VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN DÂN SINH DƯỚI TRIỀU NGUYỄN
VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN DÂN SINH DƯỚI TRIỀU NGUYỄN
Sau khi cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn kết thúc, trong 50 năm đầu của thế kỷ XIX, các vua triều Nguyễn đã làm được nhiều điều trong công cuộc cải tổ dân sinh, mang lại sự trù phú cho một đất nước đã trải qua nhiều biến động. Vào giai đoạn này, nhiều công trình phát triển về nông nghiệp được tiến hành trên cả ba miền, đang tiếc là những biến động dưới thời vua Tự Đức và phát súng xâm lược đầu tiên của Pháp nổ ra vào năm 1858 đã đánh dấu sự kết thúc thời kỳ tự chủ của nước ta Ngay từ thập niên 1790, trong lúc cuộc nội chiến đang ở vào thời kỳ căng thẳng nhất, chúa Nguyễn Ánh vẫn không quên nghĩ đến chuyện quốc kế dân sinh.
Năm 1790, ông ban một chỉ dụ nêu rõ: “Phép trị nước trước hết phải tính cho đủ ăn; bốn dinh trong Gia Định ruộng đất rộng lắm, lâu nay binh cách chưa rồi, đói khát luôn luôn, đến nổi ruộng vườn bỏ hoang, dân chưa chăm nghề cày ruộng; nên chi của Nhà nước, lương quân lính, chưa được đầy đủ. Vậy khiến các đội túc trực dinh Trung quân và quân các vệ thuyền, khẩn ruộng tại Thảo mộc câu gọi là trại Đồn điền…” (Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu – Nhóm Nghiên cứu Sử Địa – Sài Gòn 1972, trang 23).
I) MỞ MANG TẠI MIỀN NAM
Đầu thế kỷ XIX, sau nhiều năm chiến tranh, vùng Gia Định (sau là Nam kỳ) đất rộng người thưa, sông rạch chằng chịt, rừng rậm bạt ngàn, khẩn hoang và khai thông sông ngòi là điều kiện cần thiết cho mọi kế hoạch phát triển dân sinh.
Năm 1802, ngay trong những ngày đầu tiên xây dựng vương triều Nguyễn, vua Gia Long đã ra chỉ dụ nêu rõ: “ Sai các dinh ở Gia Định chia cấp ruộng hoang cho dân nghèo … Người nào không có điền sản thì đem ruộng hoang cấp cho và cho vay thóc giống, đợi khi thu hoạch xong sẽ y số trả lại Nhà nước” (Đại Nam Thực Lục – NXB Giáo dục – Hà Nội 2002, trang 482).
Qua thập niên 1810, nhà vua tiếp tục đẩy mạnh chính sách đồn điền, quân sự hóa một phần dân mộ, lập thành hương binh, có việc thì làm lính, không việc thì làm ruộng, sau 5 đến 10 năm, khi tổ chức đã ổn định, đồn điền biến thành hương ấp. Đó là tiêu biểu của chính sách “ngụ binh ư nông” của thời kỳ đầu triều Nguyễn.
Từ năm 1817, nhiều công trình phát triển lớn được vua Gia Long cho thực hiện tại khu vực phía Nam của vùng đất Gia Định thành (gồm 5 trấn: Biên Hòa, Phiên An, Vĩnh Thanh, Định Tường, Vĩnh Tường). Tháng 11 âm lịch (AL) năm này, ông cho đào sông Tam Khê cách trấn Vĩnh Thanh (sau là tỉnh Vĩnh Long) 214 dặm. Sông chảy từ huyện Đông Xuyên, trấn An Giang sang Kiên Giang. Người lãnh trách nhiệm thực hiện việc này là Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại (Thụy), sử dụng 1.500 nhân công cả Việt lẫn Khmer đào cho rộng hơn, sau một tháng mới xong. Kênh đào bằng cách khai mở những lạch nước cũ, khi hoàn thành rộng hơn 40 mét, sâu hơn 7 mét, dài khoảng 37 km. Vua Gia Long nhận được sớ tấu của Nguyễn Văn Thoại, rất hài lòng, bèn đặt tên con kênh mới là Thoại Hà, lấy từ tên người chỉ huy công cuộc đào kênh này. Từ đó, kênh Thoại Hà trở thành một trong những con đường huyết mạch của cư dân vùng cực Nam Tổ quốc, tàu bè đi lại tấp nập, thương mại bắt đầu phồn thịnh.
