3.AI trong Quản trị Nguồn Nhân lực - Những lợi ích từ việc áp dụng AI
#AI_for_HR
“… Trong một thế giới khỏe mạnh, giàu có và hòa bình, điều gì sẽ chiếm lĩnh sự chú ý và tài khéo léo của chúng ta? Câu hỏi này sẽ trở nên bội phần cấp thiết bởi công nghệ sinh học và công nghệ thông tin đang trang bị cho chúng ta những năng lực mới vô cùng lớn. Chúng ta sẽ làm gì với những năng lực đó”.
Trích: Homo Deus – Yuval Noah Harari
AI trong Quản trị Nguồn Nhân lực
Kỳ 3: Những lợi ích từ việc áp dụng AI
Cách đây 40 năm, vào những năm 1980, ba tôi – vốn là một cựu quân nhân – đã phải mất gần 3 tháng chỉ để gửi được đôi dòng hồi âm ngắn ngủi từ chiến trường Cambodia về cho gia đình. Ngày nay, chỉ mất vài giây và vài cú lướt trên chiếc điện thoại thông minh, ông đã có thể gọi một cuộc gọi video cho em ruột của ông đang ở ngoài quê cách đây hàng trăm ki-lô-mét. Đây chỉ là ví dụ đơn giản nhất trong vô số ví dụ để bạn đọc có thể dễ hình dung hơn về tốc độ tiến bộ của kỹ thuật và công nghệ. Và dù sớm hay muộn, bất kể bạn thích thú, sợ hãi hay bài xích hay tiếp nhận với tâm thế phấn khích và tò mò, AI cũng vẫn sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta, mãi mãi, giống như cách mà Internet và thư điện tử đã từng cách đây vài chục năm.
Như một nguyên tắc bất di bất dịch, bạn càng tìm hiểu và áp dụng AI cho cuộc sống và công việc của mình càng sớm, bạn càng thành thạo và hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của AI để có khả năng trở thành những người tiên phong trong lĩnh vực ngành nghề của mình. Dĩ nhiên, bạn cũng sẽ nắm bắt và tận dụng được từ sớm những lợi ích mà AI có thể mang lại cho bạn, như được tóm tắt dưới đây. Đồng thời, bạn cũng sẽ có khả năng nhận thức và hạn chế được những rủi ro có thể có từ AI để thực sự trở thành một bậc thầy về ứng dụng AI, hy vọng là thế.
1. Tốc độ xử lý công việc tăng lên: Trong một quy trình, thời gian thường bị lãng phí ở các bước chuyển tiếp – khi xuất hiện thời gian chờ, trong khi thời gian để xử lý thực ra khá ngắn. Quy trình càng nhiều bước, tổng thời gian chờ và kéo theo là thời gian thông lượng (throughput) của quy trình càng dài. Việc ứng dụng AI sẽ cải thiện đáng kể tốc độ xử lý công việc trong tất cả mọi lĩnh vực bằng cách thực hiện những công việc lặp đi lặp lại nhanh hơn và chính xác hơn so với con người. AI cũng có thể được ứng dụng để phân tích và tìm ra các điểm cải tiến khả dĩ, các điểm đơn lỗi (single point of failure – là một điểm nếu bị lỗi có thể gây ra sự cố cho toàn bộ hệ thống hoặc cấu trúc) và các biện pháp cải tiến. Rủi ro: mọi quy trình đều phải được chuẩn hóa và phân tích một cách kỹ lưỡng vì nếu không, việc ứng dụng AI sẽ gây ra thêm gánh nặng xử lý các kết quả từ quy trình lỗi.
2. Tốc độ đưa ra quyết định nhanh hơn – và có thể, chính xác hơn: Với lượng thông tin khổng lồ đã được thu thập, số hóa, tổng hợp, phân loại và phân tích trên thế giới Internet ngày nay, con người ngày càng có nhiều dữ liệu đa dạng và chính xác hơn để làm cơ sở cho quá trình đưa-ra-quyết-định của mình. Với sự trợ giúp của AI, việc truy xuất đến nguồn dữ liệu có ý nghĩa và từ đó, rút ra kết luận, càng trở nên nhanh chóng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn một số yếu tố rủi ro từ việc ứng dụng AI cho quá trình đưa-ra-quyết-định, cụ thể:
a. Nguồn dữ liệu phải “sạch” và được xác thực: dữ liệu sai sẽ có
thể khiến bạn đưa ra những quyết định sai và dẫn đến hậu quả
nghiêm trọng.
b. Sự phụ thuộc: theo thời gian, con người có thể sẽ thui chột và
đánh mất khả năng đưa-ra-quyết-định dựa trên trực giác và trở
nên quá mức phụ thuộc vào AI.
c. Mức độ chính xác của quyết định: khi tốc độ đưa ra quyết
định tăng lên, có khả năng con người không kịp có đủ thời gian
để suy xét về những hệ quả có thể có từ các quyết định đó, dẫn
đến khả năng quyết định không chính xác hoặc không phù hợp.
