Dignitas Infinita - Bốn loại phẩm giá
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Dignitas Infinita - Bốn loại phẩm giá
Trong một tài liệu bao quát phạm vi rộng lớn, Giáo hội có nguy cơ gây thất vọng và xoa dịu những chỉ trích từ cả hai phía của giới hạn xã hội khi giải quyết vấn đề cơ bản về phẩm giá con người trong Tuyên bố mới nhất của Bộ Giáo lý Đức tin với văn kiện Dignitas Infinita (Phẩm giá Vô hạn).
Ý nghĩa của phẩm giá con người là gì? Đó là một khái niệm khó nắm bắt đến mức không thể gói gọn trong một câu, nhưng nó vẫn là nền tảng của Tuyên Ngôn Nhân quyền Thế giới, tài liệu nền tảng của Liên Hợp Quốc và cơ sở cho nỗ lực tốt nhất để có một sự hiểu biết chung về nhân loại trên toàn cầu.
Dignitas Infinita, trong phần giới thiệu dài của mình, cung cấp bối cảnh cho sự phát triển lâu dài việc Giáo hội Công giáo can thiệp vào lĩnh vực này, nhấn mạnh rằng đây không phải là một phản ứng vội vàng hoặc bột phát trước những thay đổi đáng lo ngại trong hiểu biết chính trị về phẩm giá con người kể từ khi Tuyên ngôn nhân quyền được công bố năm 1948.
Thay vào đó, Bộ Giáo lý Đức tin cố gắng xây dựng một sự hiểu biết tinh tế hơn về phẩm giá con người so với cách diễn giải ngày càng phổ biến được công bố bởi nhiều người ủng hộ nhân quyền, mà mô tả tốt hơn là 'phẩm giá cá nhân' – chỉ công nhận phẩm giá trong mối quan hệ của nó với nhân cách – và chỉ áp dụng cho một người có khả năng lý luận.
Phẩm giá
Bộ Giáo lý Đức tin hiểu phẩm giá con người bao gồm bốn loại khác nhau: phẩm giá bản thể, phẩm giá đạo đức, phẩm giá xã hội, và phẩm giá hiện sinh.
Quan trọng nhất trong số này là phẩm giá bản thể, thuộc về một con người đơn giản bởi vì họ tồn tại và được Chúa mong muốn, tác tạo và yêu thương.
Mỗi con người đều có phẩm giá bất kể khả năng lý luận của họ, bao gồm tất cả mọi người ở bên lề của chu kỳ sống và bên lề xã hội.
Phẩm giá đạo đức đề cập đến cách con người sử dụng sự tự do được Chúa ban, hành động vì hoặc chống lại một lương tâm được hình thành đúng đắn. Khi hành động chống lại phẩm giá đạo đức, điều này có thể được coi là 'không xứng đáng' – mất phẩm giá đạo đức nhưng, dù có tội ác thế nào, họ cũng không bao giờ mất đi phẩm giá bản thể của mình.
Phẩm giá xã hội đề cập đến chất lượng điều kiện sống của một người, thường là do những hoàn cảnh bị áp đặt lên họ trái ngược với phẩm giá bất khả xâm phạm của họ, chẳng hạn như nghèo đói cùng cực.
Phẩm giá hiện sinh cung cấp sự phân biệt cho các tình huống thường được trích dẫn dưới tiêu đề của một cuộc sống 'có phẩm giá' – thường được sử dụng để tạo khung thảo luận nhằm xói mòn hoặc làm suy yếu phẩm giá bản thể trong mỗi người – chẳng hạn như thảo luận về quyền được trợ tử.
Tại sao lại đặt vấn đề này và tại sao lại vào thời điểm này? Chuyển từ một cách hiểu về phẩm giá con người về cơ bản dựa trên giáo lý, được xây dựng dựa trên 'hình ảnh và sự giống nhau với Thiên Chúa', rõ ràng là Bộ Giáo lý đang nỗ lực đáp trả những mô tả sai lệch phổ biến của xã hội thế tục về phẩm giá như là điều gì đó được người khác ban tặng dựa trên những năng lực hay phẩm chất của họ, đến mức nó có thể bị tước đoạt.
Điều này đã chứng kiến phẩm giá con người bị phủ nhận đối với những người ở vùng ngoại biên của sự sống, đến mức một số người đã lập luận một cách hợp lý rằng việc sát hại trẻ sơ sinh là một hành động chính đáng, và chỉ những người là đại diện tiêu biểu cho một con người hành động mới thuộc phạm vi bảo vệ của nhân quyền.
Ngoài ra, cách hiểu sai lầm của thế tục về nhân quyền, loại bỏ phẩm giá bản thể khỏi nền tảng cơ bản, dẫn đến "sự gia tăng tùy tiện của các quyền mới, nhiều quyền trong số đó mâu thuẫn với những quyền đã được định nghĩa ban đầu và thường đối lập với quyền được sống cơ bản".
Chắc chắn, trọng tâm của tài liệu sẽ hướng đến phần sau của tài liệu dưới tiêu đề phụ 'Một số vi phạm nghiêm trọng đối với phẩm giá con người', nơi Bộ Giáo lý đáp ứng các thách thức gần đây hơn đối với phẩm giá con người.
Những điều này bao gồm bi kịch của đói nghèo, chiến tranh, nỗi khổ của người di cư, nạn buôn người, lạm dụng tình dục, bạo lực đối với phụ nữ, phá thai, mang thai hộ, trợ tử hoặc tự tử có sự hỗ trợ, gạt ra ngoài lề những người khuyết tật, bạo lực kỹ thuật số, và các lĩnh vực gây chia rẽ văn hóa gần đây nhất - lý thuyết giới tính và chuyển đổi giới tính.
