Phần 5-Nguyễn Tri Phương ở Gia Định
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
V. NGUYỄN TRI PHƯƠNG Ở GIA ĐỊNH
Nguyễn Tri Phương là niềm hi vọng duy nhất của nhà Nguyễn, một phần nhờ thành tựu ông đạt được trước quân Pháp ở Đà Nẵng, một phần nhờ uy vọng của ông thời gian trước ở Nam kỳ trước người Cao Miên. Tại triều đình, Binh bộ Tham tri Lâm Duy Thiếp được phong Binh bộ Thượng thư - thay Trương Đăng Quế tạm nghỉ vì ốm. Đình thần hầu như bất lực trước tình trạng đất nước, tới mức Tự Đức dụ cho văn từ tham tri, võ từ thống chế trở lên, dâng mật sớ bày tỏ việc nước thì “hoặc có người bàn lý suông, hoặc có người tham gia nhiều việc, hoặc có người nói những việc đã thi hành rồi, hoặc có người nói những việc không thể làm được”.
Nhưng đáng kể hơn cả là việc Trương Đăng Quế khuyên Tự Đức điều Nguyễn Tri Phương khỏi Gia Định để đánh Cao Miên trước. Lý do là Tri Phương vốn có uy vọng sau trận đánh đồn Thiết Thằng (thời Thiệu Trị), người Cao Miên nghe danh ông là khiếp sợ. Vì thế nhân quân Pháp còn đang cố thủ ở đồn Hữu Bình, hãy sai Nguyễn Tri Phương tới An Giang, họp binh An Giang-Hà Tiên đánh thốc vào Nam Vang hoặc Ô Đông. Cao Miên đã không được nước Xiêm giúp, lại nghe Tri Phương đến, tất nhiên mất vía sợ chạy, không dám chống lại; mà quân Cao Miên đã tan vỡ, thì giặc Tây dương thế cô, chẳng bao lâu cũng phải lui mà nghe theo ta thôi. Những lối đánh giặc trên giấy, chỉ tính thế mình mà không tính thế người kém cỏi như vậy mà Tự Đức cũng sai người tới truyền đạt cho Nguyễn Tri Phương. Rất may là Nguyễn Tri Phương từ chối không theo. Nhảm nhí hơn nữa là Tự Đức thấy vậy hỏi lại Trương Đăng Quế, ông ta liền quay xe: “Việc quân không thể ở một chỗ mà tính đường xa được. Phương đã đến nơi, tính toán công việc hẳn là tường tất. Xin theo lời Tri Phương.”
Tháng 11 năm đó, Tự Đức lại lệnh cho Nguyễn Tri Phương đánh Cao Miên nhân vua nước đó là Xá Ong Giun (Nặc Ông Giun/ Ang Duong) chết. Nực cười là chỉ dụ lẫm liệt đại nghĩa của ngài có câu: “Gần đây, Man tù Xá Ong Giun, hiện đã chết rồi, mà nước nó vẫn giữ bí mật. Như thế sự phòng bị của họ tất là sơ sài. Ta nhân đó mà đánh, cũng là một cơ hội tốt. Trẫm vẫn biết đánh kẻ có tang, không phải là chính nghĩa. Nhưng nó không báo tang, nếu ta có biết cũng coi như không biết.” Nhưng rồi cũng không đánh Cao Miên.
Những chỉ dụ này vốn không ảnh hưởng tới thế cục, nhưng nó thể hiện một điều là triều đình nhà Nguyễn không hề đánh giá đúng thực lực của quân Pháp ở Gia Định. Họ vẫn cho rằng quân Pháp không đủ mạnh để mở rộng phạm vi chiếm đóng ra xa đồn Hữu Bình, thậm chí nghĩ rằng người Pháp phải dựa vào Cao Miên thì mới đứng vững được ở Gia Định. Ngay lập tức, sự chủ quan khinh địch này phải trả giá bằng trận đại bại Chí Hòa.
Tháng Giêng năm 1861, hơn 30 tàu chiến cùng một vạn quân Pháp - Tây Ban Nha (tài liệu Pháp chép rằng họ có 4 ngàn quân cùng với 2 cơ lính tập là giáo dân) tấn công Chí Hòa là nơi Gia Định tạm lấy làm tỉnh lỵ.
Chí Hòa hay Kỳ Hòa có hai cụm phòng thủ, tiền đồn là đồn Trung, phía sau là đồn Hậu (nơi Nguyễn Tri Phương đóng). Đêm 14 tháng Giêng (24/2/1861), quân Pháp vượt đồng Tập Trận tấn công đồn Trung. Hai bên bắn nhau ác liệt, quân Pháp chịu thương vong khá lớn (300 lính và 2 sĩ quan) nhưng ngày hôm sau đã hạ được đồn Trung và tấn công vào đồn Hậu.
Người Pháp tuy không biết binh pháp Tôn Ngô, nhưng rành phép “vật cùng tắc phản”, chúng để khuyết mặt bắc, cho quân đánh sấn vào ba mặt đông, tây, nam, bắc thang trèo lên lũy. Sang ngày 16, đồn Hậu bị hạ, quân Nam bỏ chạy theo phía bắc về Gò Vấp và Tân Sơn Nhì, rồi lại rút về Biên Hòa. Trận này quân Nam tổn thất thảm trọng. Tổng thống là Nguyễn Tri Phương bị thương ở tay, Tán lý là Nguyễn Duy, Tán tương là Tôn Thất Trĩ đều tử trận, quân nhu khí giới mất sạch. Cùng lúc đó, tàu chiến do Đô đốc Thủy sư Page chỉ huy tấn công các đồn dọc sông Sài Gòn ở Thị Nghè, Cầu Bông.
Người Pháp hoàn toàn làm chủ toàn bộ Gia Định, trong khi đó, nhà Nguyễn mới giật mình kinh hãi trước sức mạnh thực sự của quân Pháp. Nhưng lúc này, Nguyễn Tri Phương trúng thương đã phải điều về kinh, trong triều không còn ai đủ tư cách, Tự Đức đành điều Nguyễn Bá Nghi làm Khâm sai đại thần thống lĩnh biền binh.
Một sai lầm vô cùng khủng khiếp, nếu chúng ta biết Nguyễn Bá Nghi đã và sẽ làm gì.
Nguồn bài viết : https://www.facebook.com/tonhu1999/posts/1282610845778249