1-Gia Định trước 1802. Chính quyền của Nguyễn Ánh (1)
Gia Định trước 1802. Chính quyền của Nguyễn Ánh (1)
Tổ chức chính quyền của Nguyễn Ánh thời gian 1788 – 1802
Trong thời gian 1778 – 1782 bộ máy trung ương của chính quyền Nguyễn Ánh (Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ gọi là Chính dinh, tức đóng ở Sài Gòn nhưng biệt lập với bộ máy cai trị ở dinh Phiên Trấn) vẫn theo thể chế thời Đàng Trong, nhưng từ 1788 trở đi đã có nhiều cải cách về hệ thống cũng như chức danh, nhiệm vụ… Quá trình thay đổi chức danh, nhiệm vụ của các chức vụ trong bộ máy trung ương có nguồn gốc từ thời Đàng Trong này khá rắc rối, ở đây chỉ giới thiệu đại lược.
Thời Đàng Trong, bộ máy chính quyền trung ương của các chúa Nguyễn ở Phú Xuân cũng được gọi là Chính dinh, ngoài tứ trụ đại thần gồm các chức Ngoại hữu, Ngoại tả, Nội hữu, Nội tả có Đô tri, Ký lục mỗi chức 1 viên coi Xá sai ty (giữ việc từ tụng văn án), Cai bạ 1 viên coi Tướng thần lại ty (giữ việc thu tiền sai dư và thóc tô ruộng từ Phú Xuân trở ra Bắc), Nha úy 1 viên coi Lệnh sử ty (giữ việc trông coi lễ tiết), gọi là Tam ty. Ngoài ra còn có ty Nội lệnh sử (giữ việc thu các thứ thuế), ty Lệnh sử Đồ gia (giữ việc thu phát nguyên vật liệu cho các cục làm khí giới thuyền bè, sửa sang tường thành nhà cửa, giữ các hàng hóa và kho quân khí), nhân viên trong các ty có các chức Câu kê, Cai hợp, Thủ hợp, lại viên. Đến 1744 Thế tông Phước Hoạt xưng vương đổi Ký lục làm Lại bộ, Đô tri làm Hình bộ, Cai bạ Phó đoán sự làm Hộ bộ, Nha úy làm Lễ bộ, đặt thêm hai bộ Binh và Công, tuy nhiên Ký lục, Cai bạ, Tri bạ, Cai án ở các dinh trấn vẫn gọi theo tên cũ. Tam ty và ty Nội lệnh sử ở Chính dinh nếu khuyết người thì lấy học trò hoa văn bổ sung, cũng có khi cho người nộp bạc giữ chức, còn ở các dinh trấn thì cho Trấn thủ tùy ý lựa chọn bổ nhiệm. Đến thời gian 1788 – 1802 bộ máy trung ương của chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định đã bỏ các viên tứ trụ đại thần, chỉ đặt bộ ty cục viện, bộc lộ xu thế tập trung quyền lực vào một mình nhà vua. Từ 1788 đặt thự công đồng làm nơi các đại thần văn võ họp hành, phàm các văn bản nhân danh Nguyễn Ánh truyền thị và sai phái đều viết là “Công đồng truyền”, có đóng dấu “Thiêm ngôn doãn hiệp”.
Một trong những cơ quan hành chính trung ương được Nguyễn Ánh tái lập ngay từ 1788 là Hàn lâm viện, qua 1789 thêm Thị thư viện, đến 1790 lấy người trong Thị thư viện sung chức Khởi cư chú (chức quan lo việc ghi chép tất cả việc làm lời lẽ của nhà vua). Cũng trong năm 1788, các ty Xá sai, Tướng thần lại, Lệnh sử, Nội lệnh sử, Lệnh sử tàu thuộc Chính dinh được tái lập, qua tháng 3 âl. năm 1789 công việc của nhân viên các ty này bắt đầu được quy chế hóa (chia phiên trực ở công thự, mỗi ty hai người, sáng sớm lên trực, qua một ngày một đêm thì đổi phiên), đến tháng 9 âl. năm ấy lại ra lệnh cho các nha trong ngoài từ nay chương sớ tâu lên thì bản sớ dùng hai phong, một phong bản chính, một phong bản phó, duy việc cơ mật thì dùng một phong, đều phải đưa qua Lại bộ (tức bộ phận dưới quyền Ký lục trong ty Xá sai) trước rồi sau mới tâu lên. Sau đó lại đặt thêm hai ty Lệnh sử Binh bộ và Chiêm hậu (coi việc dự báo khí hậu và thời tiết, tức cơ quan Khâm thiên giám về sau). Cần lưu ý rằng ở đây có tới bốn ty Lệnh sử, so với thời Đàng Trong thì thêm hai ty Lệnh sử tàu (theo tên gọi có lẽ chuyên thu thuế các thuyền buôn nước ngoài) và Lệnh sử Binh bộ (có lẽ phụ trách thu thuế trong quân đội), bộc lộ một chính sách thuế má tận thu. Bên cạnh đó cơ quan Đồ gia (Nhà đồ) cũng được tái lập với chức vụ Tri Đồ gia đứng đầu, có nhiệm vụ quản lý kho tàng, phụ trách xây dựng và coi sóc việc chế tạo. Cuối năm 1791, Đồ gia đã quản lý tới 62 ty thợ, thu hút một lực lượng đáng kể thợ giỏi trong các ngành thủ công nghiệp ở Nam Bộ đương thời. Bên cạnh đó có cơ quan Điền tuấn gồm 12 đặc phái viên là các viên Hàn lâm viện Chế cáo Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tòng Châu, Hoàng Minh Khánh do chính quyền trung ương cử về địa phương khuyến khích nhân dân làm ruộng, cơ quan này thành lập năm 1789.
