2.AI trong Quản trị Nguồn Nhân lực - Tác động tiềm ẩn của AI
#AI_for_HR
“… Rằng làm sao có trí óc nào dự tính được hết, bàn tay nào làm được hết, hệ thống nào kiểm soát được hết, quy trình nào hoàn hảo đủ để có câu trả lời cho mọi tình huống? Chỉ có một thứ mới có sức mạnh vô vàn, làm được tất cả những chuyện tôi vừa nêu: đó là văn hóa”.
Trích: Một đời quản trị của Thầy Phan Văn Trường
AI trong Quản trị Nguồn Nhân lực
Kỳ 2: Tác động tiềm ẩn của AI
Câu trích dẫn trên đây được trích từ quyển Một đời quản trị của Giáo sư Phan Văn Trường, trong đoạn nói về Kasame Chatiavanij – Chủ tịch và Nhà sáng lập Công ty EGAT (Công ty Điện lực Thái Lan) và phong cách lãnh đạo và quản trị của ông. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, AI cũng sẽ làm thay đổi cách thế giới loài người đang vận hành, cũng giống như Steve Job và Apple đã lật đổ sự thống trị của Nokia và chuyển đổi toàn bộ ngành kinh doanh dựa-trên-thiết-bị-di-động trong những năm đầu của thiên niên kỷ 2000. Với AI, con người sẽ có thể dự tính được nhiều khả năng hơn và sát với thực tế hơn, thực hiện được khối lượng công việc nhiều hơn, kiểm soát và đưa ra quyết định nhanh chóng hơn toàn diện hơn. Và một nền văn hóa mới, VĂN HÓA AI, sẽ hình thành và phát triển trong mọi tổ chức, mọi cộng đồng và mọi nền xã hội. Cùng với những ưu điểm không thể phủ nhận, AI cũng sẽ mang lại những tác động tiềm ẩn và những hệ quả tiêu cực từ mặt tối của nó, như được trình bày dưới đây.
1. Tác động về mặt xã hội: AI sẽ thúc đẩy và khai sinh những ngành nghề mới, đồng thời loại bỏ một số ngành nghề truyền thống. Một lực lượng lao động mới trẻ trung và thành thạo công nghệ mới sẽ gia nhập thị trường và những nhân sự già cỗi hoặc không kịp thích ứng sẽ bị đào thải. Sự thay đổi này có thể sẽ gây ra một gánh nặng đáng kể lên các chính phủ và các tổ chức công khi phải điều chỉnh các chính sách liên quan đến lao động và các khoản chi trả bảo hiểm và trợ cấp xã hội dành cho tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Thêm vào đó, với những công nghệ, quy trình và phương pháp sản xuất dựa-trên-AI, năng suất sẽ tăng lên đáng kể và có thể sẽ đẩy nhanh tốc độ khai thác dẫn đến cạn kiệt những nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời sản xuất ra một lượng sản phẩm quá mức dẫn đến những cuộc khủng hoảng thừa, làm nghiêm trọng thêm tình trạng thất nghiệp trên toàn thế giới.
2. Tác động về kinh tế: AI và những tiến bộ công nghệ dựa-trên-AI sẽ nhanh chóng trở thành một lợi thế cạnh tranh gần như tuyệt đối cho những ai nhanh chóng nhận thức được và tận dụng được sức mạnh khổng lồ của AI. Tuy nhiên, các tổ chức sẽ phải tốn thêm những khoản chi phí và nguồn lực đáng kể để đầu tư vào nghiên cứu và áp dụng AI, từ thiết bị máy móc, cải tiến hoặc thay đổi các quy trình nghiệp vụ hiện tại cho đến chi phí đào tạo nhân sự và duy trì hoạt động của các hệ thống dựa-trên-AI. Điều này cũng giống như một cuộc chạy đua vũ trang, chỉ có điều thay vì các vũ khí hủy diệt thì các tổ chức sẽ thi nhau xem ai sử dụng AI để nghiên cứu và phát triển sản phẩm nhanh hơn, cải tiến quy trình nghiệp vụ toàn diện hơn, tiết kiệm được hoặc sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả hơn. Và dĩ nhiên, tốc độ mà các tổ chức bị đào thải, phá sản hoặc bị sáp nhập – mua lại sẽ nhanh hơn. Hay nói cách khác, tuổi thọ của các tổ chức sẽ trở nên rất chênh lệch và bị rút ngắn một cách đáng kể so với trước kia.
3. Tác động đến tâm lý con người: Làn sóng sa thải nhân viên trong thời gian vừa qua (kể cả tại những tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới) được cho là có một mối liên hệ nhất định với sự phát triển của AI. Với AI, máy móc sẽ trở nên thông minh hơn và có thể hoàn toàn thay thế con người trong những công việc nhất định. Chính điều này đã tạo nên tác động tâm lý không nhỏ đến phần lớn xã hội loài người khi sự lo lắng và bất an về việc bị AI cướp mất việc làm cũng như sự hoang mang và mất định hướng trong cuộc sống. Những ai thích thú, tò mò và sử dụng AI từ sớm có thể sẽ trở thành những “con nghiện” AI và đánh mất khả năng kiểm soát bản thân. Và điều tất yếu sẽ là một cuộc xung đột mang tính thù địch giữa những người ủng hộ và phản đối AI. Nhịp độ và yêu cầu công việc ngày càng nhanh hơn, cao hơn cũng có thể gây ra những tác động và khủng hoảng tâm lý ngày càng trầm trọng hơn đối với con người.
