1.AI trong Quản lý Nguồn Nhân lực - Lịch sử phát triển của AI

#AI4HR

AI trong Quản lý Nguồn Nhân lực

“Nguồn tài nguyên con người dùng vào việc nghiên cứu việc kiểm soát AI vẫn còn rất nhỏ, về cơ bản là bằng không”.

Jaan Tallinn – Đồng sáng lập Skype

Trong khoảng thời gian gần đây, đặc biệt là từ tháng 11/2022, khi OpenAI tung ra các phiên bản ChatGPT, AI đã bùng nổ và trở thành một xu hướng thời thượng trong các cuộc thảo luận về công nghệ và thông tin trên các diễn đàn kỹ thuật và cả các diễn đàn phi-kỹ-thuật. Trước đó nữa, là những ứng dụng AI trong nghiên cứu dược phẩm mà đỉnh cao là việc phát triển nên vắc-xin chống Covid chỉ trong 18 tháng với sự hỗ trợ của AI. Xa hơn, có thể kể đến một số các ứng dụng như Siri trên các thiết bị Apple hoặc Cortana được tích hợp vào Hệ điều hành Windows của Microsoft. Và xét về mặt nào đó thì các ứng dụng phần mềm máy tính mà chúng ta đang sử dụng hàng ngày cũng là một dạng thể hiện khác của AI. Vậy AI là gì? AI đã được ứng dụng như thế nào trong các lĩnh vực đời sống hàng ngày? AI sẽ có thể mang lại những lợi ích và tác động tiềm ẩn như thế nào đến xã hội? Và chúng ta có thể tận dụng những ưu thế của AI như thế nào để đạt được độ chính xác và thích hợp cao hơn trong quá trình đưa ra quyết định của mình dựa trên dữ liệu theo thời-gian-thực (real-time) hoặc gần-với-thời-gian-thực (near-real-time), để từ đó chúng ta có thể dành thời gian của mình để tận hưởng cuộc sống – công việc một cách trọn vẹn và sáng tạo hơn?

Kỳ 1: Lịch sử phát triển của AI

Trong ngành khoa học máy tính, khái niệm trí tuệ nhân tạo hay AI – artificial intelligence (đôi khi còn được gọi là trí thông minh nhân tạo) được sử dụng để chỉ một hình thức của trí thông minh được máy móc thể hiện, khi so sánh với trí thông minh tự nhiên của con người, nghĩa là để chỉ khả năng của máy móc có khả năng tư duy, nhận thức hoặc bắt chước các chức năng nhận thức của con người như nhận diện, học tập, hiểu được những khái niệm và ngôn ngữ và đưa ra các quyết định dựa trên cơ sở thông tin và dữ liệu nhận được từ bối cảnh và môi trường bên ngoài. Đến thời điểm hiện tại thì khái niệm AI đã được mở rộng và điều chỉnh để chỉ một lĩnh vực nghiên cứu – phát triển và ứng dụng những tiến bộ về công nghệ máy tính để xây dựng được các hệ thống điện toán có khả năng thực hiện được những nhiệm vụ mà con người hoặc là không đủ khả năng thực hiện hoặc là có đủ khả năng về mặt lý thuyết nhưng cần phải tiêu tốn rất nhiều nguồn lực để có thể hoàn thành được nhiệm vụ đó, từ đó trở nên không khả thi về mặt ứng dụng trong thực tế.

Từ những năm thập niên 1950 – 1960 của thế kỷ trước, rất nhiều bài báo và công trình nghiên cứu khoa học về những đề tài như trí thông minh của máy móc, lý thuyết thần kinh học, các ngôn ngữ lập trình logic, các hội nghị về trí thông minh nhân tạo đã được xuất bản và tổ chức tại nhiều quốc gia trên thế giới, với những cột mốc tiêu biểu như được liệt kê như dưới đây:

- 1943: A Logical Calculus of Ideas Immanent in Nervous Activity của Warren McCullough và Walter Pitts được xuất bản, đề xuất về một mô hình toán học để xây dựng một mạng lưới thần kinh (nhân tạo),

- 1950: On Computing Machinery and Intelligence được viết bởi nhà toán học, logic học và mật mã học người Anh Alan Turing, người được coi là một trong số những nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, và là người sáng tạo ra phép thử Turing (Turing test) – một trong những cống hiến lớn nhất của ông cho ngành nghiên cứu về trí tuện nhân tạo.

- 1956, John McCarthy, Marvin Minsky, Nathan Rochester của IBM và Claude Shannon tham gia dẫn đầu trong hội thảo về trí tuệ nhân tạo tại Đại học Dartmouth. Cụm từ “trí tuệ nhân tạo” xuất hiện lần đầu tiên tại hội thảo này.

