QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG HIẾU LĂNG – NƠI AN TÁNG VUA MINH MẠNG
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Lăng vua Minh Mạng còn gọi là Hiếu lăng, nằm ở núi Cẩm Kê, xã An Bằng huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên. Khi xem xét địa thế, vua Minh Mạng cho rằng nơi đây phong thủy tốt, đủ làm nơi phần mộ lâu dài.
Năm Canh Tý, năm Minh Mạng thứ 21 (1840), vua đặt tên núi Cẩm Kê (có sách viết là Khê) gọi là Hiếu sơn. Khi ngự đến xem, vua bảo thị thần rằng: Núi này phong thuỷ rất tốt, từ trước chưa ai xem ra. Nay mới xem được chỗ đất tốt ấy, thực đáng vui mừng. Bèn sai Trương Đăng Quế, Bùi Công Huyên đem vệ Giám thành đến khám đo địa cục núi ấy. Khi về đem bản đồ dâng lên, vua khen là kỹ càng, ban thưởng cho tiền vàng như ý, hạng nhỏ mỗi người một đồng, sa lụa mỗi người 2 cuộn.
Rồi vua lại xuống dụ rằng: Trước đã phái văn võ đại thần đem theo Khâm thiên giám cùng thầy địa lý tìm được 2 ngôi đất tốt ở núi Thuận và núi Hiếu. Trẫm đã đến xem, thấy núi sông đẹp đẽ, khí tốt đúc lại, đủ làm nơi phần mộ ngàn muôn năm. Vậy Lê Văn Đức là người tìm được trước, thưởng cho thêm 2 cấp, bọn Tạ Quang Cự, Vũ Xuân Cẩn, Trương Đăng Quế, Lê Đăng Doanh, Hà Duy Phiên, Mai Công Ngôn, Đặng Văn Thiêm, Phan Huy Thực, Nguyễn Trung Mậu, Tôn Thất Bạch cùng đi xem, đều thưởng cho thêm 1 cấp. Người theo đi làm việc là Trưởng sử Nguyễn Văn Bảng, Giám chính Hoàng Công Dương đều thêm 1 hàm, sỹ nhân là Nguyễn Huy Hổ, thăng cho làm Linh đài lang ở Khâm thiên giám. Lại thưởng chung cho những người theo làm việc 100 lạng.
Mùa thu, tháng 9, vua sai sửa làm thành bao vây ở Hiếu sơn. Vua dụ bộ Công rằng: Công việc ở nơi núi Hiếu, trước đây phái bắt binh dân khởi công làm. Nhưng ta nghĩ khi ấy đương tiết mưa ngập, đã chuẩn cho đến cuối tháng 8 nghỉ việc, nên hôm trước đã cho về cả. Xét ra thành bao ấy, rất là quan trọng, mà công trình xây đắp, không phải tính độ mươi ngày là làm xong được. Tất phải dự định việc khai đào trước, để thành thể thế, thì sau này kế tiếp làm, mới có thế đỡ khó nhọc đôi chút. Huống chi nơi ấy, nguyên là núi cao, nếu có mưa ngập, cũng không quản ngại. Vậy phái ra Quản vệ 1 người, Suất đội 4 người, biền binh 200 người cứ theo Khâm thiên, Giám thành chỉ bảo. Ở chính giữa nơi thành bao núi ấy, liệu lượng dựng nhà xưởng ở trên. Rồi ra công khai đào, dài 5 trượng, ngang trên dưới 3 trượng, sâu 1 trượng, hoặc 7, 8 thước. Nếu khí đất còn khô ráo thì đào sâu dần; nếu có mạch nước ở núi chảy ra thì tuỳ thế khơi 1 cái ngòi nhỏ, để khí nước thêm ướt, chảy thông ra chân núi, cốt cho khô ráo sạch sẽ. Về việc phái Quản vệ cho đến binh đinh, định cứ mỗi tháng 1 lần thay đổi. Đổng lý đại thần là Trương Đăng Quế và Hà Duy Phiên, cũng chuẩn cho thay nhau đến kiểm đốc.
Ngày Ất Hợi, mùa đông tháng 12, vua bị ốm. Ngày Giáp Thân bệnh rất nguy kịch. Hôm ấy vào giờ Hợi, vua mất ở điện Quang Minh. Long thể của vua Minh Mạng được an táng vào lăng ở Hiếu sơn, dùng lễ quan tài đi dưới đường ngầm. Gọi là Hiếu lăng.
Hiếu lăng được tiếp tục xây dựng dưới thời vua Thiệu Trị. Trong tờ chiếu ngày ninh lăng có viết: Xây lăng là việc lớn, nhất nhất đều theo đúng mệnh lệnh của Tiên đế đã định, đã xây dựng sơn lăng ở Hiếu sơn, theo lễ cổ đưa quan tài đi đường ngầm vào huyệt, thực là các đời từ Lê trở về trước, chưa đời nào đã làm được thế.
