𝐗Á𝐂 ƯỚ𝐏 𝐁Í Ẩ𝐍 𝐓𝐑𝐎𝐍𝐆 𝐍𝐆Ô𝐈 𝐌Ộ 𝐁Ị 𝐋Ã𝐍𝐆 𝐐𝐔Ê𝐍 Ở 𝐇Ư𝐍𝐆 𝐘Ê𝐍:
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
𝐗Á𝐂 ƯỚ𝐏 𝐁Í Ẩ𝐍 𝐓𝐑𝐎𝐍𝐆 𝐍𝐆Ô𝐈 𝐌Ộ 𝐁Ị 𝐋Ã𝐍𝐆 𝐐𝐔Ê𝐍 Ở 𝐇Ư𝐍𝐆 𝐘Ê𝐍: 𝐍𝐇Ữ𝐍𝐆 𝐃Ò𝐍𝐆 𝐂𝐇Ữ 𝐇Á𝐍 𝐓𝐑Ê𝐍 𝐓Ấ𝐌 𝐁𝐈𝐀 𝐓Ứ 𝐃𝐈Ệ𝐍 𝐓𝐑𝐎𝐍𝐆 𝐋Ă𝐍𝐆 𝐌Ộ.
(Nối tiếp kỳ trước: Thảm kịch mộ ướp Việt Nam: Bẻ xác ướp cho vừa tiểu sành). [ ]
......................
Day dứt với thông tin tù mù về người nằm trong ngôi mộ cổ bị phá, tôi đã mời tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ở Viện nghiên cứu Hán Nôm, cùng nhà nghiên cứu Bùi Quốc Hùng về làng Thụy Trang.
Đến thôn Thuỵ Trang, xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên, chúng tôi tìm đến thăm gia đình ông Đỗ Văn Tuyên, 84 tuổi. Ông Tuyên vốn là một cụ từ trông coi đình làng Thuỵ Trang. Ông Tuyên cũng là người đầu tiên phát giác về sự việc khai quật ngôi mộ cổ năm xưa và báo cáo lên chính quyền. Dù nhiều năm đã trôi qua kể từ khi vụ việc đào trộm mộ cổ ở thôn Thụy Trang bị phát giác, nhưng đôi bàn tay ông Tuyên vẫn còn run run khi nhớ lại toàn bộ vụ việc.
Theo lời kể của ông Tuyên, ngôi mộ cổ nằm giữa ruộng, người dân nơi đây gọi khu vực này là ruộng Lăng. Hàng năm, cụ từ trông coi đình làng được giao khoán mảnh ruộng này. Ngày rằm, mồng một, cụ từ có nhiệm vụ thổi xôi, bày oản lên đình thắp hương. Không một ai trong làng nắm rõ lịch sử của ngôi mộ cổ này. Người dân nơi đây chỉ được nghe truyền miệng rằng đó là mộ ông Quận công thời hậu Lê. Còn tên tuổi của ông, giữ chức vụ gì thì không một ai nắm rõ.
“Ban đầu, ngôi mộ to, rộng chừng 40m2, kiên cố, quanh năm không bị sụt lún. Sau dần người dân vạc vào lấy thêm đất để mở rộng diện tích gieo trồng nên diện tích ngôi mộ giảm xuống còn 15m2”, ông Tuyên vừa nói vừa lấy tay nhẩm tính.
Khoảng chục năm trở về năm 2007, doanh nghiệp Phúc Nga đứng lên thuê lại khu đất này để xây dựng nhà máy, xí nghiệp. Cuối năm 2007, đầu năm 2008, ông chủ doanh nghiệp là Nguyễn Văn Phúc muốn di dời ngôi mộ ông Quận công nên đã thuê hàng chục người đào bới. Tuy nhiên, với cuốc, xẻng, xà beng bổ liên tục nhưng khối bê tông được làm bằng hợp chất muối, mật và tro bếp khổng lồ được đặt trên ngôi mộ cổ vẫn không hề dịch chuyển.
