3-Gia Định trước 1802. Chính quyền của Nguyễn Ánh (3)
Gia Định trước 1802. Chính quyền của Nguyễn Ánh (3)
Chính sách giáo dục của chính quyền Nguyễn Ánh thời gian 1788 – 1802
Sau nhiều năm hình thành và phát triển, tổ chức xã hội Việt Nam ở đồng bằng Nam Bộ cuối thế kỷ XVIII đã tích lũy được nhiều tiềm năng phát triển, những tiềm năng này được kích thích và bộc lộ một cách đột biến bởi chiến tranh. Chính sách giáo dục của chính quyền Nguyễn Ánh thời gian 1788 – 1802 chính đã hình thành trên cơ sở sự kết hợp nhu cầu chiến tranh và tiềm năng phát triển ấy.
Từ cuối 1788, Nguyễn Ánh đã ra lệnh miễn binh dịch và dao dịch cho học trò. Phàm ai có đơn xin theo việc học đều cho được miễn binh dao, sai gắng công học tập để đợi khoa thi. Nếu nhớ lại sự chặt chẽ trong hoạt động quản lý hộ tịch nhằm tận dụng nhân lực của Nguyễn Ánh thì không thể không thừa nhận rằng đây là một chủ trương phát triển giáo dục khá tích cực, góp phần quan trọng trong việc đặt nền móng cho hoạt động học hành thi cử ở Nam Bộ sau 1802.
Năm 1791, mở khoa thi lấy trúng cách 12 người là bọn Nguyễn Đình Quát, Nguyễn Công Xanh, Nguyễn Hữu Thứ, Đoàn Văn Hoằng (Phép thi: Kỳ đệ nhất, chế nghĩa thì kinh truyện đều một đạo, thơ thì dùng sử dùng cảnh đều một bài, kỳ đệ nhị, chiếu chế biểu, dùng sử dùng cảnh đều ba đạo. Hạng ưu thì bổ làm Nho học Huấn đạo, phủ Lễ sinh, hạng thứ thì làm nhiêu học, chước miễn thuế thân và binh dao theo thứ bậc. Người chưa biết làm văn, đọc thuộc được hai ba quyển trong Tứ thư, hoặc hạch hỏi một chương mà trúng thì cũng được chước miễn dao dịch).
Đầu 1796 định lại phép thi. Trước đó Nguyễn Ánh định tháng 3 sang năm mở khoa thi Hội gồm ba kỳ, theo như điển lệ thời Đàng Trong. Đến lúc ấy Lễ bộ Nguyễn Thái Nguyên, Lại bộ Nguyễn Bảo Trí, Hình bộ Nguyễn Tử Châu, Binh bộ Nguyễn Đức Thiện kiến nghị xin nghĩ định phép thi: kỳ đệ nhất hai bài kinh nghĩa truyện nghĩa, hai bài thơ vịnh sử, vịnh cảnh, kỳ đệ nhị văn sử và văn tả cảnh mỗi thứ đều ba bài, kỳ đệ tam thơ và phú, vịnh sử, vịnh cảnh đều một bài. Người đỗ chia làm ba hạng Giáp Ất Bính, lượng bổ quan chức và cho được miễn binh dịch dao dịch theo thứ bực (Kỳ đệ nhất kinh nghĩa truyện nghĩa hai bài, người trúng cách hạng Giáp thì được miễn binh dịch dao dịch 6 năm, hạng Ất 5 năm, hạng Bính 4 năm, thơ sử hai đề, người trúng cách hạng Giáp miễn binh dao 4 năm, hạng Ất 3 năm, hạng Bính 2 năm. Như kinh nghĩa không trúng cách mà thơ trúng cách thì cũng không được vào kỳ đệ nhị. Vào thi kỳ đệ nhị mà trúng cách về văn sử thì hạng Giáp bổ Lễ sinh, hạng Ất làm Nhiêu học 6 năm, hạng Bính làm Nhiêu học 5 năm. Về văn cảnh trúng cách thì hạng Giáp làm Nhiêu học 6 năm, hạng Ất làm Nhiêu học 5 năm, hạng Bính làm Nhiêu học 4 năm. Người nào khoa trước đã trúng cách bổ bực gì thì thăng một cấp, nếu không trúng cách thì không được vào thi kỳ đệ tam. Vào kỳ đệ tam thi thơ phú về sử mà trúng cách thì hạng Giáp được bổ Cống sĩ, hạng Ất được bổ Huấn đạo, hạng Bính được bổ Lễ sinh, thi thơ phú về cảnh mà trúng cách thì hạng Giáp bổ Huấn đạo, hạng Ất bổ Lễ sinh, hạng Bính làm Nhiêu học suốt đời. Người nào khoa trước đã trúng cách được bổ bậc gì thì tùy bậc mà thăng một cấp). Kiến nghị dâng lên. Nguyễn Ánh nghe theo. Qua 1796 mở khoa thi lấy đỗ 273 người (14 người bọn Ngô Khắc Ninh, Phạm Đăng Hưng đỗ tam trường, 54 người bọn Trần Văn Đản, Nguyễn Văn Uyên trúng nhị trường, 205 người bọn Trần Văn Tình, Trần Lợi Trinh trúng nhất trường).
