GÓP PHẦN MINH GIẢI VĂN TỰ VÀ TÊN GỌI CỦA CHIẾC BẢO ẤN TRUYỀN QUỐC “ĐẠI VIỆT QUỐC NGUYỄN CHÚA .....

GÓP PHẦN MINH GIẢI VĂN TỰ VÀ TÊN GỌI CỦA CHIẾC BẢO ẤN TRUYỀN QUỐC “ĐẠI VIỆT QUỐC NGUYỄN CHÚA VĨNH TRẤN CHI BẢO” Võ Vinh Quang

(nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (118)_ 2015. Link: http://www.vjol.info/index.php/ncpt-hue/article/view/19087)

  1. Lời dẫn:

Thời gian gần đây, câu chuyện bảo ấn truyền quốc “Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo 大越國阮主永鎮之寶” là đề tài được một số nhà nghiên cứu tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn Internet cũng như trên tạp chí khoa học. Có hai luồng ý kiến đối lập nhau về cách đọc chiếc bảo ấn này. Một bên là đồng tình với tên gọi bảo ấn đã được Quốc Sử quán triều Nguyễn xác tín, một phía thì cho rằng Quốc Sử quán triều Nguyễn đã đọc nhầm tên gọi của chiếc ấn báu kia: “vì quốc bảo được khắc bằng chữ ấn triện mỹ thuật rất khó đọc nên có một số chữ Hán theo tác giả là đã bị đọc không chính xác về mặt chữ và ý nghĩa cũng như chưa đi sâu về ngữ âm Hán Nôm, dẫn đến nhận định sai về tên nước thời chúa Nguyễn Phúc Chu” [1], từ đó họ luận giải và đưa thêm một cách gọi tên của bảo ấn?.

Câu chuyện về văn tự và tên gọi của bảo ấn truyền quốc đó, theo chúng tôi, nếu không được giải quyết minh bạch thì sẽ tác động rất lớn đến nhiều vấn đề liên quan đến nhận thức, ảnh hưởng không tốt đến “cách nhìn” của hậu thế đối với chính thể thời Chúa và Vua Nguyễn. Bởi, đây không chỉ là cách đọc ấn triện đúng hay sai, mà “con dấu đặc biệt” này vốn góp phần không nhỏ cho việc động viên, cổ súy, khích lệ, tưởng thưởng công lao đối với những người “nằm gai nếm mật” tôn phò Nguyễn vương Phúc Ánh trong suốt hơn 20 năm bôn ba tìm đường khôi phục sơn hà xã tắc vào cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Do đó, trên cơ sở những cứ liệu cụ thể thu thập được, chúng tôi xin góp phần minh giải cụ thể về cấu tạo văn tự và tên gọi chiếc bảo ấn truyền quốc.

  1. Góp phần minh giải về văn tự và tên gọi của “bảo ấn truyền quốc”:

Theo Đại Nam thực lục tiền biên (xin gọi tắt: Tiền biên), chiếc bảo ấn truyền quốc này được đúc vào tháng 12 năm Kỷ Sửu [1709] triều Minh vương Nguyễn Phúc Chu, dùng để truyền đời từ đó về sau. Đến kỳ binh loạn, ấn báu đó cũng rơi vào “vòng quay” tồn – một: tưởng từng nhiều lần đã mất, song như một định mệnh, lại được tìm thấy và tiến dâng. Sự thăng trầm trong “số phận” của chiếc ấn báu ấy chẳng khác nào công cuộc phục quốc rất cam go, hiểm nguy thường xuyên rình rập, cái chết nhiều lúc sát kề… của Thế tổ Cao Hoàng đế [Nguyễn Phúc Ánh] nhưng cuối cùng vẫn đạt đến thành tựu mãn toàn, thống nhất sơn hà hải vũ, khiến cho “châu về hợp phố”. Tiền biên chép rằng: [己丑 – 1709] 冬十二月壬寅鑄國寶。命吏部同知戈穗書監造。寶文刻大越國阮主永鎮之寶。是年鑄成,厥後列聖相傳。奉為國寶迨睿宗孝定皇帝南幸亦奉以行。睿宗孝定皇帝崩留與世祖高皇帝時間關兵革二十年餘此寶失而復,得者屢矣”[2]

