Gia Định trước 1802. Chính quyền của Nguyễn Ánh (2)
Chính sách nông nghiệp của chính quyền Nguyễn Ánh thời gian 1788 – 1802
Nhằm đáp ứng các nhu cầu vật chất – kỹ thuật cho chiến tranh, trong thời gian 1788 – 1802 chính quyền Nguyễn Ánh đã bóc lột triệt để nhân dân Nam Bộ thông qua một chủ trương kinh tế cưỡng bức nông nghiệp và kiểm soát ngoại thương riết róng và chặt chẽ. Từ 1788, chính sách nông nghiệp cưỡng bức nhân công (kiểm tra dân số, cứ hai tráng đinh chọn một sung vào phủ binh, không việc thì làm ruộng, có việc thì làm binh) đã được thi hành ở Phiên Trấn. Năm 1789 đặt quan Điền tuấn, lấy 12 viên Hàn lâm viện Chế cáo là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tòng Châu, Hoàng Minh Khánh chuyên coi việc điền tuấn, chia đi bốn dinh Phiên Trấn, Trấn Biên, Vĩnh Trấn, Trấn Định khuyên bảo nông dân, cứ theo sổ đinh, từ phủ binh cho đến hạng cùng cố, đều phải gắng sức làm ruộng. Ai không làm ruộng thì sung thay chân phủ binh. Đến khi lúa chín, xét số thu hoạch, người nào cấy ruộng cỏ được 100 thúng thóc, cấy ruộng núi được 70 thúng thóc trở lên, phủ binh thì miễn một năm tòng chinh, dân đinh thì miễn một năm dao dịch. Không đạt số ấy thì không được hưởng lệ miễn. Lại mộ dân ngoại tịch lập làm điền tốt, thuộc về quan Điền tuấn, cấp cho ruộng hoang, trâu cày và nông cụ, nếu không đủ thì chính quyền cho vay, sau mùa gặt thì nộp thóc để trả nợ. Kết hợp với chính sách ngụ binh ư nông, chủ trương phát triển nông nghiệp vừa cưỡng bức vừa khuyến khích này trong thực tế cũng ít nhiều đẩy mạnh việc khai khẩn đất hoang ở đồng bằng Nam Bộ.
Năm 1790 định rõ lệnh khuyến nông, dụ rằng “Việc gốc của thiên hạ là làm ruộng, không thể hoãn được. Nay giặc giã mới yên, thuế má chưa đủ, quan công đường các dinh nên khuyên bảo các phủ binh và dân làng trong hạt hết sức chăm nom ruộng nương, đừng nên lười biếng. Người siêng năng làm ruộng thì dao dịch đều miễn, nếu quan quản suất và xã trưởng dám bắt người làm việc riêng thì có tội. Ngày lúa chín, quan Điền tuấn đến khám số thu hoạch, so với năm trước thêm bớt thế nào thì tâu lên”. Năm 1796 lại ra lệnh khuyến nông, dụ quan công đường các dinh rằng “Nghề nông là gốc của nước, ăn có đủ thì quân mới mạnh, cho nên người xưa đi thăm dân cày, đi thăm dân gặt, là cốt khuyên dân biết chăm việc gốc. Nay đang mùa làm ruộng, nên dụ bảo cho quân dân trong hạt, hết sức chăm việc làm ruộng, ai không ruộng thì mướn ruộng mà cày. Lý dịch sở tại đều phải biên sổ, đợi khám để phân biệt kẻ siêng người lười”. Năm 1799 ra lệnh cho các dinh ở Gia Định khuyến khích việc làm ruộng, dụ rằng “Nghề nông là gốc của nước, sự ăn trọng nhất của dân. Gần đây đã nhiều lần có lệnh khuyến nông, nhưng nhiều người còn thích theo đuổi nghề ngọn mà chưa chăm nghề gốc. Những dân ăn chơi chưa chịu về hết làm ruộng. Vậy hạ lệnh cho các dinh thần đi khắp các huyện và làng ấp mà thân hành khuyến khích, khiến mọi người siêng năng làm việc, đừng tiếc công làm cỏ, để có thể hát mừng thóc lúa đầy kho”. Phương thức bóc lột đẩy nhanh sự kết thành phương thức sản xuất tương ứng, điều này ít nhiều có tác động tốt tới sự cố kết xã hội người Việt ở Nam Bộ, song trên phương diện kinh tế thì chủ trương khuyến nông nói trên cho thấy Nguyễn Ánh muốn sự cố kết ấy chỉ đặt nền tảng trên hoạt động sản xuất nông nghiệp, chứ không muốn nhân dân “theo đuổi nghề ngọn” mà chia sẻ các lợi ích thương nghiệp với chính quyền.
Không thấy tư liệu nào đề cập tới việc chính quyền chỉ đạo về giống lúa, nhưng việc bảo vệ sức kéo trong nông nghiệp thời gian trước 1802 rất được chính quyền Nguyễn Ánh coi trọng. Năm 1789 ra lệnh cấm giết trâu, kẻ nào phạm lệnh cấm, quan thì bãi chức, dân thì xử 100 roi và sung dịch phu. Đến 1799 lại nêu rõ lệnh cấm giết trâu, dụ rằng “Nhân dân cày bừa ruộng nương, nhà nước chứa cất kho tàng, đều nhờ sức trâu. Trước đã có lệnh nghiêm cấm mà thói quen vẫn chưa trừ, cứ mượn tiếng cúng tế hát xướng để giết trâu cầu lợi, đó là điều người nhân giả rất thương. Nay lại nêu rõ lệnh cấm, phàm quan văn từ Lục bộ đến công đường các dinh, quan võ từ Chánh Phó dinh đến Thống đồn, Chánh vệ, Trưởng chi, hễ có lễ lớn cần dùng thái lao thì phải bẩm trước, còn đều cấm hết, ai phạm cấm thì trị nặng. Đến như nơi chợ búa ở dân gian có phạm thì xử 70 trượng và thu tiền 10 quan thưởng cho người tố cáo. Quan sở tại không xét biết cũng bị tội lây”.