Một cơ quan khác ít được chú ý là Nội viện, cơ quan này có ít nhất hai bộ phận thực hiện các công tác buôn bán và chế tác phục vụ cho triều đình và sinh hoạt của hoàng gia. Các nhân viên thuộc bộ phận buôn bán chủ yếu là người Hoa, hầu như năm nào cũng xuất dương mua hàng hóa. Các nhân viên thuộc bộ phận chế tác gồm những người thợ thủ công có tay nghề cao. Cuối tấm bia ở mộ Pigneau de Béhaine được sao lại trong Đại Nam Hoàng triều Bi Nhu quận công phương tích lục do Trương Vĩnh Ký khảo hiệu có ghi tên bốn người: Nguyễn Gia Cát tức người soạn văn bia (phụng soạn), Lê Quang Định tức người viết chữ (phụng thư), ngoài ra còn hai người “phụng khắc” là “Nội viện Tài công Thạch tượng đội Đội trưởng thần Phan Văn Quận” và “Nội viện Tài công Thạch tượng đội Cai cơ thần Huỳnh Bá Trường”, theo đó đủ thấy hai viên Cai cơ, Đội trưởng trong Đội Thợ đá thuộc Nội viện này là hai người thợ chạm khắc đá giỏi được phong quân hàm như một loại lính thợ phục vụ việc chế tác của triều đình và hoàng gia.
Về biên chế phục vụ triều đình, thấy có chức Giám thành sứ đặt ra cuối 1794, có nhiệm vụ quản suất quan viên tuần thành phòng giữ trong ngoài kinh thành (tức thành Gia Định ở thôn Tân Khai). Dĩ nhiên Nguyễn Ánh cũng có các đội thị vệ hầu c
ận như Nội hầu, Trung hầu, Hữu hầu, Tả hầu phụ trách thuyền bè, đội Bả cái phụ trách cờ lọng, đội Thủ kiệu phụ trách xe kiệu, đội Nội mã phụ trách ngựa, đội Tiểu hầu phụ trách biểu diễn văn nghệ… thành lập khoảng 1788 – 1789, Thái y viện phụ trách việc chữa bệnh thành lập cuối 1790.
Ngoài ra, vào năm 1789, nhân việc cấm phù thủy đồng bóng “tả đạo lừa dân”, Nguyễn Ánh cũng “ra lệnh cho bốn dinh bãi bỏ những nhân viên ở hai ty Pháp lục và Đạo sĩ cho sung bổ vào hai ty Xá sai và Tướng thần lại”. Không thấy sử sách nói tới cơ quan tương đương hai ty này ở cấp trung ương, nhưng có lẽ trước đó cũng phải có. Theo tên xét nghĩa, có lẽ ty Pháp lục chuyên phụ trách các nghi thức lễ lạc Phật giáo, còn ty Đạo sĩ chuyên phụ trách các nghi thức lễ lạc Đạo giáo.
Các nghi thức trong triều đình Gia Định thời gian 1788 – 1802
Trong xã hội phong kiến mà một đặc trưng là sự phân chia đẳng cấp, nghi lễ là một loại hệ thống chuẩn mực xã hội được đặc biệt coi trọng, nhất là đối với những kẻ thống trị vì đó là một phương tiện để họ thể hiện giá trị và khẳng định địa vị của mình. Không lạ gì mà khi thấy có thể đứng vững chân ở Nam Bộ khi đã chiếm lại Gia Định lần cuối, từ 1790 chính quyền Nguyễn Ánh bắt đầu xây dựng hệ thống nghi lễ – nghi thức trước hết trong triều đình, nhằm khẳng định địa vị chính thống của mình và thông qua đó xác lập tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống Tây Sơn.
Tháng 3 âl. năm 1790, dựng Hậu điện để phụng sự quốc mẫu (mẹ Nguyễn Ánh), lại dựng Phương điện, điện Kim Ấn, điện Kim Hoa và gác Triêu Dương. Cũng trong tháng này Ánh cho định lễ tiết Chính đán và Đoan dương (Đoan ngọ), trình tự nghi thức là hôm ấy “Vua tới Thái miếu làm lễ rồi tới Hậu điện chúc mừng quốc mẫu, lễ xong ra ngự ở điện, các quan văn võ chúc mừng”.
Trước tết âl. Tân hợi 1791, sai hữu ty bàn định việc dâng lễ mừng tiết Chạp và các tiết lễ Ban lịch, Phong bảo, Khai bảo. Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ chép lại các nghi thức này như sau:
“Lễ mừng tiết Chạp. Hàng năm cứ giờ Thìn ngày 22 tháng 12, vua đem các quan tới Hậu điện tiến lễ mừng cho quốc mẫu, làm lễ mừng rồi, vua trở về cung, đổi áo chầu, ngự gác Triêu Dương, các quan rảo bước tới sân tiến lễ mừng, cùng lạy. Lễ xong, vua ngự vào Nội điện. Các quan lại đến Hậu điện, hậu cung, phủ hoàng tử làm lễ tiến mừng.
Lễ Phong bảo. Đầu giờ Dần ngày 28 tháng 12, quan Thái giám bưng hòm bảo ấn đệ giao cho quan Lại bộ và quan Tả vệ cùng bưng đến gác Triêu Dương, đặt ở trên án ở gian chính giữa rồi bước ra, lễ bốn lạy. Ty tướng thần lại làm việc lau rửa ấn rồi quan Thái giám cùng với quan Lại bộ và quan Tả vệ kính bưng hòm bảo ấn tiến vào Nội điện.
