Phần 6-Mất Định Tường
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
NHÀ NGUYỄN ĐÃ MẤT NAM KỲ LỤC TỈNH NHƯ THẾ NÀO? - Kỳ 6
VI. MẤT ĐỊNH TƯỜNG
Gia Định vừa mất, triều đình còn đang loay hoay định án xử phạt các quan quân thất chức trong chiến dịch thì người Pháp đã mở rộng cuộc chiến. Tự Đức kỳ vọng người dân Nam kỳ sẽ kiên quyết ủng hộ triều đình như hồi Lê Văn Khôi khởi loạn năm 1834, nên hạ dụ sai cắt cử quan viên tới vùng ven Gia Định như Tây Ninh, Quang Hóa, Tân An, Tân Hòa, chiêu mộ nghĩa dũng, vừa cô lập giặc Pháp, vừa làm hô ứng với quân chính quy Vĩnh Long - Định Tường, chờ dịp hội binh đòi lại Gia Định. Nhân biên giới Cao Miên đã tạm yên ổn, Tự Đức điều Chưởng vệ hộ lý Tổng đốc An - Hà là Nguyễn Công Nhàn sang làm lĩnh Tổng đốc Định Tường
Nhưng ông Nhàn chưa đến công sở thì Pháp đã cho quân do thám Định Tường.
Tháng Hai năm 1861 (tháng Tư dương lịch), hai tàu chiến của Pháp lảng vảng ngoài khơi thăm dò, quân Nam án binh bất động. Thủ phủ Định Tường là Mỹ Tho, có hai đường tiến vào là cửa Đại Hải và Tiểu Hải. Bấy giờ Nguyễn Công Nhàn đã tới nơi, lập tức gửi giấy báo cho Trương Văn Uyển ở Long Tường đem quân thuyền tới cùng đánh. Công Nhàn muốn bày kế hoãn binh, sai gửi thư cho người Pháp hỏi cớ sao đem thuyền tới Định Tường, muốn hòa hay đánh? Người Pháp cũng trả lời cầm chừng, hẹn vài ngày sau sẽ treo cờ trắng ở cột buồm để báo có thư trả lời của cấp trên ở Gia Định. Đến ngày 18, họ báo có thư trả lời, nhưng đòi quan tỉnh phải đích thân tới tàu nhận thư hoặc để họ vào thành họp với quan tỉnh. Kỳ thực, Định Tường đang chờ quân Long Tường tiếp viện, mà quân Pháp cũng đang chờ quân từ Gia Định tới tăng viện.
Ngày 19, quân Pháp tiến sát đồn Tân Hương, hai bên bắt đầu nổ pháo. Hai thành đất hai bên đồn Tân Hương sụp đổ, quân Nam phải lui giữ đồn Tĩnh Giang. Tại đây, tuy pháo quân Nam hạ được tàu chiến Mitraille, nhưng rốt cuộc đến ngày 23 thì không giữ nổi Tĩnh Giang và Cai Lộc, phải lui tiếp về Định Tân.
Lúc này, 1.000 quân Long Tường do Án sát Nguyễn Duy Quang, Lãnh binh Tôn Thất Tuấn chỉ huy cũng tới. Nguyễn Công Nhàn rút về thành, giao cho lĩnh Tuần phủ Nguyễn Hữu Thành đốc suất ngăn chặn. Nguyễn Hữu Thành sai quân lấp các khúc sông nông hẹp để ngăn tàu Pháp, nhưng quân tâm bấy giờ đã loạn, hễ nghe tiếng pháo là tan chạy, mặc cho quân Pháp phá toang các chỗ ngăn lấp.
Nguyễn Công Nhàn lại bày kế hỏa công, sai quân nhân đêm dùng 4 thuyền chở thuốc nổ thả từ thượng lưu, hẹn rằng tới chỗ tàu Tây dương thì châm lửa đốt, phục binh cũng sẽ trổ ra bắn. Tuy nhiên, chỉ vừa gặp thuyền tam bản tuần tiễu của Pháp, lính Nam đã tưởng là chiến thuyền, liền châm lửa. Thuyền tam bản của Pháp liền móc hỏa thuyền của quân Nam kéo vào lạch nhỏ, mặc cho cháy. Thế là thủy quân của Pháp thoải mái kéo tới tới.
Cùng lúc này, một cánh quân khác của Đô đốc Page đã tấn công các đồn Tiểu Hải, Đại Hải và tiếp cận Mỹ Tho. Tỉnh lỵ bị vây hai mặt đông tây, pháo vừa nổ, quân Nam liền vứt thành bỏ chạy. Hôm đó là ngày mùng 3 tháng Ba âm lịch tức là ngày 14 tháng Tư dương lịch. Toàn bộ chiến dịch đánh hạ Định Tường của quân Pháp chỉ diễn ra trong nửa tháng.
Đáng cười là Nguyễn Công Nhàn đã bỏ thành chạy từ sau vụ hỏa công thất bại, trong khi đó, chỉ dụ của Tự Đức dạy dỗ phương lược và sức cho quân thứ các nơi cứu viện còn chưa tới nơi. Nguyễn Công Nhàn và Nguyễn Hữu Thành dâng biểu đổ lỗi cho nhau (Thành tố Nhàn trốn trước, Nhàn tố Thành không cùng bàn tính công việc). Tự Đức liền cách chức cả hai, nhưng kỳ quặc hơn là vẫn sai cùng lẻn về Mỹ Tho để chiêu tập dân binh, mưu tính về sau.
Thất bại này một lần nữa thể hiện đầy đủ các điểm yếu của triều đình nhà Nguyễn.
1. Sự quan liêu và chậm chạp trong truyền thông tin giữa Huế và điểm nóng chiến sự.
2. Tướng soái Định Tường rất mạnh, nhưng là mạnh ai nấy chạy. Chủ tướng Nguyễn Công Nhàn và phó tướng Nguyễn Hữu Thành bất đồng sâu sắc, đùn đẩy trách nhiệm và đổ lỗi cho nhau sau thất bại.
3. Binh pháp Tôn Ngô dường như không còn hiệu quả trong chiến tranh hiện đại. Nguyễn Công Nhàn là vị tướng thân kinh bách chiến, nổi danh dũng mãnh từ thời Minh Mệnh trong các cuộc chiến với người Xiêm và dân Man. Tuy nhiên xét cho cùng, kế hỏa công của Nguyễn Công Nhàn chỉ thực sự hiệu quả nếu toàn bộ tàu chiến của Pháp túm tụm vào nhau. Việc lùa 4 thuyền xuôi dòng, cứ giả sử thành công thì giỏi lắm hư hại được một tàu chiến của Pháp mà thôi. Kết quả cũng như khi pháo quân Nam may mắn hạ được tàu Mitraille, nhưng rốt cuộc các tàu còn lại vẫn bắn tan tành đồn lũy còn lại.
4. Quân Nam quá bạc nhược, không có ý chí phản kháng, điều này khác hẳn tinh thần ở Đà Nẵng trước kia.
5. Khâm sai tổng thống quân vụ Nguyễn Bá Nghi không hề xuất hiện ở Định Tường, cũng như không có bất kỳ hành động nào để ứng cứu, mặc dù quân Pháp không đánh quá gấp như trận Gia Định. Dĩ nhiên Nguyễn Bá Nghi sẽ không tham gia chiến cuộc, vì ngay từ khi đặt chân tới Nam kỳ, chủ ý của ông ta đã là tìm mọi cách để cầu hòa. Với một vị thống soái như vậy, làm sao nhà Nguyễn chẳng lần lượt mất hết lục tỉnh?
Nguồn từ anh Tô Như :