[Kỷ Sửu – 1709]Mùa đông, tháng 12, ngày Nhâm Dần, đúc Quốc bảo. Sai Lại bộ Đồng tri là Qua Tuệ Thư coi việc chế tạo (ấn khắc chữ Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo. Năm ấy đúc xong, về sau liệt thánh truyền nhau lấy làm quốc bảo. Đến khi Duệ tông Hiếu Định hoàng đế [Nguyễn Phúc Thuần] vào Nam, cũng đem ấn ấy đi theo. Duệ tông Hiếu Định hoàng đế băng thì để lại cho Thế tổ Cao Hoàng đế [Nguyễn Phúc Ánh]. Bấy giờ binh lửa hơn 20 năm, ấn ấy mất rồi lại tìm thấy nhiều lần [3]

Cần khẳng định rằng: chiếc ấn báu có số phận rất ly kỳ, gắn bó khăng khít với sự hưng – vong, thịnh – suy của vận mệnh Triều Nguyễn, được dùng làm “vật báu truyền ngôi” đến muôn đời.

Mặt khác, Tiền biên được vua Minh Mạng ra lệnh biên soạn từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821), đến năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) mới hoàn thành và cho khắc in. Tổng cộng 24 năm trời, trải hai triều vua nổi tiếng thông tuệ bác lãm là Minh Mạng, Thiệu Trị; đứng tên Tổng tài lại là những bậc trứ danh đương thời gồm Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế, Lại bộ Thượng thư Vũ Xuân Cẩn, Hộ bộ Thượng thư sung Cơ Mật viện Đại thần Hà Duy Phiên, Lễ bộ Thượng thư sung Cơ Mật viện Đại thần kiêm quản Hàn Lâm viện Nguyễn Trung Mậu, cùng những vị trí tuệ trác việt giữ chức Toản tu như Hàn Lâm viện trực Học sĩ Đỗ Quang, Thái bộc Tự khanh Tô Trân, Quang lộc Tự khanh Phạm Hồng Nghi, Hồng lô Tự khanh Vũ Phạm Khải… huy động đủ các ban bệ của Quốc Sử quán.

Có thể nói, sách Đại Nam thực lục nói chung, Tiền biên nói riêng được tiến hành biên tập trên cơ sở hội tụ những “đầu óc bách khoa”, tượng trưng cho tinh hoa trí tuệ bác lãm đương thời, dưới sự ngự phê của 2 vị vua hàng đầu của triều Nguyễn. Những con người ấy xuất chúng, với thời gian dài 24 năm ấy, có thể nào đọc “nhầm” quốc bảo truyền ngôi?

Trở lại với các chữ được khắc trên ấn báu: trong tổng thể 9 chữ được thể hiện một cách đầy đặn, cân đối trên bảo ấn, các nhà nghiên cứu trước nay đã thống nhất 7 chữ “…Việt quốc Nguyễn…Vĩnh trấn chi bảo” (… 越國阮…永鎮之寶). Vấn đề còn lại chính là 2 chữ số 1 (Đại 大hay Nam 南) và số 5 (dùng chủ主 gốc Hán tự hay chú 鉒 của chữ Hán để đọc Nôm thành chủ ? [4]

2.1. ĐẠI [Việt] hay NAM [Việt]:

Trong bài viết “Đọc lại chữ triện trên quốc bảo truyền ngôi của Nguyễn Phúc Chu”, tác giả Đinh Văn Tuấn khi bàn luận đến “Đại” hay “Nam” thì đã khẳng định đây là chữ NAM 南. Ông cho rằng: “Quốc hiệu Nam Việt mà Gia Long đã khẳng định đã là một bằng chứng chắc chắn để đọc kim ấn của Nguyễn Phúc Chu là NAM Việt chứ không phải là ĐẠI Việt…. Quốc hiệu Nam Việt của chúa Nguyễn có lẽ mang tính nội bộ trong phủ chúa chứ không thể công khai dưới vương triều nhà Lê và điều đó đã được thể hiện qua chiếc kim ấn quốc bảo với một chữ triện đặc dị vừa giống với chữ thái để có thể hiểu là dùng thay cho và như thế vẫn là ĐẠI Việt 大越 nhưng lại vừa giống chữ NAM để ngầm hiểu là NAM Việt 南越” [5]