Lễ Ban lịch. Đến cuối giờ Dần, dâng lịch ở Thái miếu, dâng lịch vào Nội. Đầu giờ Thìn, vua ngự ở gác Triêu Dương. Quan Hộ bộ đến trước quỳ tâu rằng “Năm mới ban lịch, chúc mừng hoàng thượng muôn tuổi”. Lễ bốn lạy, vái, đứng dậy ra. Phụng chỉ truyền ban lịch. Hộ bộ truyền cho Đội Thuyền kiệu Thủy quân bưng hai tráp lịch đặt ở trên án gian chính giữa. Quan Hộ bộ quỳ tâu rằng “Phụng chỉ ban lịch năm mới cho các văn võ thần liêu”. Lễ bốn lạy, vái, đứng dậy lui ra. Hoàng tử và các quan văn võ đến trước lễ bốn lạy. Lễ xong, vua ngự vào Nội, các quan đều lui ra.
Lễ Khai bảo. Đêm mùng 5 tháng giêng năm mới, Ty Chiêm hậu đợi đến lúc trước khắc chính quý một nấc thì gởi tâu, Thái giám bưng hòm ấn ra, đội Túc trực đủ nghi trượng hộ vệ, quan Lại bộ theo ra, do cửa bên tả đến trước cửa chính. Ty Tướng thần lại cùng quan Hộ bộ cùng bưng ra, để ở trên án gian bên hữu gác Triêu Dương. Quan Hộ bộ và quan Lại bộ đến trước lễ bốn lạy, lại đến đứng ở bên hữu. Đợi khi Thái giám mở hòm, quan Hộ bộ hầu dùng ấn xong, quan Thái giám lại phong khóa, ty Tướng thần lại phụng dán bảng văn lên bảng. Quan hai bộ Lại Hộ kính đệ hòm ấn, do quan Thái giám tiến vào Nội. Thái giám gởi tấu: Làm việc ở ngoài. Vua ngự ở gác Triêu Dương. Quan Hộ bộ đến trước quỳ tâu rằng “Năm mới khai bảo, đã kính dùng đóng ở bảng văn rồi, lạy mừng hoàng thượng muôn tuổi”. Lễ bốn lạy, bước ra. Có chỉ truyền treo bảng văn. Quan Hộ bộ quỳ tâu rằng “Vâng chỉ truyền cho bọn thần treo bảng văn, lạy mừng hoàng thượng muôn tuổi”. Lễ b
ốn lạy, bước ra. Truyền đội Bả cái treo bảng. Xong, quan Hộ bộ rảo vào phục mệnh, quỳ tâu rằng “Bọn thần đã treo bảng ở cửa Vệ môn”. Lễ bốn lạy, bước ra. Bấy giờ hai ban văn võ bước vào, một viên đại thần đứng trước tâu rằng “Năm mới hoàng thượng ngự triều khai bảo, các thần liêu văn võ chúc mừng hoàng thượng muôn muôn tuổi”. Lễ bốn lạy, lễ xong, vua ngự vào Nội, các quan đều lui”.
Qua 1791, Nguyễn Ánh lấy ngày thánh đản (sinh nhật vua, đây là ngày 15 tháng giêng) làm tiết Vạn thọ, lại sai hữu ty bàn định nghi thức. Theo Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ thì “Trước một hôm vua đến Thái miếu kính cáo. Lễ xong các quan cùng vào lạy. Vua lại đem bầy tôi đến Hậu điện làm lễ khánh an quốc mẫu, lễ bốn lạy. Lễ xong, vua trở về cung. Cho các quan vào Phương điện ăn yến. Đến ngày lễ, đầu giờ Sửu các quan chỉnh tề mũ áo đứng chờ. Giờ Dần vua ngự ở Phương điện, bầy tôi làm lễ khánh hạ, chia ban đứng chầu. Tiểu hầu hát múa xong, Trung hầu và Hữu hầu bắn đại bác mừng bảy phát. Vua trở vào nội, cho các quan ăn yến một lần. Đến ngày lễ, vua ngự ở Phương điện, bầy tôi làm lễ mừng xong, cho ăn yến”.
Về các nghi thức loại này, sử quan triều Nguyễn về sau tóm tắt “Vua từ khi lấy lại được Gia Định, thường lưu ý kinh dinh quy hoạch, sửa quân chế, định quan chế, nêu phép cấm, chính triều nghi, quy mô mở nước đại lược đã định”, tức các nghi thức trong triều đình được coi là một trong bốn nội dung lớn của hoạt động tổ chức chính quyền.
Hoạt động quản lý xã hội của chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định thời gian 1788 – 1802
Tài liệu về vấn đề này rất tản mác, không thành hệ thống, tuy nhiên theo ghi chép trong các sử sách hiện có thì có thể quy hoạt động quản lý xã hội của chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định thời gian 1788 – 1802 vào ba nội dung lớn là hoạt động quản lý hộ tịch, hoạt động tư pháp và hoạt động giữ gìn trật tự trị an.