Mang thai hộ, chuyển đổi giới tính và lý thuyết giới tính là những vấn đề đã thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông, tuy nhiên phần quan trọng nhất của tài liệu là sự trình bày chi tiết về quan điểm của Giáo hội về phẩm giá con người.
Sự thấu hiểu
Đối với một số người, các vấn đề được nêu ra và cách hiểu biết sâu sắc hơn về phẩm giá con người đưa ra một 'bức tranh liền mạch' về lập trường của Giáo hội về các vấn đề xã hội.
Điều này có thể vừa là điều tốt vừa là điều xấu. Mặc dù trình bày bốn loại của phẩm giá con người, khi xem xét kỹ hơn, ta nhận thấy rằng cả bốn đều phụ thuộc vào phẩm giá bản thể - rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh và sự giống nhau với Thiên Chúa. Tất cả các phẩm giá khác đều phụ thuộc vào sự hiểu biết này.
Cách hiểu tương đương của thế tục là nhân quyền phổ quát, không thể tước bỏ và không thể phân chia theo nhân tính của mỗi người. Sự hiểu biết này đã bị xói mòn trong những năm gần đây để thu hẹp sự hiểu biết đó thành nhân vị - khả năng suy luận và hình thành một kế hoạch cuộc sống - loại bỏ sự bảo vệ nhân quyền khỏi những người ở vùng ngoại biên của sự sống, dù gần kề cái chết hay ở giai đoạn đầu của cuộc đời, dù bị suy giảm năng lực tinh thần hay bị hủy hoại bởi nghiện ngập. Dignitas Infinita cố gắng chứng minh rằng phẩm giá con người không phải là một khái niệm đơn nhất. Nó không phải là một lý thuyết để bị thao túng nhằm thúc đẩy một cách tiếp cận mang tính ý thức hệ đối với các vấn đề gây tranh cãi trong lĩnh vực chính trị và văn hóa.
Nó bao gồm tất cả đời sống con người - từ khi được biết đến trong bụng mẹ, sự gắn bó của Đức Kitô với “người nghèo, người khiêm nhường, người bị khinh miệt và những người đau khổ về thể xác và tinh thần”, đến những người “bị rơi vào hoàn cảnh bất lợi, như trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, người già không được giúp đỡ, người bệnh tâm thần, người mắc bệnh nan y hoặc dị tật nặng, và những người sống trên đường phố”.
Thách thức do Bộ Giáo lý Đức Tin đưa ra cho Giáo hội – hàng giáo sĩ và giáo dân – là duy trì phẩm giá con người trong tất cả các hình thức và bất cứ nơi nào nó bị đe dọa.
Điều này có nghĩa là phải ứng phó với mọi mối đe dọa nghiêm trọng – thảm cảnh nghèo đói, chiến tranh, nạn buôn người, lạm dụng tình dục, bạo lực đối với phụ nữ, phá thai, mang thai hộ, an tử hoặc tự tử được trợ giúp, thiệt thòi của người khuyết tật, bạo lực kỹ thuật số, và những đấu trường mới nhất của sự chia rẽ văn hóa – thuyết giới tính và chuyển đổi giới tính.
Sự rõ ràng
Trong khi một số người ở một phíacủa cuộc tranh luận có thể than phiền về sự tập trung vào nỗi khổ của người di cư vì cuộc tranh luận xung quanh vấn đề nhập cư được định hình một cách giảm thiểu như một cuộc đối đầu giữa biên giới mở và đóng, những người khác sẽ cảm thấy khó chịu với việc tái khẳng định lập trường của Giáo hội về phá thai, các vấn đề đặc biệt gây chia rẽ ở Ireland.
Sự rõ ràng cần thiết mà Bộ Giáo lý đưa ra về mang thai hộ, lý thuyết giới tính và chuyển đổi giới tính đưa ra một lời giải thích dựa trên giáo lý được xây dựng trên phẩm giá con người, cho phép các tín hữu diễn tả cho chính mình và cho người khác lý do tại sao đây là những vi phạm nghiêm trọng đến phẩm giá con người.
Về nhiều mặt, Tuyên bố cố gắng bao quát quá nhiều lĩnh vực. Mỗi vi phạm nghiêm trọng đều xứng đáng có một Tuyên bố riêng để làm rõ hoàn toàn lập trường của Giáo hội, nhưng bằng cách kết hợp các vấn đề bản thể, đạo đức, xã hội và hiện sinh của phẩm giá, nó chứng minh rằng Giáo hội không chỉ dừng lại ở một quan điểm cá nhân về phẩm giá mà còn là một quan điểm đòi hỏi trách nhiệm xã hội của mỗi người chúng ta.
Mặt khác, việc tạo ra ấn tượng về sự tương đương giữa phẩm giá bản thể và ba phẩm giá phụ thuộc khác có nguy cơ đánh đồng chúng trong các lĩnh vực quyền lợi cạnh tranh khi chúng xung đột với nhau.
Tạo ra sự tương đồng giữa các vấn đề phụ thuộc như di cư, nghèo đói và chiến tranh, đòi hỏi phải có phản ứng dựa trên bối cảnh, nguồn lực và khả năng, với các lệnh cấm như phá thai và mang thai hộ, đặt người Công giáo vào tình thế khó xử khi phải đối phó với những lời cáo buộc chỉ quan tâm đến các vấn đề 'ủng hộ sự sống' thay vì đòi hỏi các giải pháp xã hội chủ nghĩa cho các vấn đề xã hội.
Bản dịch của Duc Trung Vu, CSsR