Qua nhận định trên, dường như ông Đinh Văn Tuấn khá chủ quan khi chưa tìm hiểu kỹ song lại đi đến những xác quyết cụ thể trong công trình nghiên cứu của mình. Các ý kiến ông Tuấn đưa ra khá mâu thuẫn với nhau. Tác giả luận giải rằng: “Về chữ thứ nhất của kim ấn: , từ sử gia nhà Nguyễn cho đến các nhà sau đều nhận dạng là chữ ĐẠI , trong quốc hiệu Đại Việt 大越 vẫn dùng đời Lê. Tuy vậy, xét về thư pháp ấn triện chữ không có tự dạng nào như vậy” [6]. Thế nhưng, cũng chính ông lại khẳng định: “Sử gia nhà Nguyễn có thể đã nhận dạng chữ triện thứ nhất này là chữ , vì chữ thái trong thư tịch Hán dùng thông với đại , và chữ đúng là có dạng triện thư như vậy (có 2 nét bên dưới chữ ). Vậy có thể đọc là ĐẠI” [7]

Thực tế, trên các diễn đàn ở Internet, chúng tôi là người đã tìm hiểu và công bố tự dạng của chữ thứ nhất trong bảo ấn: chính là chữ 夳 (gồm Đại 大 – ở trên, Nhị 二 – ở dưới). Vậy, chữ này có âm Đại/ Thái hay Nam?. Tra cứu Thuyết văn giải tự 說文解字, quyển 10 (卷十), bộ ĐẠI (大部), tự điển này giải thích như sau: : 按當作夳。从 、取滑之意也。从大聲。轉寫恐失其眞矣。後世凡言大而以爲形容未盡則作太。如大宰俗作太宰、大子俗作太子、周大王俗作太王是也] [8] (Đại : Xét, dùng ghi ĐẠI , theo chữ là chọn lấy ý linh động vậy. Chữ này có âm ĐẠI 大, dùng nó để ghi chép về sau, sợ rằng không còn chân xác. Người đời sau phàm dùng âm ĐẠI, nhưng để lấy đó để hình dung từ thì không thể hiện hết các ý nghĩa, nên tạo tác thêm âm Thái. Như đại tể 大宰, tục viết thái tể 太宰; Đại tử 大子 tục ghi là thái tử太子; Chu đại vương tục ghi Thái vương là ý ấy).

Mặt khác, khi tìm hiểu về tự dạng, chúng tôi thấy rằng trong hệ thống tự dạng triện thư của chữ 夳 (ĐẠI/THÁI) chúng ta thấy tồn tại rất nhiều kiểu viết có chữ ĐẠI 大 (xem ảnh 1 – 2).

Vậy, ngoài tự dạng của đại 夳/大, liệu có chữ NAM 南 nào cũng có hình thể tự dạng như nhận định của ông Đinh Văn Tuấn hay không? Chúng tôi khảo sát tự thể của Nam南 trên Kim thạch văn, thì thấy rất rõ phần trên các nét của chữ Nam南luôn tách rời phần dưới, đồng thời 2 nét ngang ở chữ Nam luôn luôn tiếp giáp với 2 nét sổ của nó. Điều đó rất khác biệt so với chữ Đại 夳, với 2 nét ngang của chữ nhị二bên trong chữ đại大không hề tiếp giáp với nét sổ ở hai bên, thể hiện tính tách rời rõ nét. (Ảnh 3).

Như thế, sau khi phân tích về nguồn gốc lẫn hình tượng chữ (tự hình) ở trên, chúng tôi khẳng định rằng đây là Chữ Đại夳, cũng thông với chữ Đại 大, chứ không thể nào là chữ Nam南 như nhận định của ông Đinh Văn Tuấn.