Năm 1802 trước khi đem quân ra Bắc, Nguyễn Ánh lại sai Lưu trấn thần Gia Định dùng phép thi tam trường khảo thí học trò (kỳ đệ nhất thi chế nghĩa và kinh truyện lấy đỗ 92 người, kỳ đệ nhị thi chiếu chế biểu lấy đỗ 16 người, kỳ đệ tam thi thơ phú lấy đỗ 11 người), tổng cộng 119 người.
Ngoài ra, sử sách còn chép năm 1794 chính quyền Nguyễn Ánh cho sửa lại Văn miếu Trấn Biên, sai Lễ bộ Nguyễn Đô trông coi. Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ chép “Thể chế thì giữa là điện Đại Thành cửa Đại Thành, bên đông là Thần Khố, bên tây là điện Dục Thánh, bên trái là cửa Kim Thanh, bên phải là cửa Ngọc Chấn, phía trước dựng gác Khuê Văn, treo chuông trống ở trên, bên trái là Sùng Văn đường, bên phải là Dụy Lễ đường, chung quanh có thành vuông, trước là cửa Văn miếu và hai cửa Nghi môn tả hữu, đặt 50 người Lễ sinh và 50 người miếu phu”. Việc đề cao Nho giáo và đào tạo nho sĩ như vậy dĩ nhiên trước hết nhằm đáp ứng các nhu cầu tư tưởng – chính trị của chính quyền Nguyễn Ánh, song về khách quan cũng góp phần cố kết xã hội ở Việt Nam ở Nam Bộ cuối thế kỷ XVIII trong khuôn khổ thiết chế Nho giáo, tạo điều kiện cho nó hòa nhập một cách thuận lợi vào đời sống xã hội Việt Nam sau khi đất nước thống nhất trở lại năm 1802.
Chính sách đối ngoại của chính quyền Nguyễn Ánh thời gian 1788 – 1802
Sau 1788, hoàn cảnh quốc tế ở khu vực đương thời cũng như kinh nghiệm hoạt động của bản thân khiến Nguyễn Ánh đánh giá rất cao tầm quan trọng của hoạt động đối ngoại. Ngay từ 1789, Ánh đã cho dựng nhà Sứ quán ở Gia Định “có hai tòa, mỗi tòa 5 gian, lính lệ 20 người, phàm sứ giả các nước Chân Lạp, Xiêm La tới đều ở đấy”. Nhìn chung chính sách đối ngoại của chính quyền Nguyễn Ánh thời gian này có phân biệt ra sáu đối tượng khác nhau: Xiêm La, Chân Lạp, Vạn Tượng, các nước khác trong khu vực, Trung Quốc và phương Tây, trong đó hoạt động đối ngoại với Trung Quốc nhìn chung không có gì đáng chú ý vì sau trận Đống Đa nhà Thanh chủ trương hòa hiếu với Tây Sơn của Quang Trung. Hoạt động đối ngoại với phương Tây thì nổi bật là với Pháp nhưng vì Hiệp ước Versailles không được thực hiện, sau đó Cách mạng Pháp 1789 nổ ra nên Nguyễn Ánh cũng không còn gì để hy vọng, quan hệ của Gia Định với phương Tây thời gian này vì vậy chủ yếu chỉ là quan hệ ngoại thương để trang bị phương tiện kỹ thuật cho quân đội. Đối với các nước khác trong khu vực thì Nguyễn Ánh chủ trương hòa hiếu, không giúp đỡ mà cũng không gây bất hòa, nói chung tuy cũng có qua lại song không có gì đáng chú ý. Cho nên hoạt động đối ngoại của chính quyền Nguyễn Ánh thời gian 1788 – 1802 tập trung vào ba đối tượng quan trọng nhất là Xiêm La, Chân Lạp, Vạn Tượng, ba nước láng giềng mà quan hệ lịch sử và địa lý có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động chống Tây Sơn.
