SỰ THẬT VỀ CHUYỆN “CÂY CẢI” VÀ “RAU RĂM” Ở CÔN ĐẢO
SỰ THẬT VỀ CHUYỆN “CÂY CẢI” VÀ “RAU RĂM” Ở CÔN ĐẢO
(Câu trả lời muộn về câu hỏi một số bạn yêu sử đã đặt ra với người viết từ lâu)
Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay (ca dao)
Những ngày tôi làm việc ở Côn Đảo (1970-1972), truyền thuyết về bà thứ phi Phi Yến, tên tộc là Lê Thị Răm và hoàng tử Cải, hầu như người dân địa phương nào cũng nghe, biết hết.
Chuyện kể rằng vào khoảng thời gian chúa Nguyễn Ánh bôn ba nhiều nơi, tìm chỗ ẩn lánh trước sự truy sát của quân Tây Sơn, có lần ông đã ra đến Côn Đảo (sách xưa gọi là đảo Côn Lôn, sau là Côn Nôn). Tại đây, ông dự định đưa người con lớn là hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, và bà Phi Yến đã hết lòng ngăn cản khiến ông tức giận, cách ly bà trên một hòn đảo nhỏ. Một hoàng tử tên Cải cứ nằng nặc đòi theo mẹ nên Nguyễn Ánh bực mình, ném ông xuống biển. Xác Cải trôi tắp vào bãi biển gần con đường từ phi trường Cỏ Ống về thị xã và dân cư địa phương đã vớt lên chôn và lập miếu thờ tại chỗ.
Truyền thuyết còn kể rằng, trong thời gian bà phi sống trên đảo, có lần một viên chức trong ban hương chức hội tề đã sàm sỡ nắm lấy tay bà và bà đã chặt đứt cánh tay đó để tỏ niềm tiết liệt đoan trinh.
Không rõ từ bao giờ, nhưng chắc chắn là phải từ hàng trăm năm trước, người dân Côn Đảo đã gọi hòn đảo nhỏ nằm sát Bến Đầm (cách thị xã khoảng 10 km), nơi được tin là chỗ cách ly bà phi Phi Yến, là Hòn Bà. Quan trọng hơn, họ dựng lên gần thị xã ngôi An Sơn miếu thờ bà Phi Yến, mà họ gọi một cách thân quen là “miếu Bà An Hải”, lấy theo tên Sở rẫy An Hải, cùng với Sở rẫy An Hội, là hai Sở rẫy lớn được lập nên để cung cấp rau củ tươi cho cư dân và tù trên đảo.
Cũng từ rất lâu rồi, miếu Bà An Hải là nơi chiêm bái thường xuyên của cư dân trên đảo, lễ hội vía Bà là một trong những ngày trọng đại nhất của đảo. Những năm 1970-1972, con đường đất thẳng tắp dẫn từ bãi Hàng Dương đến miếu Bà An Hải là nơi thường xuyên chứng kiến một gã công chức trẻ tuổi tập lái chiếc công xa Scout, với ông thầy dạy lái xe là anh tài xế tù tên Vy.
Từ câu chuyện bà thứ phi Phi Yến và hoàng tử Cải, nhiều cây bút đã đưa ra nghi vấn: liệu chúa Nguyễn Ánh có thực sự ra đến Côn Đảo không? Một số cây bút khác gán ghép 2 câu ca dao ghi trên để minh họa cho cái truyền thuyết mà họ sử dụng để lôi cuốn người đọc:
Gió đưa cây cải về trời,
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.
Họ giải thích “rau răm” ở đây là tiêu biểu cho bà phi Lê Thị Răm và “cây cải” là hoàng tử Cải (!!!)
