Phần 4-Mất phương hướng
NHÀ NGUYỄN ĐÃ MẤT NAM KỲ LỤC TỈNH NHƯ THẾ NÀO? - Kỳ 4
IV. MẤT PHƯƠNG HƯỚNG
Thành Gia Định bị hạ, tàn quân Nam lui về đóng ở đồn Cây Mai, Cảnh Phước ; lực lượng chi viện lớn nhất là quân Vĩnh Long dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Long Tường là Trương Văn Uyển rút về Vĩnh Long.
Do biết lực lượng liên quân Pháp - Tây Ban Nha mỏng (tổng cộng 3.000 người, lại phải chia một phần đóng ở Đà Nẵng), nên triều đình tổng động viên các lực lượng quyết đánh hạ Gia Định. Trương Văn Uyển đem 2.100 lính Long Tường họp với tàn binh Gia Định tiến về phía quân Pháp. Đến chùa Mai Sơn, lũy Lão Sầm thì dừng lại đóng quân. Bất ngờ quân Pháp chia hai đường đánh kẹp lại. Trương Văn Uyển trúng đạn bị thương, quân Nam thua to, lại rút về Vĩnh Long.
Bản thân người Pháp cũng không dám chắc sẽ giữ được Gia Định. Họ rút hết quân rải đóng ở các đồn ngoài, co hết về bảo Hữu Bình (nay là Khánh Hội), lại đốt kho lương để quân Nam không còn lương thực nếu có tái chiếm thành Gia Định.
Tuy ít quân và phải chia hai mặt trận, nhưng người Pháp lại là phe chủ động tấn công, đồng thời cả ở Đà Nẵng và Huế. Tháng Ba năm 1859, thấy quân Nam đắp lũy mỗi ngày một gần thành Điện Hải hơn [1], quân Pháp với khoảng 700 lính, 9 tàu chiến liên tục tấn công các cứ điểm Thạch Than, Hải Châu ở Đà Nẵng. Hai bên đều có thương vong, nhiều đồn lũy quân Nam bị hạ, Nguyễn Tri Phương phải lui về Liên Trì. Ở Gia Định, quân Pháp tấn công cụm ba đồn Phú Thọ, hạ được tả đồn và hữu đồn. Lúc này, nhà Nguyễn phải bỏ các trạm dịch vận chuyển đường thủy, chuyển sang thiết lập trạm đường bộ, khai phát lại các tuyến đường và chiêu mộ dân lập nhà ven đường. Việc này tuy nhỏ, nhưng có thể tưởng tượng được mức độ khó khăn của việc truyền tin qua lại giữa Thừa Thiên và Nam kỳ. Và quan trọng hơn, cho ta biết người Pháp đã phong tỏa hoàn toàn mặt biển. Có nghĩa là mặc dụ co cụm trong thành Gia Định, nhưng quân Pháp không rơi vào tình trạng bị vây chặt mà bất kỳ lúc nào họ cũng có thể thoái lui theo đường biển.
Có thêm một vấn đề bất lợi nảy sinh với quân Nam, đó là lực lượng giáo dân Gia Định khá tích cực hỗ trợ quân Pháp. Tháng Tư năm 1859, triều đình xuống lệnh đàn áp giáo dân: Người nào đã đi theo Tây dương thì bắt giam cha mẹ vợ con, bắt phải gọi về; người nào chưa đi theo Tây dương thì tìm nhiều cách ngăn giữ không cho chúng được đi lại với Tây dương. Người nào là hào cường đầu mục đi theo đạo thì ngầm giam giữ lại không cho đi đâu. Người già, trẻ con cùng phụ nữ, nếu yên phận giữ phép thì thôi; nếu còn vớ vẩn trông ngóng, thì lập tức đem sáp nhập vào xã thôn không có đạo Gia tô để tiện quản thúc.”
Trong khoảng thời gian 4 tháng kể từ ngày mất Gia Định, chúng ta thấy ngoại trừ nỗ lực một lần duy nhất của Trương Văn Uyển thì quân Nam đã không tìm cách đánh mạnh quân Pháp. Điều này vốn xuất phát từ sự mất phương hướng của triều đình. Tháng Năm năm 1859, Tự Đức than thở với đình thần: “Trước kia trẫm nghĩ là người Tây dương đến Gia Định, đã no chán thỏa thích rồi, thì tất rút lui. Không ngờ chúng thực có lòng cố giữ.”
Nhưng khi bàn kế tiến thủ thì các đại thần Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản lại tâu rằng: “Bãi việc binh đao cho dân nghỉ ngơi, liệu thời thế mà nuôi sức, thì chiến không bằng hòa. Nhưng cần giữ cho chắc, rồi sau sẽ bàn”. Đám Trần Văn Trung thì cho rằng: “Về cách chống giặc, cốt giữ vững là hơn, mà cách giữ cần phải vững chắc nuôi sức, để đợi tùy cơ đối phó.”
Tựu trung, vua tôi nhà Nguyễn vẫn cho rằng quân Pháp đánh chiếm Gia Định vốn chỉ là muốn triều đình phải đàm phán và chấp nhận các yêu sách của họ, như lập phố buôn bán ở Đà Nẵng, tự do truyền đạo,... Lại e rằng đánh tiếp mà thua thì “nó chiếm trịch thượng yêu sách lấy lợi, cho thỏa lòng ham muốn mới thôi”. Như vậy, thượng sách là không đánh mà tìm cách dây dưa khiến quân Pháp từ xa đến mệt mỏi, thiếu thốn, ta sẽ chiếm lợi thế khi đàm phán.