Mâu thuẫn Việt Xiêm trước 1777 đã ít nhiều giảm đi từ khi Nguyễn Ánh qua Xiêm nương náu năm 1784. Tuy nhiên sau khi Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định năm 1788, tham vọng của Rama I về Hà Tiên và Chân Lạp lại gây ra nhiều khó khăn trong quan hệ giữa Gia Định với Bangkok và Phnom Penh. Cho nên năm 1791, khi sai Bảo hộ Nguyễn Văn Nhàn và Cai cơ Lưu Phước Tường sung chức Chánh Phó sứ sang Xiêm giao hiếu, Nguyễn Ánh đã dặn “Chân Lạp làm tôi thờ phụng triều ta giữ chức phiên thần đã lâu, là nước môi răng của ta. Từ khi ta khôi phục đất cũ, Chiêu Chủy Biện đem lòng oán giận, chỉ muốn nhân ta có việc mà làm rối động biên cương. Ta vì cớ đó, chẳng lúc nào quên. Ngươi nên nhân cơ hội bày tỏ với vua Xiêm khiến họ để ý, nếu không giúp ta thì cũng không nên làm lo cho ta…”. Qua 1792, sau khi Nguyễn Văn Nhàn và Cai cơ Nguyễn Tiến Lượng về, vua Xiêm đưa thư tới nói xin Ánh giúp quân theo đường thượng đạo đánh Tây Sơn, lại yêu cầu Ánh đem Long Xuyên Kiên Giang cho Mạc Công Bính và đem Ba Thắc cho Chân Lạp. Ánh sai viết thư trả lời, trong nói “Đến như Long Xuyên và Kiên Giang, sau khi loạn lạc dân vật tan tác, quân giặc nhòm ngó miền nam, thì đó tất là nơi phải chịu binh cách. Mạc Công Bính còn nhỏ, chưa có thể đương việc quân, nên sai quan giữ đó chứ không phải là tiếc đâu. Còn đất Ba Thắc không cho Chân Lạp là vì cớ Phụ chính Chiêu Chủy Biện. Nếu được người khác của Xiêm đến thì quả nhân nào có tiếc gì? Những việc nhỏ nhặt ấy vương bất tất phải quan tâm, cũng không phải đi lại nói nhiều làm gì”, khéo léo từ chối những yêu sách của người Xiêm về lãnh thổ, cũng kiên quyết không cho người Xiêm dựa vào ơn nghĩa riêng với Mạc Công Bính mà can thiệp vào việc nội trị của chính quyền Việt Nam ở Hà Tiên. Tuy nhiên đến 1792 Ánh cũng giao phủ Ba Thắc cho Chân Lạp, sự nhượng bộ này trong thực tế đã thúc đẩy Chân Lạp nỗ lực thoát ly khỏi ảnh hưởng của Xiêm La. Tóm lại với Xiêm La thì Nguyễn Ánh dùng chính sách ru ngủ, thường xuyên hứa hẹn việc thành lập một Liên minh quân sự Việt Xiêm nhưng không bao giờ xúc tiến trên thực tế, với Chân Lạp thì dùng chính sách vuốt ve để tách nước này ra khỏi ảnh hưởng của Xiêm La, còn với Vạn Tượng vốn có thù hận với Tây Sơn thì dùng chính sách khai thác nhằm lợi dụng về quân sự.
Nhìn chung cho đến 1802, Nguyễn Ánh đã áp dụng một chính sách đối ngoại thực dụng nhưng có hiệu quả trong việc khuếch trương thanh thế và cô lập Tây Sơn. Đến tháng 3 âl. năm 1800, tờ Chỉ dụ nhân dịp duyệt binh ở Gia Định của Ánh đã có thể viết “Huống nó em phản anh, tôi phản chúa, lại thêm ngoại viện tăng vi, trường thành thất hiểm, tai phần sào đã quyết từ nay, Mà ta lương thì đủ, quân thì ròng, sẵn có tướng tài quy phụ, chư quốc liên binh, thế phá trúc chờ bao thủa nữa”, mấy chữ “chư quốc liên binh” (các nước liên binh) chính là tuyên truyền về những thành công trong hoạt động ngoại giao theo chính sách nói trên.
Hoạt động ngoại giao của chính quyền Nguyễn Ánh với Xiêm La thời gian 1788 – 1802
Trong thời gian 1788 – 1802, sứ giả của chính quyền Nguyễn Ánh qua lại Bangkok nườm nượp như đi chợ, năm nào cũng có, thậm chí có năm có tới hai ba đoàn, điều này cho thấy Ánh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng quan hệ với Xiêm La. Các hoạt động có liên quan với Xiêm khác của Ánh đều nhằm phục vụ nhiệm vụ này. Chẳng hạn cuối 1789, Xiêm bị đói, qua Gia Định xin mua gạo. Nguyễn Ánh ra lệnh cho hơn 8.000 phương gạo, đến 1793 Xiêm lại bị đói, qua xin mua gạo ở Kiên Giang, Quản đạo Kiên Giang Nguyễn Tiến Lượng tâu lên, Ánh nói “Nước ta với Xiêm vốn có tình láng giềng tốt với nhau, dân Xiêm cũng như dân ta, sao nỡ thấy người
ta đói kém mà không thương?”, ra lệnh bán gạo cho. Hay năm 1789, nước Tà Ni (biệt danh nước Chà Và) sai sứ đến hiến sản vật địa phương và xin quân giúp đánh Xiêm. Nguyễn Ánh từ chối lễ vật mà bảo về, nhân viết thư báo cho nước Xiêm. Nhưng quan hệ giữa Gia Định với Xiêm La trước 1802 còn có nhiều điểm tế nhị chung quanh các vấn đề Chân Lạp, Ba Thắc và Hà Tiên, đây chỉ giới thiệu sơ lược.
Ngay sau khi chiếm lại được Gia Định năm 1788, Ánh đã sai Bảo hộ Nguyễn Văn Nhơn và Cai đội Tống Phước Châu qua Xiêm báo tin thắng trận. Qua 1789 nhân Nguyễn Huỳnh Đức từ Xiêm về, vua Xiêm gởi giúp Ánh 50 chiến thuyền cùng lưu hoàng, diêm tiêu, súng ống.
Năm 1790 Phụ chính Chân Lạp Chiêu Chủy Biện vì Gia Định sai người giữ Ba Thắc nên oán giận, nói với vua Xiêm rằng Nguyễn Ánh có ý đánh Xiêm. Ánh bèn sai Bảo hộ Nguyễn Văn Nhàn, Cai cơ Nguyễn Tiến Lượng sung Chánh Phó sứ qua Xiêm (Tặng Phật vương một đôi lồng đèn pha lê, hai tấm gương lớn, một cây hoa vàng, một cây hoa bạc, một chiếc thuyền lê lớn, cho Nhị vương một đôi lồng đèn pha lê, hai tấm gương lớn, đường cát, đường phèn, sáp ong mỗi thứ 500 cân), vua Xiêm được thư bèn thôi.
