Tòa nhà đốc phủ Thanh & giai thoại
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Tòa nhà đốc phủ Thanh
Cái tên Võ Hà Thuật gắn với tên thân sinh của ông là đốc phủ sứ Võ Hà Thanh, lại khiến tôi nhớ đến một di tích kiến trúc nổi tiếng: Tòa nhà của Đốc phủ Thanh.
Thông tin về ông và tòa nhà như sau:
Võ Hà Thanh sinh năm 1876 xuất thân từ một gia đình nghèo ở Quảng Ngãi, theo cha vào Biên Hòa từ khi còn nhỏ. Sinh thời, ông làm đủ mọi nghề để sinh sống: làm thuê, mở hầm khai thác đá, làm nghề xây dựng, lập đồn điền cao su… và dần dần trở nên giàu có, trở thành chủ đồn điền lớn của Tỉnh Biên Hòa, trở thành đốc phủ sứ và được chính phủ Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ đẳng.
Tòa nhà được xây dựng năm 1922, hoàn thành năm 1924, có cấu trúc tương tự tòa bố Biên Hòa và là tư gia lớn nhất tỉnh Biên Hòa thời bấy giờ, với vật liệu xây dựng toàn bộ đặt mua từ Pháp được chở về bằng tàu biển.
Năm 1996, bộ phim nổi tiếng một thời Người đẹp Tây đô đã chọn ngôi nhà này làm bối cảnh chính để quay (nhà ông phú hộ).
Những ngày đầu năm 2011, tôi đi tìm về ngôi nhà lừng lẫy một thời này để tìm hiểu và chụp ảnh.
Những thông tin về tòa nhà của đốc phủ Thanh từ ngành du lịch Đồng Nai ở trên hóa ra chỉ đơn giản có thế, và không đủ để tìm ra ngôi nhà của ông. Tòa nhà không được coi là di tích, cũng không được coi là điểm tham quan. Vì thế không có bảng hướng dẫn, không có người chỉ đường...
Tôi đi lần dò theo con đường mòn dọc bờ sông, qua cái chợ nhỏ, những căn nhà lụp xụp... rồi cuối cùng cũng tìm ra.
Với hình dung trong đầu là "ngôi biệt thự lớn nhất Biên Hòa", suýt nữa tôi đã lầm nhà đốc phủ Thanh với tòa nhà kế bên, một biệt thư nguy nga tráng lệ. Còn nhà đốc phủ Thanh, im lìm hoang sơ như một ngôi miếu cổ...
Có lẽ đầu thế kỷ trước nó là tòa dinh cơ sang trọng bậc nhất, nhưng giờ đây nhìn từ bên ngoài nó buồn thiu, bé nhỏ... và không đáng là gì cả so với ngôi biệt thư kế bên (là tư gia của một cán bộ ngân hàng tỉnh Đồng Nai).
Tôi hỏi chuyện người quét lá trước cổng ngôi biệt thư bên cạnh. Ông là người làm bên tòa nhà đốc phủ Thanh hồi trước 1975.
Tôi không tin là ông nói đúng sự thật 100%. Ông nói rằng đốc phủ Thanh là người tàn ác, ngôi nhà xây trên xương máu của dân, nên bây giờ bị báo oán. Đêm đêm ngôi nhà lập lòe ánh lửa ma trơi...
Sau năm 1975, con cháu của đốc phủ Thanh đã đi nước ngoài cả, và nhà nước đã trưng dụng ngôi nhà này làm nhà trẻ một thời gian.
Vậy bây giờ ai ở đó?
Một người là con cháu của ông, tham gia cách mạng, được giao lại nhà.
Nghe nói là gia đình có khó khăn, muốn bán nhà và đất nhưng... nhà nước không cho! (??)
Người quét lá nói rằng do ngôi nhà giống ngôi nhà ma nên được lấy làm bối cảnh quay bộ phim vừa ra mắt là Bóng ma học đường (tôi chưa xem phim này nên không biết có đúng không, các bạn nào đã xem phim thì xem thử những hình này có giống không nhé).
Ba phần tư thế kỷ đã trôi qua, đốc phủ Thanh về cõi vĩnh hằng hơn nửa thế kỷ rồi.
Ông là người tốt hay người xấu, thời gian sẽ trả lời hoặc chôn vùi luôn câu trả lời.
Ở cái làng quê nhỏ bé này người ta đã quên ông. Ngôi nhà bề thế ngày nào giờ trở nên nhỏ bé so với những tòa biệt thự hiện đại.
Ở đây người ta cũng không biết con ông, cư sĩ Võ Hà Thuật tức Đại đức Lão Tâm đã hiến cả đời mình cho tu nghiệp, dựng nên một Tổ đình Bửu Long cho những đời sau.
Một dòng họ lẫy lừng đã đi qua.
Lá vẫn rụng, bay bay. Cuốn theo chiều gió.
Dòng sông Đồng Nai trước ngôi nhà đốc phủ Thanh vẫn buồn buồn, lặng lẽ trôi...
