Ba điểm để hiểu "Dignitas infinita"
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Ba điểm để hiểu "Dignitas infinita"
Vào ngày 8 tháng 4 năm 2008, tuyên bố cuối cùng đã được công bố: Tuyên bố Dignitas infinita về Phẩm giá Con người của Tòa Thánh Giáo lý Đức Tin.
Đây là một tài liệu được chờ đợi từ lâu bởi nội dung mà nó đề cập. Như Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin, đã chỉ ra trong buổi giới thiệu tài liệu, phải mất năm năm để đi đến sản phẩm cuối cùng - một điều cần được nhấn mạnh vì đây là tài liệu đã hoàn thiện và không hề ngẫu hứng, mà đúng hơn là đã trải qua nhiều bản thảo khác nhau và được giám sát bởi nhiều chuyên gia của Tòa Thánh. Theo nghĩa này, tuyên bố trình bày phần đầu tiên (ba chương đầu) nhằm đặt nền tảng cho phẩm giá con người, viện dẫn huấn quyền của Thánh Gioan Phaolô II, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI và Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đức Thánh Cha Phanxicô đã có những đóng góp quan trọng trong chương thứ tư, trình bày danh sách các hành vi vi phạm nghiêm trọng phẩm giá con người.
Nguồn gốc của Dignitas infinita
Tên gọi Dignitas infinita (Phẩm Giá Vô Hạn) bắt nguồn từ một câu nói của Thánh Gioan Phaolô II nhân dịp đọc kinh Truyền tin Angelus với những người khuyết tật, để chỉ ra rằng phẩm giá này có thể được hiểu là vô hạn, nghĩa là “vượt lên trên mọi vẻ bề ngoài hay đặc điểm của cuộc sống cụ thể của con người.” (Dignitas infinita, Phần giới thiệu).
Điều này cho phép chúng ta đề cập một chủ đề xuyên suốt của tuyên bố, nền tảng của mọi thứ khác, đó là con người sở hữu phẩm giá vô hạn dựa trên chính bản thể chứ không phải hoàn cảnh của mình.
Khía cạnh này càng quan trọng để suy ngẫm trong thời đại này, khi phẩm giá và nhiều vấn đề đạo đức phụ thuộc vào những tiêu chuẩn hoàn toàn tùy tiện. Đây là lý do tại sao tài liệu này quan trọng, không phải vì nó nhất thiết mang tính đổi mới về lý thuyết phẩm giá con người, mà vì nó dám đi ngược lại xu thế, trung thành với sứ mệnh của Giáo hội, điều mà Thánh Gioan Phaolô II đã chỉ ra trong Veritaris splendor (Sự huy hoàng của chân lý) như diakonia (sự phục vụ) của chân lý.
Phẩm giá bản thể, phẩm giá đạo đức, phẩm giá xã hội và phẩm giá hiện sinh.
Một điểm cần nhấn mạnh nữa là sự phân biệt mà ngài đưa ra giữa phẩm giá bản thể, phẩm giá đạo đức, phẩm giá xã hội và phẩm giá hiện sinh.
Khái niệm đầu tiên được tài liệu đào sâu và bao gồm phẩm giá mà tất cả chúng ta đều có bởi thực tế đơn thuần là một con người, dựa trên hai điểm - "tồn tại và được Thiên Chúa mong muốn, tạo dựng và yêu thương". (Dignitas infinita, n. 7). Hãy nhớ rằng phẩm giá này không bao giờ bị mất, không thể bị loại bỏ và hoàn toàn không phụ thuộc vào hoàn cảnh, một điều rất phổ biến trong thời đại này.
Ý nghĩa thứ hai, phẩm giá đạo đức liên quan đến tự do, tức là khi người ta hành động trái với lương tâm của mình, do đó, người đó sẽ hành động trái với phẩm giá của chính mình. Đây là một sự phân biệt rất hữu ích, vì tự do thường được hiểu đơn thuần là khả năng lựa chọn giữa lựa chọn này hay lựa chọn khác, nhưng nó không được xem là một năng lực cho phép con người phát triển và hoàn thiện bản thân một cách chính xác khi nó được thực hiện và hành động đúng đắn, chứ đừng nói đến khi người ta hiểu rằng tính luân lý của hành vi phụ thuộc vào việc nó có ảnh hưởng đến người khác hay liệu người đó có cảm thấy mình đã làm điều gì sai hay không.
Mặt khác, phẩm giá xã hội tập trung vào các điều kiện xã hội mà con người sống. Những điều kiện này có thể thấp hơn mức cần thiết của phẩm giá bản thể. Làm sao chúng ta có thể không nghĩ đến những người đang ở trong tình trạng nghèo cùng cực, không được tiếp cận với nước sạch hoặc vệ sinh, trẻ em bị suy dinh dưỡng, thiếu máu và thậm chí không được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản nhất. Cuối cùng, phẩm giá hiện sinh tập trung vào những hoàn cảnh không cho phép con người sống một cuộc sống có phẩm giá, không quá nhiều trong lĩnh vực vật chất hoặc bên ngoài mâu thuẫn với phẩm giá bản thể mà là những yếu tố điều kiện bên trong hoặc hiện sinh, chẳng hạn như bệnh tật, bối cảnh bạo lực gia đình, v.v.
