Thảm kịch mộ ướp Việt Nam: Bẻ xác ướp cho vừa tiểu sành.
Những người tham gia chôn cất đã bẻ gập chân thi hài ông Quận lên, bẻ quặt tay, gập đầu xuống để nhét cho vừa tiểu sành. Họ đặt tiểu sành vào mộ, rồi lấp đất lại.
Còn nhớ, vào một ngày cuối tháng 9/2008, khi đang ngồi ở tòa soạn, cô nhân viên văn phòng gọi điện bảo: “Có một ông nông dân cứ đề nghị đòi gặp bằng được nhà báo Phạm Ngọc Dương, anh có gặp không?”.
Một bác nông dân gầy gò, hom hem, tóc bạc, khuôn mặt phúc hậu, giới thiệu là Nguyễn Văn Quang, trình bày: “Người ta đi kiện vì mất ruộng đất, vì bị chiếm đoạt tài sản. Còn tôi, tôi đi kiện vì một doanh nghiệp phá trộm ngôi mộ cổ, là di sản của nhân dân, của Nhà nước”.
Quả thực, đây là vụ kiện khá hy hữu. Bác nông dân này bỏ tiền của, đi về Hà Nội gặp nhà báo để làm một việc trời ơi, ấy là kiện một doanh nghiệp vì họ phá ngôi mộ nằm trong phần đất của họ. Việc này lẽ ra phải của các nhà khảo cổ, phải là của chính quyền địa phương chứ nhỉ?
Vậy là, tôi lập tức cùng bác nông dân nọ tìm về làng Thụy Trang (xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên). Tôi điện thoại cho ông Tăng Bá Hoành, ông bảo: “Tớ về hưu rồi cậu ạ. Chẳng ai quan tâm đến ngôi mộ đó đâu. Nếu họ bật nắp mộ, họ phá rồi, thì hết chuyện rồi. Chỉ biết thở dài cho thân phận người nằm trong mộ mà thôi”.
Khi tôi và bác nông dân nọ về đến làng Thụy Trang, trưởng thôn Lê Thành Công và mấy chục người dân trong làng đã chờ sẵn. Ai cũng tỏ ra bức xúc về chuyện doanh nghiệp Phúc Nga ở địa phương này phá trộm mộ cổ, moi xác ướp lên rồi tống táng xác ướp ra cánh đồng. Khi ấy, tình hình dân cư căng thẳng lắm. Có người đòi đập phá doanh nghiệp kia. Có người yêu cầu chính quyền phải còng tay, tống giam người phá mộ. Có người kêu la trời đất sao chẳng thấy nhà khoa học nào về nghiên cứu ngôi mộ, để ông Quận của làng bị đám con cháu tham lam quật lên giữa đêm, tống táng ra cánh đồng một cách thảm hại như vậy.
Lẽ ra, chuyện phá mộ của doanh nghiệp nọ không ai biết, nếu không có… giấc mơ của ông Tuyên.
Tôi có mặt ở làng Thụy Trang (xã Trung Hưng, Yên Mỹ, Hưng Yên) đúng lúc người dân, cán bộ thôn rất bức xúc. Những chuyện họ kể về cuộc phá mộ cổ của doanh nghiệp tư nhân Phúc Nga kia vừa ly kỳ, bí ẩn, vừa gai người vì hành động coi thường giá trị văn hóa, khảo cổ.
Chuyện bắt đầu từ việc ông Tuyên, người trông đình làng đi kể khắp làng rằng, ông đang dựa lưng vào cột đình ngủ gà ngủ gật, bỗng nghe rõ mồn một tiếng kêu than: “Cứu tao với, có người bẻ cong tay chân tao rồi”. Ông Tuyên giật mình tỉnh giấc. Tiếng nói ấy vừa như mơ, mà lại không phải mơ. Cứ hư hư thực thực. Ông chạy khắp đình mà không tìm thấy ai.