Ngọn núi Sập (Lạp Sơn) nằm một bên bờ Thoại Hà được đặt tên Thoại Sơn, trở thành một danh thắng được triều đình bảo vệ bằng một chỉ dụ của nhà vua: ” .. lại cấm ngăn dân ta và dân thượng không được đốn chặt cây gỗ để bồi dưỡng sinh khí, hầu thấy non xanh mây phủ, suối đá ngọc sinh, thần xuyên hậu nhường đức, thần khôn mẫu chung đúc khí linh, trấn ở phương xa, để củng cố miền Nam ta mà dâng tuổi thọ. Ôi! hùng tráng lắm thay ! (Trịnh Hoài Đức – Gia Định thành thông chí – Tu Trai Nguyễn Tạo dịch – Nha Văn Hóa Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa XB – Sài Gòn 1972, trang 70-71).
Để ghi nhớ một kỷ niệm trọng đại trong đời mình, Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại soạn một bài văn, khắc vào bia đá, dựng phía trước miếu thờ Sơn thần trên lưng chừng núi Thoại Sơn. Bia này đến năm 1972 vẫn còn nguyên vẹn.
Những tháng cuối năm 1819, vua Gia Long lại quyết định cho đào một con kênh rộng nối liền hai thị trấn Châu Đốc-Hà Tiên, đáp ứng nguyện vọng của nhiều người dân Khmer muốn có một thủy lộ thuận lợi cho việc di chuyển, mua bán. Công trình này cũng đặt dưới sự điều hành của Thoại Ngọc Hầu, có sự phụ tá của Điều bát Nguyễn Văn Tồn, một người Khmer đang làm quan dưới triều Gia Long. Lúc đầu, số nhân công người Việt và người Khmer được huy động khoảng hơn 5 ngàn người, về sau công việc khó nhọc, số người được huy động lên đến hơn 55 ngàn người. Mãi đến tháng 5 âm lịch năm 1824, con kênh mới được đào xong. Kênh rộng khoảng 45 mét, sâu 2,4 mét, dài khoảng 70 km, tiếp nối với con sông cũ ra đến biển Hà Tiên, dài tổng cộng 205 dặm (102 km).
Mãi đến tháng 5 âm lịch năm 1824, con kênh mới được đào xong. Vua Minh Mạng đã lấy tên phu nhân Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Thị Tế, thuộc dòng họ Châu Vĩnh, đặt tên công trình phát triển dân sinh này là “kênh Vĩnh Tế”. Cũng dưới triều Gia Long, tháng giêng AL năm 1819, nhà vua sai Phó Tổng trấn Gia Định Thành Huỳnh Công Lý (lúc này Tổng trấn Lê Văn Duyệt đã về kinh) đào con sông An Thông nối liền từ thành Phiên An (Gia Định) đến sông Mã Trường (kênh Ruột Ngựa). Cũng trong tháng này, ông cho đào kênh Bảo Định thông vào sông Mỹ Tho (Định Tường) và đặt tên là Bảo Định hà. Những thủy lộ quan trọng trên góp phần lớn vào sinh hoạt của cư dân vùng sông nước miền Nam, sớm biến vùng này thành một khu vực trù phú của cả nước.
II) MỞ MANG MIỀN TRUNG VÀ CÁC TRẤN PHÍA BẮC Huế và các địa phương miền Trung là khu vực đã được phát triển dân sinh từ thời các chúa Nguyễn, khi ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài là con sông Gianh thuộc địa phận Quảng Bình. Vì thế, dưới các triều Gia Long và Minh Mạng, hai miền Nam và Bắc được chú trọng nhiều hơn. Dù vậy, không phải là các vua triều Nguyễn bỏ quên miền Trung.
Tháng 4 AL năm 1814, vua Gia long ngự giá đến khu vực xã Thanh Tuyền thuộc dinh Quảng Đức (xã Thanh Thủy sau này), xem xét địa thế, mời các bô lão đến để bàn việc vét sông An Cựu. Sau đó, ông chỉ thị cho quan lại dinh Quảng Đức xem đo đường sông mà nạo vét (về sau tên sông đổi là Lợi Nông). Từ đó, nước sông chảy tốt, việc lưu thông tiện lợi cho dân. Thời vua Minh Mạng, chính sách đồn điền tiếp tục mở rộng, đến năm 1822 đã có đến 247 trại đồn điền, tập hợp hơn 9.700 người, xếp vào ngạch lính đồn điền.
Tháng 3 AL năm 1825, vua Minh Mạng cho đào con sông Vĩnh Định ở Quảng Trị, giao Phó Đô Thống chế Phan Văn Thúy trực tiếp trông coi, nhân công gồm 3.700 người dân Thừa Thiên và Quảng Trị, được hậu cấp tiền gạo trong suốt thời gian công tác.