Ngoài ra từ 1789, Nguyễn Ánh đã có ý định thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, tức tổ chức sản xuất nông nghiệp theo kỷ luật quân sự, theo đó một số nông dân được ghi tên vào binh tịch, có việc thì đánh trận, không có việc thì làm ruộng. Sử chép giữa năm ấy, sai nhân viên và quân lính các chi hiệu đội thuyền thuộc các dinh quân thủy bộ, do quan sở quản kén lựa cho tinh từ Trưởng chi đến Đội trưởng để định làm thực số, người nào không được kén thì cùng với thuộc binh các nha mà biệt tinh biệt nạp (tính riêng nộp riêng), bổ hết về các địa phận để liên lạc với nhau, lại sai quan chia đi kén lựa, chọn những người tinh nhanh mạnh khỏe đặt làm phủ binh bổ vào các chi hiệu đội của các dinh quân, nếu không đủ thì lấy phủ binh ngạch cũ và dân đinh sung bổ vào. Khi không việc thì về làm ruộng, mùa màng xong thì tập võ, có việc thì gọi ra (Trung quân thì ghi sổ thuộc dinh Phiên Trấn, Tả quân thuộc tổng Kiến Đăng dinh Trấn Định và tổng Bình An dinh Vĩnh Trấn
, Hữu quân thuộc tổng Kiến Hưng dinh Trấn Định, Hậu quân thuộc hai tổng Bình Dương và Tân An dinh Vĩnh Trấn, dinh Tiên phong thuộc tổng Kiến Hòa dinh Trấn Định. Duy dinh Tiền quân thì lúc ấy đang giữ Bà Rịa, chưa kịp kén bổ).
Năm 1790 bắt đầu đặt đồn điền, dụ các quan văn rằng “Đạo trị nước, trước hết phải cho đủ ăn. Nếu thóc nhiều của thừa thì việc gì chẳng nên? Bốn dinh Gia Định đất đai rất rộng. Trước kia việc quân chưa xong, đói kém xảy ra luôn, đến nỗi ruộng vườn bỏ hoang, dân chưa ra sức việc nông, của nước lương quân còn chưa đầy đủ. Đồn điền là phép hay đời xưa, nay muốn cử hành mà chưa nắm được chỗ cốt yếu. Các khanh vốn có mưu xa kinh quốc, ở ngôi mình tất phải tính việc mình, đều nên điều trần quy thức, viết thành tập riêng tiến trình, trẫm sẽ chọn những điều hay mà đem thi hành”. Rồi ra lệnh cho các đội túc trực và các vệ thuyền dinh Trung quân ra vỡ ruộng ở Vàm Cỏ, đặt tên là trại Đồn Điền, cấp cho trâu bò điền khí và thóc ngô đậu giống. Đến ngày thu hoạch đem hết về kho (tức kho Trừ Tích, sau đổi làm kho Đồn Điền). Lấy Cai cơ hiệu Tiền dực là Nguyễn Bình trông coi việc ấy. Lại hạ lệnh cho các nha văn võ mộ người lập các đội nậu đồn điền, hàng năm thu thóc sưu mỗi người 6 hộc. Dân thực nạp ai mộ được mười người trở lên thì cho làm Cai trại và rút tên khỏi sổ của thôn. Biện pháp đồn điền sai quân đội làm ruộng để tận dụng nhân lực của quân đội này trong thực tế cũng đẩy nhanh tốc độ khai hoang ở Nam Bộ ngoài việc tích lũy sức mạnh kinh tế cho Nguyễn Ánh.
Chính sách thương nghiệp của chính quyền Nguyễn Ánh thời gian 1788 – 1802
Trong thời gian 1788 – 1802, chính quyền Nguyễn Ánh thực thi một chính sách kinh tế quân quản, biến toàn bộ đồng bằng Nam Bộ thành một căn cứ quân sự khổng lồ vừa là cơ sở hậu cần vừa là trại lính, nên ngoài việc bóc lột bộ phận cư dân nông nghiệp, họ còn tiến hành nhiều biện pháp nhằm vơ vét tối đa các khoản lợi nhuận thương nghiệp để phục vụ chiến tranh. Chính sách thương nghiệp trong đó nổi bật là chính sách kiểm soát ngoại thương của chính quyền Nguyễn Ánh thời gian này đã hình thành trên đường hướng ấy.
Đầu năm 1789 ra lệnh cấm thuyền buôn nước ngoài chở trộm vật cấm. Phàm thóc gạo, kỳ nam, trầm hương, ngà voi, sừng tê đều cấm, ai dám mua bán riêng các thứ ấy thì xử 100 roi và xiềng sung dịch phu 3 năm, tài sản sung công. Người được sai phái không kiểm xét ra cũng chịu tội như thế. Ai tố cáo đúng sự thật thì được thưởng 300 quan. Đến giữa năm ấy lại chuẩn định từ nay thuyền buôn của người Thanh nếu chở tới bốn thứ sắt, gang, kẽm, lưu huỳnh thì chính quyền mua hết, lại theo số hàng nhiều ít để định cấp bậc mà chước tha thuế cảng và cho đong gạo chở về nước nhiều ít khác nhau (Phàm bốn thứ ấy chở được 10 vạn cân là hạng nhất, miễn thuế cảng, cho chở gạo về 30 vạn cân, chở được 6 vạn cân là hạng nhì, cho chở gạo về 22 vạn cân, chở được 4 vạn cân thì cho chở gạo về 15 vạn cân, thuyền nào không đủ số trên thì cứ 100 cân hàng được chở gạo về 300 cân, thuế cảng vẫn nộp như thường).
