Xung quanh những nghi vấn chúa Nguyễn Ánh đã từng ra Côn Đảo
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Thời gian gần đây bỗng nhiên có khuynh hướng phủ nhận việc chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long) từng ra đến Côn Đảo (tên cũ là Côn Lôn), dù chuyện này từng đã ghi rõ trong bản dịch bộ Đại Nam thực lục.
Nói về chuyện chúa Nguyễn Ánh đã từng tới Côn Đảo, trong Đại Nam thực lục nguyên văn ghi chép như sau:
“Mùa thu, tháng 7 (1783), Nguyễn Văn Huệ nghe tin vua ở đảo Côn Lôn, sai người đảng là phò mã Trương Văn Đa đem hết thủy binh đến vây ba vòng, tình thế rất nguy cấp. Bỗng mưa gió nổi lớn, bốn bể mây mù kín mít, người và thuyền cách nhau gang tấc cũng không thấy nhau. Sóng biển nổi lên dữ dội. Thuyền giặc tan vỡ, chìm đắm không xiết kể. Thuyền vua bèn vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc …” (Đại Nam thực lục – tập I – NXB Giáo dục – Hà Nội 2002, trang 217 - 218).
Vừa qua, những người phủ nhận việc chúa Nguyễn đã từng ra Côn Đảo dựa vào ít nhất mấy luận điểm chính: khoảng cách giữa đảo Phú Quốc và Côn Đảo (ngày nay) quá xa.
Trong điều kiện bấy giờ, thuyền của chúa Nguyễn khó có thể ra đến đó, đồng thời đảo Côn Lôn được ghi trong Đại Nam thực lục không phải là Côn Đảo ngày nay, mà chỉ là một hòn đảo nhỏ nào đó quanh vùng biển Phú Quốc.
Lại có người cho rằng “đảo Côn Lôn” trong Đại Nam thực lục 1783 là đảo Koh Rong (Cổ Lôn) hoặc hòn Ko Kut (Cổ Cốt) nằm ở phía tây Phú Quốc, thuộc chủ quyền của Thái Lan, gần biên giới với Campuchia.
Ngoài ra sử cũng có ghi là quân Tây Sơn vây đảo Côn Lôn làm ba vòng, mà Côn Đảo ngày nay rất rộng, quân Tây Sơn sao có người đủ để “vây ba vòng”?....
Côn Lôn không phải là đảo Cổ Cốt
Tuy nhiên, với điều kiện về dữ liệu ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng luận điểm 1 có rất ít tính thuyết phục. Khoảng cách địa lý giữa hòn đảo Phú Quốc và Côn Đảo ngày nay chỉ là 338 km.
Trong khi đó, ở thời kỳ nội chiến 1771-1802, vào các thập niên 1770-1780, nhà Tây Sơn nhiều lần đưa thủy quân từ Quy Nhơn vào đánh lấy Gia Định trên một hải trình dài… 900 km, dài gấp hơn 2,6 lần khoảng cách Phú Quốc - Côn Đảo. Nhà Tây Sơn làm được điều đó, sao chúa Nguyễn không di chuyển được trên một hải trình ngắn hơn thế đến 2,6 lần? Cần nói thêm là khi trốn lánh sự truy đuổi của nhà Tây Sơn, cũng như khi lánh nạn sang Xiêm, chúa Nguyễn luôn có sự hộ vệ của vài trăm tướng sĩ, chẳng thể đi một mình trên 1 - 2 chiếc ghe chèo để phải sợ khoảng cách hơn 300 km ấy.
Những người ấy còn phủ nhận địa danh Côn Lôn trong Đại Nam thực lục là Côn Đảo ngày nay tìm mọi cách sử dụng tên địa phương của những hòn đảo nhỏ quanh Phú Quốc để gán ghép chúng cho hai từ “Côn Lôn”, thậm chí cho “Côn Lôn” là hòn đảo Cổ Cốt thuộc lãnh hải Thái Lan, khá xa đảo Phú Quốc về phía tây.
Nếu thủy quân Tây Sơn của phò mã Trương Văn Đa từ Sài Gòn đi ra cửa bể Vũng Tàu, chạy dọc theo bờ biển Nam Kỳ, đi vòng qua mũi Cà Mau, ngang đảo Phú Quốc và ngược lên phía tây để bao vây quân chúa Nguyễn ở đảo Cổ Cốt của Thái Lan (như có lời giải thích “Côn Lôn chính là đảo Cổ Cốt”) thì thật là một điều chẳng thực tế chút nào.