Năm 1828, Thị lang Bộ Hình là Nguyễn Công Trứ dâng sớ tâu xin khai khẩn ruộng hoang để dân bần cùng có công việc làm ăn. Lời tâu chứa đựng một nội dung tinh tế về quốc kế dân sinh: “tâu xin ra lệnh cho các quan trấn mộ dân đến khai khẩn, cứ 50 người lập thành một làng, 30 người lập thành một ấp, tùy theo đất mà định cư; các ngưu canh điền khí (trâu bò và dụng cụ nghề nông như cày bừa, v…v…) đều do quan cấp, 3 năm thành ruộng, bắt đầu cho trưng, thọ thuế, như thế thời đất không mất lợi, mà dân đều hướng về nghiệp nông, nếp sống phiêu bạt trở nên thuần hậu vậy..” (Minh Mệnh Chính Yếu – Tập II - NXB Thuận Hóa – Huế 1994, trang 21-22).
Vua Minh Mạng giao đình nghị và hầu hết đều thuận cho làm thử ba năm xem sao. Nguyễn Công Trứ được cử làm Dinh điền sứ, đến dải đất Tiền Châu thuộc trấn Nam Định, tiếp với bãi biển, là nơi cây cỏ rậm rạp, bọn trộm cướp hay tụ họp ở đó.
Ông đến nơi phủ dụ lòng người, đo đạc đất hoang chia cấp cho dân nghèo, lập thành 14 lý, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp, với số đinh hơn 2.350 người, chia thành 7 tổng. Số ruộng chia cấp được gần 19 ngàn mẫu, cứ mỗi 15 mẫu thì chia ruộng nhất đẳng 1 mẫu, ruộng nhị đẳng 2 mẫu, ruộng tam đẳng 12 mẫu. Về nhà cửa cùng trâu cày, nông cụ thì lấy tiền Nhà nước chi cấp cho dân, chẳng bao lâu khu Tiền Châu trở thành một nơi phồn thịnh, vua Minh Mạng đặt thành một huyện mới có tên Tiền Hải.
Năm sau (1829), Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ lại quy dân lập ấp tại phủ Yên Khánh, đạo Ninh Bình. Ông cho đo số ruộng hoang phía ngoài đê Hồng Lĩnh, chia thành 14.620 mẫu, cấp cho hơn 1.260 dân nghèo. Khu vực này được ông lập thành 3 làng, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp, tất cả chia thành 5 tổng, tâu xin triều đình cho đặt riêng một huyện có tên Kim Sơn. Để ổn định lâu dài đời sống của cư dân hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải, Nguyễn Công Trứ dâng sớ xin định quy ước gồm những công tác chính:
Đặt trường học – Mỗi làng đều dựng nhà học, đón một thầy học, làng thì lấy 10 mẫu ruộng, ấp lấy 8 mẫu ruộng làm học điền. Mọi người góp sức làm học điền, thu hoạch, lưu làm học bổng.
Đặt xã thương – Tức là kho thóc đặt ở ấp và xã. Ruộng đã khai khẩn thành điền, sau ba năm miễn thuế, thu thuế thóc bỏ vào kho, gặp thủy hạn bất thường thì cấp cho dân, khi được mùa thì thu cho đủ số.
Cẩn phòng thư – Khi trong tổng có giặc cướp, quan chức xã ấp phải đưa dân phu đi theo Tổng trưởng để ứng cứu.
Chăm khuyên răn – Quan lại địa phương đi tuần tra, xem xét, nơi nào đồng ruộng mở mang, nhà không có người ăn chơi, đất không bỏ hoang thì đề đạt để triều đình ban thưởng; ngược lại, nếu cư dân lười biếng, đồng ruộng bỏ hoang, tập tục gian dâm … thì Ấp trưởng, Lý trưởng đều bị chiểu theo luật để trừng trị.
Có thể nói sự hình thành hai huyện mới với công lao to lớn của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ là một điểm son của triều Nguyễn trong việc phát triển dân sinh. Đến thập niên 1850, dưới triều Tự Đức, chính sách đồn điền được thực hiện một cách có quy củ và hệ thống hơn nữa. Kinh lược Đại sứ đất Nam Kỳ là Nguyễn Tri Phương cải tổ mô hình đồn điền đã định hình từ lâu, biến các đội thành ấp, suất đội được bổ làm trưởng ấp; các cơ biến thành tổng, Phó quản cơ thành Cai Tổng … Tiếc là đến tháng 9.1867, sau khi thôn tính xong Lục tỉnh Nam Kỳ, chính quyền thực dân Pháp ban hành quyết định giải thể tổ chức đồn điền trên toàn thuộc địa Nam Kỳ. Lê Nguyễn 20.3.2019
Last updated
Was this helpful?