Dignitas Infinita: Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo Tái Khẳng Định Truyền Thống Nhân Quyền Phổ Quát
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Dignitas Infinita: Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo Tái Khẳng Định Truyền Thống Nhân Quyền Phổ Quát
Tuyên ngôn "Dignitas Infinita - Về Phẩm giá Con Người", do Bộ Giáo lý Đức tin của Giáo hội Công giáo Rôma ban hành vào ngày 8 tháng 4 năm 2024, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tái khẳng định cam kết của Giáo hội đối với truyền thống nhân quyền phổ quát. Hầu hết các bình luận xung quanh tuyên bố này đều tập trung vào một số vấn đề đạo đức được nêu bật trong tài liệu, chẳng hạn như việc mang thai hộ và án tử hình. Tuy nhiên, đóng góp quan trọng nhất mà tài liệu này mang lại, cho cả Giáo hội và thế giới nói chung, có thể là việc trình bày lại cái được gọi là “con đường thứ ba” để xem xét cách các xã hội của chúng ta nên được tổ chức.
Thông qua văn phòng của mình được thành lập để thăng tiến và bảo vệ giáo lý Công giáo, Giáo hội Công giáo Rôma một lần nữa gắn kết chặt chẽ với tầm nhìn nhân quyền thế tục sau Thế chiến thứ hai được trình bày trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948 và hai công ước tiếp theo sau đó. — Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa — có hiệu lực vào năm 1976.
Khi làm như vậy, Giáo hội tìm cách đạt được sự cân bằng giữa các thái cực của chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể vốn có ảnh hưởng rõ rệt và thường là bạo lực trong suốt thế kỷ XX và tiếp tục định hình rất nhiều diễn ngôn chính trị ngày nay.
Cơ sở và bản chất của phẩm giá con người
Những hiểu biết khác nhau về con người có thể mang lại những hiểu biết khác nhau về phẩm giá con người và các chuẩn mực đạo đức xuất phát từ điều này. Đây là điều mà Dignitas Infinita cố gắng giải quyết bằng cách trình bày quan điểm của Giáo hội Công giáo về con người như một sự “điều chỉnh” đối với các quan điểm khác, cho rằng nó đã giản lược con người thành một hoặc nhiều tính năng khác nhau theo những cách làm suy yếu phẩm giá của con người - vốn là những hữu thể đa chiều và có các mối quan hệ phức tạp. Văn kiện này tương đối phù hợp với quan niệm về phẩm giá con người được nêu trong Hiến chế Mục vụ năm 1965 của Công đồng Vatican II về Giáo hội trong Thế giới Hiện đại, Gaudium et Spes, và truy nguyên sự hiểu biết này đến nguồn gốc của nó trong quan điểm “chủ nghĩa nhân vị” trong triết học thế kỷ XX.
Dignitas Infinita trình bày rõ ràng các lý do thần học của Giáo hội để khẳng định phẩm giá của mỗi hữu thể phức tạp, đa chiều mà chúng ta gọi là con người. Điều này bao gồm tuyên bố kép rằng tất cả con người được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa, và tất cả con người đều được hợp nhất với Thiên Chúa thông qua sự nhập thể, sự tử nạn và sự phục sinh của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, tài liệu cũng lập luận rằng việc công nhận tính duy nhất và bình đẳng cơ bản của mỗi con người, và do đó phẩm giá của họ, cũng có thể được thực hiện bằng cách sử dụng lý trí của con người.
Tóm lại, theo Dignitas Infinita, mỗi con người — là một loại hữu thể có thể xác, lý trí, có khả năng tự do lựa chọn, có vị trí lịch sử và luôn có mối quan hệ với mọi thứ tồn tại — từ khi thụ thai đến khi chết đi một cách tự nhiên, là duy nhất và về cơ bản bình đẳng với mọi con người khác. Do đó, mỗi con người đều là người mang các quyền và nghĩa vụ tự nhiên. Do đó, mỗi con người là một tổng thể đa chiều: mỗi chiều kích này của con người cần được tính đến một cách đầy đủ khi suy nghĩ về điều đúng đắn về mặt đạo đức cần làm là gì, và tất cả chúng đều cần được xem xét một cách toàn diện.
Với sự đồng thuận này với “lý trí”, không có gì ngạc nhiên khi Dignitas Infinita trích dẫn thuận lợi Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát, vốn có nền tảng là khẳng định này:
"Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền lợi. Mọi người đều được phú ban lý trí và lương tâm và phải đối xử với nhau trong tình huynh đệ."
Tương tự, một khẳng định nằm trong cốt lõi của Dignitas Infinita — đó là, tất cả con người vừa là chủ thể cá nhân (sở hữu tự do, lý trí và lương tâm) vừa mang tính quan hệ cơ bản, và do đó, về mặt đạo đức, tất cả mọi người đều bình đẳng một cách nền tảng. Chính trên cơ sở này mà con người có các quyền (những đòi hỏi đạo đức mà họ có thể đặt ra đối với tha nhân và xã hội) và trách nhiệm (nghĩa vụ đối với tha nhân và xã hội).
Cả Dignitas Infinita và Tuyên ngôn Nhân Quyền Phổ Quát đều nhấn mạnh rằng các quyền và trách nhiệm này là “tự nhiên”: Những quyền này tồn tại bởi chính bản tính con người, và không thể thay đổi dù có được thừa nhận bởi nhà cầm quyền hay người khác hay không. Con người có quyền được đáp ứng những điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện - hoặc, nói như nhà thần học Karl Rahner, để trở thành chính con người mà họ được tạo dựng để trở thành, cả về mặt cá nhân lẫn cộng đồng, trong sự nhận thức và tự do.