Về nghi vấn thứ nhất, lịch sử trả lời rằng việc chúa Nguyễn Ánh từng ra đến Côn Đảo là điều có thật. Sách Đại Nam Thực Lục chép rằng vào tháng 6 âm lịch năm 1783, Nguyễn Ánh đã phải chạy từ đảo Phú Quốc ra đảo Côn Lôn. Qua tháng sau, Nguyễn Huệ cử phò mã Trương Văn Đa mang quân ra vây hãm Côn Lôn, song mưa to gió lớn nổi lên, thuyền Tây Sơn bị tan vỡ, chìm đắm rất nhiều, Nguyễn Ánh nhờ đó mà phá vòng vây chạy thoát (ĐNTL – tập I – Nxb Giáo dục – Hà Nội 2002, trang 217-218).
Về câu chuyện liên quan đến bà Phi Yến và hoàng tử Cải, có thể xác định đây chỉ là một truyền thuyết dân gian thuần túy, không có một gốc rể nào trong lịch sử, vì các lý do sau:
- Truyền thuyết kể rằng trong lúc tị nạn tại Côn Đảo (1783), chúa Nguyễn Ánh quyết định đưa hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, và đó là lý do xảy ra việc chúa trừng phạt bà Phi Yến và hoàng tử Cải. Song thực tế lịch sử cho thấy, sau khi thoát vòng vây Tây Sơn tại hòn đảo này, chúa mới gặp giám mục Bá Đa Lộc và sau đó mới bàn định việc cầu viện nước Pháp (ĐNTL – sđd – tr. 218)
- Trong chánh sử không có bà phi nào tên Răm và hoàng tử nào tên Cải. Hoàng tử Cảnh sinh năm 1780, lúc Nguyễn Ánh ra Côn Đảo, ông Cảnh mới ba tuổi. Một người em của hoàng tử Cảnh là hoàng tử Hy sinh năm 1782, qua đời năm 1801, lúc 20 tuổi (tuổi ta). Như vậy, trong khoảng thời gian 1780 – 1783, hoàng tử Cảnh là con trưởng mới 3 tuổi và hoàng tử Hy mới 1 tuổi, chẳng có chỗ nào dành cho hoàng tử Cải cả! Đó là chưa kể còn có hoàng tử Tuấn, cũng chết trẻ trước năm 1802 mà sử không xác định tuổi tác.
- Hai câu ca dao phổ biến dẫn trên chỉ là sự gán ghép thô thiển một chi tiết văn chương có thật với truyền thuyết có tính tưởng tượng của dân gian. Trên thực tế, rau răm là … rau răm và cây cải là cây cải, không dính dáng gì đến con người cả. Nếu có chăng, đấy chỉ là cách ám chỉ sự chia lìa của hai kẻ thân yêu, người này lìa xa cõi thế, để lại cho người kia nỗi trống vắng, đau buồn.
Phải nhìn nhận rằng câu chuyện về bà thứ phi Lê Thị Răm và hoàng tử Cải là điển hình của sự tương phản sâu sắc giữa truyền thuyết dân gian và thực tế lịch sử.
Thế nhưng, với người dân Côn Đảo, truyền thuyết đó sống mãi, bất chấp thực tế lịch sử như thế nào. Trong ngôn ngữ của họ, “Bà Cậu” là hai từ phổ biến nhất. Với họ, lời thề với sự chứng giám của Bà Cậu là lời thề độc địa nhất mà bất cứ ai thốt ra cũng với một tấm lòng thành. Và Bà Cậu đã trở thành hình tượng luôn răn đe, khuyến bảo con người phải biết sống tốt.
Dù chỉ dựa vào truyền thuyết, song lòng tín ngưỡng nhiệt thành của người dân Côn Đảo đối với hình tượng bà Phi Yến cũng có tác dụng tich cực giúp họ biết làm lành tránh dữ, còn hơn những thứ “tín ngưỡng” chỉ nhằm gây nên sự chia rẽ và hận thù dân tộc.
Lê Nguyễn
22.10.2019
ảnh: An Sơn miếu (Miếu Bà An Hải)
Last updated
Was this helpful?