2.2. “Chủ” theo âm Nôm (mượn chữ Chú ) hay đọc “Chủ” 主/𪐴 theo âm Hán?

Tác giả Đinh Văn Tuấn, trong bài nghiên cứu của mình, đã nhận định chữ thứ 5 trong chiếc bảo ấn truyền quốc ấy là chữ chú (bộ kim 鉒), được chúa Nguyễn Phúc Chu dùng để ký âm Nôm thành chủ. Ông cho rằng: “Tra cứu cách sách thư pháp triện thư để xem chữ thật có tự dạng nào như vậy thì kết quả là không. Vậy thì đó là chữ gì? Chúng tôi đã tìm hiểu lại và nhận dạng là chữ , theo Khang Hy tự điển, có âm đọc tựa như chú , chữ này có cấu tạo kép gồm bên trái là chữ kim và bên phải là chữ chủ 主. Chữ phù hợp với thư pháp Hán như các thể (phần đầu của chữ trong kim ấn có phần hơi cách điệu cho mỹ thuật). Nguyễn Phúc Chu đã không dùng chữ chủ như thông lệ chắc chắn là có dụng ý đặc biệt. Theo ý chúng tôi, chữ chú là một chữ Nôm gốc Hán (giả tá) dùng để ký âm, xác định phải đọc là CHÚA” [9]. Không rõ ông Tuấn căn cứ vào tự dạng nào để nhận dạng bộ thủ bên trái () của chữ triện thứ 5 ( ) này chính là bộ Kim 金, từ đó xác quyết đây là chữ Nôm dùng âm Hán chú 鉒 để đọc CHÚA?

Tất cả các loại triện thể của bộ Kim金 (ảnh 4) được chúng tôi tra cứu đối chiếu trong rất nhiều tư liệu lục thể thư pháp của Trung Hoa, Đài Loan, Nhật Bản… đều chẳng có tự hình, tự dạng nào giống bộ thủ trong chữ thứ 5 của bảo ấn.

Thực tế, chữ thứ 5 của bảo ấn truyền quốc ấy chính là chữ Chủ 𪐴, gồm bộ hắc 黑 kết hợp với chữ chủ 主 [10]. Theo Khang Hy tự điển 康熙字典,Hợi tập hạ亥集下, Hắc tự bộ黑字部,Chữ Chủ 𪐴 được giải thích rằng:【廣韻】知庾切,音拄。有所絕止丶而識之,謂之𪐴點。 亦音主 (“Quảng vận”: tri dữu thiết, âm Trụ, sự gì sau khi tuyệt đối dừng lại, thì lấy dấu điểm chỉ để biết , gọi là chủ điểm. Cũng đọc âm CHỦ)

Như vậy, chữ chủ 𪐴 (bộ hắc+chủ) là chữ phồn thể của chủ (dấu chấm:丶), mà chủ (丶) này, theo tra cứu ở các bộ tự điển Hán tự như Thuyết văn giải tự (Hán), Thiết vận (Tùy), Quảng Vận (Đường), Hồng Vũ chánh vận (Minh), Khang Hy tự điển (Thanh)… đều khẳng định nó liên thông với chữ Chủ/Chúa 主. Theo Khang Hy tự điển, chủ (丶) được giải thích như sau: 《唐韻》知庾切《集韻》冢庾切,縱音主。有所絕止,丶而識之也。又《六書正譌》古文主字。鐙中火丶也。象形。借爲主宰字 (Nghĩa là: “Đường vận”: tri dữu thiết; “Tập vận”: trủng dữu thiết, âm CHỦ, dùng đánh dấu (chấm) điểm để ngắt câu. Lại theo sách “Lục thư chính ngụy”: [chủ丶] chính là chữ CHỦ主 trong cổ văn. Ý nghĩa củagiống như tim đèn-điểm sáng của ngọn đèn vậy. Đấy là chữ tượng hình, được phiếm chỉ chủ tể 主宰).

Rõ ràng, chữ chủ 𪐴 được dùng để bộc lộ ý nghĩa chủ/chúa tể, tương đồng với chủ主này.