Sau nhiều ngày đào bới nhưng không có kết quả người dân hoảng sợ không làm nữa. Chính quyền địa phương đã nhận được thông tin về việc doanh nghiệp tiến hành chuyển mộ nên hai bên chính quyền và doanh nghiệp cũng đã đi đến thống nhất không tiếp tục khai quật ngôi mộ bởi ngôi mộ chìm, không gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Tuy nhiên, di dời lần một không thành, doanh nghiệp Phúc Nga liền thuê người dân bên thôn Trai Trang bí mật đào trộm. Với máy khoan và các máy móc hiện đại, suốt 2 ngày 1 đêm hì hụi, họ mới khoan được một lỗ thủng trên nắp mộ. Sau đó, họ dùng máy cẩu, cẩu toàn bộ nắp mộ được làm bằng hợp chất muối, mật và tro bếp nặng hàng chục tấn ra khỏi khu vực, làm lộ ra chiếc quan tài phủ sơn màu đỏ.
Chiếc áo quan có chiều dài 2 mét, rộng gần 50 phân, độ dày lên đến 10 phân nằm khít trong bể bê tông được xây kiên cố. Dùng xà beng không thể nạy lên, người đào bới phải dùng đến máy khoan, khoan trên nắp quan tài, rồi luồn dây thép để máy cẩu nhấc lên. Khác với những gì tưởng tượng, khi mở nắp quan tài, một mùi thơm tỏa đi khắp nơi. Bên trong chiếc quan tài, một xác ướp tầm 1m60 được quấn bằng quần áo, chăn, gối, chân đi đôi hài vẫn còn vẹn nguyên khiến những người đào mộ hoảng sợ chạy toán loạn.
Thấy mọi người hoảng sợ, bỗng một người trong đoàn thốt lên: “Không sợ, ông này có vàng” để lôi kéo mọi người ở lại, tiếp tục công việc.
Người xưa dùng những vật gì lót vào áo quan?
Trong các ngôi mộ cổ khai quật được, ngoài các đồ trang sức của người chết, phía trong áo quan thường có lót lá chuối, giấy bản, chè búp, bỏng nếp hoặc khăn vóc áo nhiễu... Trong quan, ngoài quách, giữa quan và quách đổ cát vàng. Các thứ đó đều là những chất hút ẩm và ngăn giữ khí hôi hám khỏi bốc ra ngoài, nhất là thời xưa chết xong chưa mấy ai đã chôn ngay, còn phải sắm đủ lễ vật, tế khí, còn phải xa gần phúng viếng linh đình, còn phải chọn ngày, chọn đất mới làm lễ an táng (theo Phong tục Việt Nam).
Sau khi cởi bỏ y phục được mặc trên xác ướp và lấy đi những di vật được chôn theo, những người đào mồ chuyển thi thể sang một chiếc quách. Tuy nhiên do chưa phân hủy nên thi thể không vừa chiếc quách này.
Linh tính điều không hay, chủ doanh nghiệp bèn đi mua một chiếc áo quan khác và an táng xác ướp một cách cẩn thận tại thôn Trai Trang. Còn quần áo, mũ, hài và những di vật được chôn theo họ đem vứt xuống máng. Riêng cỗ áo quan vì nhầm tưởng là gỗ lim nên người làm thủ tục chôn cất hôm đó đem về. Hiện nay đang được bảo quản tại thôn Thụy Trang.
Ông Tuyên kể lại: “Bị ngâm nước máng ròng rã hàng tháng trời như thế mà các vật dụng không hề bị mục nát. Người dân thôn Thụy Trang sau khi phát hiện sự việc đã đến tìm lại toàn bộ và lấy được 95 đồng tiền xu còn sót lại. Sau khi giám định thì được biết đây là tiền Càn Long Thông Bảo được sản xuất năm 1736”.
Những sự việc xảy ra khó lý giải
Sau khi vụ việc bị phát giác, người dân làng Thụy Trang yêu cầu phía doanh nghiệp phải an táng xác ướp đúng vị trí khai quật và mở một lối đi riêng, hoàn toàn độc lập để dân làng đến thắp hương. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp đã không đồng ý. Đến nay, xác ướp trong ngôi mộ cổ vẫn được chôn cất tại thôn Trai Trang.
Kể từ lần đào trộm mộ cổ đó, doanh nghiệp Phúc Nga liên tiếp gặp điềm dữ khó lý giải, làm ăn sa sút hẳn. Ngày trước, họ liên doanh với người Trung Quốc. Tuy nhiên, từ sau khi đào bới mộ cổ, người Trung Quốc rút vốn bỏ về nước. Doanh nghiệp làm ăn đình trệ, gia đình sống trong cảnh ly thân, bản thân ông Nguyễn Văn Phúc mắc bệnh sỏi thận, dạng sỏi mùn và đang phải đi chạy thận hàng tháng.
