.
Anh sẽ ra đi
Nặng hành trang đó
Đem dấu chân soi
Tuổi đời ngây thơ
Đem nỗi thương yêu
Vào niềm thương nhớ
Anh sẽ ra đi
Chẳng mong ngày về.
Trả lại em yêu
Con đường học trò
Những ngày Thủ đô
Tưng bừng phố xá
Chủ nhật uyên ương
Hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường
Uống môi em ngọt.
Trả lại em yêu
Mối tình vời vợi
Ngôi trường thân yêu
Bạn bè cũ mới
Đường buồn anh đi
Bao giờ cho tới?
Nỗi đau cao vời
Nỗi đau còn dài.
Trả lại em yêu,
Trả lại em yêu…
Mây trời xanh ngát.