Về tự hình, chúng tôi thấy tự hình của chữ Chủ 𪐴 rất phù hợp với tự hình của chữ CHỦ :

Từ sự minh giải 2 chữ của bảo ấn truyền quốcĐại 夳 (không phải nam 南) và Chủ/Chúa𪐴 (không phải lấy chú鉒[bộ kim] như ông Đinh Văn Tuấn khẳng định) trên cơ sở tìm hiểu về tự thư, tự hình của các chữ Hán trên ấn triện này, chúng tôi khẳng định chắc chắn rằng chiếc ấn báu ấy có tên gọi đúng như cách gọi của Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam thực lục. Qua đó, thiết nghĩ cần “trả lại” giá trị đích thực cho tên gọi của chiếc ấn báu “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” gắn liền với “sinh mệnh” của triều Nguyễn, cũng như đóng vai trò là “linh vật” thực chứng cho sự tồn – vong trong quá trình bôn ba chiến đấu phục quốc suốt hơn 20 năm trời của Nguyễn vương Phúc Ánh. Giá trị đặc biệt ấy đã từng được vua Gia Long khẳng định rất dứt khoát trong lời căn dặn Hoàng thái tử [tức vua Minh Mạng] mà Đại Nam thực lục đã ghi chép rằng: “… Khoảng năm Gia Long, vua từng dụ hoàng thái tử, tức Thánh tổ Nhân hoàng đế rằng : “ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn cứ giữ trọn trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này, giữ tín trong nước, ai cũng hưởng ứng. Ấn này quan hệ với quốc gia không nhỏ, thực là ngôi báu trời cho vẫn có quỷ thần giúp đỡ, khiến cho ngọc bích của Triệu lại trở về … để truyền cho con cháu. Vả lại nhà nước ta liệt thánh nối nhau, chồng chất sáng hòa, hơn 200 năm, nay nhờ yêu dấu thiêng liêng mà thống nhất cả nước, Phước chứa vốn đã lâu rồi… … Những vật cũ đời ấy để lại như cái đỉnh cái di, người Chu cũng đều xem là đồ báu. Huống chi cái ấn quốc bảo của tổ tiên ta để lại ư? Từ nay về sau nên lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu ta phải đời đời để lại cho nhau, đừng làm mất đi mà truyền đến ức muôn năm dài lâu mãi mãi”. Năm Canh Thìn, Minh Mệnh năm thứ 1[1820], tháng 2, ngày tốt, Thánh tổ Nhân hoàng đế tự tay phong kín cất đi. Đến năm Đinh Dậu thứ 18 ngày 22 tháng chạp lại mở xem một lần rồi viết chữ son niêm lại để cất như cũ, dùng để truyền cho ức muôn đời)” [11]

Chúng ta thử nêu một giả thiết: nếu quốc ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo này không còn trong khoảng từ 1777-1802, khi Nguyễn vương Phúc Ánh cùng quần thần mưu toan khôi phục sơn hà xã tắc, thì liệu có đầy đủ yếu tố quan trọng nhất để dân chúng tin tưởng rằng ngài Nguyễn Phúc Ánh là dòng dõi hậu duệ trực tiếp của các chúa Nguyễn, để rồi đồng lòng theo phó tá, những mong một ngày sơn hà hải vũ sẽ được nhất thống hay không?. Và, nếu chính vua Gia Long khi đang cầm trên tay chiếc bảo ấn ấy, lại chẳng biết nó là chữ gì, thì làm sao có thể giúp cho quần thần tin phục, để từ đó gây dựng lại lực lượng, phản công đánh chiếm toàn bộ lãnh thổ như lịch sử đã diễn ra? Bên cạnh đó, các vị vua Minh Mạng, Thiệu Trị chính là con, cháu của vua Gia Long, lại là những vì vua anh minh, lỗi lạc, trí tuệ bác lãm đương thời thì có lẽ nào không biết được chiếc bảo ấn truyền quốc đó có chữ gì? Nếu thực sự có chuyện đó thì quốc thể Đại Việt – Đại Nam – Việt Nam rõ ràng bị hạ thấp đến cùng cực.