- …

- 1996 - 1997: Vua cờ Gary Kasparov bị đánh bại bởi siêu máy tính Deep Blue của IBM.

- 2008: Google tạo ra những bước đột phá trong nhận dạng giọng nói.

- 2012: dự án Google Brain Deep Learning - được sáng lập bởi Andrew Ng, có khả năng nhận diện được một con mèo bằng cách sử dụng 10 triệu video YouTube để làm tập tài liệu huấn luyện.

- 2016: AlphaGo của Google DeepMind đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới khi đó là Lee Sedol.

Và còn rất nhiều những tiến bộ và cách ứng dụng khác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã hoặc đang âm thầm len lỏi vào những ngóc ngách trong cuộc sống và công việc hàng ngày của chúng ta, đến mức thậm chí chúng ta còn không nghĩ rằng đấy là trí tuệ nhân tạo. Tổng hợp từ văn bản thành giọng nói, từ giọng nói thành văn bản, tìm kiếm và sắp xếp thông tin theo ngôn ngữ tự nhiên, tương tác, nhận dạng và phản hồi lại giọng nói, dịch thuật tự động, kiểm tra chính tả và đề xuất từ ngữ thay thế trong các trình soạn thảo văn bản, … bạn có từng cho rằng đây là những thành quả ứng dụng từ việc nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo không?

Trí tuệ nhân tạo có thể làm cho công việc cũng như cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn, nhưng đồng thời cũng gây ra mức độ rủi ro và phức tạp cao hơn. AI, cộng với những công nghệ khả dụng khác, là phương tiện để chúng ta có thể tìm ra những cách thức tốt hơn, nhanh hơn và rẻ tiền hơn để đáp ứng những nhu cầu trong thế-giới-thực bằng cách kết hợp và đan xen những công nghệ đang hiện có và công nghệ mới nổi, từ đó, phát triển và hình thành những thói quen và cách thức làm việc mới. Các tổ chức cũng sẽ phải định hình và xây dựng được những năng lực cốt lõi mới dựa-trên-công-nghệ để tạo ra sự khác biệt mang tính cạnh tranh mới. Những làn sóng đổi mới đang diễn ra ngày càng nhanh hơn, với nhịp độ đều đặn, liên tiếp và với chu kỳ ngày càng ngắn hơn. Công nghệ đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, tốc độ xử lý nhanh hơn, lưu trữ nhiều hơn, và “kích thước nhỏ hơn” khiến cho việc tích hợp công nghệ vào cuộc sống thực đang trở nên khả thi và dễ dàng hơn.

AI, hiện thân qua những tiến bộ trong công nghệ hàng ngày, đang khiến cho cách thức hoạt động và vận hành của cả những cá nhân lẫn tổ chức ngày càng thay đổi triệt để, kéo theo sự biến đổi trong môi trường và cách thức xã hội đang vận hành. Bạn có từng tưởng tượng đến một “thế giới không-có-tiền-mặt” với một chiếc điện thoại thông minh trong tay chưa? Bạn có từng tưởng tượng đến một thế giới nơi bạn có thể tiếp cận với hầu hết các tác phẩm nghệ thuật, các công trình nghiên cứu, sách – báo – tạp chí chỉ với một vài cú chạm màn hình chưa? Hay thậm chí, bạn có từng tưởng tượng đến việc bạn vẫn đủ tỉnh táo để theo dõi diễn biến của một ca phẫu thuật đánh tan khối máu đông đang đóng cục đâu đó trong cơ thể của chính bạn nhưng lại đang được kiểm soát và thực hiện bởi một bác sĩ cách xa bạn hàng nghìn ki-lô-mét thông qua một hệ thống tương tác siêu kết nối dành cho y tế với các vi-rô-bốt có kích cỡ siêu nhỏ?

Trí tuệ Nhân tạo – AI, sẽ đưa chúng ta đến mức độ phát triển nào, có lẽ là một câu hỏi gây ra nhiều tranh luận và khó để có kết luận chính xác tại thời điểm này. Tuy nhiên, hãy nhanh chóng tìm hiểu – học tập – thay đổi – và tận dụng sức mạnh của AI để tạo nên một thế giới xung quanh thông minh hơn, tiện lợi hơn và hiệu quả hơn, bạn nhé.

Kỳ 2: AI mang lại những tác động tiềm ẩn gì

Kỳ 3: Những lợi ích từ AI

Kỳ 4: AI và công việc

Kỳ 5: AI và Nguồn nhân lực

Nguyễn Thế Hùng – ITM tại Frasers Law – CTV của Phi&P

Last updated

Was this helpful?