Năm 1790 cấm thuyền buôn không được đi qua các đạo thủ Quang Hóa, Tuyên Uy, Thông Bình (ở Tây Ninh và khu vực Mộc Hóa, Long An hiện nay) để sang buôn ở Chân Lạp. Thủ ngự sở tại ai dám ăn hối lộ tự tiện cho qua thì xử theo quân pháp. Năm 1791, sứ bộ Chân Lạp do Ốc nha Tha La Ma và Ốc nha Sa Thi Chân Lạp dẫn đầu qua Việt Nam lợi dụng hộ chiếu ngoại giao buôn bán, đem theo 14 thuyền và hơn 170 người. Dinh thần Vĩnh Trấn báo lên. Nguyễn Ánh sai dẫn hết về Gia Định bái yết. Khi trở về, ban cho rất hậu nhưng sau đó sắc cho đạo Tân Châu “Từ nay có sứ Chân Lạp đến thì chỉ cho hai chiếc thuyền chở Chánh Phó sứ theo sông Tiền Giang tiến vào, còn bao nhiêu thì lưu hết ở thủ sở. Như có muốn sang buôn bán thì cho theo sông Hậu Giang ở Châu Đốc mà đi, không được trái vượt”.
Năm 1795 chuẩn định thuyền buôn đi Phnom Penh, Long Xuyên, Kiên Giang, Hà Tiên, Chantaboun buôn bán thì do Lại bộ Nguyễn Bảo Trí cấp bằng đóng dấu triện Thông hành thủ tín để phòng sự giả mạo.
Năm 1796 định lệ thuế cảng và lễ cho thuyền buôn của người Thanh, cũng quy định “Phàm hàng hóa trên thuyền nếu có vật gì quan hệ đến binh dụng như chì, sắt, đồng, diêm tiêu, lưu hoàng thì nộp cho quan, trả tiền đúng giá, nếu mua bán riêng thì có tội”.
Năm 1796 chuẩn định lệ thuế đối với thuyền buôn người Trung Quốc, người Anh mua ngà voi, sừng tê, đậu khấu, sa nhân (Tào vụ chiếu theo số cân và giá khai của người Minh Hương, cứ giá mua 100 quan thì chiết thu 5 quan tiền thuế). Cần lưu ý rằng mặt hàng sừ
ng tê bị cấm năm 1789 đến lúc này đã được xuất khẩu, và cơ quan Tào vụ chỉ dựa vào bảng báo giá của người Minh Hương để thu thuế, điều này ít nhiều cho thấy vai trò của bộ phận thương nhân người Hoa trong hoạt động quản lý ngoại thương của chính quyền Gia Định.
Năm 1797 chuẩn định thuyền buôn Xiêm qua buôn bán, hạng thuyền lớn phải chở 30.000 cân sắt, hạng trung 20.000 cân, hạng nhỏ 10.000 trở lên, còn diêm tiêu thì không kỳ nhiều ít, đều nộp vào quan, theo giá trả tiền rồi mới cho mua các thứ sản vật thổ nghi như tơ vải, nếu không thì cấm không cho mua.
Nhìn chung đó là một đường lối ngoại thương mở cửa ít nhiều có những tác động tốt tới sự phát triển của thương cảng Sài Gòn. Felippe do Rosario tức Philipphê Bỉnh, một giáo sĩ dòng Tên người Việt Nam đương thời từng ghi nhận trong Truyện nước An Nam Đàng Ngoài chí Đàng Trong, quyển nhị (Truyện nước An Nam Đàng Trong), tài liệu viết tay bằng chữ quốc ngữ la tinh từ 1822, hiện lưu trữ ở Văn khố Tòa Thánh Vatican – Biblioteca Apostolica Vaticana, tr. 664 – 665 rằng “… Người thành Ma Cao có kính chuộng nhà Nguyễn (chỉ Nguyễn Ánh – CTT.) cũng sang buôn bán, mà đong gạo, cùng mua cá khô nước ngọt, vì hai giống ấy thì trong Đồng Nai dư dật. Lại giống gỗ thơm, ngà voi, hồ tiêu (thiếu vài chữ), lông chim thì lắm… Chẳng những là các tàu Macao chở đầy những gạo, mà lại nhiều tàu Đại Minh (chỉ Trung Quốc) cùng nước khác cũng đến buôn bán”. Tuy nhiên, là một bộ phận của chính sách kinh tế phục vụ chiến tranh, chính sách thương nghiệp của chính quyền Nguyễn Ánh cũng thường xuyên được điều chỉnh nhằm phục vụ các hoạt động quân sự. Chẳng hạn tháng 9 âl. năm 1795 Nguyễn Ánh ra lệnh cấm thuyền buôn nước ngoài thu mua vải lụa, nói với Phạm Văn Nhân “Vải lụa là vật thổ sản của ta, rất cần cho nhân dân, nên để trao đổi với nhau trong nước mà dùng cho đủ, nếu tham lợi mà bán ra nước ngoài thì giá ngày một đắt, khiến rét không có áo, chẳng hóa ra lợi ít mà hại nhiều sao. Từ nay hễ thuyền buôn người Thanh ra khỏi cảng hễ chở tơ sống 5 cân, vải lụa 5 tấm trở lên đều cấm, làm trái thì cho tấn thủ bắt giải trị tội”, thì qua tháng 10 âl. đã có lệnh thu vải trắng của dân trại đồn điền nộp thay thuế để may áo chiến cho quân sĩ (mỗi người nộp một tấm vải trắng trị giá 2 quan 5 tiền, khấu trừ vào tiền thuế năm sau). Hay như Gia Định vốn là nơi xuất khẩu lúa gạo, nhưng đầu năm 1802 do nhu cầu quân lương tăng cao, Nguyễn Ánh sai chở 10.000 phương gạo từ Gia Định tới Thi Nại, lại sắc cho Lưu trấn thần Gia Định sai người đi mua 500 xe thóc ở Xiêm và thu 1.000 xe thóc ở Chân Lạp để chở cấp cho quân.