Chuyện ông Tuyên có giấc mơ lạ đến tai ông S. ở làng cạnh. Ông S. nghĩ có điềm báo, sợ quá, liền báo với dân làng Thụy Trang rằng, chính ông là người đã bẻ cong chân, tay, đầu của một xác ướp được cho là của ông Quận, để nhét cho vừa tiểu sành.
Người dân trong làng thường gọi ngôi mộ cổ của làng là mộ ông Quận. Ông là một quan võ, tước quận công, còn tên là gì thì không biết.
Sau khi làm cái việc khủng khiếp đó, ông S. không ngủ được. Đêm nào cũng vậy, cứ nhắm mắt vào là như có người dựng dậy.Ông S. là người chuyên đi bốc mộ thuê, nhưng đây là lần đầu tiên ông bị ám ảnh khủng khiếp như vậy, nên đã báo cáo với dân làng, mong được hối lỗi.
Ông S kể lại sự việc như sau: Cuối tháng 11/2007 (âm lịch), ông chủ doanh nghiệp X., tên là K. thuê ông S. cùng hàng chục người khác phá ngôi mộ cổ nằm giữa khu đất của doanh nghiệp.
Người cuốc, người xẻng, người búa chim, xà beng bổ liên tục, nhưng khối hợp chất gồm mật mía, vỏ ngao sò nghiền, vôi, bột đá vẫn không hề suy suyển, sứt mẻ.
Thấy phá thủ công không được, người ta liền dùng máy khoan để phá. Những chiếc máy khoan nổ chói tai cả đêm mới bật tung được nắp mộ, làm lộ ra quan tài phủ sơn ta đỏ au.
Chiếc quan tài rất lớn nằm khít trong bể bê tông. Bể bê tông này là một bức tường dày đến nửa mét. Bể xây kín đến nỗi không khí cũng không thể ra vào được. Chiếc quan tài nằm khít trong bể, nên dùng xà beng không thể nạy lên. Người ta phải dùng máy khoan vài lỗ trên nắp quan tài, rồi luồn dây thép vào, máy cẩu nhấc quan tài lên.
Khi quan tài bật nắp, mùi tinh dầu ngọc am lan tỏa khắp nơi, không hề có mùi thi thể người chết. Những ngày đó, dân mấy làng quanh vùng đều ngửi thấy mùi ngọc am. Thậm chí người tham gia giao thông trên quốc lộ 39 vẫn ngửi thấy mùi ngọc am thơm phức. Tuy nhiên, không ai biết rằng, mùi ngọc am đó bắt nguồn từ ngôi mộ cổ.
Sau đó, vì sợ hãi, doanh nghiệp nọ đã cho người phá mộ tròn, chôn xác ướp bằng quan tài dưới ngôi mộ này. Trong quan tài là thi hài một cụ ông, cao khoảng 1,60m. Mọi người đều giật mình khi thấy thi hài còn nguyên vẹn như mới được chôn. Râu, tóc, lông mày vẫn còn nguyên. Da dẻ vẫn mềm mại, hồng hào. Thi hài được quấn bằng rất nhiều quần áo, chăn, gối và chân đi đôi hài cao đến đầu gối còn mới nguyên. Thi thể ngập trong bể tinh dầu màu nâu, đặc sánh.
Trông cảnh ấy ai cũng hoảng, nhưng ý nghĩ trong quan tài có nhiều vàng bạc, châu báu, đồ cổ, nên nỗi sợ tan biến đâu mất. Những người tham gia phá mộ mò mẫm khắp nơi, dùng dao, kéo cắt hết quần áo của thi hài để tìm châu báu. Tuy nhiên, họ chỉ kiếm được mấy món đồ lặt vặt.
Xác ông Quận được mang ra cánh đồng cách làng Thụy Trang 3 km và táng trong một ngôi mộ tròn đã được ông chủ doanh nghiệp này xây sẵn.