Năm 1791, vua Xiêm sai Sa Lật Vằn Tri Khôn Sĩ Thi Na đến hiến sản vật (2 con ngựa hồng và bạch, 10 cây long bào gấm, 4 chiếc chiêng đồng). Trước đó Tây Sơn đánh Vạn Tượng đòi nộp cống, Vạn Tượng không chịu, đánh bại Tây Sơn, đưa tù binh qua Xiêm. Vua Xiêm bèn sai sứ sang báo tin và đưa cả những cờ trống đã bắt được của Tây Sơn để làm tin. Khi sứ giả tới, Nguyễn Ánh hậu đãi rồi cho về, sai Bảo hộ Nguyễn Văn Nhàn và Cai cơ Nguyễn Tiến Lượng cùng đi (Tặng Phật vương 30 cỗ cáng, cho Nhị vương một đôi hoa vàng bạc).
Năm 1791, đầu tiên người Xiêm đưa Mạc Công Bính (cháu nội Mạc Thiên Tích) về giữ Hà Tiên, nhưng Nguyễn Ánh sai Bính giữ đạo Long Xuyên. Đến lúc ấy người Xiêm gửi thư trách, Bính sợ, tâu với Nguyễn Ánh, lại xin về Gia Định triều kiến. Ánh dụ “Ngươi một lòng trung ái, theo được thói tốt của ông ngươi, ta há không biết sao! Nhưng từ Hà Tiên thất thủ, quyến thuộc nhà ngươi đều chạy sang Xiêm nương nhờ, dẫu không ơn lớn, cũng có ơn nhỏ. Nay hãy nín náu theo họ, trở về Hà Tiên, đợi khi mọi việc yên rồi, sẽ có cách xử trí. Cũng bất tất phải vào chầu, hoặc có kẻ nhỏ nhen, nhân đó gièm pha, lại thêm hiềm khích”, theo đó đủ biết sau chiến tranh Hà Tiên thời Đàng Trong, các chính quyền ở Xiêm từ Trịnh Tân tới Rama I đều không từ bỏ tham vọng của mình ở Hà Tiên mặc dù không dám chính thức chiếm đóng vùng này.
Năm 1793, Nhị vương nước Xiêm đem quân giúp Ánh, thủy bộ 50.000 người đóng ở Phnom Penh, chiến thuyền 500 chiếc đậu ở Hà Tiên, sai sứ mang thư tới Gia Định. Lưu trấn thần đưa sứ giả ra Quy Nhơn gặp Ánh, nhưng Ánh đã rút được bài học về việc cầu viện ngoại nhân sau trận Rạch Gầm năm 1785 nên sai trả lời nói sắp đến mùa gió bấc, đường thủy không tiện, quân Xiêm bèn rút về.
Đầu năm 1796, sai Cai cơ Nguyễn Tiến Lượng và Cai cơ Nguyễn Văn Thoại sung Chánh Phó sứ sang Xiêm (Tặng Phật vương một tòa bảo tháp bằng đá trắng, một xâu đèn thủy tinh, mười lượng kỳ nam, sáp ong, đường phèn, đường hoa, đường cát mỗi thứ 500 cân). Năm 1797, sai Khâm sai Cai cơ Trần Phúc Chất mang quốc thư sang Xiêm báo việc binh, nói nghe tin Diến Điện mượn thủy quân Hồng Mao đánh Xiêm, nếu đúng thì Gia Định sẽ phát thủy quân đánh giúp. Vua Xiêm viết thư cảm tạ, hiến 10 vạn cân diêm tiêu, nói ngày nào quân Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn, nếu thiếu quân dụng sẽ xin giúp. Năm 1798, sai Phó tướng Hữu quân Nguyễn Đức Thành và Tham tri Hình bộ Nguyễn Hoài Quỳnh đi sứ qua Xiêm. Năm 1799, Xiêm La sai sứ là Khôn Sĩ Thi Na tới mừng, Nguyễn Ánh ban thưởng rất hậu cho về, lại sai Khâm sai Thuộc nội Cai cơ Tống Phước Châu và Tham tri bộ Binh Trần Phước Tri qua Xiêm đáp lễ.
Năm 1798 Diến Điện đánh Xiêm, Xiêm sai sứ qua xin giúp, Nguyễn Ánh sai Nguyễn Huỳnh Đức và Nguyễn Văn Trương đem quân cứu viện, nhưng tới Côn Lôn thì nghe tin quân Diến Điện đã rút, Trương đem quân về, còn Đức qua Xiêm bàn việc giao hiếu.