Thánh bộ nhấn mạnh một sự phân biệt rất tinh tế nhưng có khả năng gây nguy hiểm, thích sử dụng thuật ngữ phẩm giá cá nhân hơn là phẩm giá con người, vì con người được hiểu là chủ thể có khả năng suy luận, vì vậy, nếu chúng ta đối mặt với một chủ thể không sở hữu năng lực này, hoặc ít nhất là đầy đủ, do đó, nó sẽ không xứng đáng được công nhận phẩm giá, chẳng hạn như thai nhi hoặc người bị bệnh tâm thần hoặc khuyết tật.
Văn bản, ngoài tất cả những điều cơ bản mà nó trình bày, còn cho rằng phẩm giá con người vượt xa những gì chúng ta có thể nghĩ nhờ vào ba niềm tin: tất cả chúng ta đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa Kitô đã nâng cao phẩm giá đó và ơn gọi nên trọn lành mà chúng ta có, để được kêu gọi vào mối hiệp thông với Thiên Chúa, điều không thể nói về bất kỳ loài thụ tạo nào khác.
Do đó, chúng ta hiểu rằng Giáo hội phải là người đầu tiên tôn trọng phẩm giá con người, thúc đẩy nó và đóng vai trò là người bảo đảm phẩm giá của mọi người, không có ngoại lệ.
Các hành vi xâm phạm phẩm giá con người
Trong phần dẫn nhập tài liệu, Đức Hồng Y Fernandez kể lại văn bản dự thảo được gửi đi kèm theo lời giải thích sau: "Cách diễn đạt mới này trở nên cần thiết để đáp lại một yêu cầu cụ thể của Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã yêu cầu rõ ràng rằng cần chú ý hơn đến những vi phạm nghiêm trọng phẩm giá con người đang diễn ra trong thời đại của chúng ta, theo đường lối của thông điệp Fratelli tutti. Vì vậy, Bộ Giáo lý Đức Tin đã thực hiện các bước để giảm bớt phần đầu tiên [...] và xây dựng chi tiết hơn những gì Đức Thánh Cha đã chỉ ra. " (Dignitas infinita, Phần dẫn nhập).
Do đó, chương thứ tư cung cấp cho chúng ta một danh sách, không phải là một danh sách đầy đủ hoặc cuối cùng, về những vi phạm nghiêm trọng mà chúng ta có thể thấy trong thời đại của mình, nhiều trong số đó đã được biết đến và Huấn quyền đã tuyên bố, ví dụ, Thánh Gioan Phaolô II trong Evangelium vitae (Thông điệp Sự Sống), trong khi những hành vi vi phạm khác lại hiện diện nhiều hơn trong xã hội đương đại và dần dần bị bình thường hóa hoặc ít được nói đến.
Trước khi công bố tuyên bố được chờ đợi từ lâu, đã có nghi ngờ về việc liệu nó có đề cập đến lý thuyết về giới hay không, vì gần đây Giáo hoàng Phanxicô đã tuyên bố rằng: "mối nguy hiểm xấu xa nhất là lý thuyết về giới tính, nó xóa bỏ sự khác biệt." (Cuộc tiếp kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với những người tham gia hội nghị "Hình ảnh Nam- Nữ của Thiên Chúa. Vì một nhân học về ơn gọi"). Thực tế, văn bản chỉ ra thuyết giới tính là một trong những vi phạm nghiêm trọng vì: "Mục đích là phủ nhận sự khác biệt lớn nhất có thể giữa các sinh vật: sự khác biệt giới tính. Sự khác biệt cấu thành này không chỉ là sự khác biệt lớn nhất có thể tưởng tượng được, mà còn là sự đẹp nhất và mạnh mẽ nhất: nó đạt được, trong cặp nam-nữ, sự đối ứng đáng ngưỡng mộ nhất và do đó, là nguồn gốc của phép lạ không bao giờ ngừng khiến chúng ta ngạc nhiên, đó chính là sự xuất hiện của những con người mới vào thế giới. "(Dignitas infinita, n. 58).
Dignitas infinita là một đóng góp của Giáo hội cho cuộc đấu tranh đó, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ ra, không bao giờ kết thúc và không bao giờ được kết thúc (xem Dignitas infinita, n. 63) khi nói đến nhân quyền và phẩm giá con người, đồng thời cảnh báo chúng ta về cám dỗ loại bỏ phẩm giá con người như là nền tảng của nhân quyền, để rồi những quyền này bị bỏ mặc theo ý tưởng của các hệ tư tưởng và lợi ích của người mạnh nhất.
Chúng tôi đánh giá cao sự rõ ràng của tài liệu khi nó đề cập đến các cơ sở của phẩm giá con người, cũng như những vi phạm nghiêm trọng có thể xảy ra và điều đó, thật không may, sẽ luôn xảy ra, do đó không thể đưa ra một danh sách đầy đủ tất cả các vi phạm cũng như không đưa ra giải pháp cho từng trường hợp cụ thể, mà điều quan trọng là nhận thức được giá trị của mỗi người và phẩm giá đi trước họ: “Tôn trọng phẩm giá của tất cả mọi người là nền tảng không thể thiếu cho sự tồn tại của bất kỳ xã hội nào tự nhận là được thành lập trên luật pháp công bằng chứ không phải trên sức mạnh của quyền lực. Trên cơ sở công nhận phẩm giá con người mà các quyền cơ bản của con người, đứng trước và duy trì mọi sự chung sống văn minh, được duy trì. ” (Dignitas infinita, n. 64).
Bản dịch của Duc Trung Vu, CSsR