Phần 1-Sự toán tính
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
NHÀ NGUYỄN ĐÃ MẤT NAM KỲ LỤC TỈNH NHƯ THẾ NÀO? Kỳ I
Loạt bài này sẽ đi lướt qua lịch sử vài năm, kể từ khi người Pháp lăm le muốn “chiếm một góc” Đại Nam cho tới khi họ hoàn toàn chiếm được sáu tỉnh Nam Kỳ, trở thành bàn đạp để chiếm toàn bộ nước ta. Mối quan tâm của loạt bài sẽ không nằm ở các tính toán cụ thể của người Pháp mà sẽ chú trọng vào những kế hoạch hoàn toàn bị động và bất lực của triều đình nhà Nguyễn.
(năm tháng trong loạt bài là theo âm lịch)
I. NHỮNG TOAN TÍNH BAN ĐẦU
Không phải tới năm 1862, người Pháp mới nhăm nhe tấn công Đại Nam và chiếm Gia Định, mà trước đó 15 năm, vào năm 1847, thuyền Pháp đã bắt đầu có hoạt động vũ lực để ra yêu sách.
Tháng 2 năm 1847, tức đời Thiệu Trị, 2 chiến thuyền của Pháp do Đô đốc Lapierre và Trung tướng Rigault de Genouilly chỉ huy tiến vào Đà Nẵng, người Pháp xông vào công quán gây sự, đòi trao quốc thư. Quan tỉnh Quảng Nam từ chối, chúng liền đặt thư lên ghế rồi bỏ về. Trương Đăng Quế cho rằng người Tây chỉ đòi thông thương và bỏ cấm đạo, và “Nếu chúng sinh chuyện ra trước, thì chúng trái, ta phải tiêu diệt cũng không khó gì”. Kết quả của sự tự mãn này là người Pháp vờ xin hòa rồi bất thần đánh úp, năm chiếc thuyền bọc đồng của triều đình tăng viện cho Quảng Nam đều bị đánh đắm, súng pháo chìm cả, hơn 200 quân thương vong và mất tích. Tàu Pháp đánh xong trận đó ung dung bỏ đi. Người ta bàn rằng trận thua này khiến Thiệu Trị vừa sợ, vừa tức, nên năm đó ngài cũng băng luôn, chỉ ở ngôi được 7 năm.
Bài học mà Thiệu Trị nhận được đã không được truyền lại cho Tự Đức. Tháng 8 năm 1856, tàu Pháp tới Đà Nẵng, cho xuồng vào cửa biển, chuyển quốc thư cho quan giữ cửa biển Thuận An, xưng là đòi thông thương, dĩ nhiên là dựa trên hiệp ước Versailles của Nguyễn Phúc Ánh thời còn chưa lên ngôi. Viên quan trấn thủ cho rằng không đúng lễ pháp nên từ chối nhận, ném trở lại xuồng. Người Pháp ném thư lên bãi cát rồi quay về. Hôm sau, họ tới Đà Nẵng và tuyên bố đã trình thư và hẹn 7, 8 ngày nữa có sứ thần tới bàn việc. Nếu không cho thông thương thì sẽ cùng người Hà Lan tấn công. Quan viên phi báo về triều, vua lệnh cho quân trấn giữ ngày đêm tuần phòng để nếu có tàu Tây tới thì xét hỏi, cho họ biết ta có phòng bị. Triều đình muốn rung cây dọa khỉ, nghĩ rằng người Pháp thấy quân Nam có phòng bị thì biết khó mà lui. Kết quả là tàu Pháp bắn phá các bảo ven biển một trận. Triều đình liền khiển trách quan quân Quảng Nam vì người Pháp chỉ có một tàu mà quân Nam không làm gì được, đồng thời tăng quân tăng pháo cho tỉnh, đặc biệt là hai thành An Hải và Điện Hải. Cho quyền Chưởng Hữu dực dinh Vũ lâm Đào Trí làm Khâm phái Trấn dương quân vụ.
Sau đó, tàu Pháp một, hai chiếc bắt đầu lượn lờ ngoài khơi, xưng là tiền trạm của chánh sứ. Triều đình lại sai phòng bị nghiêm cẩn hơn.
Tháng Giêng năm 1857, Đào Trí tâu về có chánh sứ Pháp xưng là quan Nhất phẩm tới bàn việc hòa hiếu, xin đến kinh thành để bàn với người đồng cấp của Đại Nam. Tự Đức liền ban dụ rất mập mờ, lệnh cho Đào Trí “hết lòng trù tính kế hoạch, cốt sao cho đúng thời cơ, để xứng với uỷ nhiệm, hà tất phải mượn người khác làm gì”. Ngắn gọn là triều đình sẽ không cử quan đại thần tới mà việc này là của Đào Trí, nhưng làm thế nào thì Đào Trí tự suy tính và tự chịu trách nhiệm. Dĩ nhiên Đào Trí không dám tự tiện đàm phán gì với người Pháp cả.
Trên đây là những ghi chép trích từ Đại Nam thực lục. Chúng ta thấy được điều gì?
Sự kiện Charles de Montigny được Pháp cử sang sứ Đại Nam là có thực, trước đó, Pháp cử Thủy sư Đô đốc Lelieur de Ville-sur-Arce (Thực lục chép là Lê Liệu) tới cửa biển Đà Nẵng từ giữa năm 1856 để trình quốc thư, nhưng triều đình nhà Nguyễn đã từ chối tiếp kiến, thậm chí không có động thái tiếp xúc chính thức. Lý do dễ hiểu là Hiệp ước Versailles không lấy gì làm dễ chịu cho vua tôi Tự Đức, bởi vì trong đó có điều khoản sau khi lập quốc, Nguyễn Phúc Ánh phải cắt nhượng Đà Nẵng và đảo Côn Lôn cho Pháp (và cho người Pháp đặc quyền mậu dịch). Ngày nay, mọi người thường lấy lý do là nước Pháp vi phạm hiệp ước trước (không viện trợ cho Nguyễn Phúc Ánh) để hủy bỏ hiệp ước.