Năm 1799, Nguyễn Ánh sai Khâm sai Thống binh Cai cơ Nguyễn Văn Thoại và Khâm sai Cai đội Lưu Phước Tường sung Chánh Phó sứ đem quốc thư qua Xiêm (tặng Phật vương một thuyền đại hiệu Phụ quốc và mười cỗ súng lớn bằng gang). Thư đại ý nói hiện Tây Sơn đang cốt nhục hại nhau, lại ngờ vực giết cả quan cũ tướng cũ, sắp đến ngày diệt vong, nên đã chỉnh đốn binh giáp, định ngày tấn công. Nếu được đại tướng của Xiêm điều động quân Chân Lạp và Vạn Tượng theo đường thượng đạo đánh xuống Nghệ An giúp thanh thế cho, thì Tây Sơn trước mặt
sau lưng đều bị đánh, không rảnh mà mưu tính được, mình có thể thừa cơ hội thu phục đất cũ. Vua Xiêm bằng lòng, truyền hịch cho các sách Man ở thượng đạo chuẩn bị quân và voi để chờ lệnh.
Nhìn chung với các hoạt động kiểu này, Nguyễn Ánh đã thành công trong việc biến Xiêm La thành nước đứng đầu mặt trận ảo của mình phía tây Trường Sơn để uy hiếp Nghệ An khiến Tây Sơn phải phân tâm chia sức. Nói là mặt trận ảo vì như người ta sẽ thấy, Ánh không bao giờ để quân Xiêm đặt chân lên Việt Nam lần nữa mà tự mình liên hệ với Vạn Tượng năm 1801 trong việc liên kết tấn công Nghệ An.
Hoạt động ngoại giao của chính quyền Nguyễn Ánh với Chân Lạp thời gian 1788 – 1802
Từ 1788, cùng với việc chiếm lại được Gia Định, Nguyễn Ánh đã xác lập lại quan hệ ngoại giao với Chân Lạp giữa những phức tạp và tế nhị trong quan hệ với Xiêm La, ở đây chỉ nêu đại lược.
Năm 1788, Ốc nha nước Chân Lạp là Đầu Rồng Ong dâng hai thớt voi đực, đến 1791 Phụ chính Chân Lạp Chiêu Chủy Biện sai Ốc nha Tha La Ma và Ốc nha Sa Thi sang dâng phẩm vật. Bọn Tha La Ma nhân đó buôn bán, đem 14 thuyền và hơn 170 người đi theo. Dinh thần Vĩnh Trấn báo lên. Nguyễn Ánh sai dẫn hết về Gia Định bái yết. Khi trở về, ban cho rất hậu (cho Chiêu Chủy Biện súng điểu thương một khẩu, lồng đèn thủy tinh một đôi, đồng hồ một chiếc, đoạn hồng một tấm, vải tây trắng hai tấm, cho bọn Tha La Ma và những người đi theo chở gạo lức 240 phương).
Năm 1792, Nguyễn Ánh giao phủ Ba Thắc cho Chân Lạp. Quan Chân Lạp là Ốc nha Vu Bông Sa, Phi Miệt Bông Sa, Liên Song Liêm đem thư của vua Xiêm tới xin giao Ba Thắc cho họ giữ, thu tô thuế nộp cho vua Chân Lạp Nặc Ấn, Ánh ưng thuận, lại cho Nặc Ấn một con ngựa đực, bọn Vu Bông Sa 2.000 phương gạo, 200 quan tiền, tha hết những sưu thuế đồn điền còn thiếu. Đến 1794, người Xiêm đưa vua Chân Lạp Nặc Ấn về nước. Ấn trước bị người Chà Và đánh phải chạy qua Xiêm, Nguyễn Ánh từng sai sứ qua Xiêm xin đưa Ấn về nước, đến lúc ấy người Xiêm mới đưa Ấn về mà rút Chiêu Chủy Biện về giữ Bắc Tầm Bôn. Ấn về nước, sai sứ qua tạ ơn. Ánh sai Nguyễn Văn Nhơn đem gấm đoạn các thứ sang thưởng cấp và tuyên ban ý chỉ, lại cho 4.000 hộc thóc, 800 phương gạo. Năm 1795, Chân Lạp sai Ốc nha Phi Biệt Vọng Sa tới dâng phẩm vật địa phương (đậu khấu, sơn đen). Từ đó trở đi quan hệ Gia Định – Chân Lạp dần dần trở lại tình hình dưới thời Đàng Trong. Đầu 1796 sai Chưởng cơ Hồ Văn Lân và Tham tri bộ Hộ Nguyễn Văn Mỹ đem chỉ dụ tới cấp cho Nặc Ấn thuyền rồng và đồ đi ngựa. Năm 1797 Nặc Ấn chết, con là Nặc Chân nối ngôi. Nguyễn Ánh lại sai Chưởng cơ Tống Viết Phước và Tham tri bộ Lễ Trần Hưng Đạt sang phúng 100 cân sáp ong, 500 cân đường cát.
Dĩ nhiên, không phải với những quà tặng lặt vặt ấy mà sau 1794 Nguyễn Ánh vuốt ve được chính quyền Chân Lạp. Sử chép năm 1795 Ánh ban ấn “Ngự tứ thông hành” cho Chân Lạp. Ấn của Chân Lạp chạm khắc hình người, khó phân biệt thật giả, sợ kẻ buôn gian làm giả mạo nên cho ấn này, ra lệnh từ nay những thuyền sai của Chân Lạp chở muối gạo từ Ba Thắc tới Nam Vang, đi qua các đạo thủ Trấn Di và Châu Đốc, khám thực thì cho đi. Lại cho thuyền buôn nước ngoài đi từ Ba Thắc tới Nam Vang để buôn bán theo lời vua Chân Lạp xin. Rõ ràng trong việc tranh giành ảnh hưởng ở Chân Lạp với Xiêm La, Nguyễn Ánh đã dùng biện pháp kinh tế tức nới rộng ngoại thương để chiếm phần ưu thắng. Không lạ gì mà năm 1800 có việc Lưu thủ Phiên Trấn Tống Phước Ngoạn đưa 5.000 quân Chân Lạp tới quân thứ Thi Nại, hay đầu năm 1802 do nhu cầu quân lương tăng cao, Nguyễn Ánh đã có thể sắc cho Lưu trấn thần Gia Định “thu 1.000 xe thóc ở Chân Lạp để chở cấp cho quân”.