Hoạt động quản lý hộ tịch của chính quyền Nguyễn Ánh bao gồm kiểm tra và phân loại dân số (chủ yếu là dân đinh – tức nam giới từ 16 đến 60 tuổi) theo lứa tuổi và sức khỏe (đinh, tráng, lão, tật) và tài sản (cùng, đào), nắm danh sách quân đội và quan lại trong bộ máy hành chính. Sau 1788 tình hình dân số ở Nam Bộ lại khá phức tạp: có người nghèo khổ hay bị chiến tranh làm xiêu dạt, có người là quân Tây Sơn cũ lạc ngũ trốn tránh trong dân gian, cũng có người là quân của Nguyễn Ánh đào ngũ, sổ sách cũ của cả chính quyền Nguyễn Ánh lẫn Tây Sơn trước đó thì một mặt bị mất mát, mặt khác cũng không phản ảnh được thực trạng hộ tịch ở địa phương đương thời nữa. Song Nguyễn Ánh rất quan tâm tới hoạt động này, nên theo thời gian xã hội Nam Bộ trong đó có Gia Định cuối thế kỷ XVIII dần dần đi vào chỗ có tổ chức chặt chẽ, dĩ nhiên nhằm phục vụ chủ trương kinh tế tận dụng nhân lực và cưỡng bức nhân công của Nguyễn Ánh. Tháng 8 âl. năm Mậu thân 1788 vừa chiếm được Sài Gòn, Ánh đã “ra lệnh cho các tổng xã thôn phường phàm có dân lậu ngụ cư và tàn tốt của Tây Sơn trốn về đều đăng hết vào sổ bộ, kẻ không có tài sản thì cho làm hạng cùng cố, cho miễn thị nạp, duy dao dịch thì chịu như dân. Còn như người Đường mới hay cũ đều do Cai phủ làm sổ riêng nộp lên”. Nhưng việc thực hiện có nhiều tiêu cực, nên đến giữa 1789 lại định rõ lệ tố giác việc lậu đinh để chấn chỉnh. Cuối 1789 hạ lệnh các hàng quan lại, biền binh, thợ thuyền theo quê quán mà ghi vào sổ, văn từ sáu bộ tới công đường bốn dinh, võ từ Chưởng cơ, Trưởng chi, Trưởng hiệu, Chánh Phó Vệ úy, hoặc chánh quán hoặc ngụ quán, ở thôn ấp nào đều có tờ truyền, ty lại và biền binh thì do người sở quản cấp bằng, đều phải chua rõ tên tuổi quê quán gởi về cho hương trưởng sở tại chép vào sổ dân (Phàm biền binh các quân dinh thì do Chưởng dinh cấp, các thuyền ty đội nậu tinh binh thuộc bốn dinh thì do quan công đường cấp, Văn giáp, Võ giáp, các hầu thuyền Trung hầu, Tả hầu, Hữu hầu, các thuyền ty đội nậu Bả cái, Thủ kiệu, Tả mã, Nội mã, Hữu mã, Nội phủ, công tôn, công tử, tông thuộc, triều hạ, Thuyền bàn, Mộc đĩnh thì do Binh bộ cấp, Hàn lâm Chế cáo, Thị thư, Tri bạ tào, Chiếm hậu ty lại, lão thuyền, đội Tiểu hầu thì do Hộ bộ cấp, tượng ty các cục ở Chính dinh do quan Tri Đồ gia cấp, còn những người không điền sản và không cha mẹ anh em vợ con mà mạo ghi quê quán thì cho hương trưởng chua rõ trong đơn, kẻ nào trốn thì miễn bắt, nếu có kẻ lậu sổ thì nã bắt giải trị tội). Đến đầu 1790 sai bốn dinh sửa lại sổ hộ tịch (trong sổ liệt đủ họ tên, tuổi, quê quán các hạng dân, quan quân thì ghi riêng sau sổ). Lại ra lệnh cho Hoa kiều thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Triều Châu, Thượng Hải ngụ ở trong hạt, mỗi tỉnh đặt 1 Cai phủ, 1 Ký phủ rồi chiếu theo số hiện tại hoặc làm binh hoặc làm dân, làm thành hai sổ do Binh bộ và Hộ bộ phê chữ làm bằng. Kế lại ra lệnh cho quan công đường bốn dinh phàm các tổng xã thôn phường trong hạt cứ dân số từ 40 người trở lên thì chọn đặt 1 Xã trưởng, cấp bằng phê chữ son, lại cấp cho một người khinh phu. Cuối 1790 đặt lại phép duyệt tuyển (tức kiểm tra đinh số), phép này đã có từ thời Đàng Trong, cứ ba năm một lần duyệt tuyển nhỏ, sáu năm một lần duyệt tuyển lớn, đại khái dân
đinh đến tuổi thì biên thêm vào sổ, già yếu tàn tật thì thải ra…
Đặc biệt, từ 1796 chính quyền Nguyễn Ánh còn bổ sung thêm một biện pháp quản lý riêng đối với quân sĩ và thợ. Sử chép lúc ấy Nguyễn Ánh thấy quân và dân lẫn lộn, danh thực hỗn tạp, có kẻ giả mạo làm cấm vệ đi cướp của, có kẻ trốn khỏi thôn xóm để tránh dao dịch bèn ra lệnh kiểm điểm các vệ đội thuyền chi hiệu thủy bộ trong ngoài của dinh Trung quân, cùng thuộc binh tinh binh và quân lạc tòng các vệ các dinh và các ty cục thuộc Đồ gia, cấp cho thẻ hợp phù mà đeo để xét thực giả.