Hoạt động ngoại thương của chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định thời gian 1788 – 1802
Ngoài việc quản lý xuất nhập khẩu, cuối thế kỷ XVIII chính quyền Nguyễn Ánh cũng tiến hành một số hoạt động mang tính chất độc quyền nhà nước về ngoại thương, đặc biệt là đối với một số mặt hàng được nước ngoài ưa chuộng. Có lẽ chính quyền cũng trực tiếp đứng ra mua bán những hàng hóa quý hiếm loại ngà voi, sừng tê, đậu khấu, sa nhân, yến sào, trầm hương… nhưng sử sách chỉ ghi họ kinh doanh một số mặt hàng dễ bán mà cũng dễ thu gom như thóc gạo, đường cát. Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ chép năm 1789 sai dinh Trấn Biên đặt mua đường cát, mỗi năm lấy 10 vạn cân làm hạn, cứ số đường 100 cân thì phát trước tiền công cho 10 quan. Đến ngày nộp đường cho nhà nước thì theo giá chợ mà cấp thêm, để sẵn mà đổi cho người Tây Dương lấy binh khí. Đến 1796 lại đặt mua đường cát ở Trấn Biên, cứ 100 cân đường giá 9 quan. Dụ quan công đường rằng “Đường cát dùng để đổi mua binh khí, đang cần, không bắt sản xuất không được, cho nên phải phát vốn trước để trưng mua. Thế là công tư đều lợi, không phải vét lợi của dân mà làm lợi cho nhà nước đâu. Nên thông dụ cho các đường hộ biết”. Cần lưu ý rằng so với 1789 thì giá đường năm 1796 đã giảm ít nhất là 10%.
Đặc biệt, chính quyền Gia Định còn có một hệ thống trực tiếp làm việc mua bán với nước ngoài trực thuộc Nội viện. Bộ phận này được tổ chức thế nào thì những tài liệu hiện có đều không nói rõ, tuy nhiên nhân viên Nội viện của chính quyền Gia Định hoạt động khá sôi động, gần như năm nào cũng ra nước ngoài mua hàng hóa. Theo tên họ chép trong Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ có thể thấy phần đông nhân viên thuộc bộ phận này là người Hoa: Trịnh Tân Tài, Chu Văn Quan, Trần Thụy Quan, Chu Văn Yên, Trần Vũ Khách, Tăng Quang Lư, Dư Hải Quan, tóm lại là một loại “quan thương” (thương nhân của chính quyền). Song mặc dù năm nào cũng được phái đi công cán khắp vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Quảng Đông, Indonésia, Goa, Malacca, Malaysia… để mua hàng hóa, súng đạn, sách vở, những người này lại hoàn toàn không được kể tên trong mục Chư thần liệt truyện của bộ Đại Nam Chính biên Liệt truyện sơ tập. Cho nên có lẽ họ không thuộc biên chế chính thức của chính quyền mà chủ yếu là những thương nhân lớn có vốn liếng nhiều, quan hệ rộng được trưng tập nhất thời để thực hiện một số thương vụ ít nhiều mang tính chất bí mật của chính quyền hay phục vụ sinh hoạt riêng của hoàng gia. Sau đây là một số chuyến xuất dương mua hàng cho chính quyền tr
ong đó chủ yếu là nhân viên Nội viện thực hiện được ghi lại trong Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ:
Năm 1788 sai Nội viện Trịnh Tân Tài và Chu Văn Quan đi Singapore tìm mua súng đạn và lưu hoàng, diêm tiêu để dùng vào việc binh.
Năm 1789 sai Nội viện là Trần Thụy Quan và Chu Văn Yên sang Quảng Đông mua hàng hóa.
Năm 1790 sai Nội viện Trần Vũ Khách đi Jakarta (Indonésia) tìm mua đồ binh khí.
Năm 1793 sai Cai đội Quàng Nói Vè, Đội trưởng Ba Đơ Chê (đều là người Tây) sang Goa và Malacca tìm mua binh khí.
Năm 1796 sai bọn Nội viện Chu Văn Yên sang Trung Quốc mua sách và hàng hóa, cuối năm ấy lại sai Cai đội Ba Lang Hy và Ba La Di đi Singapore mua binh khí.
Năm 1797 sai bọn Nội viện Tăng Quang Lư sang Johore (phía nam bán đảo Malaysia) tìm mua binh khí.
Năm 1798 sai Cai phủ tào Chính dinh Dư Hải Quan đi Singapore tìm mua binh khí, cũng năm ấy lại sai Khâm sai Thuộc nội Vệ úy Olivier đem thuyền Thanh tước đi Singapore tìm mua binh khí.
Năm 1796, thấy Nguyễn Ánh ban cho Tiền quân Tôn Thất Hội “ba cây gấm hoa nho sóc”, motif nho sóc này là của phương Tây, theo đó đủ biết trong những lần đi mua hàng hóa ở nước ngoài, Nội viện của Nguyễn Ánh cũng kết hợp mua một số mặt hàng tiêu dùng “cao cấp”.
Chính sách thuế má của chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định thời gian 1788 – 1802
Giống như thời Đàng Trong, hệ thống thuế má của chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định thời gian 1788 – 1802 cũng gồm hai loại là chính cung (các loại thuế đánh vào nông nghiệp, thủ công nghiệp, khai thác nguồn lợi tự nhiên, thương nghiệp, dịch vụ và thuế thân…) và thị nạp (tức các món thóc gạo, đồng thiếc, mây gỗ, hạt cau… không thuộc thuế chính cung nhưng dân phải nộp) đồng thời cũng gồm hai hình thức là thuế hiện vật và thuế tiền mặt. Tuy nhiên khác với thời Đàng Trong, đây là một chính sách thuế má tận thu, vơ vét tất cả những gì có thể vơ vét được, khiến trong thực tế đại bộ phận nhân dân cho dù có điền sản cũng chỉ là một loại người làm công cho chính quyền.