Hoạt động ngoại giao của chính quyền Nguyễn Ánh với Vạn Tượng thời gian 1788 – 1802
Hoạt động ngoại giao của chính quyền Nguyễn Ánh với Vạn Tượng trước 1802 được tiến hành khá muộn. Sử chép Ánh vốn có ý thông sứ với Vạn Tượng, từng sai người đến Bắc Tầm Bôn hỏi Chiêu Chủy Biện xem đường thượng đạo xa gần thế nào. Nhưng phải đến 1797, khi vua Xiêm viết thư nói với Nguyễn Ánh chọn tướng giỏi hội với bộ binh Xiêm theo đường thượng đạo thẳng tới Vạn Tượng để đánh úp Nghệ An nhằm chặn đường viện binh từ Bắc Hà đồng thời đánh vào phía sau Phú Xuân, tới đâu sẽ có người Man Lào cung ứng quân nhu tới đó, Ánh mới ráo riết xúc tiến các hoạt động ngoại giao với Vạn Tượng, chủ yếu nhằm mượn tay Vạn Tượng quấy rối quân Tây Sơn ở Nghệ An.
Tháng 4 âl. năm 1799 Nguyễn Ánh sai Nguyễn Văn Thoại làm Khâm sai thượng đạo tướng quân, Lưu Phước Tường làm Khâm sai Điển quân cùng Tham mưu Nguyễn Hoài Châu, Tham quân Lê Văn Xuân đem quân sở thuộc 150 người mang quốc thư và quan vật (các thứ nhiễu sa gấm đoạn) theo đường thượng đạo sang chiêu dụ Vạn Tượng. Bọn Thoại tới Xiêm, vua Xiêm sắp sai tướng cùng đi, chợt xảy việc với Diến Điện, bèn hiến 5 vạn cân diêm tiêu để giúp quân dụng, lại cấp cho giấy thông hành qua thượng đạo, nói “Giấy thông hành này rất đắc lực, ta sai người cầm giấy này đi, đến đâu cũng được có người cung ứng hộ tống không trở ngại gì”. Bọn Thoại về Thi Nại tâu lên. Ánh sai đi ngay, lại ban cho bọn Thoại 400 quan tiền, 1.000 đồng bạc Tây dương. Bọn Thoại lên đường, dùng người Chân Lạp là Ốc nha Bô Dịch Lạch làm hướng đạo, bắt đầu đi từ bến Tầm Bông Me (địa đầu Chân Lạp), qua Khu Khảng đến U Bôn (địa đầu Vạn Tượng), các tù trưởng Man đều hưởng ứng. Người Man Khu Khảng lại sai sứ là Khôn Thiêm Man Tôn tới cống (2 thớt voi đực, 6 tòa tê giác). Tháng 8 âl. bọn Thoại tới Viên Chăn, vua Vạn Tượng là Chiêu Ấn nghe tin có sứ thần tới, mừng rỡ dắt các quan ra lạy rước quốc thư, tiếp đãi rất hậu, sai người đưa đi hiểu dụ các sách Man ở Trấn Ninh và Thanh Nghệ.
Đầu năm 1800, Nguyễn Văn Thoại từ Vạn Tượng trở về mật tâu việc binh. Nguyễn Ánh dụ sai sang hội với Chiêu Ấn đánh Nghệ An, Thoại xin phái thêm Khâm sai Cai cơ Phan Văn Ký đem theo 150 quân để sai phái và Tham luận Trần Thái Tín theo để làm việc giấy tờ.
Đầu năm 1801, Vạn Tượng sai sứ sang cống (chiêng đồng 40 cái, sừng tê trắng 1 tòa) cùng địa đồ Nghệ An và Phú Xuân, lại dâng biểu xin định kỳ hội quân đánh Tây Sơn. Sứ giả tới Gia Định, trấn thần Gia Định đưa tới Thi Nại bái yết Nguyễn Ánh, Ánh viết thư trả lời, hậu đãi sứ giả rồi cho về (tặng quốc trưởng 4 lượng kỳ nam, 2 khẩu súng tay, chì và thiếc mỗi thứ 100 cân). Sau đó Nguyễn Văn Thoại ở Vạn Tượng tự ý trở về Gia Định, Ánh sai Trấn thần nghị tội, cho Tham quân Lê Văn Xuân thay lãnh 200 quân sở thuộc hẹn với Vạn Tượng cùng đánh Tây Sơn. Giữa năm ấy Ánh sai Lưu Phước Tường đem quân bản bộ theo đường Cam Lộ đưa thư qua Vạn Tượng và dụ các sách Man chặn giữ những chỗ hiểm yếu. Tường tới thì Lê Văn Xuân vừa ốm chết, bèn kiêm lãnh quân của Xuân, đặt làm sáu chi, hẹn với Chiêu Ấn kéo xuống đánh Tây Sơn ở Nghệ An. Cuối năm ấy, Tường đem sáu chi quân bản bộ đánh Nghệ An, Chiêu Ấn cũng sai tướng là Phá Nhã Khu Bô đem hơn 4.000 quân từ Xỉ Đa, Khâm Cát đánh tới Hương Sơn, La Sơn, phá quân Tây Sơn ở cửa Tam Thoa, lại giết Đô đốc Tây Sơn Nguyễn Văn Hiện ở thành Lục Niên huyện Thanh Chương, quân Tây Sơn ở Nghệ An rúng động, nối nhau kéo tới xin hàng. Tây Sơn bèn đốt cháy nhà dân mấy huyện làm kế đồng không nhà trống, quân Vạn Tượng hết lương đành rút lui, Tường đem binh thuyền ra cửa Sót về sông Gianh.