--
Tuy ngày nay, chúng ta từng được dạy rằng triều đình nhà Nguyễn chia làm hai phe: chủ chiến và chủ hòa. Nhưng kỳ thực ở giai đoạn 1859 này, chủ chiến thực chất chỉ là phòng thủ và chống giữ mà thôi, chưa có thái độ quyết liệt chiến đấu. Nói ngắn gọn là một bầy đánh giặc trên giấy, mở miệng là phép Tôn Tử, mưu Ngô Khởi, với những ảo tượng đại loại như “Nước Tây dương kia cùng ta không phải là nước liền láng giềng có thể thôn tính nhau được. Chuyến chúng đến này chẳng qua để cầu lợi thôi”; “Lấy mình là chủ mà đối đãi với họ là khách, nên làm kế chống giữ lâu dài, để đợi khi chúng mỏi mệt”; “Mật tư cho quân thứ Quảng Nam liệu làm thư trách họ lấy nghĩa lý, xem họ nếu chỉ muốn thông thương như cũ, hoặc xin bỏ điều cấm đạo Giatô, mà họ tự rút lui thì ta cho giảng hòa cũng chẳng hại gì”; “Phép dụng binh lấy mình nhàn rỗi đối phó với quân giặc nhọc mệt. Nay giặc nhàn rỗi mà ta nhọc mệt, thì việc đánh và giữ là rất khó”.
Đúng với dự tính cũng là mong ước của vua tôi nhà Nguyễn, tháng Năm năm đó, người Pháp sai sứ tới yêu cầu hòa đàm. Tự Đức lệnh cho Nguyễn Tri Phương chuyên biện việc ấy, nhận các điều đính ước để trình lên vua. Tuy nhiên, người Pháp một mặt cử sứ hòa đàm, một mặt lại rải quân tấn công binh lính và tàu buôn Quảng Nam. Quảng Trị, Quảng Bình và Khánh Hòa. Mặc dù chỉ là các đợt tấn công nhỏ lẻ, nhưng nó thể hiện người Pháp chẳng thực tâm nghị hòa. Tháng 8, quân Pháp tấn công mạnh vào Liên Trì (mặt trận Đà Nẵng), quân Nam thua to, mất nhiều đồn trại và binh lính. Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản vẫn tiếp tục nhận định: “Người Tây dương đến lần này, chỉ vì muốn lập phố thông thương. Nay tự họ xin giảng hòa, tình họ cũng cấp bách. Duy họ muốn chiếm nhiều sự thuận lợi, ta không nên nhẹ dạ mà cho.”
Cuối năm 1859, Genouilly trở về Pháp, thay thế viên tướng này là Thủy sư Đô đốc Amiral Page, nước Pháp đã xong việc của Trung Quốc liền phái đại quân tăng viện do Thủy sư Đô đốc Charner thống lãnh. Nhà Nguyễn đã đánh rớt cơ hội hầu như là duy nhất, đó là tranh thủ quân Pháp lực lượng mỏng mà đánh bật họ ra khỏi Gia Định. Đầu năm 1860, Đô đốc de Vassoigne (Thực lục chép là Va Du) được cử tới gặp quan quân ở Gia Định để trao Hòa ước 11 khoản [2].
Thông suốt tư tưởng của Tự Đức, Trương Đăng Quế và Phan Thanh Giản là “Duy họ muốn chiếm nhiều sự thuận lợi, ta không nên nhẹ dạ mà cho”, quân thứ Gia Định thẳng tay bác bỏ 3 điều (cấp tờ hòa ước cho Tây Ban Nha, cho phép đạo trưởng tới xã có giáo dân giảng đạo, lập phố thông thương), chỉ chấp nhận 8 điều ghi làm biên bản. Quân Pháp liền tràn vào sông, nhổ cừ, lên bộ dòm vào lũy, rồi tụ binh ở chùa Mai Sơn.
Ngọn lửa chiến tranh sắp sửa bùng lên. Nhưng lúc này, triều đình Huế vẫn còn kiên định phủ quyết 2 điều trong Hiệp ước, tuyệt không nhượng bộ. Quân Pháp ở Đà Nẵng đốt bỏ đồn trại ở Trà Sơn, An Hải, Điện Hải, dời hết về Gia Định. Đồng thời, Cao Miên nhân người Pháp xâm phạm Nam kỳ lại hùa theo muốn đánh hôi. Tình thế nguy ngập lắm rồi, mà vua tôi nhà Nguyễn vẫn tự cho rằng mỗi người đều đang làm tròn trách nhiệm [3].
Tháng Bảy năm ấy, Tự Đức cho Nguyễn Tri Phương làm Khâm sai đại thần tới Gia Định chỉ huy quân đội. Nguyễn Tri Phương có thể chống giữ người Tây ở Đà Nẵng, nhưng tình hình nước nhà mỗi lúc mỗi suy, mà quốc lực dành cho Gia Định không thể sánh với lúc dồn toàn lực bảo vệ cửa ngõ kinh kỳ. Trận Chí Hòa nổi tiếng trong lịch sử thế là sắp xảy ra.
--
[1] Thực lục chép như vậy, vô hình trung lại chính là phương lược của Nguyễn Tri Phương trình lên Tự Đức mà bị vua chê, muốn phải đánh nhanh diệt gọn quân Pháp ở Đà Nẵng.ầ
[2], [3] Đã có tus riêng.
Nguồn bài viết : https://www.facebook.com/tonhu1999/posts/1281722312533769
Last updated
Was this helpful?