Phần 8-Đến lượt Vĩnh Long
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
NHÀ NGUYỄN ĐÃ MẤT NAM KỲ LỤC TỈNH NHƯ THẾ NÀO? - Kỳ 8
VIII. ĐẾN LƯỢT VĨNH LONG
Ngay khi mất Gia Định, Phó quản cơ Gia Định là Trương Định đã bắt đầu chiêu mộ nghĩa binh để chống Pháp, bấy giờ gọi quân ứng nghĩa. Được thự Tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang ủng hộ, Trương Định chiêu mộ được gần 6 cơ lính, gần ngàn người, thường giao chiến với Tây dương. Ở thời điểm mất Biên Hòa, Trương Định đã được phong chức Phó lãnh binh, quân dưới tay phát triển lên tới 18 cơ, đóng đồn ở Gò Thượng.
Bấy giờ khí thế quân dân Nam kỳ có phần dâng cao, tỉnh thần Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên là bọn Trương Văn Uyển tâu xin triều đình cho đại quân phối hợp với Trương Định để tạo thanh thế. Triều đình lấy cớ binh ít, lương thiếu nên từ chối, chỉ đồng ý tạo thế giằng co với quân Pháp để tránh tiêu hao lực lượng.
Trong khi đó, quân Pháp đã mưu đồ chiếm nốt Vĩnh Long, chúng sớm cho tàu máy chia nhau do thám trên sông Vĩnh Long. Trương Văn Uyển thấy nguy cấp liền tư đến quân thứ yêu cầu trợ giúp. Trương Bá Nghi phúc đáp: “Liệu có thể địch được, thì lấy sự đánh giữ làm việc chính, liệu không thể địch được, thì tạm thời viết thư phái người đến tàu ấy nói là quân thứ Biên Hòa đã cùng với viên nguyên soái nước ấy giảng hòa, báo cho bản tỉnh giữ lấy đất đai để đợi hòa ước.”
Trương Văn Uyển theo lời, sai người đến hỏi quân Pháp thì chúng trả lời “nghị hòa chưa thành” và dọa Uyển rằng ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên đã bị quân Pháp chặn vây cả trên bộ lẫn dưới thủy, đòi quan đầu ba tỉnh phải tới Định Tường hội bàn. Hai bên thư từ qua lại nhiều lần, triều đình lại dụ bảo nên khéo xử trí.
Đùng một cái, ngày 20 tháng Hai, 10 tàu chiến Pháp áp sát đồn Vĩnh Tòng, 1 ngàn quân Pháp đổ bộ lên bờ đắp đồn lũy. Liên tiếp hai ngày 21, 22, quân Pháp bắn phá các đồn Mỹ Thanh, Vĩnh Tòng. Quân Nam không giữ nổi đều phải chạy. Tàu chiến Pháp lại kéo thẳng tới tỉnh thành, ra sức bắn phá. Trương Văn Uyển biết không giữ được, liền lệnh cho quân đốt kho lương, đạn dược và dinh thự rồi lui về đồn Vĩnh Trị.
Thế là hòa ước còn chưa thành thì Nam kỳ đã mất 4 tỉnh. Tháng Tư năm 1862, Đô đốc Bonard đi tàu chiến cùng 200 lính tới cửa biển Thuận An đưa thư bàn việc hòa đàm, trong đó gồm 3 điều: 1. Đặt toàn quyền, 2. Bồi thường chiến phí và 3. Đưa trước 10 vạn quan tiền làm tin. Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp tình nguyện xin đi, Tự Đức liền phong cho làm Chánh phó sứ toàn quyền đại thần để bàn việc hòa đàm.
Trong 14 điều khoản mà người Pháp ra yêu sách, có nhiều khoản rất nặng: 1. chiến phí 400 vạn đồng bạc; 2. yêu cầu Đại Nam trao hết cho họ tỉnh thành và đất phụ thuộc Gia Định cùng Định Tường, đồng thời để họ đóng quân tại Thủ Dầu Một và Biên Hòa; 3. Phải lập phố ở Đà Nẵng để người Pháp tới buôn bán; 4. Phải lập phố ở Đồ Sơn để người Tây Ban Nha tới buôn bán; 5. Tự do truyền đạo.
Triều đình bàn nhau cố xin giảm chiến phí xuống một nửa, còn 4 khoản kia nhất loạt bác bỏ, yêu cầu hai vị Phan, Lâm tùy nghi biện bác. Lại ban dụ riêng “Đất đai quyết không thể nào cho được, tà giáo quyết không cho tự do tuyên truyền”.
Việc này đúng là làm khó hai vị Chánh phó sứ. Quân thì thua, đất thì mất, trong tay không có bất kỳ lợi thế nào để đàm phán, vậy mà bác bỏ hầu như hoàn toàn các yêu cầu của bên thắng cuộc, cố nhiên là không thể thành công.
Tuy nhiên, đàm phán thất bại có thể dự đoán, nhưng thảm bại thì thật khó lường. Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp sau khi hội đàm với Đô đốc Bonard (Pháp) và Palanca (Tây Ban Nha), thì chấp nhận luôn 12 điều, lập thành hòa ước đem về triều đình.
Tự Đức than thở rằng “Thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gì ? Rất là đau lòng. Hai viên này không những là người có tội của bản triều mà là người có tội của nghìn muôn đời vậy!”
Cố nhiên Phan, Lâm bất tài, nhưng nếu không có chủ trương của triều đình thì làm sao họ dám chấp nhận ngay lập tức các điều khoản khắt khe của người Tây đưa ra. Đồ rằng những lời dụ bảo và than thở của Tự Đức vốn không có thực, bởi ngay sau đó, Tự Đức lệnh cho Phan Thanh Giản vào Nam để dập tắt các phong trào ứng nghĩa của quân dân Nam kỳ, bắt đầu từ Trương Định.
Nguồn bài viết :