Đầu năm 1802, khi Nguyễn Ánh đã chiếm lại Phú Xuân, Vạn Tượng sai sứ mang quốc thư tới hành tại ở Đồng Hới bái yết, Ánh ban thưởng hậu rồi cho về (ban cho nhiễu đỏ 3 tấm, bạc 100 lượng, tiền 50 quan). Sau đó Vạn Tượng lại sai sứ dâng phẩm vật địa phương, Ánh cũng ban thưởng hậu rồi cho về. Kế Xiêm sai tướng là Ốc nha Trà Tri đem 5.000 quân theo đường thượng đạo phối hợp với quân Vạn Tượng phá quân Tây Sơn ở Sa Nam Nghệ An, sai sứ tới báo tin thắng trận, Ánh cũng sai viết thư khen ngợi.
Hoạt động ngoại giao của chính quyền Nguyễn Ánh với các nước phương Tây thời gian 1788 – 1802
Khác với chiến tranh thời Nam Bắc triều thế kỷ XVI hay thời Trịnh Nguyễn phân tranh thế kỷ XVIII, nội chiến 1771 – 1802 ở Việt Nam diễn ra trong một bối cảnh thời đại và quốc tế sôi động và phức tạp hơn mà nổi bật là sự bành trướng của tư bản thương nghiệp châu Âu ra các châu lục khác. Thương điếm châu Âu mọc lên như nấm trong cuộc chạy đua tìm kiếm “hạt tiêu và các linh hồn” khắp các bờ biển từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương. Việc Nguyễn Ánh tìm kiếm viện trợ quân sự từ phương Tây trước Hiệp ước Versailles 1789 là một kết quả của tình hình nói trên. Tuy không đạt được kết quả, nhưng nhờ tranh thủ được các giáo sĩ nên Ánh xây dựng được quan hệ khá tốt với nhiều thương nhân phương Tây, từ đó nhờ họ làm cả những việc không thuộc phạm vi mua bán. Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ còn chép lại một vụ thuộc loại này “Quý sửu (1793)… Tháng 3… Sai Cai cơ Nguyễn Tiến Lượng phụng sứ sang Xiêm. Trước là ở Bắc Hà nghe tin giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ chết, nơi nơi đều nổi dậy, cùng tôn Lê Duy Vạn (con Lê Hiển tông) lên làm minh chủ. Duy Vạn bèn sai thuộc hạ là bọn Cai cơ Chấn bảy người đưa thư lên hẹn ta cử binh để trong ngoài ứng nhau. Chấn mượn đường thượng đạo đi sang Xiêm, người Xiêm đưa sang ta, giữa đường bị giặc biển Chà Và bắt đem bán ở Hạ Châu (Singapore). Vua nghe tin ấy, ủy cho người Tây buôn là An Tôn Ngâm Bô chuộc về. Đến đây cho về Bắc, vì đường biển nhiều cản trở, nên sai Tiến Lượng đưa thư sang Xiêm để đưa Chấn theo đường thượng đạo mà đi”.
Từ 1790 trở đi, Nguyễn Ánh cũng có nhiều thư từ qua lại với Macao, Pháp, Anh và Đan Mạch, tuy nhiên chủ yếu cũng theo đường hướng mở cửa ngoại thương để mua võ khí. Chẳng hạn năm 1791, người Bồ Đào Nha tên là Chu Di Nô Nhi tới buôn bán, nhân đó Nguyễn Ánh gửi thư cho quốc trưởng nước ấy để mua binh khí (10.000 khẩu điểu thương, 2.000 cỗ súng gang mỗi cỗ nặng 100 cân, 2.000 viên đạn nổ, đường kính mười tấc). Năm 1798, người Anh tới hiến phương vật, đến 1801 lại sai người tới hiến phương vật và xin miễn thuế cảng cho thuyền buôn. Nguyễn Ánh hạ lệnh cho lưu trấn thần Gia Định viết thư trả lời, đánh thuế theo như lệ thuyền buôn Quảng Đông.