Nhưng nên nhớ rằng nội dung hiệp ước chỉ yêu cầu Pháp cử 4 tàu chiến và 1.900 lính mà thôi, tôi tin rằng những gì Bá Đa Lộc đem lại cho Nguyễn Phúc Ánh là nhiều hơn con số trên. Sẽ không ngạc nhiên nếu người Pháp vin cớ Bá Đa Lộc vốn là người Pháp, cùng với khá nhiều sĩ quan, binh lính mà ông này chiêu mộ cho Nguyễn Phúc Ánh cũng là người Pháp, để kết luận rằng Bá Đa Lộc được phong Đạt mệnh điều chế toàn thủy bộ viện binh [1] thì lực lượng mà ông ta chiêu mộ chẳng phải viện binh mà vua Pháp đã cử tới đó ư?
Tự Đức sợ phải tiếp sứ Pháp, sợ phải tranh luận về hiệp ước đã đành, nhưng ngài lại mượn lễ chế phương Đông để cự người phương Tây thì quá thất sách. Hành động kiên quyết không tiếp sứ, từ chối nhận quốc thư với cớ “vi lễ” làm sao có thể khiến Lelieur de Ville-sur-Arce hiểu được. Rõ ràng ông Tây này đã làm việc đúng quy trình:
1. Trình quốc thư lên quan trấn thủ; Hành động ném trả thư của Đại Nam được đáp trả bằng việc để lại thư trên bờ biển của người Pháp. Hiển nhiên người Pháp cho rằng họ đã hoàn thành việc đưa thư, còn người Nam cũng cho rằng họ đã hoàn thành việc từ chối thư.
2. Người Pháp cho tàu tiến vào Đà Nẵng để trình báo với cấp cao hơn là quan tỉnh Quảng Nam. Đáp trả nỗ lực liên hệ của người Pháp là việc tăng cường phòng bị của Đại Nam. Nhưng đây lại là một thất sách tiếp theo. Trong khi Tự Đức và triều thần nghĩ rằng chỉ cần lẳng lặng tỏ cho người Pháp từ viễn khơi tới biết là nước Nam có phòng bị thì họ sẽ không dám làm gì; thực tế Lelieur de Ville-sur-Arce sau vài tháng phải loanh quanh chờ đợi trên biển và chợt nhận ra “mình mới là người có tàu to súng lớn cơ mà, sao phải sợ”. Thế là Pháp thử thách Đại Nam bằng một màn đấu pháo. Khỏi phải nói kết quả, chỉ một tàu chiến của Pháp mà khiến cả hệ thống phòng thủ Đà Nẵng im hơi lặng tiếng.
Đại Nam đã đánh mất uy thế của mình trong màn dạo đầu ấy, tức là người Pháp tự tin họ chiếm ưu thế tuyệt đối về súng đạn không chỉ trên lý thuyết mà cả trên thực tế. Diễn biến giai đoạn sau cho thấy người Pháp không hề e ngại nổ súng, bất chấp Đại Nam có lũy đài phòng ngự cũng như hơn gấp bội về binh lực. Nhưng ngược lại, Tự Đức lại không nhận ra sự yếu kém về quân sự của binh lính so với địch, ông ta vẫn cho rằng quan quân địa phương nhát, nên cắt cử Cấm binh của Đào Trí tới chi viện.
Charles de Montigny thông qua Đào Trí muốn hội đàm với triều đình thì Tự Đức lại bày tiếp thất sách thứ 3, đó là mặc kệ, để Đào Trí tự lo liệu. Đào Trí là viên võ quan, ông ta được cử tới để chủ trì việc phòng thủ. Thế thì ông ta biết phải làm sao đây? Như đã nói ở trên, vua mặc kệ thì ông ta cũng mặc kệ nốt, khiến cho người Pháp cứ loanh quanh ra vào Đà Nẵng trong một thời gian rất dài.
Sự xuất hiện của tàu Pháp ngoài khơi dẫn tới hai hệ quả, thứ nhất là Quảng Nam liên tục tăng quân và đắp đồn lũy dọc bờ biển để phòng ngự, thứ hai là thêm một thất sách thứ tư của triều đình: gia tăng đàn áp Công giáo, mà đỉnh điểm là tháng 10 năm 1857 có lệnh bắt tội, tịch thu gia sản với những ai chứa chấp đạo trưởng Gia tô.
Kết quả là các lực lượng công giáo trong nước rục rịch nổi dậy phản kháng, cũng là để đón người Tây. Đó là các cuộc nổi dậy của giáo dân ở Nam Định từ cuối năm 1857 kéo dài sang năm 1859. Triều đình trấn áp và dìm các cuộc nổi dậy trong bể máu, với liên tiếp các án lăng trì, bêu đầu,... Tự Đức không hiểu rằng việc đáp trả tàn khốc ấy không khiến người Pháp sợ, thậm chí họ còn trông chờ nó xảy ra, sau cái chết của các đạo trưởng như Schœffler, Diaz, Bonnard, Sampedro,... cùng vô số giáo dân bị tù đày, cố đạo Pellerin đã tình nguyện xin làm hướng đạo, đưa liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công Đại Nam, và đảm bảo rằng khi quân tới thì lực lượng giáo dân bản địa sẵn sàng làm nội ứng.
Thế là cuộc đối đầu bằng vũ lực chính thức nổ ra vào tháng Bảy năm 1858.
--
hình minh họa
Nguồn từ :