Lý giải về chuyện này, ông Đỗ Văn Vẻ, Trưởng thôn Thụy Trang cho biết: “Thôn Thụy Trang từ lâu có ngôi mộ cổ, việc đào trộm mộ cổ này là hoàn toàn có thật. Doanh nghiệp Phúc Nga xưa nay vốn kín tiếng nên việc ốm đau thế nào dân làng không thể biết chính xác. Những câu chuyện báo oán xung quanh việc khai quật ngôi mộ cổ này không có cơ sở khoa học. Tôi cho rằng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nền kinh tế mấy năm nay đang suy thoái, việc họ làm ăn gặp khó khăn cũng là điều khó tránh”.
Việc có vàng trong áo quan hay không hiện nay không một ai dám khẳng định. Còn thân thế, sự nghiệp của người nằm trong ngôi mộ cổ cho đến nay cũng vẫn còn là một ẩn số. Theo lời ông Vẻ, ngay khi vụ việc được phát giác, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, trong đó có cả các nhà sử học.
Theo lời ông Tr., người làng Trai Trang (xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên), sau khi mua bộ áo quan lấy từ mộ xác ướp, để trong nhà vẫn thấy mùi thơm ngào ngạt, nghĩ là gỗ sưa, nên ông đã mời nhiều người buôn gỗ đến xem. Một số đại gia ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đã tìm về xem, nhưng họ bảo không phải gỗ sưa, nên không mua.
Phá mộ vì thiếu hiểu biết
Sau hôm đào phá mộ, đêm nào ông Tr. cũng thức trắng. Có lẽ, do ám ảnh quá lớn, nên hễ nhắm mắt ông lại mơ thấy một ông quan lớn đứng trước mặt. Sợ quá, ông đã đến làng Thụy Trang khai báo sự việc đào phá mộ với nhân dân.
Sau khi ông Tr. kể lại sự việc với dân làng, ông liền dẫn mọi người đến nơi vứt đồ tùy táng. Ông Nguyễn Văn Quang, ông Nguyễn Quang Tuyến cùng một số người đã mang một ít quần áo, chăn gối về làng để tại nhà chứa xe tang. Dân làng đề nghị ông Tr. mang trả chiếc áo quan và ông Tr. cũng trả luôn.
Ông Quang đã mở cửa nhà chứa xe tang để tôi xem những thứ thu gom được. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy những mảnh quần áo, đặc biệt là chiếc hài vẫn còn nguyên vẹn.
Dù đống quần áo, chăn gối này được móc lên từ hầm mộ, rồi ngâm dưới mương nước hơn tháng trời, song mùi thơm vẫn tỏa ra ngào ngạt. Từ chiếc áo quan cũng tỏa ra mùi hương thoang thoảng. Người dân đi qua ngôi nhà để xe tang cũng đều ngửi thấy mùi ngọc am.
Ông Quang cho biết, khi mang đống quần áo, vải vóc bó xác ướp về, giũ ra, cũng mót được 95 đồng tiền cổ. Vị tiến sĩ ở Viện nghiên cứu Hán Nôm mà tôi mời đi, đã đọc được những đồng tiền cổ đó. Có rất nhiều đồng tiền Càn Long Thông Bảo, sản xuất năm 1736 ở Trung Quốc.
Qua sự kiện vẫn tìm được tới 95 đồng tiền cổ trong khi mót lại ở đống quần áo bị cắt rách tả tơi, dân làng đồn thổi rằng, trong ngôi mộ này phải có rất nhiều của quý. Từ đó nhân dân đặt câu hỏi: “Phải chăng, những người quật ngôi mộ cổ này có ý định kiếm chác của quý?”.
Được biết, mảnh đất rộng 10.000m2 được UBND tỉnh giao cho doanh nghiệp tư nhân X. Trong khu đất này có 13 ngôi mộ phải di dời và họ đã thực hiện di dời 12 ngôi. Ngôi mộ cổ lớn nhất, được cho là của một ông Quận cũng nằm trong diện phải di dời. Khi đào mộ, thấy hệ thống bêtông quá lớn, rất cứng, không thể đào được, nên doanh nghiệp này không đào đi nữa. Ngôi mộ nằm chìm dưới đất nên cũng không gây khó khăn gì cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ông chủ doanh nghiệp này tỏ lòng thành kính bằng cách xây một cây hương để thờ.