Thêm một chi tiết bất hợp lý nữa trong luận điểm này: Đại Nam thực lục chép rõ: “Thuyền vua bèn vượt các vòng vây (ở Côn Lôn - Lê Nguyễn), đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc”, thì rõ ràng Côn Lôn và Cổ Cốt là hai hòn đảo khác nhau, không thể cả hai lại là một được?.
Về chuyện quân Tây Sơn khi nghe tin chúa Nguyễn ở đây đã vây đảo Côn Lôn làm ba vòng, cần hiểu rằng Côn Đảo là một quần đảo có đến mười mấy hòn đảo nhỏ và cho đến 1975, chỉ một hòn đảo chính là có người ở. Như vậy vây Côn Đảo là chỉ vây hòn đảo chính, không phải vây toàn bộ mười mấy hòn đảo để tính rằng chu vi của quần đảo quá lớn. Vả lại không nên hình dung “vây” là hình thức nắm tay nhau làm thành vòng tròn. Nên hiểu rằng, đối với thủy quân, cho thuyền bè đậu rải rác làm nhiều vòng quanh hòn đảo chính cũng là vây.
Côn Đảo xanh mướt mát trong tầm mắt ngày nay được sử nhà Nguyễn gọi là Côn Lôn, người Pháp ghi là Poulo-Condore (hay Poulo Condor) thuộc chủ quyền của Việt Nam từ rất lâu đời, một trạm dừng chân lý tưởng cho các nhà hàng hải thế giới .
Côn Đảo theo cách gọi của người Mã Lai là Pulau-Kundur, trong đó Pulau là hòn đảo, Kundur là trái bí đao, có lẽ do họ hình dung hòn đảo chính này có hình dáng giống trái bí đao chăng? Điều này thật rất khó lý giải cho nguyên nhân có tên gọi này.
Để bạn đọc có điều kiện tìm hiểu kỹ về một vấn đề đang có nhiều ý kiến trái chiều nhau: “Chúa Nguyễn Ánh có ra đến Côn Đảo vào năm 1783 không?”, người viết xin trình bày một cách có hệ thống các sử liệu liên quan đến hòn đảo lịch sử này. Xuyên suốt loạt bài viết, cụm từ Poulo-Condore hay Poulo-Condor do người Pháp sử dụng từ thế kỷ 18 trở đi dùng để chỉ một địa danh duy nhất là Côn Đảo ngày nay.
Đảo nằm về phía Đông Nam Việt Nam, cách mũi Vũng Tàu 97 hải lý (174,6 km) về hướng Bắc Đông Bắc.
Đầu thế kỷ 18, nhà Nguyễn đã làm chủ quần đảo
Trong thời kỳ đầu của lịch sử vùng này, người Mã Lai là dân tộc biết đến Côn Đảo trước tiên, vì thế người Pháp dựa vào cách gọi của người Mã Lai mà ghi chép Côn Đảo là Poulo-Condor (Nguyễn Minh Nhựt – Tiểu luận Cao học sử Tổ chức lao tù Poulo-Condor thời Pháp thuộc 1861-1945 – Đại học Văn khoa Sài Gòn 1972, bản in roneo, trang 9 – người hướng dẫn tiểu luận là giáo sư Nguyễn Thế Anh).
Từ nửa cuối thế kỷ 17, công ty Đông Ấn thuộc Pháp (Compagnie Française des Indes Orientales) và công ty Đông Ấn thuộc Anh (The Honorable East India Company) tìm mọi cách giành được quyền làm chủ quần đảo này.
Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ 18, người Anh ra tay trước. Năm 1702, một chủ thương điếm Anh ở Chu Sơn (Trung Hoa) là Allen Catchpole đã đến Poulo-Condore để xây dựng một đồn lính trên hòn đảo chính, sau đó ông ta soạn thảo tài liệu hướng dẫn cho một thương nhân tên Daniel Doughty điều hành công việc trong lúc chờ viên Thống đốc lâm thời là Trung úy Rashell sẽ đến nhậm chức.
Song cùng năm đó, thương điếm Chu Sơn phải đóng cửa, Allen điều hành một cơ sở mới. Người Macassars được ông ta sử dụng làm quân đồn trú ở Poulo-Condore bị giữ chân quá hạn hợp đồng đã nổi dậy vào ban đêm đã giết chết nhiều người châu Âu mà họ gặp. (Charles B. Maybon – Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820) – Paris 1920, trang 152).
