ĐÔNG XUYÊN THỊ (là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang ngày nay)
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
ĐÔNG XUYÊN THỊ 🏵
Dưới triều Nguyễn, miền Tây có hai địa danh là Long Xuyên và Đông Xuyên. Long Xuyên là thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau ngày nay. Đông Xuyên là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang ngày nay.
Thời Pháp thuộc, Long Xuyên bị đổi thành Cà Mau năm 1867, Đông Xuyên bị đổi thành Long Xuyên năm 1876. Tuy nhiên, đây chỉ là thay đổi chính thức về hành chánh, chứ thực tế hai địa danh đã xuất hiện trước đó. Cà Mau là tên dân gian có nguồn gốc từ tiếng Khmer. Còn Long Xuyên, trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ năm 1867, bản đồ do họ vẽ năm 1861 đã chú thích dòng chữ “chợ Long Xuyên” ở vị trí chợ Đông Xuyên.
Vì không nắm rõ những thay đổi nói trên, sự kiện chúa Nguyễn Phước Thuần bị quân Tây Sơn bắt ở Long Xuyên năm 1777 bị không ít nhà nghiên cứu nhầm lẫn là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang ngày nay. Thật ra, sự kiện nầy xảy ra ở Cà Mau. Thời điểm ấy, vùng đất Đông Xuyên chưa có tên, đến năm 1789 mới có tên.
Có ý kiến lý giải rằng, người Pháp gọi Đông Xuyên là Long Xuyên do nhầm lẫn trong quá trình tiếp xúc với người Hoa. Buổi đầu, người Pháp tiếp xúc với người Hoa trong hoạt động thương mại, do người Hoa phát âm “Đ” không chuẩn mà trại thành “L” nên Đông Xuyên thành Long Xuyên, từ đó người Pháp ghi Đông Xuyên bằng chữ Latinh là Long Xuyên. (Trước đó, địa danh nầy chỉ được viết bằng chữ Hán). Giả thuyết nầy có cơ sở thuyết phục.
Điều đặc biệt là đến nay, người Hoa dù viết tên thành phố bằng chữ Quốc ngữ là Long Xuyên, nhưng vẫn viết bằng chữ Hán là Đông Xuyên. Bảng hiệu trụ sở Hội Tương tế người Hoa thành phố Long Xuyên ngoài tên Hội bằng chữ Quốc ngữ còn có dòng chữ Hán là “Đông Xuyên thị Hoa nhân Tương tế hội”. Một số cửa hiệu xưa ở Long Xuyên cũng viết chữ Hán là Đông Xuyên. Trong khi đó, người Việt viết tên thành phố bằng chữ Hán là Long Xuyên (thể hiện trên sắc phong ở các ngôi đình).
Không rõ vì sao người Hoa viết tên thành phố bằng chữ Hán lại không viết theo tên hiện hành, mà vẫn viết theo tên gọi hơn trăm năm trước, phải chăng họ muốn lưu lại dấu tích xưa, hay có kiêng kỵ nào đó liên quan đến chữ “Long”? Dẫu sao, điều đó cũng phần nào gìn giữ được một địa danh gắn với một thời đại trong lịch sử.
Tác giả: Vĩnh Thông
* Group Nghiên cứu văn hóa Nam Bộ: www.facebook.com/groups/ncvanhoanambo
#VanhoaNamBo #NghiencuuvanhoaNamBo #Vanhoa #Văn_hóa #NamBo #Nam_Bộ #NamKy #Nam_Kỳ #LongXuyen #Long_Xuyên #Đông_Xuyên #DongXuyen #AnGiang #An_Giang #Người_Hoa #NguoiHoa