Năm 1789 định lệ thuế cho các ty biệt nạp về trừu nam, lĩnh mộc, lĩnh thâm của Nội viện (trừu nam mỗi năm thu mỗi người 1 tấm dài 30 thước quan đồng, khổ 7 tấc, nặng 1 cân, lĩnh mộc mỗi người 1 tấm dài 22 thước, khổ 7 tấc, nặng 6 lạng, lĩnh thâm mỗi người 1 tấm dài 20 thước, khổ 7 tấc, thuế sai dư mỗi người nộp 1 quan 1 tiền). Nhưng năm 1796, lúc quân Nguyễn đang ráo riết đánh ra miền Trung, quân phí tăng lên, chính quyền Gia Định lại đổi định lại lệ thuế sai dư của dân biệt nạp, đổi định mỗi người đều 3 quan.
Đầu 1790 định lệ thuế thuyền nghề cá (thuyền trong lòng rộng 6 thước trở lên là hạng nhất, tiền thuế 10 quan, 5 thước trở lên là hạng nhì, tiền thuế 7 quan 5 tiền, 3 – 4 thước trở lên là hạng ba, tiền thuế 5 quan).
Cuối 1790 sai Cai cơ Thuận Thành Nguyễn Văn Hào quản ba sách Man là Chử Châu, Trà Dương Đại, Trà Dương Tiểu để thu nộp thuế hương (trầm hương, kỳ nam). Cũng năm này định lệ phụ thu về thuế ruộng, cứ 1 hộc thóc thuế thì phụ hao thêm 1 thưng (10%).
Năm 1796 định lệ thuế cảng và lễ cho thuyền buôn của người Thanh, “thuyền Hải Nam tiền thuế 650 quan, lễ cho Cai tào sa mặc mát 6 cây, hàng tơ màu 12 tấm, tiền xem
cơm 60 quan, thuyền Triều Châu tiền thuế 1.200 quan, lễ cho Cai tào sa mặc mát 8 cây, hàng tơ màu 15 tấm, tiền xem cơm 80 quan, thuyền Quảng Đông tiền thuế 3.300 quan, lễ cho Cai tào sa mặc mát 12 cây, hàng tơ màu 25 tấm, tiền xem cơm 100 quan, thuyền Phúc Kiến tiền thuế 2.400 quan, lễ cho Cai tào sa mặc mát 10 cây, hàng tơ màu 20 tấm, tiền xem cơm 60 quan, thuyền Thượng Hải tiền thuế 3.300 quan, lễ cho Cai tào sa mặc mát 15 cây, hàng tơ màu 25 tấm, tiền xem cơm 100 quan”. Cần chú ý rằng ngoài khoản tiền thuế chính thức, ở đây còn có những khoản phụ thu lễ cho Cai tào, tiền xem cơm…, xem ra Nguyễn Ánh cũng muốn trút một phần gánh nặng lương bổng cho quan lại của mình lên lưng các thương nhân nước ngoài.
Năm 1796 định điều lệ nấu rượu, phàm lò nấu rượu bất kể lớn nhỏ thế nào hay sản xuất bao nhiêu, cứ mỗi lò một năm phải nộp 200 quan tiền thuế, các quan văn võ cấp thấp từ Cai đội, Đội trưởng, Câu kê, Cai hợp xuống tới quân dân đều được lãnh nấu, nhưng phải nộp tiền thuế trước mới được cấp bằng đóng dấu triện Dữ dân đồng lợi. Ở đây có một sự trùng hợp đáng lưu ý, là cuối thế kỷ XIX chính quyền thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ cũng dùng đúng cách thức thu thuế trước cấp giấy phép sau này. Gia Định báo số 48 ra ngày 30. 12. 1882 có đăng tải một thông báo của chính quyền thuộc địa ngày 25. 11. 1882 về việc đăng ký bán rượu gạo nhan đề Cuộc rượu nếp, nội dung như sau “Những người muốn lãnh bảng lập tiệm bán rượu lớn trong kỳ ba tháng đầu năm 1883, đều phải làm đơn do nơi các người hay tiệm trữ, gởi cho trường quan thuế trước ngày mồng 10. 12. Ai lãnh được thì đóng thuế trước ngày 31. 12. Những bảng các tiệm bán rượu lẻ, cùng là những bảng các người đi bán dạo trong kỳ ba tháng đầu năm 1883, sẽ cấp phát từ ngày mồng 10 cho tới ngày 25. 12. Các người bán tiệm nhánh bây giờ, muốn lãnh giấy mới, thì phải giao giấy cũ, cùng phải đóng thuế trước. Về các tiệm mới cũng có lẽ phát giấy riêng cho”. Chưa rõ vào thế kỷ XVIII chính quyền Pháp có thi hành biện pháp này không, nhưng năm 1819, Chaigneau và Vannier từng nói với một người Anh tới Huế rằng Pigneau đã dịch nhiều đoạn của bộ Larousse và nhiều sách khác về hành chính của Pháp cho Nguyễn Ánh đọc.