Do đó, việc hoài nghi trên tinh thần khoa học rất đáng trân trọng, nhưng có lẽ phải xét hết mọi chiều hướng rồi mới đi đến kết luận, bao hàm ý kiến phê phán người xưa.

Sự thực, Đại Nam thực lục trên tổng thể, có thể nhầm lẫn trên một số dữ kiện, song, riêng với bảo ấn truyền quốc, với vị thế và vai trò đặc biệt của nó chẳng thể nào có chuyện Quốc sử quán triều Nguyễn đọc sai về văn tự, tên gọi được.

  1. Kết luận:

Để khép lại câu chuyện về tên gọi của ấn báu Đại Việt quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo, chúng tôi xin trích dẫn một số thông tin còn lại về mức độ quan trọng thực tế của nó, thông qua các tư liệu ở chính sử, cũng như các bài nghiên cứu liên quan.

Theo Đại Nam thực lục, chính biên đệ nhất kỷ [Thực lục về Thế tổ Cao Hoàng đế]: “Năm Canh tý, lại năm thứ 1 [1780] (Lê – Cảnh Hưng năm thứ 41, Thanh – Càn Long năm thứ 45, năm ấy vua mới lên ngôi nên lại chép năm thứ 1) mùa xuân, tháng giêng, ngày Quý Mão, vua lên ngôi vương. Khi vua mới quyền coi quốc chính, quần thần đều khuyên lên ngôi. Vua cho rằng thù nước chưa trả xong, nhún nhường không chịu, quần thần hai ba lần nài xin, vua mới theo, lên ngôi vương ở Sài Gòn. Văn thư đưa xuống gọi là chỉ truyền, sai phái gọi là chỉ sai, dùng ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo (ấn này do Hiển tông Hiếu Minh hoàng đế chế, nay dùng làm của báu truyền ngôi), nhưng vẫn theo niên hiệu nhà Lê; biểu chương của quần thần đều xưng là bẩm” [12].

Hai dữ kiện từ Tiền biên (quyển 8, thực lục về Hiển tông Hiếu Minh hoàng đế [Nguyễn Phúc Chu], đã đề cập) và Chính biên đệ nhất kỷ (thực lục về Thế tổ Cao Hoàng đế [Nguyễn Phúc Ánh]) chính là tư liệu khẳng định đích xác sự quan hệ mật thiết của chiếc bảo ấn truyền quốc ấy đến vận mệnh quốc gia, đến sự sinh tồn của chính Nguyễn vương Phúc Ánh và quần thần trong tiến trình tìm đường phục quốc. Dấu triện trên bảo ấn truyền quốc, xét cho cùng, chính là con dấu xác tín, thực chứng nhất để hiệu triệu nhân tâm, thu hút nhân tài xả thân cống hiến hết mình cho xã tắc, đồng thời có giá trị vô cùng to lớn trong quá trình cổ vũ động viên khích lệ tinh thần anh dũng chiến đấu của hàng ngàn vạn quân dân… suốt mấy mươi năm chiến đấu giành lại sơn hà vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.

Có lẽ, tác giả Đinh Văn Tuấn khi đề cập đến câu chuyện Quốc sử quán triều Nguyễn “đọc nhầm”? chữ Hán trên ấn triện đó thì không nghĩ rằng chính cách nhìn, cách đọc của ông có tác động rất lớn đến lịch sử văn hóa Việt. Cũng vì thế, các lập luận ông đưa ra rất khó thuyết phục được độc giả. Điển hình như nhận định:“… chữ chú là một chữ Nôm gốc Hán (giả tá) dùng để ký âm, xác định phải đọc là CHÚA và đáng chú ý hơn, Nguyễn Phúc Chu đã cố tình dùng một chữ Hán có bộ kim như muốn gợi nhớ đến âm đọc “kim” cũng chính là tên của danh tướng Nguyễn Kim, tổ tiên của chúa Nguyễn, người đã đặt nền móng thiết lập nhà Lê Trung Hưng. Đây chính là một trong những nét độc đáo của chiếc kim ấn do Nguyễn Phúc Chu tạo ra” [13]