Thế nhưng, do mở rộng sản xuất, cần san lấp mặt bằng, nên họ thuê người đào bới, phá mộ, rồi phá hỏng cả xác ướp. Lẽ ra, khi biết đây là mộ cổ phải dừng đào bới, báo cáo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, những người được thuê chuyển mộ đã không biết đây là mộ cổ và vẫn cứ tiến hành phá mộ. Sự thiếu hiểu biết của họ đã phá hỏng một di sản quý.
Làm sáng tỏ tấm bia đá trong lăng ông Quận.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện sau khi xem xét tấm bia ở ngôi mộ ông Quận, ngôi mộ mà nhân dân đồn rằng có liên quan đến ngôi mộ bị phá, đã phải thốt lên rằng, dù ông đã tận mắt hàng ngàn tấm bia, song phải khẳng định đây là hai tấm bia rất đẹp. Hai tấm bia này được tạc bằng đá xanh nguyên khối, hình vuông, 4 mặt đều có chữ Nho. Mặc dù trải mưa nắng mấy trăm năm, sự tàn phá của con người và thiên nhiên, song các mặt tấm bia vẫn rất mịn, nhẵn.
Một tấm có nội dung “Tự sự nghiệp bi”, còn tấm kia là “Tự báo đức bi”. Năm dựng bia là Bính Thìn, thuộc thời Lê - Trịnh 1736.
Trong quá trình sưu tầm tài liệu, TS Nguyễn Xuân Diện đã tìm được một bản dập có tên là “Tự sự nghiệp bi” do Viện Viễn Đông Bác Cổ thực hiện, có số hiệu N0 7290-300, 72305 - 306. Trong văn bia ghi rõ: “Bia từ đường họ Nguyễn (đặt tại từ vũ thôn Chu Xá), xã Đạo khê - huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên”. Bia 4 mặt, khổ 58 x 156. Không gian xung quanh bia chạm hoa lá, đáy khắc đôi sư tử hí cầu. Chữ Hán, có xen chữ Nôm, gồm 50 dòng, 1.600 chữ.
Bia ghi tiểu sử và sự nghiệp ông Phó tri thị nội Thư tả Hộ phiên, Thị cận thị nội giám tư lễ giám Tổng thái giám, tức Chuẩn Nghĩa hầu, gia tặng Chuẩn quận công, họ Nguyễn, tự Đức Nhuận, hiệu Tĩnh Xuyền. Ông sinh giờ Tý ngày 5 tháng 4 năm Nhâm Tý, mất giờ Dậu ngày 9 tháng 10 năm Đinh Mùi. Mộ táng tại xứ Bãi Quân. Ông vốn họ Dương sau đổi họ Nguyễn, người xã Trung Đạo, đến ở xã Đạo Khê.
Tiếp theo, bia ghi lai lịch từ hiền tổ khảo, hiền tổ tỷ, đến các vị họ ngoại như ngoại tổ khảo, ngoại tổ tỷ... Vì tổ tiên ông đắp xây nền phúc, đời đời để lại lòng nhân, cho nên, nay ông mới được vào hầu chúa, có công với nước, có nghĩa với dân. Ông lại cúng cho dân 1.200 đồng tiền, 240 mẫu ruộng, dân xã đã bầu ông làm Phúc Thần, bốn mùa cúng tế”.
Tuy nhiên, theo khảo sát của TS Nguyễn Xuân Diện và nhà phong thủy Bùi Quốc Hùng thì vùng Yên Mỹ có truyền thuyết kể về lăng mộ hai chú cháu nhà ông Quận cùng được táng tại cánh đồng Bãi Quân. Mặt khác, khi khảo sát văn bia, TS Nguyễn Xuân Diện đã biết ngài Tổng Thái giám Nguyễn Đức Nhuận có cha mang họ Dương, giữ chức vụ khá cao trong phủ Chúa Trịnh. Mặt khác, theo tài liệu thì ngài Tổng Thái giám Nguyễn Đức Nhuận có tới 7 người con: gồm 5 trai và 2 gái, có tên tuổi hẳn hoi. Như vậy, ngài làm chức Tổng Thái giám sau khi đã có gia đình, con cái đàng hoàng.