Đặc biệt, Nguyễn Ánh còn thực hiện một biện pháp khá hiệu quả là thu thuế trước, chẳng hạn cuối 1794 sai bốn dinh ở Gia Định và dinh Bình Khang thu trước tô thuế của năm Ất mão 1795, cuối 1795 sai thu vải trắng của dân trại đồn điền bốn dinh ở Gia Định để may áo chiến cho quân sĩ (mỗi người nộp một tấm vải trắng trị giá 2 quan 5 tiền, trừ vào tiền thuế năm Bính thìn 1796), lại sai dinh Bình Thuận thu trước tiền thuế sai dư của năm Bính thìn 1796, cuối 1796 sai bốn dinh ở Gia Định thu trước thóc thuế của năm Đinh tỵ 1797, cuối 1798 thu trước thuế tô của năm Kỷ mùi 1799, cuối 1799 sai bốn dinh ở Gia Định và các dinh Bình Khang, Bình Thuận thu thuế trước của năm Canh thân 1800…
Chính sách tiền tệ của chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định thời gian 1788 – 1802
Như đã nói ở trên, cuối thời Đàng Trong nạn đúc trộm tiền giả lan tràn, người đúc trộm tham lời nên pha nhiều chì, đồng tiền lại mỏng dễ bị hư hỏng, tình hình này dẫn tới hậu quả là đến 1788 vùng Nam Bộ thiếu tiền mặt nghiêm trọng. Cho nên năm 1789 chính quyền Nguyễn Ánh ra lệnh cấm chọn tiền (phàm quan thu thuế và chợ búa đổi chác, đồng tiền không kể sứt mẻ, hễ còn có thể xâu lạt được đều cho thông dụng, ai chọn bỏ thì bị tội), chính là để đối phó với tình hình nói trên.
Năm 1796 bắt đầu đúc tiền Gia Hưng thông bảo. Nhưng Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ chép đến 1798 chính quyền Gia Định mới định lệ đúc tiền, cứ 100 cân kẽm đúc thành 35 quan, mỗi quan nặng 1 cân 14 lượng, sai Tri Đồ gia là Cáp Văn Hiếu và Nguyễn Thành Chẩn mộ người Thanh đúc. Gia Định thành thông chí đoạn chép về chợ phố Bến Sỏi có ghi rõ đầu phía tây phố (nay tại số 1 Bến Chương Dương, quận 1) có Chú tiền cục dựng năm 1796. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức cho biết tại Ba Thắc (cù lao xã Lục Sĩ Thành huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long) có lò đúc tiền kẽm của người Hoa. Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong cho biết tại cù lao Cổ Chiên (tức cù lao Lương Hòa tỉnh Trà Vinh) cũng có lò đúc tiền… Vào thời gian kết thúc nội chiến, chính quyền Nguyễn Ánh cần rất nhiều quân phí, nên việc phát hành một loại tiền mới như thế rõ ràng là chấp nhận lạm phát cục bộ để thu mua lương thực, hàng tiêu dùng và binh khí cho quân đội. Đáng nói là triều Tây Sơn chỉ đúc bốn hiệu tiền là Thái Đức thông bảo (có 3 loại Thái Đức thông bảo mặt sau trơn, Thái Đức thông bảo kích thước nhỏ, vành to, chữ nhỏ, mặt sau trơn, Thái Đức thông bảo mặt sau có chữ “vạn tuế”), Quang Trung thông bảo (có 6 loại Quang Trung thông bảo mặt sau trơn, Quang Trung thông bảo kích thước nhỏ, vành to, chữ nhỏ, mặt sau trơn, Quang Trung thông bảo mặt sau có chữ “nhất”, “nhị”, “công”, Quang Trung thông bảo mặt sau có bốn hoa văn hình vành khăn trở ra hoặc trở vào, Quang Trung đại bảo với chữ “bảo” viết tắt, Quang Trung thông bảo đúc vội, hư khuôn nhưng lại tuồn ra thị trường. Hai loại sau rất ít gặp), Cảnh Thịnh thông b
ảo (Cảnh Thịnh thông bảo mặt sau trơn, Cảnh Thịnh thông bảo kích thước nhỏ, vành to, chữ nhỏ, mặt sau trơn. Ngoài ra Nguyễn Quang Toản còn đúc đồng Cảnh Thịnh thông bảo dùng để thưởng, mặt sau có hình rồng mây), Bảo Hưng thông bảo và chỉ đúc toàn tiền đồng (đồng thau hoặc hợp kim đồng thau), nhưng trong thực tế có tiền Thái Đức thông bảo và Cảnh Thịnh thông bảo bằng kẽm với nhiều điểm tương tự tiền Gia Hưng thông bảo. Các loại tiền kẽm Tây Sơn thường lẫn lộn với tiền kẽm Đàng Trong, hay gặp ở Nam Bộ. Do đó có nhà sưu tập nghi ngờ những đồng tiền này là do Nguyễn Ánh đúc giả. Đáng chú ý là trong thời gian Nguyễn Nhạc đúc tiền Thái Đức (1775 – 1793) thì Tây Sơn còn quyền lực tại Nam Bộ, nhưng khi Nguyễn Huệ đúc tiền Quang Trung (1788 – 1792) và Nguyễn Quang Toản đúc tiền Cảnh Thịnh (1792 – 1800) thì quyền lực Tây Sơn chỉ còn có ở vùng Trung Bắc, nhưng các loại tiền này vẫn được đưa vào Nam Bộ, sử dụng chung với tiền thời các chúa Nguyễn.
Năm 1802, Gia Long diệt nhà Tây Sơn, sau đó triều Nguyễn nhiều lần ra lệnh tiêu hủy tiền Tây Sơn, thống nhất tiền tệ, nhưng lệnh này không được thi hành triệt để, do đó đến đầu thế kỷ XX tiền Tây Sơn vẫn còn lưu hành trong dân gian.