Nhìn chung việc quản lý hộ tịch với hệ thống sổ sách thống nhất từ trên xuống dưới như vậy đã giúp Nguyễn Ánh mau chóng xây dựng được cơ sở xã hội cho hoạt động chống Tây Sơn sau 1788: có thể nói từ 1792 trở đi về cơ bản toàn bộ đồng bằng Nam Bộ đã được tổ chức thành một trại lính, trong đó hoạt động của lực lượng lao động chính được huy động tối đa vào việc phục vụ chiến tranh.
Hoạt động tư pháp của chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định thời gian 1788 – 1802
Về vấn đề này sử sách ghi chép rất ít, song có thể khẳng định rằng trên đường hướng xây dựng một hệ thống chuẩn mực xã hội thời chiến, chính quyền Gia Định cuối thế kỷ XVIII không muốn dân gian có chuyện kiện tụng lôi thôi… Cho nên ngay sau khi chiếm lại được Sài Gòn năm 1788, Nguyễn Ánh đã ra lệnh cấm kêu thay và kêu vượt “Phàm nhân dân có oan khuất gì thì cho tự mình đi kêu, nếu đem tiền của ỷ thác người khác hay đi kêu thay cho ai, việc phát giác đều bị xử 100 roi và sung làm dịch phu một tháng. Lại đầu đơn kêu thì không được vượt bậc, binh thì do quản quan và đại viên thống lĩnh, dân thì do quan công đường sở tại xét đoán, nếu xét đoán không thỏa đáng thì kêu ở sở công đồng, nếu vẫn còn chưa phục tình thì mới được đón kêu khi vua đi, làm trái thì bị tội”. Có thể nói đây là nguyên tắc cao nhất trong tổ chức và hoạt động tư pháp của chính quyền Nguyễn Ánh thời gian 1788 – 1802, một nguyên tắc có xu hướng giảm thiểu tối đa các vụ tranh chấp, kiện tụng dân sự. Tuy nhiên việc kiện tụng bị hạn chế thì thư tố cáo và vu cáo tăng lên, nên cuối năm ấy Nguyễn Ánh phải cho đặt một cái hòm ở dưới cửa khuyết, để ai có chuyện gì oan ức muốn bày tỏ thì làm đơn bỏ vào. Đến 1798 Ánh thấy dân Phiên Trấn nhiều người hay kiện vượt bậc lại ra lệnh từ nay phàm kiện tụng phải do quan công đường xét xử, nếu còn có oan uổng chưa phục tình thì mới cho tới Hình bộ xin xử lại. Chi tiết này cho thấy ngoài Tòa án quân sự dành riêng cho quân đội, hệ thống tư pháp của chính quyền Gia Định thời bấy giờ có hai cấp là Tòa án địa phương (công đường các dinh) và Tòa án tối cao (Hình bộ của chính quyền trung ương). Thật ra với hệ thống pháp luật thời chiến thì Tòa án trung ương ở đây cũng không khác Tòa án quân sự bao nhiêu, chẳng hạn năm 1795, bọn Cai cơ thuộc dinh Tiền quân là Nguyễn Văn Triệu, Ngô Văn Bình, Nguyễn Văn Đại thác bệnh không theo quân ra miền Trung đánh Tây Sơn mà ở lại Nam Bộ họp đảng ăn cướp, bị các dinh Trấn Định và Vĩnh Trấn bắt được giải nộp, Nguyễn Ánh bèn ra lệnh chém bêu đầu để cáo thị.
Chưa rõ các điều khoản pháp luật mà chính quyền Gia Định áp dụng trong hoạt động tư pháp thời gian này cụ thể ra sao, song chắc chắn đó là một hệ thống nặng về trừng trị và có thủ tục tố tụng, xét xử nhanh gọn. Không lạ gì mà năm 1791, Nguyễn Ánh đã ra lệnh cho các dinh phải xét xong những việc hình ngục, không được để tồn đọng “Nay ta nghe ở dinh kiện tụng chồng chất, liên lụy đến người vô tội, cần đem ngay những kẻ phạm xét hỏi, tội đáng chết thì dâng biểu xin quyết định, tội đáng đồ thì đưa sung dịch phu. Những kẻ mới phạm lầm lỗi và oan uổng thì tha đi, không được để đọng trệ”. Dĩ nhiên đó là một lối hành xử tư pháp nhằm ổn định sinh hoạt xã hội để phục vụ chiến tranh, nhưng cũng chính vì vậy mà việc xử lý kiện tụng ở đây khá dứt khoát. Năm 1798 nhiều người Khmer ở vùng Hậu Giang dinh Vĩnh Trấn bị dân Việt xâm chiếm vườn đất, thưa kiện lên quan. Nguyễn Ánh sai Khâm sai Chưởng cơ Hồ Văn Lân hội đồng với Cai bạ Phạm Ngọc Uẩn đi khám, nơi nào người Khmer đã trồng trọt thì sai trả lại cho họ làm ăn, đất còn bỏ hoang thì cho người Việt lập làm vườn tược, đều chia vạch ranh giới để chấm dứt việc tranh giành. Việc xử lý như vậy không phải không công bằng, có điều đáng chú ý là viên Trưởng ban thanh tra đi điều tra giải quyết khiếu kiện về đất đai này là một viên Khâm sai Chưởng cơ, tức hệ thống tư pháp cũng mang tính chất quân chính. Ngoài ra quy định trừng phạt trong các lệnh cấm cũng mang tính thực dụng rất đậm nét. Chẳng hạn năm 1789 ra lệnh cấm chọn tiền, thì điều khoản trừng phạt là “quan, quân, dân phạm cấm đều đánh 50 roi, quan thì xử biếm bãi, quân thì sung hỏa đầu (làm bếp) một năm, dân thì đóng xiềng sung dịch phu một năm, phụ nữ thì sung phường giã gạo một năm”, huy động tối đa các nguồn sức lao động không phải trả lương để phục vụ chính quyền.