Sự suy luận theo ý lấy bộ “kim” để gợi nhớ danh tướng Nguyễn Kim của tác giả đã đi khá “xa” so với vấn đề, đồng thời chứng tỏ ông không hề nắm rõ tên gọi chính thức của vị Chiêu Huân Tĩnh Vương. Người cha đẻ của Đoan quốc công Nguyễn Hoàng ấy có tên CAM淦 (gồm bộ chấm thủy氵+ bộ kim 金) [14], vậy nên chẳng cần phải “gợi nhớ âm đọc kim” nào ở đấy cả.

Tóm lại, chúng tôi xin khẳng định lại chữ triện trên ấn báu chính xác được đọc âm: “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” đúng như Đại Nam thực lục đã khẳng định. Về cấu tạo chữ Hán thì được viết là: “夳越國阮𪐴永鎮之寶” và rõ ràng nhờ tính tương liên, nên vẫn có thể viết giảnlược là:大越國阮主永鎮之寶.

Xin được trích một số ảnh bản liên quan đến bảo ấn truyền quốc này để rõ hơn về tầm quan trọng của bảo ấn đối với lịch sử xã hội Việt Nam thời Chúa và vua Nguyễn./.

V.V.Q

CHÚ THÍCH:

[1] Đinh Văn Tuấn, “Đọc lại chữ triện trên quốc bảo truyền ngôi của Nguyễn Phúc Chu”, Tạp chí Xưa&Nay, số 456/tháng 2 – 2015, tr.20.

Nguyên văn bài viết này ở Tạp chí Xưa-Nay được tác giả Đinh Văn Tuấn cho đăng tải lên trang web Cổ Vật Tinh Hoa:http://covattinhhoa.vn/news/detail/1345/doc-lai-chu-trien-tren-quoc-bao-truyen-ngoi-cua-nguyen-phuc-chu.cvth

[2] 阮朝國史館, 大南寔錄前編, 卷八 [顯宗孝明皇帝寔錄 _下], 越南國家書院,碼號: R. 773, 第三十四頁

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (tái bản, 2007), Đại Nam thực lục [tiền biên] (Quyển 8, thực lục về Hiển tông Hiếu Minh Hoàng đế (hạ) [Nguyễn Phúc Chu]), , Nxb Giáo Dục, tr.124.

[4] Theo đề xuất của ông Đinh Văn Tuấn trong bài viết “Đọc lại chữ triện trên quốc bảo truyền ngôi của Nguyễn Phúc Chu” thì đó là Nam 南 (không phải Đại 大) và chữ Chú鉒 dùng để đọc Chủ?

[5] Đinh Văn Tuấn, Tlđd, tr.21

[6] Đinh Văn Tuấn, Tlđd, tr.20

[7] Đinh Văn Tuấn, Tlđd, tr.20-21

[8] 許慎, 說文解字卷十上~卷十一下 (四庫全書; 經部; 小學類; ; )

[9] Đinh Văn Tuấn, Tlđd, tr.20

[10] Riêng về chữ chủ 𪐴 này, Học giả L.Cadière đã từng ghi chép cụ thể trong bài viết “Les Français au service de Gia-Long”, đăng trên Tập san BAVH số 2 năm 1922, trang 145 (ảnh đính kèm phía dưới). Chứng tỏ, người Pháp đã rất kỹ càng khi khảo cứu văn tự trên chiếc bảo ấn truyền quốc này. Chúng tôi ở bài viết trên chỉ tiếp tục cụ thể hóa văn tự của chữ Đại 夳và Chủ𪐴 trên cơ sở đối chiếu với triện thể để giải mã một cách rõ ràng, minh bạch hơn.

