Phần 3-Gia Định 1859
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
NHÀ NGUYỄN ĐÃ MẤT NAM KỲ LỤC TỈNH NHƯ THẾ NÀO? - Kỳ 3
III. GIA ĐỊNH 1859
Tuy chiếm được một số đồn bảo Đà Nẵng, nhưng liên quân Pháp - Tây Ban Nha dưới quyền tướng Genouilly đã bị chặn đứng bởi nỗ lực của Nguyễn Tri Phương, tức là kế hoạch tấn công cấp tập vào Huế để ép triều đình Đại Nam phải thỏa hiệp đã thất bại. Lúc này, bên Trung Quốc, triều đình nhà Thanh đã phải ký hòa ước Thiên Tân với liên quân các nước, mở ra một cuộc chạy đua mở rộng đất đai ở miền Viễn Đông. Người Pháp bắt đầu dồn quân sang mặt trận Đại Nam.
Quân Pháp được tăng viện, 14 tàu chiến di chuyển về phía nam nhưng không phải nhằm Cần Giờ - Gia Định mà lượn ngoài khơi Khánh Hòa. Tỉnh thần vội phi báo về triều, Tự Đức liền điều 500 lính thú Gia Định đến đóng giữ Khánh Hòa. Tàu Pháp liền dời đi, triều đình lại điều 500 lính này về Gia Định. Có vẻ người Pháp chỉ muốn nghi binh ở Khánh Hòa, làm xáo trộn bố trí của quân Đại Nam. Mặc dù sử nhà Nguyễn chép rằng 500 lính thú này là người Bình Định, mãn ban về quê thì tiện điều tới Khánh Hòa, nhưng việc lập tức điều họ trở lại Gia Định khi tàu Pháp rút, cho ta cảm giác sử đã chép nhẹ đi, che giấu việc Đại Nam bị Pháp lừa, phải điều chuyển quân vòng đi vòng lại. Lưu ý rằng quân Pháp di chuyển bằng tàu biển nên rất nhanh chóng và nhàn nhã, còn quân Nam phải hành quân trên bộ, vừa mất thời gian vừa nhọc sức.
--
Ngay khi tới bờ biển Biên Hòa, tàu Pháp bắt đầu bắn phá các đồn ven biển, khiến quân Nam phải lùi sâu. Triều đình lệnh cho tỉnh thần Định Biên chia quân đóng giữ các điểm trọng yếu, quyền Đề đốc Gia Định là Trần Tri được giao giữ cửa biển Cần Giờ.
Trần Tri không phải viên tướng giỏi. Ông này từng giữ chức Tổng đốc Nam Ngãi hồi năm 1856 và bất lực trước người Pháp nên bị triệu về kinh giáng phạt. Tệ hơn nữa, Trần Tri xin được ở lại Quảng Nam lập công chuộc tội, nhưng Tự Đức không cho vì sợ loạn quân tâm. Đây là điều khá hiếm hoi, vì thông thường các quan tướng bị giáng cấp vẫn hay được lưu nhậm (tức là tiếp tục làm việc bình thường). Quả nhiên, Trần Tri không thể giữ nổi cửa biển Cần Giờ. Từ ngày 11 tới ngày 14 tháng Giêng, quân Pháp bắn phá Lương Thiện (Biên Hòa), Phước Vĩnh, Danh Nghĩa (thuộc Gia Định) rồi tiến vào cửa Cần Giờ, áp sát thành Gia Định, đồng thời vây đánh các huyện lân cận. Hộ đốc Vũ Duy Ninh vội tư đi các tỉnh xin hội quân tới cứu. Ngày 15, tàu chiến Pháp nã pháo vào thành Gia Định, lại đổ quân lên bộ vây thành. Chỉ sau một ngày, thành Gia Định đã thất thủ, Quyền Đề đốc là Trần Tri, Bố chính là Vũ Thực, Lãnh binh là Tôn Thất Năng bỏ thành chạy, Hộ đốc Vũ Duy Ninh chạy tới Phước Lộc rồi thắt cổ tự tử, Án sát Lê Từ cũng tự sát.
Lúc này, quân cứu viện của Tổng đốc Vĩnh Long - Định Tường Trương Văn Uyển đã tới ngoài thành từ ngày 14 và giao tranh với quân Pháp, thấy thành Gia Định bị hạ nên cũng rút cả về Vĩnh Long. Các đạo viện quân của Hà Tiên, An Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận... còn chưa tới nơi.
Triều đình vội vàng tư cho các tỉnh chiêu tập binh dân, định ngày đánh chiếm lại Gia Định.
Có thể thấy Gia Định nhanh chóng thất thủ, ngoài nguyên nhân là quân Pháp quá mạnh, lại có cố đạo Lefèbvre làm hướng đạo, và phía quân Nam thì chủ quan, không phòng bị sớm, các quan tướng chỉ huy đều kém cỏi, hoàn toàn bị động, thì quân Nam còn có một nhược điểm trí mạng: Điều quân cực kỳ chậm chạp.
Về việc này, một phần do cơ chế rất phức tạp của nhà Nguyễn. Mọi việc điều binh khiển tướng đều nhất nhất chờ lệnh từ Huế. Với mặt trận Đà Nẵng, mặc dù rất gần Huế, nhưng triều đình vẫn cắt Nguyễn Tri Phương tới làm Tổng thống quân thứ, toàn quyền chỉ huy quân sự Quảng Nam và các tỉnh lân cận. Ngược lại, Gia Định quá xa xôi nhưng không hề có người chủ trì chiến sự. Tin chiến sự từ Gia Định báo về Huế, rồi mệnh lệnh từ Huế truyền ngược lại không biết bao nhiêu ngày mới tới nơi. Với việc không có một vị Tổng thống quân thứ (như Nguyễn Tri Phương ở Đà Nẵng), khiến cho các tỉnh mạnh ai nấy làm, không ai bảo được ai. Tức là mô hình Tổng trấn Bắc Thành và Gia Định Thành thời Gia Long lại trở nên cần thiết trong thời chiến.
Có lẽ nhận thức được nhược điểm này nên về sau, ở các mặt trận Nam kỳ và Bắc kỳ, nhà Nguyễn thường cắt cử Khâm sai đại thần tới làm tổng chỉ huy, được quyền quyết định toàn phần chứ không nhất nhất phải xin lệnh từ triều đình nữa.
Mất Gia Định, quân Pháp đặt được cơ sở đầu tiên ở Nam kỳ, tiến tới thôn tính cả lục tỉnh. Nhưng điều kỳ lạ là ở thời điểm năm 1859 này, Tự Đức và triều đình lại không nghĩ như vậy. Họ cho rằng liên quân Pháp - Tây Ban Nha sẽ không ở Gia Định lâu vì mục đích của chúng chỉ là ép Đại Nam ngồi vào bàn đàm phán.
Nguồn từ :