Ngày Tân Dậu, mùa thu tháng 7 năm Tân Sửu, năm Thiệu trị năm thứ nhất (1841), hạ vào huyệt ở Hiếu lăng. Công việc xây Hiếu lăng lại thực hiện, trên xây Bảo thành, dưới xây đường hầm (cách thức dùng ba lần cửa). Lại theo vị trí của núi Hiếu sơn, đặt cho những tên rất đẹp: trước lăng có hồ Tân Nguyệt, phía giữa làm cầu Thông Minh Chính Trực, bên hữu làm cầu Yển Nguyệt bằng đá. Trước hồ có 3 núi (gọi chung là núi Tam Tài, gọi riêng thì bên tả là Thành Sơn, bên hữu là Bình Sơn). Ở giữa hồ dựng lầu Kiến Minh, hai bên lầu có xây cột trụ, bên hữu làm đình Điếu Ngư, bên tả làm quán Nghênh Lương. Trước lầu ấy làm điện Sùng Ân ở trên núi Phụng Thần; đằng trước điện có nhà đông tây, đằng sau điện có làm nối hai viện đông tây. Cửa đằng trước gọi là cửa Hiển Đức, cửa đằng sau gọi là cửa Hoằng Trạch. Từ lầu Kiến Minh thông đến điện Sùng Ân làm ba cái cầu (ở giữa là cầu Trung Đạo, bên tả là cầu Tả Phù, bên hữu là cầu Hữu Bật). Cầu bắc qua hồ Trừng Tâm. Trước điện độ vài trăm bước, làm nhà bia “Thánh đức thần công”. Bên tả Bảo thành là núi Tĩnh Sơn, làm nhà giải vũ Tả tòng, bên hữu là núi Ý Sơn, làm nhà giải vũ Hữu tòng. Bên tả về phía Nam tòng viện: núi Đức Hoá thì làm Tuần Lộc hiên, núi Khải Trạch thì làm Linh Phương các; gần trước mặt là núi Đạo Thống trông xuống bờ hồ, làm Quan Lan sở. Bên hữu, đảo Trấn Thuỷ ba mặt là nước, làm nhà thuỷ tạ Hư Hoài; gần về mạn sau, làm kho Thần Khố, chứa các đồ tế khí. Thành bao xung quanh xây bằng gạch.
Tường mặt trước làm ba cửa: chính giữa là cửa Đại Hồng, bên tả là cửa Tả Hồng, bên hữu là cửa Hữu Hồng. Trên núi Phúc Ấm ở trong cửa Tả Hồng làm Truy Tư trai để làm nhà ở trong khi đến thăm viếng.
Vua Thiệu Trị cũng cho dựng bia “Thánh đức, thần công” ở Hiếu lăng.
Năm Giáp Thìn (1844), vua lại sai Trung quân Chưởng phủ Tạ Quang Cự, Thượng thư Hà Duy Phiên tu bổ Hiếu lăng.
Dưới thời vua Tự Đức, năm Mậu Ngọ (1858), vua cho dựng ở Hiếu lăng một cái nhà riêng ở ngoài giới hạn đất cấm. Phàm các phi tần, cho đến cung nga, thị nữ, hoặc người có con mà con chết trước, cùng là người không có con, nếu xin tình nguyện ở lại chầu trực ở điện thờ, mà sau chết đi, thì được thờ ở đấy, cấp cho đồ thờ, xuân thu tế hai lần, như lệ mọi đền thờ khác.
Trong quá trình xây dựng Hiếu lăng, việc ban thưởng hay định tội cũng rất nghiêm minh. Các đại thần trông coi việc xây lăng, việc tang nghi và các quan chầu hầu, đi theo, từ chức tổng hộ chánh, phó sứ, phù liễn đại thần đến quản vệ đều thưởng cho áo mặc có thứ bậc. Các đường quan và thuộc viên ở bộ Lễ, bộ Công và các viên nhân ở Khâm thiên giám đi chọn chỗ đất tốt đều giao cho bộ Lại phân biệt bàn công.
Về sau ở Kinh sư mưa to, nước lụt. Thềm, hè ở đền thờ tại Hiếu lăng và thành xây chung quanh, gián hoặc có chỗ nghiêng xiêu. Trước đây, làm lễ Ninh lăng xong, từ chức đổng lý trở xuống đã được giao cho Bộ bàn thưởng. Đến đây, vua cho rằng việc xây lăng còn có chỗ chưa được tốt. Hoãn việc bàn công, bàn thưởng lại. Lại sai Đổng lý Tạ Quang Cự và Hà Duy Phiên chịu tội đến lăng, tùy theo tình thế mà sửa chữa. Lại sai bộ Hình chiếu theo hình tích những chỗ hư hỏng nhiều hay ít mà phân biệt việc nghị tội. Án dâng lên, người chuyên biện trước đây là Suất đội Trần Ngọc Thu, Vệ uý Trần Văn Quản và Phó vệ uý Trần Kiếm đều phải phạt trượng, cách chức, phát phối đi làm lính ở An Giang; còn các viên nhân chuyên biện, tuỳ biện và đổng lý đều phân biệt giáng cấp có thứ bậc.
Lăng của vua Minh Mạng có quy mô lớn, theo sách Đại Nam nhất thống chí, la thành quanh lăng có chu vi hơn 433 trượng. Hiến Tổ Chương Hoàng Đế đã phỏng theo phép “toại” đời xưa mà đào đất xây cung. Nơi đây địa thế tốt đẹp, có núi có sông. Ngày nay, Hiếu lăng không chỉ có giá trị về lịch sử mà nơi đây còn là thắng cảnh thu hút mọi người đến thưởng ngoạn./.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H23/11, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
2. Hồ sơ H23/16, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
3. Hồ sơ H24/19, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
4. Đại Nam thực lục, Viện khoa học xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Giáo dục (2004).
5. Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, 2006.
Nhật Phương
[ ]