Hoạt động giữ gìn trật tự trị an của chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định thời gian 1788 – 1802.
Là một nội dung quan trọng trong hoạt động quản lý xã hội, hoạt động giữ gìn trật tự trị an của chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định thời gian 1788 – 1802 cũng mang rõ tính chất phục vụ chiến tranh, tức việc quản lý xã hội trên phương diện này không coi trị an xã hội là mục tiêu phấn đấu chủ yếu và trật tự xã hội là đối tượng điều tiết chủ yếu, mà cơ bản là nhằm hướng tới xây dựng một xã hội nằm trong khuôn khổ để tiện thu thuế lấy quân. Điều này thể hiện rất rõ qua các lệnh cấm dày đặc của chính quyền ban hành từ 1788 đến 1802.
Trên phương diện chống tệ nạn xã hội và các hoạt động phạm pháp, chính quyền Nguyễn Ánh tỏ ra rất kiên quyết. Là một thương cảng lớn, khu vực Sài Gòn thời Đàng Trong đã có đời sống xã hội mang màu sắc đô thị khá rõ nét, nên cũng có nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, trộm cướp, thuốc phiện, gái điếm… Tuy nhiên ngoài các tệ nạn gái điếm, hút thuốc phiện, ăn mày dường như không đất dung thân trong những xã hội có sinh hoạt vật chất khắc khổ và hệ thống quản lý hộ tịch chặt chẽ, cuối thế kỷ XVIII ở Gia Định có hai tệ nạn xã hội tương đối nổi bật là cờ bạc và trộm cướp. Năm 1788 vừa chiếm được Sài Gòn, Nguyễn Ánh đã ra lệnh cấm đánh bạc, chính quyền không những không thừa nhận các văn khế nợ nần vì đánh bạc trong dân gian trước đó mà còn cấm mở sòng bạc, ai đánh bạc thì bị đánh 100 roi và sung dịch phu 3 năm, chủ sòng thì tài sản bị sung công, người tố giác được thưởng tất cả tiền mặt trong sòng và bắt mỗi người đánh bạc phải nộp thêm 10 lượng bạc để thưởng. Qua 1790 lại bổ sung lệnh cấm đánh bạc. Phàm quan quân dân thứ, ai phạm cấm thì cho hương trưởng sở tại bắt giải trị tội, cấp thưởng như lệ. Nếu vì tình mà dung túng bị người ta tố giác thì hương trưởng bị đánh 50 roi, sung dịch phu 6 tháng, lại thu 50 quan tiền để thưởng cho người tố giác. Đầu năm 1802 lại định rõ lệnh cấm cờ bạc ở Gia Định, ai đá gà chọi cá cũng phải tội.
Năm 1789 cấm phù thủy và đồng bóng, với lý do đó là tả đạo lừa dân. Kẻ nào phạm cấm, phù thủy thì xử 100 roi và sung dịch phu 6 tháng, cô đồng thì xử 100 roi và sung giã gạo 6 tháng. Lại ra lệnh cho bốn dinh bãi bỏ những nhân viên ở hai ty Pháp lục và Đạo sĩ cho sung bổ vào hai ty Xá sai và Tướng thần lại.
Năm 1789, định lệ cấm kẻ cướp. Ánh nghe trong dân gian có nhiều trộm cướp, quan quân cũng có người phạm tội ấy, dụ rằng “Từ nay kẻ nào phạm tội ăn cướp, hễ là quan quân thì không kể thủ phạm hay tòng phạm đều xử chém, cha mẹ vợ con cũng đều phải tội chết. Lại bắt tội đến người quản suất, xử 100 roi và xiềng sung dịch phu. Dân thì chỉ giết kẻ chính phạm, hương trưởng và oa chủ đều bị tội liên can như tội quản suất”, trừng trị kẻ cướp là quan quân nặng hơn dân một bậc. Đáng chú ý là những người như hương trưởng phải chịu trách nhiệm về nhân dân trong thôn mình, võ quan quản suất phải chịu trách nhiệm về quân sĩ dưới quyền mình, người tố giác lại được thưởng rất hậu, tóm lại là một cách thức quản lý theo kiểu liên đới chịu trách nhiệm khiến mọi người bất kể là quân hay dân đều phải kiểm soát lẫn nhau.
Năm 1790 định lệnh bắt trộm cướp, ra lệnh nếu dân bị trộm cướp thì quan công đường các dinh trong hai tháng phải bắt được bọn gian giải trị, truy thu tang vật trả dân, ngoài hạn đó mà không bắt được thì phải đền, kế ra lệnh cấm quân dân mang binh khí riêng. Năm 1793 định lệ thưởng người bắt trộm cướp, bắt được kẻ cướp thưởng tiền 100 quan, bắt được kẻ trộm thưởng tiền 50 quan, bắt được kẻ cắp thưởng tiền 25 quan.
Năm 1797 lại định lệnh bắt trộm cướp. Gia Định có nhiều bọn côn đồ vô lại cướp bóc trên bộ dưới nước, cũng có kẻ là quan quân. Nguyễn Ánh sai Tôn Thất Hội và Võ Tánh mật sai quan quân đêm đi tuần từ Cái Ngang đến rạch Thị Nghè, phàm bắt được trộm cướp và kẻ cắp có tang vật rõ ràng đều cho chém bêu đầu tại chỗ, không cần tâu bẩm. Kẻ phạm tội bị bắt thuộc chi hiệu nào thì người cai quản bị liên can.