Chính sách thủ công nghiệp của chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định thời gian 1788 – 1802
Nhìn chung về thủ công nghiệp thì chính sách của chính quyền Nguyễn Ánh cũng theo đường lối tận dụng nhân lực và cưỡng bức nhân công, đại thể bao gồm hai nội dung: một là tập trung thợ khéo thuộc các nghề nghiệp có thể phục vụ quân sự như thợ rèn, thợ súng, thợ bạc vào các ty cục để trực tiếp chế tác phục vụ chính quyền, hai là ra sức tận thu nguồn hàng hóa là sản phẩm thủ công nghiệp như vải lụa, dầu tràm, dầu rái, buồm lá để đáp ứng nhu cầu của quân đội. Một số ngành nghề khai thác nguồn lợi tự nhiên cũng bị tận dụng theo đường hướng này, chẳng hạn các đội Tân sài (lấy củi), nậu dây mây, nậu sáp ong vân vân thường được tổ chức theo kiểu biệt nạp, có lẽ chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của triều đình và hoàng gia.
Năm 1790 ra lệnh cho hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn mộ người lập các nậu biệt nạp (Nậu dầu rái mỗi người mỗi năm nộp 8 vò. Nậu dầu tràm mỗi người nộp 800 cân, đèn nến lớn mỗi người nộp 1 cây dài 4 thước, lưng tròn 1 thước 2 tấc, nến nhỏ 40 cây. Nậu mây sắt mây nước, mỗi người nộp 14.000 sợi, mỗi sợi dài 7 thước, bề ngang 3 phân. Nậu lá buôn mỗi người nộp 4.000 lá. Nậu buồm lá mỗi người nộp 80 bó, thuế thân thì nộp theo lệ thường, dao dịch đều miễn).
Năm 1793 định thuế chiếu cho các dinh Phiên Trấn và Vĩnh Trấn (thôn Tân Cơ ở Phiên Trấn, thôn An Tịch ở Vĩnh Trấn mỗi năm phải nộp chiếu các hạng 185 đôi).
Cuối năm 1791, sai Tri Đồ gia là bọn Phan Văn Tào, Trịnh Phúc Thường, Nguyễn Quang Diệu kén chọn trong 62 ty các cục tượng lấy những người tinh xảo bổ làm các chức Cai đội, Cai quan, Ty quan, Thủ hợp thứ bực khác nhau (Chính dinh: Ty thợ mộc, Ty thợ làm nhà, Ty thợ chạm bạc giỏi ở Nội viện, Ty thợ chão, Ty thợ tiện nội, Ty thợ cưa, Ty thợ bạc nội, Ty thợ bạc ở cơ Tả trung, Ty thợ bạc ở cơ Hữu trung, Ty thợ đúc, Ty thợ may nội, Ty thợ thêu nội, Ty thợ sơn nội, Ty thợ sơn, Ty thợ nhuộm nội, Ty thợ khắc ty (dệt hoa), Ty thợ vẽ, Ty thợ lọng nội, Ty thợ the, Ty thợ giày nội, Ty thợ thếp vàng ở Nội viện, Ty muội đèn thuộc Đồ gia. Dinh Vĩnh Trấn: Ty thợ mộc, đội xẻ ván nhất, đội xẻ ván nhị, Ty thợ rèn, Ty thợ sơn, Ty thợ nhuộm. Dinh Phiên Trấn: Ty thợ súng, Ty thợ Mậu tài (làm dây thép, dây đồng, kim khâu), Ty thợ đúc, Ty thợ đúc mới, Ty thợ sơn, Ty thợ nhuộm, Ty thợ giày ngoại, Ty thợ tiện, Ty thợ đắp tượng, Ty thợ thiếc, Ty thợ lược, Ty thợ mài, Ty thợ đồ ngựa, Ty thợ bút, Ty thợ gương, Ty thợ khắc chữ, Ty thợ mành, Ty thợ đồi mồi, Ty thợ lồng đèn, Ty thợ ngói mộc, Ty thợ ngõa, Ty thợ lò gạch, Ty thợ lò vôi, Ty thợ lò chạm, hai Ty thợ giấy sắc, Ty thợ giấy. Dinh Trấn Biên: Ty thợ bạc, Ty thợ đúc, Ty thợ nhuộm, Ty trường sắt, nghề trường sắt, xã trường sắt, phường thợ sắt, Ty thợ sắt). Cần lưu ý rằng trong các ty cục nói trên thì Chính dinh và dinh Phiên Trấn có nhiều hơn cả, rõ ràng từ cuối thế kỷ XVIII Sài Gòn đã trở thành trung tâm thủ công nghiệp của toàn vùng Nam Bộ.
Quy chế làm việc của các ty cục thuộc Đồ gia này được xây dựng khá sớm, từ 1790 đã có lệnh sai thợ rèn, thợ súng, thợ bạc phàm thuộc về Đồ gia thì chia làm hai phiên, thuộc về bốn dinh thì chia làm bốn phiên, mỗi tháng đổi phiên một lần. Đến cuối 1799 do nhu cầu quân sự gia tăng, Nguyễn Ánh lại sai trưng dụng thợ đúc thợ bạc ở các dinh Phú Yên, Bình Khang và Bình Thuận hợp cả về Gia Định để đúc súng ống và binh khí.
Chính sách dân tộc – tôn giáo của chính quyền Nguyễn Ánh thời gian 1788 – 1802
Trên đường hướng ổn định xã hội để tập trung các lực lượng vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống Tây Sơn, vào cuối thế kỷ XVIII chính quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định có một chính sách dân tộc – tôn giáo khá cởi mở. Quân đội Nguyễn Ánh có đủ người Hoa, người Khmer, người Xiêm bên cạnh người Việt, chính quyền Gia Định thì dung nạp tất cả các tôn giáo kể cả đạo Thiên chúa tới từ phương Tây. Việc quản lý theo tôn giáo và dân tộc do đó vẫn được đặt ra nhưng chủ yếu để đáp ứng nhu cầu phục vụ chiến tranh chứ không phải do phân biệt đối xử. Nhìn từ khía cạnh xã hội, điều này duy trì truyền thống hòa hợp giữa các nhóm cư dân có nguồn gốc dân tộc – tôn giáo khác nhau ở Nam Bộ trong đó có Gia Định cuối thế kỷ XVIII, tạo điều kiện thuận lợi cho họ bước vào chặng tiếp theo của quá trình thống nhất đất nước sau 1802.