Về phần mình, chính sử Việt Nam cũng ghi rõ về sự kiện này vào tháng 8 âm lịch 1702: “ … Giặc biển là người Man An Liệt có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người tự xưng là nhất ban, nhị ban, tam ban, tứ ban, ngũ ban (mấy ban cũng như mấy bực, nguyên người Tây phương dùng những tên ấy để gọi bọn đầu mục của họ) cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan (con Chưởng dinh Trương Phúc Cương, lấy công chúa Ngọc Nhiễm) đem việc báo lên, chúa (Nguyễn Phúc Chu – LN) sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy…” (Đại Nam thực lục – Tập I – NXB Giáo dục 2002, trang 115).
Trong cụm từ người “Man An Liệt”, từ Man để chỉ người không văn minh, An Liệt có thể là âm của tên Allen (Catchpole), chứ không phải cụm từ Man An Liệt dùng chỉ người Anh (nói chung) như ban phiên dịch sách Đại Nam thực lục đã chú thích.
Hơn một năm sau, vào tháng 10 âm lịch 1703, sách Đại Nam thực lục ghi: “… dẹp yên đảng An Liệt. Trước là trấn thủ Trấn Biên mộ 15 người Chà Và (Java – LN) sai làm kế trá hàng đảng An Liệt để thừa chúng sơ hở thì giết. Bọn An Liệt không biết. Ở Côn Lôn hơn một năm không thấy Trấn Biên xét hỏi, tự lấy làm đắc chí, người Chà Và nhân đêm phóng lửa đốt trại, đâm chết nhất ban, nhị ban, bắt được ngũ ban trói lại, còn tam ban, tứ ban thì theo đường biên trốn đi. Phúc Phan nghe tin báo, tức thì sai binh thuyền ra Côn Lôn, thu hết của cải bắt được dâng nộp. Chúa trọng thưởng người Chà Và và tướng sĩ theo thứ bực. Tên ngũ ban thì đóng gông giải đi, chết ở dọc đường.” (Đại Nam thực lục – tập I, sđd, trang 117).
Tuy về mặt chi tiết, tài liệu của Maybon và Đại Nam thực lục không hoàn toàn trùng khớp nhau, song điều thấy rõ là cả hai trình bày cùng một vấn đề xảy ra tại Poulo-Condore (Côn Lôn), trong cùng một năm.
Cũng chính sự kiện người Anh cho xây đồn binh trên đảo Côn Lôn và Trấn thủ Trấn Biên Trương Phúc Phan được lệnh đánh dẹp chứng tỏ một điều rõ rệt là vào đầu thế kỷ 18, nhà Nguyễn đã mặc nhiên xem mình là chủ quần đảo này. Điều này cũng dễ hiểu, vì chỉ trước đó mấy năm, vào tháng 2 âm lịch năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu đã “ … Sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay) ….” (Đại Nam thực lục – tập I – sđd, trang 111). Như vậy, khi dựng dinh Trấn Biên, nhà Nguyễn đã đặt quần đảo Côn Lôn dưới sự quản lý của chính quyền dinh này.
Do vị trí địa lý thuận lợi, ngay từ các thế kỷ 17 – 18, quần đảo Côn Đảo là trạm dừng chân của các nhà hàng hải trên thế giới: Trung Hoa, Ấn Độ, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha… trong hải trình dài từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương để đến các nước vùng Đông Á và ngược lại
…………
Sau sự kiện người Macassars nổi dậy giết chết nhiều người Âu trên đảo, trong đó có cả Allen Catchpole, từ nửa đầu thập niên 1700 - không thấy dấu hiệu người Anh muốn quay lại nơi này mà người Pháp bắt đầu dòm ngó tới Côn Đảo.
Từ đầu thế kỷ 18 trở đi, quần đảo Poulo-Condore (Côn Đảo) tiếp tục gây sự chú ý của các nước phương Tây. Tuy vào những năm đầu thập niên 1700, nhà Nguyễn đã tỏ rõ chủ quyền của mình trên quần đảo này, song các công ty thương mại phương Tây vẫn không từ bỏ tham vọng khai thác nó cho những mục tiêu lợi ích của họ.
Sau sự kiện người Macassars nổi dậy giết chết nhiều người Âu trên đảo, trong đó có cả Allen Catchpole, từ nửa đầu thập niên 1700, không thấy có dấu hiệu người Anh muốn quay lại nơi này. Bù lại, sau thời điểm đó, người Pháp bắt đầu dòm ngó Côn Đảo.
Linh mục Jacques thuộc dòng Tên có lẽ là người Pháp đầu tiên lưu ý đến những việc người Anh đã làm tại Côn Đảo. Ông ta lưu trú ở đảo trong 9 tháng, từ tháng 9.1721 đến tháng 6.1722 để quan sát kỹ nơi đây.