Hoạt động ngoại giao của chính quyền Nguyễn Ánh với Trung Quốc thời gian 1788 – 1802
Cho đến cuối thế kỷ XVIII, hoạt động ngoại giao của chính quyền Nguyễn Ánh với Trung Quốc nhìn chung vẫn chưa có gì đáng chú ý, điều này có hai lý do. Thứ nhất là thời Đàng Trong tuy các chúa Nguyễn từng có ý định đặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nhưng không thành công vì nhà Thanh đã thừa nhận chính quyền Lê Trịnh, không muốn có chuyện lôi thôi với Việt Nam, quan hệ ngoại giao giữa đôi bên vì vậy chưa hề có tiền lệ. Thứ hai là sau trận Đống Đa năm 1789 nhà Thanh đã thừa nhận và thậm chí còn vuốt ve chính quyền Quang Trung, nên dĩ nhiên không muốn quan hệ với một kẻ đối đầu của Tây Sơn như Nguyễn Ánh. Quan hệ ngoại giao giữa chính quyền Nguyễn Ánh với Trung Quốc cuối thế kỷ XVIII do đó chỉ mang tính chất bán chính thức, không thành hệ thống và cũng không đóng vai trò gì đáng kể trong chính sách đối ngoại của Gia Định. Tuy nhiên từ trước 1802 Nguyễn Ánh cũng đã cố gắng trong việc xác lập mối quan hệ này. Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ chép “Mùa hạ năm Kỷ dậu (1789) vua nghe tin người Thanh đem quân Lưỡng Quảng vì nhà Lê mà đánh giặc Tây Sơn, bèn sai sứ thần là Phan Văn Trọng và Lâm Đề mang thư sang Thanh và đem theo 50 vạn cân gạo giúp lương cho quân, gặp bão đắm cả ở biển không nghe tin tức”. Cần lưu ý rằng đầu năm này 29 vạn quân của Tôn Sĩ Nghị vừa bị Quang Trung đánh tan, nên việc cử sứ bộ qua Trung Quốc với một món lễ vật như vậy cũng bộc lộ ý đồ của Nguyễn Ánh – rõ ràng Ánh hy vọng tìm kiếm ở nhà Thanh một kẻ đồng cừu cùng đánh Tây Sơn. Nhưng các trí thức Bắc Hà có thừa kinh nghiệm đối ngoại với phong kiến Bắc phương như Ngô Thì Nhậm đã giúp Quang Trung mau chóng xây dựng được quan hệ hòa hiếu “khép lại quá khứ” với chính quyền Càn Long, nên phải đến 1802 Nguyễn Ánh mới có thể xây dựng quan hệ ngoại giao chính thức với nhà Thanh ở Trung Quốc.
Năm 1798, Lưu trấn Diên Khánh Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường dâng sớ xin thông sứ với Trung Quốc để ly gián nhà Thanh với Tây Sơn đồng thời thăm dò tin tức Lê Chiêu Thống để cùng thuyết phục Trung Quốc giúp đỡ chống Tây Sơn, tiến cử Đông cung Thị học Ngô Nhơn Tịnh, Ký lục Vĩnh Trấn Phạm Khắc Thận đi sứ. Nguyễn Ánh theo lời tâu, lấy Hàn lâm viện Thị học Ngô Nhơn Tịnh làm Tham tri bộ Binh đem quốc thư theo thuyền buôn qua Quảng Đông nghe ngóng tin tức Lê Chiêu Thống. Nhơn Tịnh tới, được tin Lê Chiêu Thống đã chết bèn trở về. Cần nói thêm rằng tác giả của chủ trương thông sứ với Trung Quốc này có lẽ là Đặng Trần Thường người Bắc Hà vào nam theo Nguyễn Ánh vốn quen coi Trung Quốc là nước lớn, nên tờ sớ nói trên có những lời lẽ khá buồn cười “Ngày nay từ khi quân ta thắng trận ở Đà Nẵng, bọn giặc biển Tàu Ô bắt được nhiều, bọn thần muốn nhân việc làm việc, soạn một bài biểu, lấy mấy chiếc thuyền giặc đem dâng để làm mối lái, tất vua Thanh phải khen nhận, không nỡ cho ta là tầm thường mà lơ”.
Sau khi chiếm được Phú Xuân năm 1801, Nguyễn Ánh sai Triệu Đại Nhậm (một thương nhân Trung Quốc bị cướp biển Tề Ngôi bắt, được thủy quân Nguyễn Ánh cứu thoát) đem thư cho Tổng đốc Lưỡng Quảng thông báo tình hình Việt Nam. Qua 1802, trước khi đem quân ra Bắc, Ánh sai Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Huỳnh Ngọc Uẩn qua Trung Quốc thông sứ. Sứ bộ tới Quảng Đông tháng 7 âl., nhưng tháng 6 năm ấy Nguyễn Ánh đã vào thành Thăng Long khiến triều đình Gia Khánh phải chờ nắm được tin tức chính xác về Việt Nam, nên phải ở lại đến tháng 10 mới được lệnh lên đường qua Quảng Tây gặp sứ bộ Lê Quang Định từ Thăng Long qua cầu phong, chính thức đặt quan hệ ngoại giao Nguyễn – Thanh.
Theo Cao Tự Thanh, Một trăm câu hỏi đáp về lịch sử Sài Gòn trước 1802, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2007
[ https://trucnhatphi.wordpress.com/2008/05/29/gia-d%e1%bb%8bnh-tr%c6%b0%e1%bb%9bc-1802-chinh-quy%e1%bb%81n-c%e1%bb%a7a-nguy%e1%bb%85n-anh-3/ ]
Last updated
Was this helpful?