Tuy nhiên, bể mộ xây để chứa xương cốt, mà thi hài vẫn còn nguyên vẹn, nên những người tham gia chôn cất đã bẻ gập chân thi hài ông Quận lên, bẻ quặt tay, gập đầu xuống để nhét cho vừa tiểu sành. Họ đặt tiểu sành vào mộ, rồi lấp đất lại.
Theo lời kể của ông S., sau hôm phá mộ, nhét xác ướp vào chiếc tiểu sành, ông và ông chủ doanh nghiệp cùng tất cả những người tham gia phá mộ, đem thi hài ông Quận ra cánh đồng chôn đều không ngủ được.
Đêm nào cũng vậy, cứ nhắm mắt vào là như có người dựng dậy, hoảng quá, ông chủ doanh nghiệp Phúc Nga tên là Nguyễn Văn Phúc phải thuê người phá ngôi mộ tròn, bới xác lên, rồi mua một chiếc quan tài và mua một khoảnh ruộng của người dân để chôn lại thi hài của ông Quận.
Khi bị nhân dân tố cáo, bị UBND xã gọi lên, ông Nguyễn Văn Phúc mới chỉ chỗ chôn ông Quận ở ngoài cánh đồng, cách làng hơn 3km. Lúc đó, dân làng mới biết người ta phá mộ ông Quận, rồi đêm hôm bí mật táng ông ra cách đồng làng khác với mục đích thủ tiêu chứng cứ.
Người dân trong làng đã dẫn tôi ra cánh đồng nơi chôn xác ông Quận. Giữa cánh đồng mênh mông, có vài ngôi mộ lèo tèo. Mộ một vị quận công từng thét ra lửa, khi chết, có cả một khu lăng thờ rộng hàng chục mẫu, thi thể được ướp để giữ lại cho ngàn đời sau, giờ nằm lè tè giữa ruộng ngập nước trông thật thảm hại.
Ngay cạnh đó, có một ngôi mộ tròn mới bị đập. Điều này hoàn toàn khớp với lời kể của ông S. và ông Tr., những người tham gia đào bới ngôi mộ, chôn xác ướp ra cánh đồng.
Ông Tr., ở làng Trai Trang kể thêm: “Tôi là người chuyên bốc mộ thuê và hủy đồ của người chết trong xã. Tôi được người ta thuê để làm việc này. Chính tay tôi cùng một số người khác dùng dao, kéo rạch quần áo, hài của ông Quận. Tôi được giao nhiệm vụ mang đống quần áo, chăn, gối đi tiêu hủy. Thấy bộ áo quan đẹp, tôi xin nhưng họ không cho, họ đòi 1 triệu đồng. Nhưng, tôi trừ luôn tiền công mang quần áo đi tiêu hủy là 300 ngàn, nên tôi chỉ còn phải trả cho họ 700 ngàn đồng. Tuy nhiên, tôi không đem quần áo, chăn gối của ông Quận đi đốt mà ném luôn xuống một cái mương cách làng vài trăm mét.Tôi để bộ áo quan trong nhà nhiều ngày sau mà vẫn thấy mùi thơm nên nghĩ là gỗ sưa. Tôi đã mời nhiều người đến xem để bán. Có người từ làng Đồng Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) đánh xe con về xem, nhưng họ bảo không phải gỗ sưa nên không mua. Cũng từ hôm tham gia làm cái việc thất đức đó, đêm nào tôi cũng thức trắng, không ngủ được. Sợ quá, tôi đã đến làng Thụy Trang khai báo sự việc...”.
Sau khi ông Tr. khai báo sự việc với dân làng, ông ta liền dẫn mọi người đến nơi vứt đồ tùy táng. Ông Nguyễn Văn Chế, ông Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng thôn Lê Thành Công cùng một số người đã mang một ít quần áo, chăn gối về làng để tại nhà chứa xe tang.
Dân làng đề nghị ông Tr. mang trả chiếc áo quan và ông Tr cũng trả luôn. Tôi được dân làng mở cửa nhà chứa xe tang để xem những thứ thu gom được. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy những mảnh quần áo, đặc biệt là chiếc hài vẫn còn nguyên vẹn, màu sắc sặc sỡ.
