QUỸ KÝ THÁC CAN NHÂN VÀ CHÚT TÌNH THẦY TRÒ Ở CÔN ĐẢO
QUỸ KÝ THÁC CAN NHÂN VÀ CHÚT TÌNH THẦY TRÒ Ở CÔN ĐẢO
Tôi có “duyên” học với những người thầy giàu lòng yêu nước. Thời tiểu học, tôi học trường tư thục Chấn Hưng của thầy Nguyễn Văn Vàng ở đường Chi Lăng, Phú Nhuận (nay là Phan Đăng Lưu). Lúc đó, tôi nghe bọn nhỏ thường trêu chọc lũ học trò chúng tôi, đại loại như “thầy Chấn Hưng bị chấn (trấn) nước”. Tôi mơ hồ hiểu rằng “bị trấn nước” có nghĩa là bị tra tấn trong quá trình điều tra về một việc gì đó.
Thầy Chấn Hưng người thấp và gầy, có một người bạn thân thường đến thăm, là thầy Minh Đức, chủ một ngôi trường ở đường Võ Di Nguy, gần cổng xe lửa (nay là Phan Đình Phùng), người khá mập mạp, chạy chiếc xe máy to, nghe đâu cũng từng bị “trấn nước”.
Tôi còn nhớ một hình ảnh rõ nét vào năm 1954, khi chúng tôi đang ngồi học, người em trai của thầy Nguyễn Văn Vàng từ ngoài chạy vào như một cơn gió lốc, dừng lại nói điều gì đó với thầy Vàng, ngay sau đó, thầy không giấu được vẻ vui mừng, quay sang nói với chúng tôi, những cậu học trò mới 10 tuổi đầu, đại ý là quân đội Pháp đã đầu hàng ở Điện Biên Phủ rồi! Tôi còn giữ mãi ấn tượng về nét vui mừng trên gương mặt khắc khổ của thầy lúc đó.
Ngày 1.7.1955, tôi bắt đầu theo học bậc trung học vào đúng ngày khai trương trường tư thục Chu Mạnh Trinh ở ngay góc Ngả tư Phú Nhuận. It lâu sau, tôi đọc báo thấy một “ổ CS nằm vùng” bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giữ, gồm mười mấy người, trong đó có hai người mà tôi nhớ tên, đó là thầy Nguyễn Văn Vàng và nhà văn Nguyễn Bảo Hóa, bút danh Tô Nguyệt Đình, tác giả quyển “Bộ áo cà sa nhuộm máu”.
Từ vụ án này mới có “giai thoại’ về việc ông Tỉnh trưởng Định Tường Nguyễn Trân thách số nghi can chính trị trên đấu lý với ông, nếu ông thua, ông sẽ thả họ. “Giai thoại” kể rằng vì ông Nguyễn Trân cũng là người CS nên ông tạo “hiện trường” giả của cuộc đấu lý, giả thua để thả số người trên. Không rõ “giai thoại” này chính xác đến đâu, song chính mắt tôi đọc một tờ báo tường thuật phiên tòa xử nhóm người trên, theo đó, thầy tôi, mà tên bị báo in sai là Nguyễn Văn Vòng, được tha bổng.
Tôi học trường Chu Mạnh Trinh suốt 4 năm 1955-1959, về sau mới biết rằng đây là cả một “ổ” cựu kháng chiến. Nghe đâu thầy Phan Đương, hiệu trưởng trường Chu Mạnh Trinh, có bà con với hai thầy Phan Ngô (hiệu trưởng trường Tân Thanh ở Tân Định) và Phan Thuyết (hiệu trưởng trường Đạt Đức, Gia Định), vốn là hai người con của nhà cách mạng Phan Thành Tài, thời thập niên 1900 -1910.
