Thất Phủ Cổ Miếu- Chùa Ông Cù Lao Phố, Biên Hoà.
Theo thư tịch cổ, trước khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định vào năm 1698 thì trước đó 19 năm, Đô đốc Trần Thượng Xuyên vâng lệnh Chúa Nguyễn đã đem quân bản bộ vào kinh dinh xứ Bàng Lân năm 1679 (Biên Hoà ngày nay).
Thưở ấy, tại một cù lao lớn trên sông xứ Bàng Lân (Nông nại đại phố- nay là cù lao Phố), tổng binh họ Trần đã cho khai thác trên quy mô lớn; mở mang đất đai, lập thành phố chợ, xây dựng đường sá, cầu đò, bến cảng, kho bãi, tửu điếm, khách sạn…Kêu gọi thương nhân Trung Hoa, người Tây, người Nhật, người Chà Và…các nơi đến mua bán giao thương. Chẳng bao lâu, dưới sự quản lý, tổ chức linh hoạt; đô đốc Trần Thượng Xuyên cùng các lưu dân, đã biến vùng đất hoang sơ trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Đồng Nai, Gia Định.
Lưu dân người Hoa đi tới đâu, họ cũng mang theo tín ngưỡng thờ Quan Công và xem Quan Công là một trong ba vị thần tối thượng (cùng với Ma Tổ và Phúc Đức Chánh Thần) trong đời sống tinh thần của họ. Sau khi ổn định ở vùng đất mới; Họ cùng nhau tạo dựng Miếu Quan Công. 1- Xây dựng – tái thiết, trùng tu:
Theo tài liệu của Ban Trị sự Thất Phủ Cổ Miếu, cơ sở tín ngưỡng này được xây dựng, trùng tu, tái thiết… qua nhiều thời kỳ:
1/ Xây dựng năm Giáp Tý 1684
2/ Trùng tu năm Quý Hợi 1743 (lần 1)
3/ Đại trùng tu năm Đinh Sửu 1817 (lần thứ 2)
4/Trùng tu năm Mậu Thìn 1868 (lần 3)
5/Trùng tu năm Giáp Ngọ 1894 (lần 4)
Sau đó trùng tu Quan Âm Các (phía sau miếu) năm 1927, tiếp sau là các đợt tu sửa nhỏ, trang trí nội thất nhiều lần 1944, 1947…
Từ sau năm 1975 đến trước năm 2005, Thất phủ cổ miếu gần như không được tu sửa gì lớn, nếu có thì chỉ xử lý mối mọt, sơn mới tường, tượng thờ, bao lam, hoành phi, liễn đối với nguồn kinh phí không đáng kể.
Đến năm 2005-2006 Quan Âm Các được xây dựng mới toàn bộ theo kiến trúc truyền thống của người Trung Hoa.
6/Đại trùng tu năm Mậu tý 2008 (lần 5)
Ban Trị sự Thất phủ cổ miếu và bốn bang người Hoa Biên Hoà tiến hành đại trùng tu toàn bộ ngôi Miếu, với kinh phí trên 9 tỷ đồng (thời giá năm 2008) do cộng đồng người Hoa và người Việt ở Biên Hoà- Đồng Nai, Sài Gòn, Bình Dương cùng các tỉnh thành lân cận và cả một số người Hoa ở Hà Nội, các tỉnh phía Bắc cùng đóng góp.
Thất phủ cổ miếu ngày nay toạ lạc trên một thế đất đẹp phía tả ngạn sông Đồng nai; rộng gần 3.000m2, được ngăn cách với bên ngoài bởi vòng tường gạch; Có 4 con lân đá cổ (*) ngồi chầu ở 4 góc, Mặt tiền miếu hướng tây nam nhìn ra sông lớn, trước cổng tam quan có cây si cổ sum suê toả bóng mát, gió lộng, nước trong xanh, bốn mùa mát rượi. Tất cả đã tạo cho ngôi miếu một quang cảnh thoáng mát, nên thơ những cũng thật thâm u. Ngôi miếu là chứng nhân lịch sử, gợi nhớ về thuở mở cõi, khai thác, chiến đấu, gìn giữ, tôn tạo… hơn 300 năm của tiền nhân ./.
(còn tiếp)
Nguồn:
1- Gia định thành thông chí
2-Tài liệu Ban trị sự thất phủ cổ miếu
3-Tài liệu và hình ảnh từ Internet.
https://bienhoadauyeu.blogspot.com/2023/11/mieu-quan-e-tran-bien-that-phu-co-mieu.html?spref=fb
Last updated
Was this helpful?