Dù đống quần áo, chăn gối này ngâm ở dưới mương nước hơn tháng trời, song mùi thơm vẫn tỏa ra ngào ngạt. Từ chiếc áo quan cũng tỏa ra mùi hương thoang thoảng. Người dân đi qua ngôi nhà để xe tang cũng đều ngửi thấy mùi dầu ngọc am.
Dân làng cho biết, chỉ bóc những mảnh vải vớt dưới mương lên, cũng mót được 95 đồng tiền cổ. Trên đồng tiền đó có mấy chữ “Càn Long Thông Bảo”. Qua giám định được biết đây là tiền Trung Quốc, sản xuất thời nhà Thanh, năm 1736.
Qua sự kiện vẫn tìm được tới 95 đồng tiền cổ trong khi mót lại ở đống quần áo bị cắt rách tả tơi, dân làng đoán rằng, trong ngôi mộ này phải có rất nhiều của quý. Từ đó nhân dân đặt câu hỏi: “Phải chăng, những người phá ngôi mộ cổ này có ý định kiếm chác của quý?”.
Được biết, trước đây mảnh đất rộng 10.000m2 có ngôi mộ cổ được UBND tỉnh giao cho Công ty Giải pháp Trí tuệ, công ty này phá sản, nên đất được giao lại cho Doanh nghiệp tư nhân Phúc Nga. Trong khu đất này có 13 ngôi mộ phải di dời và họ đều đã thực hiện di dời theo đúng ý nguyện của dân làng.
Ngôi mộ cổ lớn nhất, được cho là của một ông quận công cũng nằm trong diện phải di dời và nhân dân cùng chính quyền xã cũng đồng ý cho di dời. Tuy nhiên, khi đào mộ, thấy hệ thống gạch xây quá lớn, rất cứng, không thể đào được, nên các bên đã thống nhất không đào đi nữa. Ngôi mộ nằm chìm dưới đất nên cũng không gây khó khăn gì trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ông chủ doanh nghiệp này cũng tỏ lòng thành kính bằng cách xây một cây hương để thờ.
Thế nhưng, đùng một cái, họ lại thuê người đào bới suốt ngày đêm, dùng cả máy khoan, cần cẩu để phá mộ, rồi phá tan cả áo quan và xác ướp. Mọi hành động, việc làm diễn ra đều rất bí mật. Dân làng đều khẳng định rằng, người ta bí mật phá mộ (trong khi có thể đào công khai để di dời mộ) là với mục đích kiếm chác của quý. Nếu đào bới công khai, chính quyền, dân làng chứng kiến thì có thể không được sở hữu số của quý đó.
Trong ngôi mộ có vàng bạc, châu báu gì hay không thì chưa ai khẳng định được. Nhưng sự việc chỉ mót lại trong đống quần áo rách bỏ đi cũng tìm được tới 95 đồng tiền cổ có thể khiến dân làng đặt câu hỏi nghi ngờ.
Ngôi mộ cổ chưa được nghiên cứu đã bị phá
Dân làng Thụy Trang hiện không có tài liệu gì ghi chép về ngôi mộ cổ này. Người dân chỉ được nghe truyền miệng lại rằng, đây là ngôi mộ cổ của một ông quận công thời Hậu Lê. Tên họ ông là gì, giữ chức gì, ông xuất xứ từ đâu, không ai biết cả. Vì ông từng giữ chức quận công nên nhiều đời nay, dân làng cứ quen miệng gọi là “ông Quận”. Hàng năm, dân làng đều ra mộ thắp hương, thờ cúng và coi ông như một vị thượng quan. Dân làng tự coi là con cháu của ông Quận cả.