Theo TS Nguyễn Xuân Diện, một hướng nữa cần nghiên cứu kỹ lưỡng là địa chỉ từ đường họ Nguyễn (đặt tại từ vũ thôn Chu Xá), xã Đạo Khê, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Tại đây liệu có còn tấm bia do Viện Viễn Đông Bác Cổ dập bản như đã nói ở trên hay không? TS Diện cùng nhà phong thủy Bùi Quốc Hùng đã tổ chức đi tìm hiểu, nhưng vì thời gian đã quá lâu, tên làng, tên xã có thay đổi nên chưa có kết quả.
Ngoài việc tìm thấy bản dập tấm bia “Tự sự nghiệp bi”, TS Nguyễn Xuân Diện còn đọc được bản “Tục lệ của thôn Chu (Châu) Xá” (xã Đạo Khê, tổng Sài Trang, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), hiện đang lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm dưới ký hiệu AF, a3/39. Qua nghiên cứu bản tục lệ này, thu thập được những nội dung như sau:
Theo tục lệ của làng, làng có bầu 2 vị làm Hậu thần quan (vị quan được thờ phối thờ với thần làng). Vị thứ nhất có chức tước do triều Lê ban như sau: Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng Trụ quốc, Chuẩn Quận công Nguyễn tướng công tự Đức Nhuận, khi mất được vua ban tên thụy là Minh Đức tiên sinh.
Vị thứ hai có chức tước do triều Lê ban như sau: Tổng binh sứ, về trí sĩ (về hưu) Hào Trung hầu Nguyễn tướng công tự Tri Trưng, khi mất được vua ban tên thụy là Trung Cách tiên sinh. Như vậy, cả hai vị được bầu làm Hậu thần đều là các quan triều Lê, đều họ Nguyễn, đều có công với triều đình (một vị được tước Quận công, một vị tước hầu), khi mất đều được vua ban tên thụy.
Trên văn bia của Lăng Chuẩn Quận công Nguyễn Đức Nhuận chỉ ghi là bia được soạn và dựng vào năm Bính Thìn, không ghi cụ thể niên hiệu, nhưng trong bản tục lệ do các chức dịch địa phương sao lục thì ghi rõ năm soạn và dựng bia là Năm Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736), tháng tốt, ngày lành.
Theo kết quả mà TS Nguyễn Xuân Diện tìm được thì năm sinh của ngài Tổng Thái giám Nguyễn Đức Nhuận là năm Nhâm Tý (1672), mất năm Đinh Mùi (1727), thọ 55 tuổi. Sau 10 năm là năm Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 2 (1736), mới dựng bia trên lăng mộ.
Như vậy, căn cứ vào những đồng tiền Càn Long Thông Bảo có trong xác ướp, có thể kết luận chính xác rằng: Xác ướp do doanh nghiệp Phúc Nga đào bới đem chôn chỗ khác không phải là của ngài Tổng Thái giám Nguyễn Đức Nhuận. Vì mãi tới năm 1736 mới có tiền Càn Long Thông Bảo, cùng với năm dựng bia, trong khi ngài Tổng Thái giám Nguyễn Đức Nhuận đã mất trước đó 10 năm.
Việc cần làm bây giờ là phải xác định lại xem tại khu lăng mộ ngài Tổng Thái giám Nguyễn Đức Nhuận trong phạm vi rộng 10 mẫu ở cánh đồng Đạo Khê có còn xác hay không để tìm cách bảo tồn. Nếu mộ ngài còn dưới ruộng, không tìm cách bảo vệ thì trước sau cũng bị xâm hại, hoặc bị kẻ xấu đào bới, khai quật tìm của quý (mặc dù trong những ngôi mộ hợp chất thường không có tài sản gì).