Hòn đảo của Orléans
Sau khi rời Côn Đảo, ngày 1.11.1722, từ Quảng Đông (Trung Quốc), Jacques viết cho tu viện trưởng Raphaelis một lá thư với nội dung chính như sau: “Đảo Poulo-Condore đã thần phục vua Chân Lạp (nguyên văn: roi du Cambodge - LN). Vào thế kỷ trước, người Anh đã mua nó và đã xây dựng một đồn binh ở đầu làng; song, vì họ có ít người và bị buộc phải phục tùng binh lính Mã Lai, tất cả đều bị cắt cổ, cách nay khoảng 20 năm, và đồn binh của họ bị san phẳng: ngày nay, người ta vẫn còn thấy các tàn tích. Từ thời điểm đó, hòn đảo quay về với sự thống trị của người Chân Lạp” (L. Gaide – Note historique sur Poulo-Condore [Ghi chép lịch sử về Côn Đảo] – Tập san Bulletin des Amis du Vieux Hue [BAVH] số 2/1925, trang 92, Lê Nguyễn tạm dịch).
Cho đến thời điểm đó, nhiều người phương Tây vẫn nghĩ Côn Đảo còn thuộc quyền cai trị của Chân Lạp, vì nhà Nguyễn chỉ mới đặt để chế độ cai trị trên vùng đất Trấn Biên và Phiên Trấn hơn 20 năm, chưa kịp tổ chức bộ máy chính quyền trên đảo.
Có một chi tiết thú vị ít được biết đến, đó là linh mục Jacques cùng một viên chức Pháp tên Renault là hai người đã đặt thêm cho Côn Đảo cái tên Ile d’Orléans (Hòn đảo của Orléans) để vinh danh hoàng thân Philippe Charles xứ Orléans, từng làm Nhiếp chính triều đình Pháp những năm 1715-1723.
Tuy nhiên, cách gọi này không mấy phổ biến, một phần vì Nhiếp chính vương xứ Orléans đã qua đời vào năm 1723, nên không lâu sau, cái tên Poulo-Condore vẫn tiếp tục tồn tại trên các văn bản, giấy tờ.
Từ nội dung lá thư ngày 1.11.1722 của linh mục Jacques, người ta biết rằng đến năm 1721, Công ty Ấn Độ thuộc Pháp (Compagnie des Indes françaises) đã có hai đội quân đồn trú trên Côn Đảo.
Ngày 7.3.1721, Jacques lên chiếc tàu Dandé của công ty Ấn Độ tại cảng Port-Louis cùng với một đội quân được đưa đến Poulo-Condore (mà ông ta gọi là “đảo Orléans”) tăng cường cho đội quân đã đến đó từ năm trước. Đi chung với họ, còn có hai kỹ sư do hoàng đế Pháp phái đến, một trong hai người sẽ trở thành người chỉ huy trên đảo (tất nhiên đây chỉ là sự tự sắp xếp của phía Pháp).
Xem như thế, chúng ta thấy rằng, dù các tác giả phương Tây từng nhìn nhận Côn Đảo thuộc quyền cai trị của Chân Lạp và về mặt thực tế, nhà Nguyễn đã thay thế vai trò của Chân Lạp từ năm 1698, song cho đến nửa đầu thế kỷ 18, người Anh và người Pháp vẫn tiếp tục nuôi tham vọng thu lợi từ việc thiết lập trên hòn đảo này một cơ sở thương mại. Viết về Côn Đảo đầu thập niên 1720, không chỉ có linh mục Jacques. Còn có một viên chức Pháp tên Renault, làm việc cho Công ty Ấn Độ thuộc Pháp, được giao trách nhiệm điều nghiên việc thiết lập một thương điếm tại Côn Đảo.
Trong bản tường trình ngày 25.7.1723 gửi ban giám đốc Công ty Ấn Độ thuộc Pháp, Renault mô tả Côn Đảo (Poulo-Condore) là một hòn đảo nghèo nàn, không có tài nguyên, ít người ở. Ông ta cho rằng những bất lợi về khí hậu khiến cho người châu Âu khó làm việc trên đảo và có lẽ vì lý do này, người Anh đã không có ý định quay trở lại Poulo-Condore nữa. Theo ông ta, phải tốn kém nhiều tiền bạc, thời gian để mang về một kết quả nhỏ nhoi, vì thế đây là nơi “cần phải từ bỏ hơn là chiếm giữ” (L.Gaide – tlđd, trang 96)
[ Nguồn từ anh Lê Nguyễn & báo Thanh Niên Online ]