Thầy Phan Đương sử dụng ngôi trường của mình vừa để dạy học – một cách nghiêm túc và có hiệu quả - vừa để hỗ trợ phần nào cuộc sống của những người cựu kháng chiến. Đối với đầu óc non nớt của chúng tôi lúc bấy giờ, ba từ “cựu kháng chiến” cũng như hai từ “chiến sĩ” thiêng liêng lắm, nó không dị hợm như những từ “chiến sĩ CSGT” ăn hối lộ, “chiến sĩ CS” đánh người trên các báo lề phải ngày nay.
Lúc ấy, tôi chưa suy nghĩ sâu được, vẫn thường lấy làm lạ, tự hỏi sao những môn mình học với thầy Đ., thầy B. mà trong học bạ, trường chỉ ghi người dạy là Phan Đương. Về sau, khôn hơn một tí, tôi mới biết rằng vì thầy Đ., thầy B. không có đủ tiêu chuẩn bằng cấp để dạy trung học, thầy Phan Đương muốn giúp những người cựu kháng chiến này có chút việc làm nuôi gia đình nên xếp giờ cho họ dạy, riêng ông, vì có đủ tiêu chuẩn về bằng cấp nên giành ghi tên mình trong sổ học bạ. Tôi kính trọng ông vì những tình cảm cao quý đó.
Trong số những người cựu kháng chiến từng dạy chúng tôi, tôi nhớ nhất hai người; một là thầy Tạ Thanh Sơn, dạy 2 môn Sử-Địa, tác giả bài hát Nam Bộ Kháng Chiến bất hủ trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, người mà tôi đã có dịp nói đến trong một status cách nay khá lâu.
Người thứ hai là thầy Phan Văn Phổ, dạy Lý-Hóa, Vạn Vật. Thầy Phổ người thấp hơn mức trung bình, chỉ cao khoảng 1,55 mét, người rất hiền lành, không bao giờ nụ cười không đi theo câu nói. Nhà thầy ở Bà Chiểu, thầy đi làm bằng chiếc xe gắn máy hiệu Fips. Lớp Đệ ngũ, rồi Đệ tứ của chúng tôi ở trường Chu Mạnh Trinh chỉ có 26-27 người nên tình thầy trò rất khăng khít, rất thương nhau. Chúng tôi vừa kết thúc niên khóa 1958-1959 thì được tin thầy Phan Văn Phổ bị bắt. Chúng tôi buồn, nhưng không ngạc nhiên, với một “cựu kháng chiến” như thầy thì chuyện bị bắt vì lý do chính trị dễ xảy ra.
Giữa năm 1959, trường Chu Mạnh Trinh có 27 học sinh đi thi Trung học Đệ nhất cấp (phổ thông cơ sở ngày nay), có 7 người thi đỗ, tôi may mắn ở trong số người này. Thời đó, một trường trung học tư thục có số học sinh thi đỗ 7/27 đã là một điều đáng để khoe; tôi còn nhớ đích thân thầy hiệu trưởng Phan Đương đã lấy phấn viết lên bảng tên của 7 “tân khoa”, dựng ngay trước cửa trường.
Năm đó, tôi và hai người bạn học Chu Mạnh Trinh (Vũ Đình Vượng và Tô Minh Tâm) có thêm cái may mắn thi đỗ vào lớp Đệ Tam C trường trung học công lập chính thức của tỉnh Gia Định là trường Hồ Ngọc Cẩn.
Một buổi chiều, tại trường Hồ Ngọc Cẩn, chúng tôi đang trong giờ ra chơi thì thấy thầy Phan Văn Phổ lù lù đi vào cổng trường, theo sau là hai người mặc thường phục. Tôi và hai người bạn bấm nhau, ngầm ý bào nhau đừng nhận diện thầy, có thể hai “cảnh sát chìm” đi theo để xem ai quen biết thầy thì bắt luôn.