Như thời gian vẫn trôi.
Qua đi, qua đi...
-Phạm Hoài Nhân-
....
‘Nhà lầu ông Phủ’, ẩn mình trong hoang phế - Nơi lưu dấu của một dòng họ nức tiếng
Tòa nhà khởi công xây dựng năm 1922, hoàn thành năm 1924, có cấu trúc tương tự tòa bố hành chính Biên Hòa (cơ quan làm việc của chế độ thuộc địa Pháp). Tòa nhà xây theo kiểu kiến trúc phương Tây, nhưng lại nằm vị trí đắc địa theo thuyết phong thủy phương Đông: mặt tiền nhìn ra sông Đồng Nai, mặt hậu dựa lưng vào dãy núi Bình Điện (núi Bửu Long). Toàn bộ trang trí nội thất đặt mua từ Pháp chở về bằng tàu biển. Nhưng vật liệu xây dựng lại được tận dụng từ nguồn có sẳn ở địa phương như: nền và tường ốp trang trí hoa văn bằng đá Bửu Long, lợp ngói và lát gạch của làng gốm Tân Vạn, lò gốm Hóa An.
Theo tư liệu thì ông Võ Hà Thanh nguyên quán tỉnh Quãng Ngãi, xuất thân từ một gia đình nghèo theo gia đình di cư vào Đồng Nai. Sinh thời, ông làm đủ mọi nghề để mưu sinh: mở hầm khai thác đá, lập đồn điền cao su… và dần dần tích cóp của cải, đất đai, trở thành một chủ đồn điền giàu nức tiếng của miền Đông Nam Bộ. Sau đó, chính quyền thuộc địa ban chức đốc phủ sứ, cai quản toàn tỉnh Biên Hòa. Qúa trình cống hiến của ông được chính phủ Pháp ghi nhận bằng tặng thưởng tấm huân chương Bắc đẩu bội tinh đệ ngũ đẳng danh giá.
Theo lời kể một cụ lớn tuổi sống ở Bửu Long hiện giờ thì vào năm 1952, Biên Hòa bị ngập nặng bởi trận "lụt Nhâm Thìn", gần 100 người dân sống quanh chợ Bửu Long phải chạy lên tầng 2 của tòa nhà sống tạm vài ngày, chờ nước lụt rút bớt. Qua câu chuyện mở rộng cửa ngôi biệt thự của nhà quan cho dân nghèo tạm lánh nạn, mới thấy tấm lòng độ lượng, thương người của ông Võ Hà Thuật (1901- 1969), một trong những người con của cụ đốc phủ Võ Hà Thanh, thế hệ thứ hai thừa hưởng ngôi biệt phủ.
Sau năm 1975, phần lớn con cháu dòng họ Võ Hà đi định cư nước ngoài. “Nhà lầu ông Phủ” được chính quyền cách mạng tận dụng làm....nhà trẻ rồi vài năm sau mới bàn giao quyền quản lý và sử dụng lại cho một người cháu ruột của cụ Võ đốc phủ đi tập kết ra miền Bắc từ năm 1954 trở về.
Tòa biệt thự cổ nổi tiếng nhờ...phim ảnh
Năm 1996, đạo diễn Lê Cung Bắc đã "mượn" tòa biệt thự để làm bối cảnh cho bộ phim truyền hình "Người đẹp Tây Đô" (cảnh nhà bá hộ bên chồng của nhân vật Bạch Cúc). Năm 2011, đạo diễn Lê Bảo Trung cũng quay vài phân cảnh ở tòa nhà này cho bộ phim hài kinh dị chiếu rạp "Bóng ma học đường”.
Hiện tại, cụ Tư Bưởi (tên Võ Minh Cảnh, 90 tuổi) là cháu nội của cố đốc phủ Võ Hà Thanh, đang quản lý và sử dụng trực tiếp biệt thự cổ. Trải qua biến cố của thời cuộc và dưới tác động của tự nhiên, xã hội nên "nhà lầu ông Phủ" hiện đang dần trở nên hoang tàn và có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Bên ngoài, từng mảng tường bị bong tróc, xuống màu. Bên trong thì một số cánh cửa gỗ đã bị mót mọt đục rệu rã. Ngoài tầng 2 làm nơi thờ phụng tổ tiên dòng họ Võ Hà thì toàn bộ diện tích tầng trệt “biến” thành cái "kho" bề bộn chứa hàng điện lạnh cũ.
Khách tham quan ghé thăm biệt thự khi nhìn khung cảnh hoang vắng của tòa nhà ẩn mình trong khu vườn cây cối rậm rạp, chép miệng tiếc rẻ cho một công trình kiến trúc độc đáo của tiền nhân. Cũng bởi hậu duệ Võ Hà vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan không có kế hoạch trùng tu, gìn giữ và phát huy di sản ông cha để lại...
(Bài viết bởi : Trường Trí / Quay film : Lộc PT - quay film cuối năm 2024)