Chính sách dân tộc thể hiện rất rõ qua bộ máy hành chính các địa phương. Năm 1789, sai Già Tri Giáp (người Chân Lạp) coi phủ Ba Thắc. Sử chép Nguyễn Ánh thấy dân Man khi phục khi phản, khó có người cai trị ngăn giữ mà Giáp vốn được quan liêu Phiên tôn phục, nên đặc cách có mệnh ấy. Cuối 1789 Giáp về Phnom Penh, các tù trưởng phản nghịch lại nổi dậy. Ánh sai Tôn Thất Hội và Nguyễn Văn Trương đem binh thuyền trấn áp dẹp yên, năm 1790 lấy Ốc nha Kê (người Chân Lạp) làm Ốc nha nhâm lịch coi phủ Ba Thắc, thu thuế hoa chi (thuế sòng bạc) của người Thanh, cho theo đạo Trấn Di chịu sai phái. Năm 1789 lấy Ốc nha Chích (người Chân Lạp) làm An phủ Trà Vinh. Năm 1791 lấy Ốc nha La (người Chân Lạp) làm An phủ Ba Thắc, cai quản người Khmer, Lâm Ngũ Quan làm Tổng phủ, cai quản người Thanh, Trương Vĩnh Quan làm Đồng khấu cai quản ruộng và nại muối, Lư Việt Quan làm Tổng phủ Trà Vinh, cai quản người Thanh. Sắc Phó tướng Hậu quân Nguyễn Văn Thư và Hàn lâm viện Tham luận Trương Tiến Lộc trông coi các việc thuế khóa kiện tụng ở hai phủ. Việc áp dụng xen kẽ chế độ thổ quan (quan lại là người địa phương) và lưu quan (quan lại do chính quyền trung ương điều động tới) đối với vùng dân tộc ít người như vậy cũng được thực hiện ở khu vực Nam Trung Bộ với trấn Thuận Thành của người Chăm.
Năm 1790, Nguyễn Ánh ra lệnh cho các tổng xã thôn phường bốn dinh, phàm tăng ni đạo đồng các chùa chiền đều phải ghi vào sổ, do quan công đường phụng nộp để biết rõ số nhiều ít. Đến 1798, có nhà sư tên Cao phạm tội, Ánh muốn giết ngay, có kẻ nói sư là người chân tu, Ánh nói “Có chân tu đi nữa thì ích gì cho nước?”. Rồi sai các dinh thần xét hết những chùa trong hạt, từ hòa thượng cho đến đạo đồng phải ghi hết số người vào sổ để dâng, rồi sai Lại bộ truyền rằng phàm tăng đồ tuổi từ 50 trở lên thì vẫn miễn dao dịch, chưa đến 50 thì phải chịu dao dịch như dân, kẻ nào trốn lánh thì bắt tội. Các quan bàn ra nói vào, nên Ánh còn chưa quyết. Lễ bộ Ngô Tòng Châu nói với Đông cung Cảnh “Nhà vua bài trừ đạo Phật ấy là việc rất hay, bầy tôi không biết tán thành lại còn rườm lời. Tôi sợ việc này mà nửa chừng bỏ thì kẻ kia lại ngông cuồng hơn trước. Tôi không ghét riêng gì nhà sư, nhưng mối hại của Phật Lão còn quá hơn Dương Mặc, không thể không nói được”. Cảnh nói “Phải đấy”. Tòng Châu liền dâng sớ chỉ trích mối tệ của nhà sư, Nguyễn Ánh bèn quyết ý. Dĩ nhiên Nguyễn Ánh không “bài trừ đạo Phật” – Ánh từng gọi một thanh gươm của mình là “gươm quy y” với ý nghĩa là cúng cho Phật để “giới sát”, đầu năm 1802 còn lập đàn chay ở chùa Thiên Mụ tế Võ Tánh, Ngô Tòng Châu và các tướng sĩ chết trận, vợ Ánh là bà Thừa Thiên Cao hoàng hậu (mẹ hoàng tử Cảnh) cũng thờ Phật, từng cúng tiền sửa chùa Thiên Trường, Nguyễn Phước Đảm em hoàng tử Cảnh sau khi trở thành Minh Mạng thì năm 1822 cũng cho dựng chùa Khải Tường ở thôn Tân Lộc Sài Gòn để kỷ niệm nơi mình sinh ra. Có điều Ngô Tòng Châu nói như thế là còn có ý khác, nên không phải ngẫu nhiên mà sau khi chép lại câu chuyện trên, sử thần triều Nguyễn còn thêm một câu “Bá Đa Lộc nghe Tòng Châu bài xích tả đạo, trong lòng cũng ghét”, chứ thật ra với câu “Có chân tu đi nữa thì ích gì cho nước?”, Nguyễn Ánh đã thể hiện một lối tư duy rất thực dụng đối với tôn giáo – khía cạnh “có ích” mới là cái chủ yếu khiến ông vua “đã trung hưng lại khai sáng” của triều Nguyễn này coi trọng, bất kể đó là Jésus hay Thích Ca…
Theo Cao Tự Thanh, Một trăm câu hỏi đáp về lịch sử Sài Gòn trước 1802, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2007
[ https://trucnhatphi.wordpress.com/2008/05/29/gia-d%e1%bb%8bnh-tr%c6%b0%e1%bb%9bc-1802-chinh-quy%e1%bb%81n-c%e1%bb%a7a-nguy%e1%bb%85n-anh-2/ ]
Last updated
Was this helpful?