***
12 năm trôi qua. Năm 1971, một buổi sáng, tại Côn đảo, tôi đang duyệt xem danh sách các phạm nhân xin lãnh tiền từ quỹ Ký thác can nhân thì giật mình đọc thấy trong danh sách của trại 4, có tên … Phan Văn Phổ. Tôi không tin là thấy Phổ đã ở tù 12 năm, nhưng cũng thử gọi điện thoại xuống Trung tâm cải huấn, gặp anh Trưởng ban hồ sơ tên Thân, nhờ anh tìm xem hồ sơ của người tên Phan Văn Phổ như thế nào. Độ 15 phút sau, anh Thân gọi cho tôi, tôi vẫn còn nhớ nguyên văn lời anh báo: “trình ông Phụ tá, tên này dữ lắm, nó ở trong Ban trí vận, giáo vận thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn”. Tôi nghĩ bụng: trí vận, giáo vận thì đích thị thầy Phổ của mình rồi.
Đầu giờ chiều hôm đó, tôi chạy xe xuống trại 4, nơi giam giữ phần lớn là tù chính trị chống đối, nói với ông giám thị trưởng trại cho tôi gặp thầy Phổ. Tôi ngồi trong văn phòng của ông trưởng trại ở đầu dãy nhà để chờ thầy. Một lát sau thì thầy Phổ bước vào. Tôi nhận ra thầy ngay. Vẫn vóc dáng ngày xưa, gương mặt xương gầy hơn trước, nước da trắng hơn trước, do chỉ sống trong bóng mát của nhà tù. Thầy mặc bộ đồ bà ba đen vải đã sờn. Tôi mời thầy ngồi trên chiếc ghế đối diện tôi và mở lời trước:
- Thầy còn nhớ em không?
Thầy nhìn tôi một thoáng, rồi lắc đầu, nói nhỏ:
- Tôi có nhiều học trò quá nên không nhớ hết
Tôi xưng tên với thầy, kể tên những người bạn đã học với thầy, những Thúy, Hưng, Vượng, Tâm, Đức … Nghe đến đó, thầy Phổ nhận ra ngay. Thầy hỏi tôi về tình trạng của mỗi người, xong buông câu:
- Thầy mừng là tất cả các em đã nên người.
Tôi nhắc lại câu chuyện 12 năm trước, vào năm 1959, khi thầy lù lù đi vào cổng trường Hồ Ngọc Cẩn và 3 anh em chúng tôi không dám gọi thầy. Thầy cũng nhớ chuyện này, giải thích là hôm đó thầy xin trại tạm giam đi vào trường Hồ Ngọc Cẩn, vốn là trung tâm thi của tỉnh Gia Định, để lãnh tiền chấm thi, chứ chính quyền lúc đó chẳng có “âm mưu” gì như chúng tôi đã lo sợ. Nghe thầy giải thích, tôi cười thầm cho sự ngu ngơ của mình.
Đến lúc này, tôi mới bắt đầu khởi động “kế hoạch” dự tính. Tôi ngỏ ý xin thầy Phổ cho tôi lãnh thầy ra Cơ sở HC Côn Sơn làm với tôi, để khi có đợt xét ân giảm, ân xá thì tôi đề nghị TTCH xét cho thầy trở về đời sống bình thường. Thầy suy nghĩ một thoáng rồi lắc đầu:
- Thầy không thể bỏ anh em được.
Qua câu chuyện, tôi biết vợ con thầy đã về sống ở Bến Tre, còn bản thân thầy đang bị bệnh trĩ khá nặng. Tôi “tấn công” thêm bằng một đề nghị có sức thuyết phục hơn:
- Thôi thì, nếu thầy không muốn ra làm việc với chính quyền, em lãnh thầy ra làm công quả trong chùa. Bây giờ thầy ở trong này, có chống đối cũng không được gì, chi bằng sau khi được ân giảm về sớm, chừng đó thầy có hoạt động trở lại, ai cấm được?
Những điều tôi nói khiến thầy Phổ ngồi suy nghĩ lung lắm. Cuối cùng, thầy buông ra câu nói dứt khoát mà tôi vẫn còn nhớ rõ nguyên văn:
- Thôi, em có con đường của em, thầy có con đường của thầy. Em để cho thầy vào với anh em.