Xưa kia, ngôi mộ nằm trên diện tích một sào 7 thước ruộng. Chỗ trung tâm, đất đắp cao hơn mặt ruộng 70cm. Trên phần trung tâm mộ có một miếu thờ nho nhỏ, cùng cây ruối trước miếu. Tuy nhiên, ngôi miếu đã bị phá từ mấy chục năm trước, nên chỉ còn nấm đất mà thôi. Trên nấm đất đó, người dân vẫn canh tác, trồng trọt một số loại cây như thuốc lào, củ đót. Chỉ cần cuốc một lớp đất, sẽ hiện ra một lớp bêtông bằng hợp chất cát, vôi, mật dài 3m, rộng 2m.
Mặc dù khu lăng mộ không còn nữa, song những vết tích còn lại cũng gợi lên sự tráng lệ một thời. Giữa cánh đồng làng Đạo Khê, vẫn còn 4 con chó đá ngồi chồm hỗm giữa ruộng. 2 con ở rất xa, 2 con ở gần trung tâm lăng mộ hơn. Nhìn cách bố trí 4 con chó đá, có thể thấy rõ rằng, 2 con phía xa gác cổng khu lăng mộ và 2 con gần hơn gác cửa miếu thờ.
Tương truyền miếu thờ là một ngôi nhà mái ngói, được xây trên một tấm hợp chất vôi mật khổng lồ. Ngôi miếu đã biến mất, nhưng 2 ngôi tượng đá cụt đầu trong tư thế quỳ, tay bê tráp thì vẫn còn. Có thể, 2 ngôi tượng đá quỳ, tay bê tráp này được sắp xếp bên cạnh tượng ông Quận. Sau ngôi tượng đá quỳ có một cây ruối, tuổi thọ của nó có thể đã vài trăm năm.
Cạnh khối hợp chất đó là 2 khối đá xanh vuông vức, mà cả 4 mặt tấm bia đều có chữ Hán còn rất rõ, sắc nét. Tuy nhiên, nhân dân trong làng không ai biết đọc chữ Hán, mà cũng chưa thấy nhà khoa học nào về nghiên cứu di tích này, nên những thông tin trên 2 tấm bia vẫn là những điều bí ẩn. Phía trước khối hợp chất nằm trồi lên khỏi mặt ruộng là 2 con ngựa đá khổng lồ đứng quay mặt vào nhau và tiếp đó là 2 con voi đá cũng to lực lưỡng.
Sau này, trong quá trình cày, cấy, đào đất, người dân còn phát hiện ra rất nhiều mộ giả, với những sập đá, hầm mộ khổng lồ nằm rải rác quanh khu vực lăng ông Quận rộng 10 mẫu, thuộc làng Đạo Khê. Còn mộ thật thì nằm về phía đông, thuộc làng Thụy Trang, hiện vừa bị Doanh nghiệp Phúc Nga đào bới, đập phá. Chuyện các quan võ lập nhiều mộ giả, còn mộ thật chôn ở chỗ bí mật là điều dễ hiểu, vì các quan võ thường có nhiều kẻ thù. Họ muốn khi chết, kẻ thù không biết chỗ chôn để quật mộ trả thù.
Đi một vòng quanh cánh đồng Đạo Khê có thể thấy rõ sự tráng lệ của công trình lăng mộ một thời của vị quận công này. Đây là vùng đồng bằng, bờ xôi ruộng mật, nên không thể có những khối đá xanh lớn để tạc bia, voi đá, ngựa đá, chó đá. Đá xanh lại chỉ phổ biến ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An mà thôi. Theo tính toán, đo đạc của dân làng, mỗi con voi được tạc bởi 2m3 đá.
Như vậy, riêng một con voi đá cũng nặng chừng 6-7 tấn. Mỗi con ngựa đá cũng nặng chừng 4 tấn, còn chó đá khoảng 2 tấn/con. Với trọng lượng lớn như vậy, lại vận chuyển từ xa đến, nên chỉ có thể sử dụng đường thủy. Để vận chuyển số voi đá, ngựa đá, chó đá về lăng, binh lính của ông Quận đã đào một con kênh lớn và sâu với chiều dài 1.000m, nối từ hồ Ông Quận rộng thông ra sông Lực Điền.