Ông Nguyễn Ngọc Thiềng, Chủ tịch UBND xã Trung Hưng cho biết: "Năm 1986, tại thôn Trung Đạo (xã Trung Hưng), một số người dân đã đào mộ cổ có xác ướp, nhưng không thấy cổ vật gì nên dân đã lấp lại. Cách ngôi mộ xác ướp ở làng Thụy Trang 1km về phía TP. Hưng Yên, hiện cũng mới phát hiện một ngôi mộ cổ tương tự. Ngôi mộ này cũng nằm trong phần đất của một doanh nghiệp, thuộc xã Dân Tiến. Quanh khu vực xã Trung Hưng có nhiều mộ xác ướp, do đó, không thể khẳng định mộ xác ướp doanh nghiệp X. di chuyển là mộ ông Nguyễn Đức Nhuận".
Như vậy xác ướp bí ẩn kia đã tan biến vĩnh viễn vào đất, mang theo mọi thông tin về thân thế, sự nghiệp của một con người quan trọng đương thời.
Do đó, việc xác định xác ướp trong ngôi mộ bị doanh nghiệp Phúc Nga đào phá trộm, chôn ra ngoài cánh đồng có phải là của Quận công Nguyễn Đức Nhuận hay không còn phải nghiên cứu tiếp và việc này các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc ngay.
Người dân thì tin chắc rằng ngôi mộ bị phá có liên quan đến khu lăng ông Quận qua những câu chuyện cha ông truyền lại. Năm 1993, có một toán người giới thiệu với dân làng là đoàn nhà khảo cổ học trên Hà Nội về nghiên cứu khu mộ. Đến đêm, lợi dụng sấm chớp, họ cho nổ mìn phá hầm mộ. Sớm hôm sau, dân làng kéo ra xem, chỉ thấy một hầm mộ trống rỗng, mới biết đám người hôm trước là bọn trộm đóng giả các nhà khảo cổ học để truy tìm của quý. Như vậy, dù đây là hầm mộ khổng lồ, song chỉ là mộ giả, nhằm đánh lạc hướng người đời. Trong hầm mộ này có vàng bạc châu báu hay không thì chỉ có bọn trộm mới biết được. Sau này, trong quá trình cày, cấy, đào đất, người dân còn phát hiện rất nhiều mộ giả, với những sập đá, hầm mộ nằm rải rác quanh khu vực lăng ông Quận rộng 10 mẫu, thuộc làng Đạo Khê. Người dân tin rằng mộ thật nằm về phía Đông, thuộc làng Thụy Trang, hiện đã bị doanh nghiệp Phúc Nga đào bới, đập phá.
Các cụ ở làng Thụy Trang và Đạo Khê truyền lại rằng, khi còn sống, ông Quận xây một khu lăng mộ hoành tráng ở làng Đạo Khê, nhưng để kẻ xấu không tìm thấy xác, con cháu đã bí mật chôn ở nơi khác. Tại khu lăng mộ chỉ toàn là những ngôi mộ giả.
Sau khi đọc văn bia, hai nhà nghiên cứu tiếp tục vào đình làng Thụy Trang để tìm hiểu thêm thông tin. Tại đình còn lưu giữ khá nhiều sắc phong vua ban vào các thời Lê, Nguyễn. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện dịch nghĩa cho các cụ ghi lại.
Chiếc hài vải của ông Quận cùng 95 đồng tiền cổ thu được từ ngôi mộ được cất giữ trong đình và được những người có uy tín trong thôn trông nom suốt ngày đêm. Tại đình làng, hàng trăm người dân thôn Thụy Trang tụ tập nghe ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện và nhà phong thủy Bùi Quốc Hùng về nội dung trên 2 tấm văn bia.
Trưởng thôn Lê Thành Công thay mặt nhân dân thôn Thụy Trang nêu lên 2 nguyện vọng:
- Thứ nhất, mặc dù ngôi mộ cổ của làng đã bị phá, song cần xử lý doanh nghiệp Phúc Nga thật nghiêm minh, theo đúng luật pháp để làm bài học mới mong bảo vệ được những di sản còn lại cho đất nước.
- Thứ hai, mộ của một Quận công có công lao lớn với đất nước, với nhân dân không thể để lè tè giữa ruộng ở xã khác như vậy được. Dân làng đề nghị đưa cụ về làng, chọn đất hợp lý để an táng. Sau đó, xây dựng khu tưởng niệm để dân làng thờ cúng ông với đúng vị thế
Theo Phạm Ngọc Dương | chuyên đề An Ninh Thế Giới, báo Công An Nhân Dân