Rồi thầy đứng lên, quay lưng bước vào trại, theo sau là hai tù trật tự dẫn giải thầy vào phòng giam cũ. Tôi đứng nhìn theo, lòng chùng xuống trong một nỗi buồn không tên.
Chiều hôm đó, tôi gặp BS Lê Túy, kể anh nghe chuyện tôi vừa gặp lại thầy học cũ của mình, nhờ anh khi có dịp vào trại 4 thì chăm sóc dùm căn bệnh trĩ của thầy Phổ. Tôi cũng gửi vào trại cho thầy bộ quần áo vải đen, loại cấp cho các cán bộ Xây dựng nông thôn. Đó là lần gặp duy nhất của tôi với thầy Phan Văn Phổ tại Côn đảo, nhờ sự “se duyên” của quỹ Ký thác can nhân, nhưng duyên không thành.
***
Khoảng năm 1984 - 1985, mấy năm sau thời gian “đi xa” trở về, một ngày nọ, tôi gặp lại người bạn học cũ, cũng là học trò của thầy Phan Văn Phổ. Anh kể lại có lần gặp thầy Phổ và thầy có nhắc đến tôi, đại ý là ở Côn đảo, tôi từng vào trại tù “dụ” thầy ra, nhưng thầy không ra. Chữ “dụ” ngắn ngủn đó có đủ sức nặng để làm cho trái tim tôi nghẹn lại. Tôi kịp trấn tĩnh và cố an ủi là tình thầy trò như thế đã quá đủ rồi.
Mấy tháng sau nữa, tôi lại gặp một người bạn khác, lần này anh tường thuật lời thầy Phổ nói với anh khác hơn. Đại ý thầy nói rằng khi đó, tôi là một viên chức chỉ huy ở đảo mà không sợ nguy hiểm, đã đến tận trại để xin lãnh thầy ra. Thầy nhắn là hôm nào tôi ra gặp thầy tại Hội trí thức yêu nước, trụ sở ở đường Nguyễn Thông.
Lòng tự ái được ve vuốt chút nào, một ngày nọ, tôi ra Hội Trí thức Yêu nước thăm thầy. Thầy ngồi làm việc bên một cái bàn chỉ lớn hơn phân nửa cái bàn giấy bình thường, cũng chẳng thấy có hồ sơ, giấy tờ gì. Tôi nghĩ bụng chắc người ta cho thầy “ngồi chơi xơi nước” để đền bù mười mấy năm tù tội của thầy.
Vào thời điểm đó, tôi đã nghỉ việc ở công ty XNK Ficonimex, vì theo quyết định số 113 năm 1982 của Phó Thủ tướng Tố Hữu, các công ty XNK công tư hợp doanh phải giải thể, mô hình làm ăn với tư bản, tiêu biểu là Hong Kong và Singapore, rất thành công, song không được chấp nhận. Nghe tôi vừa giải tán đàn gà vì nuôi không thành công và đang đi câu cá kiếm sống, thầy lấy sổ tay ra bảo tôi đọc địa chỉ cho thầy, có lẽ để khi có cơ hội gì thì tìm giúp việc cho tôi. Từ đó hai thầy trò không còn có dịp gặp nhau nữa.
Cho đến bây giờ, mỗi lần nhớ đến các thầy Tạ Thanh Sơn, Phan Văn Phổ, thế hệ đàn em của những Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, tôi vẫn hình dung trước mắt mình những chàng trai mười tám, đôi mươi, những “thanh niên tiền phong” chỉ trang bị cho mình chiếc tầm vông vạt nhọn và một tình yêu nước trong sáng, nồng nàn: “nóp với giáo mang ngang vai, nhưng thân trai nào kém oai hùng” (Nam Bộ Kháng Chiến). Hình ảnh đó đẹp quá! Nó sáng mãi trong lòng những thế hệ hôm nay và mai sau. Sau 1954, cuộc đời mỗi người có những lối rẽ khác nhau, sự phán xét sẽ thuộc về Lịch sử.
Lê Nguyễn
24.9.2017
Last updated
Was this helpful?