Sông Lực Điền là một nhánh của sông Hồng. Như vậy, có thể tưởng tượng, những voi đá, ngựa đá cũng như vật liệu xây dựng lăng mộ được vận chuyển theo sông Hồng, dọc sông Lực Điền, vào kênh dẫn để tập kết trong hồ.
Chỉ với con mắt thông thường, cũng có thể nhận thấy, nơi đây từng có một công trình rất hoành tráng. Những di tích còn lại gồm những hầm mộ, những bức tượng, những voi đá, ngựa đá, chó đá cũng rất có giá trị. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà các cơ quan quản lý văn hóa bỏ quên, chưa từng tổ chức một cuộc nghiên cứu nào, để đến nỗi bọn trộm vác mìn đến đánh hoác cả hầm mộ, làm gãy cả đầu ngựa đá, tượng đá. Và đau lòng nhất là ngôi mộ cổ mấy trăm năm tuổi có xác ướp của một vị quận công, còn chưa được nghiên cứu gì, đã bị người ta đào bới phá tan tành.
Nỗi xót xa của người làm khảo cổ
Tôi đã đi theo nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương trong hàng chục cuộc khai quật và thật bi kịch, đến rơi nước mắt, khi ông thường xuyên nói với tôi rằng: “Tốt nhất là cứ lấp đất lại. Chẳng nên khai quật thứ gì. Để con cháu chúng ta sau này có điều kiện nghiên cứu thì hãy khai quật. Chúng ta mà động vào, thì chỉ có phá”.
Người dân tỉnh Hải Dương đã có thời rồng rắn kéo nhau vào Bảo tàng Hải Dương, để chiêm ngưỡng ngôi mộ Hán khổng lồ, có niên đại gần 2.000 năm, do ông Hoành khai quật từ cánh đồng đem về dựng lại.
Có cả chục người thành tiến sĩ nhờ nghiên cứu những ngôi mộ gỗ khổng lồ, mà mỗi ngôi mộ làm bằng mấy chục tấn gỗ lim. Rồi có cả chục người thành tiến sĩ nhờ những ngôi mộ thuyền Đông Sơn mấy ngàn năm ông giữ trong tủ kính…
Nhưng rồi, khi ông về hưu, những thứ ấy bị lãng quên, kệ cỏ mọc, rêu phong. Chẳng có vị khách nào tìm đến bảo tàng xem mộ.
Tôi nhớ nhất hình ảnh ông Tăng Bá Hoành về chùa Nhẫm Dương, tuyên bố với thế giới rằng, nơi đây có một hang động cực kỳ quan trọng, bởi trong hang phát hiện răng Pôn-gô, loài đười ươi, tổ tiên của loài người. Thật tự hào khi mảnh đất hình chữ S này là nơi cư ngụ của tổ tiên loài người từ hàng triệu năm trước.
Nhưng rồi, ông chua xót dặn vị sư đào bới ra vô số răng đười ươi, voi, khỉ, hổ báo, tê giác và cả xương người cổ kia thế này: “Sư đừng đào bới nữa. Sư lấp hang lại đi. Để cho con cháu chúng ta, những thế hệ giỏi giang, có trách nhiệm với Tổ quốc này đào bới. Chúng ta bới lên, là chúng ta phá”.
Sư cô Thích Đàm Mơ nghe lời ông Hoành lấp hang đá lại rồi trông giữ hang đá đó, coi đó như di sản của tương lai.