Năm 1799, định rõ điều lệ phòng lửa và bắt trộm trong dân gian, trong đó quy định mỗi thôn phải lập một điếm canh dự bị những đồ cứu hỏa, không kể ngày đêm, nghe mõ báo hiệu thì phải giục nhau đi cứu. Người chủ nhà cháy thì giải lên quan trừng trị. Nếu có kẻ vì thù hằn mà đốt nhà thì lập tức đón bắt giải nộp, bắt được một tên phạm thì thưởng tiền 50 quan. Kẻ phạm thì chém bêu đầu (điều 1). Nếu có người bị cướp hô hoán, trưởng thôn phải lập tức đánh mõ đem dân tới bắt, bắt được cướp giải lên quan rồi chém ngay. Nếu không đến cứu, để nhà bị cướp mất của thì trưởng thôn và những nhà lân cận đều bị xử 90 roi, mà phải bồi thư
ờng cho chủ (điều 2). Trong thôn bị mất trộm, trưởng thôn đem dân bắt được thì kẻ phạm cũng bị chém bêu đầu, cũng thưởng như lệ. Nếu tha để nó lại đi ăn trộm, bị người ta bắt, thì nhà chứa chấp phải xử tội nặng, trưởng thôn xử 70 roi (điều 3). Trong thôn có họ hàng đến thăm phải trình trưởng thôn biết, đêm có việc báo động, người ấy phải tới điếm canh để điểm diện, nếu thiếu thì giải quan, tùy nặng nhẹ trị tội (điều 4). Các võ quan có nhà riêng trong thôn, nếu trong thôn bị cướp phải lập tức đem quân tới cứu, bắt được kẻ phạm thì thưởng theo lệ, nếu không tới cứu thì phải đo từ nhà mất cướp đến nhà riêng của viên võ quan ấy, nếu cách 10 thước trở lại thì phải đền của cải bị mất (điều 5). Quan quân hết phiên về quê, quân lính cùng ở với quản quan một nhà hay một ấp mà thả cho trộm cướp bị trưởng thôn bắt được giải quan, thì quản quan cũng bị tội lây (điều 6). Quân lính ban đêm đi việc công phải có tờ trát của quản quan, nếu có việc riêng khẩn cấp chỉ được đi một hai người, phải có đèn đuốc, qua thôn ấp phải tới điếm canh trình báo (điều 7). Quan quân ở làng từ Phó đội tới binh lính, ban đêm cũng phải tới điếm canh để điểm mục. Nếu xảy ra việc báo động, hễ nghe tiếng mõ, cũng đến điểm diện, ai thiếu thì cho trưởng thôn bắt nộp (điều 8).
Nhìn chung, việc giữ gìn trật tự trị an ở Gia Định thời gian 1788 – 1802 được chính quyền Nguyễn Ánh tiến hành khá nghiêm ngặt, không phân biệt quan quân dân thứ. Thậm chí năm 1789 còn có lệnh cấm quân sĩ làm bếp ở Nội trù và các nha không được cậy thế mua hiếp hàng hóa ở chợ búa, ai làm trái thì trưởng chợ bắt nộp, xử 100 roi và làm dịch phu 3 tháng.
Hoạt động tuyên truyền của chính quyền Nguyễn Ánh thời gian 1788 – 1802
Giống như mọi vua chúa lúc gian nan “phục quốc”, Nguyễn Ánh rất có ý thức trong việc tuyên truyền vận động nhân dân. Việc tuyên truyền này nhìn chung gồm mấy nội dung chủ yếu là đề cao chính nghĩa của mình trong cuộc chiến chống Tây Sơn, kêu gọi nhân dân hết lòng trung nghĩa – ra sức cần vương và sau cùng là khẳng định tương lai tất thắng của triều Nguyễn “trung hưng”. Tất cả những lời kêu gọi của chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định từ 1788 trở đi đều mang rõ ba nội dung ấy, ở đây giới thiệu vài trường hợp được ghi lại trong Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ.
Năm 1792, Nguyễn Ánh ra lệnh truy lục các tướng sĩ trận vong từ 1773 đến 1786, ban lời dụ rằng “Giúp vua đánh giặc là lúc thần tử lập công, nêu hiệu rạng danh là lệ triều đình báo đức. Kể từ buổi Tây Sơn nổi loạn, vận nước khó khăn, các tướng sĩ bỏ mình vì nước, kể biết bao người. Trước đây lập đền Hiển trung, phàm từ năm Đinh mùi (1787) xa giá trở về, như các tướng sĩ trận vong ở Mỹ Tho, Mỹ Lồng, Nước Xoáy, Bát Tiên, Giồng Sao, Giồng Triệu, Trấn Định, Ba Thắc thì đã liệt vào tự điển. Song nghĩ từ năm Quý tỵ (1773) về sau, năm Bính ngọ (1786) về trước, hoặc có kẻ ra trận mà mất, hoặc có người bị bắt mà chết, lúc bấy giờ ta còn tuổi trẻ, mới lên nối ngôi, việc nước hãy còn có chỗ chưa rõ, mà những bề tôi ra trận, sổ ghi công lại không khảo được, nếu nay không truy lục thì chẳng là phụ các trung thần ấy sao? Hỡi các thần liêu văn võ và tướng sĩ các dinh, trong khoảng trước sau mười bốn năm ấy ai có thể nhớ được trận đánh nào, ai chết về việc gì, không kể thân quyến bộ khúc, bè bạn cố cựu, cho được cứ thực ghi hết đưa lên bộ để bàn bao tặng, liệt thờ ở đền Hiển trung, ngõ hầu nêu được thịnh điển nhớ công”, thông qua đó khơi gợi lòng căm thù của gia quyến những tướng sĩ bị Tây Sơn giết chết, thôi thúc họ ra sức “cần vương”.
