Phần 2-Đà Nẵng 1858
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
NHÀ NGUYỄN ĐÃ MẤT NAM KỲ LỤC TỈNH NHƯ THẾ NÀO? - Kỳ II
II. ĐÀ NẴNG 1858
Tháng Bảy năm 1858, 12 chiến thuyền Pháp nổ súng tấn công các đồn bảo ở Đà Nẵng, vây hai thành An Hải và Điện Hải và hạ được thành. Triều đình lập tức phải đem 2 ngàn cấm quân tăng viện do Hữu quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Lê Đình Lý chỉ huy.
Tháng 8, Lê Đình Lý chia quân đóng ở các đồn và giữ cửa biên Đại Chiêm. Tuy nhiên xảy ra một việc là người Pháp bỏ thành An Hải mà quân Nam không hề hay biết.
Tháng 9, quân Pháp đổ bộ lên bờ tấn công xã Mỹ Thị. Lê Đình Lý giao chiến với giặc ở xã Cẩm Lệ, nhưng trúng đạn bị thương (sau chết), quân Nam thua to. Triều đình cho Chu Phúc Minh thay Lê Đình Lý làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam.
Quân Nam liền tiến hành giăng xích chắn cửa biển và lấp sông Vĩnh Điện khiến cho xuồng của Pháp không tiến vào được sâu, cốt để quân Nam chỉ cần chuyên giữ mặt bộ. Tuy nhiên tinh thần của quân Quảng Nam kém tới mức có đám quân đang đắp lũy ở Cẩm Lệ, nghe thấy tiếng súng nổ ở Trà Sơn (nay là bán đảo Sơn Trà, cách đó khoảng gần 10km, có lẽ là đồn An Hải), hoảng sợ chạy tan cả tướng lẫn quân. Triều đình liền lệnh cho Kinh lược sứ là Nguyễn Tri Phương sung làm Tổng thống quân thứ Quảng Nam, Chu Phúc Minh đổi làm Đề đốc quân vụ.
Tháng 10, tàu Pháp nhiều lần theo cửa sông Hàn tiến vào, quân Nam giao chiến và giành được một số thắng lợi. Nhưng rồi quân Pháp bất ngờ tấn công chiếm lại thành An Hải.
Lúc này có chút bất đồng nảy sinh về về phương lược ở phía quân Nam. Nguyễn Tri Phương chủ trương phòng thủ chặt, đắp đồn lũy để dần dần áp sát quân Pháp. Tự Đức ngược lại, đưa ra luận 6 điều hại nếu phòng thủ.
Tóm tắt gồm:
1. Giáo dân làm tai mắt cho Pháp;
2. Pháp chiếm được Trà Sơn, từ trên cao quan sát được động tĩnh quân Nam. Ngược lại, quân Nam không dò được động tĩnh của Pháp.
3. Quân Nam chia nhiều đồn để đóng, mỗi khi cần thông tin thì mất nhiều thời gian để chuyển tin.
4. Các đồn lũy vốn dựng để phòng thủ mặt thủy, còn mặt bộ không bố phòng, dễ bị tập kính.
5. Quân Nam vốn sợ giặc, gặp giặc là chạy. Nếu chỉ đặt đồn cũng không để làm gì.
6. Quân chia đóng nhiều nơi thì sức phân tán, giữ chỗ này thì khuyết chỗ kia. Quân đóng lâu tất sinh lười biếng.
Rốt lại, Tự Đức muốn quân Quảng Nam phải chủ động áp sát tấn công quân Pháp. Nhưng nhìn chung, các trận đụng độ lẻ tẻ xảy ra vẫn là quân Pháp chủ động tấn công, nhưng quân Nam phòng thủ tốt, quân Pháp không chiếm được thêm lợi thế nào.
Tháng 12 năm đó xảy ra một sự kiện cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng tới vận mệnh nước Việt, đó là Tự Đức và các đình thần bàn luận về việc xâm lăng của người Pháp. Vì Quảng Nam có Nguyễn Tri Phương làm Tổng thống quân thứ khá yên tâm, nên việc Nam kỳ bắt đầu được tính toán. Phan Thanh Giản cho rằng Nam kỳ ít giáo dân, không như Bắc kỳ, không đáng lo. Thượng thư bộ Công là Trần Văn Trung cho rằng người Pháp không thắng ở Đà Nẵng tất sẽ xuôi nam tiến vào cửa biển Cần Giờ. Lúc này Hộ đốc Định Biên là Vũ Duy Ninh chưa quen địa lý vì mới tới đó 2 tháng (thay cho Tổng đốc Phạm Thế Hiển về làm Tham tán đại thần quân thứ Quảng Nam).
Tự Đức nói “Trước đã cho Thế Hiển lưu lại một tháng, chỉnh lý thành đất các đồn. Duy Ninh cẩn thận giữ gìn, cũng có thể không ngại.”
Đúng như Trần Văn Trung dự đoán, đầu năm 1859, Pháp tung quân đánh mạnh ở Quảng Nam, nhưng không thắng được, lại bị quân Nam bắn chìm 3 tàu. Lại thêm Genouilly trách cố đạo Pellerin dối gạt về việc giáo dân làm nội ứng mà chẳng thấy, thế là Pellerin bỏ sang Ấn Độ. Quân Pháp liền xoay bài, bỏ Đà Nẵng mà ngắm các mục tiêu phía nam, đó là Khánh Hòa và Gia Định.
Năm 1859 đánh dấu mốc đen tối trong lịch sử nước Việt, Gia Định rất nhanh bị người Pháp đánh hạ mà không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào của quân Gia Định, trong khi viện quân các nơi chưa kịp tới.
Thành Gia Định mất, cố nhiên lỗi lớn thuộc về vị chỉ huy tối cao là Vũ Duy Ninh, nhưng cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của Tự Đức. Mặc dù đã được cảnh báo là quân Pháp sẽ đánh Gia Định và Vũ Duy Ninh không phải vị chỉ huy xứng cách, nhưng Tự Đức đã không có bất kỳ phản ứng hay chuẩn bị nào.
Nguồn từ :