Nỗi xót xa lớn nhất với nhà khảo cổ tỉnh lẻ Tăng Bá Hoành là những ngôi mộ chạt (tên ông gọi mộ hợp chất, mộ xác ướp). Mộ chạt là tinh hoa của mộ xác ướp, mà ít có nước nào sánh được. Người xưa ướp xác không cần phẫu thuật, không cần hóa chất, không cần kỹ thuật cao siêu gì cả. Chỉ cần một chiếc áo quan bằng gỗ đặc biệt, vài trăm lít tinh dầu, cùng kỹ thuật yếm khí, thế là người nằm trong mộ đẹp như người nằm ngủ cả ngàn năm.
Theo TS Nguyễn Lân Cường: “Cho đến nay, ở Việt Nam đã phát hiện được khoảng 52 mộ hợp chất, nhưng phần lớn tập trung ở miền Bắc. Có những mộ đã được khai quật, có mộ bị kẻ gian phá trộm để tìm kiếm hiện vật hoặc một số khác chỉ mới phát hiện. “Mộ hợp chất” còn gọi là “mộ trong quan ngoài quách” , “mộ ướp xác”, “mộ quách tam hợp”, “mộ bao kín”, “mộ có xác”, hay “mộ cổ”...
“Mộ hợp chất” là cách gọi tương đối hợp lý và dễ hiểu hơn cả. Nếu “mộ hợp chất” có tường bao quanh 3 mặt, bên trong là mộ đôi thì gọi là “Mộ hợp chất song táng”. Loại mộ này chưa phát hiện ở miền Bắc, chỉ có ở miền Nam. Mộ hợp chất có một đặc điểm chung nhất là có quách hợp chất bao ở bên ngoài. Quách hợp chất thông thường gồm 3 chất: vôi, cát, mật. Ngoài ra, người ta còn trộn thêm vỏ nhuyễn thể đã bị hun, đốt nghiền nhỏ hay giấy bản hoặc nước cháo loãng... Người ta còn dùng nước cây niệt dó trộn lẫn có tác dụng như chất hồ làm liên kết các hợp chất với nhau, khiến cho nước bên ngoài không thấm vào được. Chính vì vậy người ta gọi là “Mộ hợp chất”. Một số mộ lại có quách gỗ bao kín mặt của quan tài. Xác được giữ lại chính nhờ các loại dầu ướp xác và quan, quách kín, tạo môi trường yếm khí.”
Đã có cả chục ngôi mộ hợp chất được phát hiện ở riêng vùng Hải Hưng (cũ), nơi ông gắn bó cả đời với công việc khảo cổ. Nhưng, tất cả đều bị phá nát. Người nằm trong mộ đang trong giấc ngủ ngàn thu, bỗng bị con người đập phá, moi lên.
Những xác ướp tuyệt đẹp, tinh hoa của nhân loại bị quẳng vào quan tài thông thường, chôn vào đất, để thịt xương họ tan vào đất. Cả công trình nghệ thuật đỉnh cao của người xưa bị chúng ta phá hoại. Không ai quan tâm cả. Ông Hoành chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Thế hệ hôm nay, người ta còn mải miết với cơm áo gạo tiền. Chẳng ai quan tâm đến những ngôi mộ xác ướp kia cả.
Công tác khảo cổ của chúng ta với những ngôi mộ xác ướp thế này: Ngôi mộ bị người dân đào bới, đập phá với mục đích tìm của. Hoặc giải phóng mặt bằng, buộc phải phá mộ. Khi phát hiện, chính quyền báo cáo cấp trên. Các nhà khoa học có trách nhiệm xin kinh phí. Nhưng thủ tục xin kinh phí thì rườm rà, nên khi vào cuộc thì mộ cũng hỏng rồi. Có khai quật thì cũng là chữa cháy, ít tác dụng. Không xin được kinh phí, thì các nhà khảo cổ làm lơ, mặc kệ cho người ta phá hỏng luôn ngôi mộ. Nếu có phát hiện mộ, có khai quật, thì cũng đem xác ướp đi cải táng. Hết chuyện. Chính quyền chẳng chịu trách nhiệm. Kẻ phá mộ chẳng hề gì.
Theo Phạm Ngọc Dương | VTC News
Last updated
Was this helpful?