Trên đường hướng tập trung các lực lượng và tiềm năng xã hội cho cuộc chiến chống Tây Sơn, lời sắc văn ban hành nhân dịp Tết âl. năm 1793 lại kêu gọi quan quân dân thứ ở Gia Định làm tròn chức trách, dốc lòng trung nghĩa “Đạo trời một âm một dương, đạo người lúc loạn lúc trị. Nay vận nước nhân trời giúp, nguyện vọng hợp người theo, chính nghĩ như nhà Hạ khôi phục nghiệp cũ, nên đang mùa xuân ban bố mấy điều: Quan văn thì ở miếu đường mà mưu dẹp giặc, không cần đánh mà thắng được người, quan võ đem sức can thành mà chống giặc, ngăn chặn không cho giặc tiến lên, đều nên kính giữ quan châm, chớ sai quân pháp. Quân thủy gõ chèo quét giặc, gắng tập hơn nơi Côn Minh, quân bộ uốn cung bắn tài, phải luyện hơn đời Hiển Đức. Đó là quân thì mạnh khỏe thư thế, còn dân đông đúc thì sĩ nông công thương chuyên việc không nên biếng, ngư tiều canh mục chăm nghề mà phải siêng. Có của thường, có lòng thường, không ăn chơi, không lêu lổng. Phàm chơi là vô ích, sao hăng đánh cờ đánh bạc không chuyển làm hăng rửa thẹn trả thù? Chớ chơi đến quá lạm, sao cuộc chọi gà chọi cá không đổi làm cuộc đánh giặc giúp vua? Sắc dụ phải nghe, chớ sa lưới tội”, hướng tới xây dựng các chuẩn mực lối sống phục vụ tối đa cho lợi ích của chính quyền.
Ngày 26 tháng 3 năm Canh thân (19. 04. 1800), Nguyễn Ánh đại duyệt tướng sĩ ở đồng Tập Trận, ban chỉ dụ có đoạn “Mới đây ta lấy lại được Bình Định, cũng muốn xếp giáp nghỉ quân. Nhưng vì giặc l�
�i tới vây thành, không thể không đánh tan ngay đi. Ta sắp thân đem sáu quân, tiễu trừ đảng giặc, tướng sĩ đều nên cùng lòng gắng sức, đánh giặc lập công, để trên thì thỏa hồn tổ tiên, dưới thì hả giận dân chúng…”. Vào thời điểm này tương quan lực lượng giữa Nguyễn Ánh với Tây Sơn đã khác nhiều so với trước, nên Ánh đã có thể công khai nêu rõ mục đích phục thù của mình “trên thì thỏa hồn tổ tiên”. Cần lưu ý rằng bản chữ Hán của tờ chỉ dụ này trong Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ chỉ là bản dịch tóm lược nguyên bản chữ Nôm, nên rất có thể nhiều chỉ dụ sắc lệnh khác của chính quyền Gia Định cũng được viết bằng chữ Nôm mới dễ đạt hiệu quả tuyên truyền đối với phần đông nhân dân ít học. Sau đây là đoạn nguyên văn tương ứng của đoạn trích nói trên, theo bản phiên âm của Phan Trần Chúc, Văn chương quốc âm về thế kỷ XIX, Khai Trí, Sài Gòn, 1960:
Vậy năm ngoái thu thành Bình Định, rất đỗi cần lao; Tưởng năm nay nghỉ chốn Đồng Nai, yên bề hưu đức.
Song liệu chừng thế nó, tướng phẫn binh tàn, hạ lăng thượng phế, dù chẳng đánh cũng lui; Nhân tính lại việc ta, đồn quân tích hướng, trữ súng tăng thuyền, phải sắm thêm mới mạnh.
Nên nỗi: Theo đường phú liễm; Nặng việc công sưu.
Dân thời cung cống lương tiền, nhịn mặc nhịn ăn, gian khổ ta đâu chẳng rõ; Quân thời tân cần chinh dịch, gắng công gắng sức, huân lao ta vốn không quên.
Trước tuy nhật xúc kinh doanh; Rày đã sẵn rồi chiến cụ.
Cũng muốn dưỡng uy súc nhuệ, trời Gia Định nghỉ ngơi cho khỏe, ngỡ chư quân đều được lạc sinh; Nào ngờ cùng khấu xương cuồng, lũy Bàn Xà vào vây, đời nghịch tặc tự lai tống tử.
Huống nó em phản anh, tôi phản chúa, lại thêm ngoại viện tăng vi, trường thành thất hiểm, tai phần sào đã quyết từ nay; Mà ta lương thì đủ, quân thì ròng, sẵn có tướng tài quy phụ, chư quốc liên binh, thế phá trúc chờ bao thủa nữa.
Cứ ấy: Vội vàng trục Bắc; Hăm hở bình Tây.
Trước là lo tôn xã mà phục thù, lăng tẩm một trời man mác; Sau là vị thần dân mà tiết phẫn, kẻo thương sanh khắp chốn than van.
Theo Cao Tự Thanh, Một trăm câu hỏi đáp về lịch sử Sài Gòn trước 1802, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2007
Last updated
Was this helpful?