4. AI và những thách thức và rủi ro mới: Bên cạnh những lợi ích, AI cũng đồng thời tạo ra những rủi ro và thách thức đòi hỏi tất cả chúng ta phải xem xét và xử lý một cách cực kỳ nghiêm túc để có thể hạn chế được những hệ quả bất lợi từ việc sử dụng AI trong cách thức chúng ta sống và làm việc. Cụ thể:
a. Bảo mật và quyền riêng tư của dữ liệu: Các hệ thống lưu trữ và xử lý thông tin luôn là miếng mồi ngon cho những kẻ tấn công và tội phạm công nghệ. Với AI cộng với điện toán đám mây, dữ liệu và thông tin ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp xúc qua Internet hơn. Và những kẻ tấn công hoặc tội phạm công nghệ cũng sẽ sử dụng sức mạnh của AI để tấn công vào các lỗ hổng bảo mật để khai thác, phá hoại và/hoặc lạm dụng thông tin, đặc biệt là thông tin nhận dạng cá nhân, từ đó, chúng có thể trục lợi, gian lận tài chính, gây tổn hại về danh tiếng và hình ảnh của các tổ chức và cá nhân.
b. Đạo đức và trách nhiệm: Việc sử dụng AI đòi hỏi các chính phủ, tổ chức, cộng đồng và cá nhân phải đặc biệt chú ý đến khía cạnh đạo đức và trách nhiệm. Những quyết định từ AI hoặc được hỗ trợ bởi AI có khả năng gây ra ảnh hưởng sâu rộng đến một cộng đồng lớn người dùng, đòi hỏi các chính phủ và tổ chức tiêu chuẩn quốc tế phải cùng nhau xác định và thống nhất về những nguyên tắc và tiêu chuẩn áp dụng để khiến cho việc sử dụng AI trở nên minh bạch và công bằng nhất có thể.
c. Tiến bộ công nghệ nằm trong tay kẻ xấu: Những kẻ xấu (khủng bố, các quốc gia hoặc tổ chức thù địch với nhau, tội phạm – kể cả tội phạm công nghệ, v.v…) có thể lợi dụng những tiến bộ công nghệ để nghiên cứu và phát triển một cách nhanh chóng những loại vũ khí hoặc hình thức tấn công mới mang tính hủy diệt và phá hoại trên phạm vi rất rộng.
d. Giả mạo và lừa đảo: Với hàng loạt công cụ dựa-trên-AI hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những hình ảnh hoặc đoạn phim ngắn có độ chân thực để giả mạo danh tính của một cá nhân nhằm phục vụ cho mục đích xấu nào đó. Do đó, việc xác minh tính toàn vẹn và xác thực của những thông tin được truyền qua Internet sẽ trở thành một thách thức và rủi ro rất lớn đối với tất cả người dùng và các tổ chức đang cung cấp những dịch vụ liên-quan-đến-thông-tin.
e. Sự phụ thuộc quá mức: Bản chất kết nối của thế giới Internet khiến cho con người ngày càng trở nên “ảo” hơn, gắn bó với mạng xã hội nhiều hơn và ít tương tác vật lý hơn. AI sẽ thúc đẩy và làm cho xã hội ngày càng trở nên phụ thuộc vào công nghệ nhiều hơn nữa, dẫn đến tình trạng “nô dịch công nghệ”, nghĩa là con người trở thành nô lệ cho chính những công nghệ mà mình đã tạo ra. Hơn thế nữa, AI cũng có thể khiến cho một quốc gia, tổ chức trở thành bị phụ thuộc và chi phối gần như hoàn toàn về mặt công nghệ vào một quốc gia hay tổ chức khác.
Trí tuệ Nhân tạo – AI, có lợi hay hại nhiều hơn, có lẽ lại là một câu hỏi khác gây ra nhiều tranh luận và và tiếp tục vẫn chưa kết luận chính xác đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta sẽ không thể ngăn cản sự phát triển vượt bậc của AI và những công nghệ dựa-trên-AI. Thay vào đó, hãy nhanh chóng thích nghi và nghiên cứu cả hai mặt của AI để tạo nên một xã hội có tính công bằng hơn, minh bạch hơn và …. AI hơn.
Kỳ 3: Những lợi ích từ AI
Kỳ 4: AI và công việc
Kỳ 5: AI và Nguồn nhân lực
Nguyễn Thế Hùng – ITM tại Frasers Law – CTV của Phi&P
Last updated
Was this helpful?