3. Những sản phẩm và dịch vụ mới: AI có thể giúp tăng tốc quá trình nghiên cứu và phát triển các sản phẩm và/hoặc dịch vụ mới (vắc-xin chống Covid là một ví dụ rõ nét nhất). Dựa trên dữ liệu lớn, các thuật toán và mô hình máy học, AI có thể tự phân tích và đề xuất những cải tiến hoặc những gợi ý giúp rút ngắn quá trình nghiên cứu một sản phẩm, dịch vụ, từ đó, rút ngắn thời gian tung ra các sản phẩm hoặc dịch vụ mới ra thị trường. Đồng thời, AI cũng có thể dự đoán những xu hướng và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm/dịch vụ để từ đó, các tổ chức có thể xây dựng và phát triển những mô hình mới cho hoạt động kinh doanh của mình. Rủi ro: tốc độ phát triển sản phẩm quá nhanh có thể dẫn đến tình trạng thừa, gây nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và hỗn loạn trên thị trường.
4. Gia tăng hiệu suất và hiệu quả công việc: AI có thể thay thế con người trong việc thực hiện các công việc thủ công có tính lặp đi lặp lại hoặc điều khiển rô-bốt thực hiện những công việc nặng nhọc trong những môi trường nguy hiểm và độc hại cho sức khỏe con người. Với tốc độ xử lý và đưa ra quyết định nhanh hơn, rõ ràng là với AI, chúng ta có thể tận dụng tốt hơn những nguồn lực hạn chế của mình để dành cho những công việc có tính sáng tạo hơn và yêu cầu các kỹ năng chuyên sâu hơn. Kết quả là hiệu suất và hiệu quả công việc cũng như sử dụng nguồn lực được gia tăng và mang lại nhiều lợi ích hơn cho tổ chức. Rủi ro: hiệu suất công việc gia tăng có thể khiến cho con người bị cuốn theo tốc độ và dẫn đến tình trạng kiệt sức. Ngoài ra, việc áp dụng AI quá mức có thể khiến vai trò và trách nhiệm công việc cụ thể trở nên mơ hồ hoặc không rõ ràng, khiến cho tổ chức có thể gặp phải những rắc rối trong việc xác định người chịu tránh nhiệm cho những hệ quả tiêu cực hoặc không mong muốn xảy ra do quyết định đến từ việc ứng dụng AI.
5. Rút ngắn thời gian tìm giải pháp cho những vấn đề lớn và phức tạp đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của con người: Những tiến bộ công nghệ, và AI, đang giúp loài người phát triển những dạng trí tuệ phi-ý-thức để có thể thực hiện những công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực trí tuệ - ý thức của con người, dựa trên việc thu thập, tổng hợp, phân tích dữ liệu lớn để khai phá và phát triển các hình mẫu (patterns) và xu hướng một cách nhanh chóng để làm cơ sở hỗ trợ chúng ta dự đoán và đề ra các biện pháp giải quyết các vấn đề phức tạp trong các lĩnh vực đòi hỏi trí thông minh cấp cao như y khoa, nghiên cứu khoa học, chăm sóc sức khỏe được cá nhân hóa, v.v.v… Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tình trạng mất cân bằng và thiên-vị-AI (phân biệt đối xử), nghĩa là tiến bộ công nghệ AI chỉ tập trung vào một số ít tổ chức và quốc gia phát triển dẫn đến sự thao túng và đối xử thiên vị với các tổ chức hoặc quốc gia đồng minh và bỏ qua, hoặc dành ít sự quan tâm cho các tổ chức và quốc gia còn lại, khiến mâu thuẫn càng trở nên gay gắt hơn.
Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà AI mang lại cho cuộc sống và công việc của chúng ta. Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn từ AI tiếp tục gây ra bối rối cho các chính phủ, các cơ quan lập pháp và các tổ chức định ra các tiêu chuẩn chung, đòi hỏi những cách nhìn nhận, xem xét và đánh giá ưu – khuyết điểm cũng như những tác động về mặt đạo đức và xã hội của AI, những trách nhiệm, đảm bảo tuân thủ việc bảo vệ an toàn thông tin và quyền riêng tư một cách nghiêm túc và toàn diện hơn nữa để từ đó, đặt ra những giới hạn và ràng buộc để AI thực sự trở thành một công cụ phục vụ cho sự phát triển bền vững của xã hội loài người.
“… Các công ty, tiền bạc và các quốc gia chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của chúng ta mà thôi. Chúng ta phát minh ra chúng để phục vụ mình, làm thế nào mà rốt cuộc chúng ta lại phải hy sinh tính mạng để phục vụ chúng?”.
Trích: Homo Deus – Yuval Noah Harari
Kỳ 4: AI và công việc
Kỳ 5: AI và Nguồn nhân lực
Nguyễn Thế Hùng – ITM tại Frasers Law – CTV của Phi&P
Last updated
Was this helpful?