Quan niệm này khác hẳn với việc xem quyền lợi chỉ tồn tại khi được thành văn trong luật pháp hay chỉ đơn thuần là ước muốn không gắn liền với nhu cầu thiết yếu. Ví dụ, tại Úc, quyền giải tán Hạ Nghị Viện thuộc về Hoàng Gia, nhưng đây không phải là một quyền mang tính tự nhiên. Tương tự, việc con người đòi hỏi quyền sở hữu một chiếc xe thể thao cũng không có tính 'tự nhiên', ngay cả khi chúng ta có thể khẳng định rằng con người có quyền được tiếp cận các phương tiện di chuyển cần thiết cho sự hòa nhập xã hội.
Dignitas Infinita nhắc nhở chúng ta suy ngẫm kĩ lưỡng về định nghĩa "quyền lợi", đồng thời khẳng định rằng chỉ các quyền tự nhiên mới có thể được công nhận là tồn tại bất biến cho mọi con người ở mọi thời đại và được tôn trọng tương ứng, từ đó là nền tảng cho các bổn phận đạo đức của chúng ta.
Không phải Chủ nghĩa cá nhân hay Chủ nghĩa tập thể
Việc nhấn mạnh sự tương đồng giữa quan điểm về con người trong Dignitas Infinita và Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát vô cùng quan trọng, bởi cả hai tài liệu đều khẳng định rằng con người nên được nhìn nhận như những cá thể đa chiều, vừa là những tác nhân lý trí, vừa luôn tồn tại trong các mối quan hệ. Hơn nữa, cả hai tài liệu đều nhìn nhận có những giá trị và hoàn cảnh tốt đẹp một cách khách quan, vốn là điều cần thiết cho sự phát triển toàn diện của con người. Bởi lẽ mọi người đều có phẩm giá, từ đó nảy sinh các nghĩa vụ đạo đức tương ứng.
Quan điểm này đưa ra sự phản biện quan trọng đối với hai thái cực nguy hiểm: chủ nghĩa cá nhân cực đoan và chủ nghĩa tập thể cực đoan.
Bàn về chủ nghĩa cá nhân, đặc điểm trọng tâm của con người chính là quyền tự chủ, điều này cần được tôn trọng trên tất cả. Nếu bị đẩy đến cực đoan, quan điểm này cho rằng bất kỳ ai cũng có thể hành xử theo ý mình, và bất kỳ giới hạn nào đặt lên sự tự do của họ đều là sự xâm phạm quyền lợi và phẩm giá của họ. Không có chuẩn mực đạo đức khách quan nào, chỉ có chuẩn mực chủ quan: chỉ có bản thân tôi mới quyết định được điều gì đúng đắn về mặt đạo đức; chỉ có lựa chọn của tôi mới quan trọng.
Ở thái cực ngược lại là loại chủ nghĩa tập thể từng được chứng kiến tại Đức Quốc Xã và Nga dưới thời Stalin. Trong trường hợp này, giá trị của con người xuất phát từ tư cách thành viên của họ và vai trò của họ trong tập thể. Cá nhân không còn quan trọng. Tất cả những gì quan trọng là "Volk", là dân tộc, là quốc gia - thứ thường được hình thành bằng cách loại trừ các nhóm người cụ thể dựa trên chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, tình trạng di cư, hành vi đạo đức, giai đoạn phát triển, khả năng nhận thức hoặc thể chất, tình trạng kinh tế, v.v. Cá nhân có thể bị hy sinh vì lợi ích của "nhóm". Sự phát triển toàn diện của tập thể mới là điều tối quan trọng. Ngay cả những người bên trong tập thể cũng có thể bị hy sinh.
Hệ quả của chủ nghĩa cá nhân và tập thể cực đoan
Một trong những hệ quả của cả chủ nghĩa cá nhân cực đoan và chủ nghĩa tập thể cực đoan là sự "khác biệt hóa" những người bất đồng với tư tưởng của cá nhân hoặc những người bị xem là không đóng góp cho lợi ích của nhóm. Kết quả là một xã hội chỉ biết phân biệt "chúng tôi" đối nghịch với "họ", và từ đó đánh mất đi khái niệm về "sự thống nhất". Khi điều này xảy ra, các cuộc đối thoại suy thoái thành tranh luận, và thường xuyên dẫn đến bạo lực khi phẩm giá của người khác bị phủ nhận, bị biến thành thứ vô nhân tính hoặc thậm chí bị xem như quỷ dữ.
Trong Dignitas Infinita - cũng như trong các giáo huấn xã hội Công giáo gần đây - con người được nhìn nhận vừa là thành viên của một tập thể (không mang tính loại trừ mà bao gồm tất cả mọi người), vừa là một cá nhân tự do cần tự mình tìm ra con đường phát triển toàn diện. Tự do cá nhân không nên được thể hiện bằng cái giá phải trả là lợi ích của tập thể, cũng như lợi ích của tập thể không nên chà đạp lên những giá trị tốt đẹp của cá nhân. Theo cách nhìn nhận này, Dignitas Infinita trở thành một đóng góp quan trọng cho quan niệm về phẩm giá con người trong thời đại đầy chia rẽ này.
Tác giả: David Kirchhoffer là Giám đốc Trung tâm Đạo đức Sinh học Queensland tại Đại học Công giáo Úc.
Bản dịch của Duc Trung VU, CSsR