[11] Quốc sử quán triều Nguyễn (tái bản, 2007), Đại Nam thực lục [tiền biên], Sđd, tr.124-125

[12] Quốc sử quán triều Nguyễn (tái bản, 2007), Đại Nam thực lục [chính biên, đệ nhất kỷ] (Thực lục về Thế tổ Cao Hoàng đế, quyển 1), tập 1 (bản dịch), Nxb.Giáo Dục, tr.208

[13] Đinh Văn Tuấn, Tlđd, tr.20

[14] Chữ Cam淦 này được Khang Hy tự điển (link: http://www.zdic.net/z/1d/kx/6DE6.htm ) giải thích như sau:《唐韻》《集韻》《韻會》《正韻》縱古暗切,音紺。《說文》水入船中也。一曰泥也。或作汵。又與灨同。水名。《前漢·地理志》豫章郡有新淦縣。《應劭曰》淦水所出。又《廣韻》古南切《集韻》《韻會》姑南切 音弇。義同。又最也,沈也,汲也。又《集韻》胡南切,音含。義同 (Sách “Đường Vận”, “Tập vận”, “Vận hội”, “Chính vận” phiên là cổ ám thiết, âm CAM. Sách “Thuyết văn”: cam là nước chảy vào trong thuyền, có khi gọi là nê. Hoặc gọi là lãnh. Đồng nghĩa với tên sông CÁM. Sách Tiền Hán thư, mục Địa lý chí rằng: “quận Dự Chương có huyện Tân Cam”. Sách “Ứng Thiệu Viết”: cam là nước chảy ra. Lại theo “Quảng vận”: “cổ nam thiết”, “Tập vận” “Vận hội”: “cô nam thiết”, âm YỂM, nghĩa đồng. Lại còn có nghĩa là tột cùng, thâm trầm, miệt mài. Lại theo “Tập vận” : “hồ nam thiết”, âm Hàm, nghĩa đồng.

Chiêu Huân Tĩnh Vương tức Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Cam (1468-1545). Tên của ngài đã được Ban biên tập bộ Nguyễn Phúc tộc thế phả (Nxb. Thuận Hóa, Huế 1995) đính chính ngay khi khảo về thân thế, sự nghiệp, tại trang 97: “Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế húy là Nguyễn Cam 阮淦” và chú thích: “Theo phát âm của Khang Hy tự điển, phải đọc là CAM. Từ trước đến nay quen đọc là Kim, nay sửa lại cho đúng”.

Ở bài viết trên, ông Đinh Văn Tuấn cũng có một số nhận định không chính xác khác, chẳng hạn như chiếc ấn triện “Quốc chủ ngự bút chi bảo” thì ông lại gọi là “Quốc tể ngự bút chi bảo” trên cơ sở phê phán rằng “thật ra Cao Xuân Dục đã đọc sai chữ Chủ mà đúng ra là chữ tể 宰” (Đinh Văn Tuấn, Sđd, tr.21). Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi vào bài sau.

Tóm tắt:

Thời gian gần đây, do xuất phát từ chữ Hán triện thể đặc trưng, một số nhà nghiên cứu đã đặt vấn đề nghi vấn về văn tự và tên gọi chính thức của chiếc bảo ấn truyền quốcĐại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”. Trong đó, học giả Đinh Văn Tuấn – đại diện cho một số nhà nghiên cứu đưa ra cách đọc khác cho tên gọi của quốc ấn này – đã chứng minh để đi đến kết luận tên gọi đó là “Nam Việt quốc Nguyễn chúa [âm Nôm] vĩnh trấn chi bảo”?. Sự thực, tên gọi và văn tự của chiếc ấn báu đó có vị thế khá đặc biệt trong lịch sử xã hội thời Chúa và Vua Nguyễn, nhất là vào thời Nguyễn vương Phúc Ánh cùng bề tôi dồn tâm lực cho quá trình phục quốc đầy cam go. Vậy nên, với mong muốn minh giải rõ ràng để khẳng định giá trị đặc biệt thông qua tên gọi chính xác của chiếc ấn báu này, chúng tôi xin có một số ý kiến chính thức dựa trên nghiên cứu thực chứng, nhằm truy nguyên “gốc rễ” của văn tự và tên gọi được thể hiện trên chiếc ấn triện truyền quốc, góp phần xóa bỏ những hoài nghi về cách gọi “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” mà Quốc sử quán triều Nguyễn đã đưa ra.

Last updated

Was this helpful?