VÀI Ý KIẾN NHỎ VỀ CHUYỆN CHÚA NGUYỄN ÁNH CÓ RA ĐẾN CÔN ĐẢO KHÔNG
Ngày 22.10.2019, tôi có đăng trên Facebook một status nhan đề: “Sự thật về ‘cây cải’ và ‘rau răm’ ở Côn Đảo” trong đó chủ yếu nhằm phản bác sự gán ghép thô thiển hai câu ca dao “Gió đưa cây cải về trời, Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”, khi cho rằng hai câu ca dao này nói đến một bà phi của chúa Nguyễn Ánh tên Lê Thị Răm (!) và một ông hoàng con của chúa tên là Cải (!) (xin tham khảo link bài viết này ở cuối bài này).
Quan điểm của người viết bài trên tóm gọn trong mấy ý sau:
- Mặc nhiên công nhận việc chúa Nguyễn Ánh từng ra đến Côn Đảo năm 1783, theo đúng nội dung bộ sử chính thống của triều Nguyễn là bộ Đại Nam thực lục.
- Khẳng định tính phi lịch sử của hai cái tên tưởng tượng: “bà Phi Yến Lê Thị Răm” và “hoàng tử Cải”. Tuy nhiên, xét rằng hầu như địa phương nào cũng có truyền thuyết được xây dựng nên để phục vụ cho nhu cấu tinh thần và tâm linh của người dân, vì thế tín ngưỡng dân gian “Bà Cậu” của người dân Côn Đảo cũng cần được tôn trọng.
Gần đây, bỗng nhiên có tin cơ quan chức năng công nhận lễ giỗ bà “Thứ phi Phi Yến” của chúa Nguyễn Ánh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và tin này sớm nhận được nhiều phản ứng trái chiều của công luận. Người ta cho rằng không có lý do gì công nhận lễ giỗ của một nhân vật không có thật trong lịch sử là “di sản văn hóa phi vật thể”.
Song mọi việc không chỉ dừng ở đó. Có lẽ để củng cố cho lập trường của mình thêm tính dứt khoát và toàn diện, gần đây bỗng nhiên có khuynh hướng phủ nhận việc chúa Nguyễn Ánh từng ra đến Côn Đảo (tên cũ là Côn Lôn) như đã ghi trong bản dịch bộ Đại Nam thực lục, nguyên văn như sau:
“ Mùa Thu, tháng 7 (1783), Nguyễn Văn Huệ nghe tin vua ở đảo Côn Lôn, sai người đảng là phò mã Trương Văn Đa đem hết thủy binh đến vây ba vòng, tình thế rất nguy cấp. Bỗng mưa gió nổi lớn, bốn bể mây mù kín mít, người và thuyền cách nhau gang tấc cũng không thấy nhau. Sóng biển nổi lên dữ dội. Thuyền giặc tan vỡ, chìm đắm không xiết kể. Thuyền vua bèn vượt các vòng vây, đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc …” (ĐNTL – tập I – Nxb Giáo dục – Hà Nội 2002, trang 217-218).
Những người phủ nhận việc chúa Nguyễn đã từng ra Côn Đảo dựa vào ít nhất mấy luận điểm chính:
1) Khoảng cách giữa đảo Phú Quốc và Côn Đảo (ngày nay) quá xa, trong điều kiện bấy giờ, thuyền của chúa Nguyễn khó có thể ra đến đó.
2) Đảo Côn Lôn được ghi trong ĐNTL không phải là Côn Đảo ngày nay, mà chỉ là một hòn đảo nhỏ nào đó quanh vùng biển Phú Quốc. Có người cho rằng “đảo Côn Lôn” trong ĐNTL 1783 là đảo Koh Rong (Cổ Lôn) hoặc hòn Ko Kut (Cổ Cốt) nằm ở phía Tây Phú Quốc, thuộc chủ quyền của Thái Lan, gần biên giới với Campuchia.
3) Sử có ghi là quân Tây Sơn vây đảo Côn Lôn làm ba vòng, mà Côn Đảo ngày nay rất rộng, quân Tây Sơn sao có người đủ để “vây ba vòng”?
Xin có mấy ý kiến nhỏ về vấn đề trên:
* Với điều kiện về dữ liệu ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng luận điểm 1 có rất ít tính thuyết phục. Khoảng cách địa lý giữa hòn đảo Phú Quốc và Côn Đảo ngày nay chỉ là 338 km. Trong khi đó, ở thời kỳ nội chiến 1771-1802, vào các thập niên 1770-1780, nhà Tây Sơn nhiều lần đưa thủy quân từ Qui Nhơn vào đánh lấy Gia Định trên một hải trình dài … 900 km, dài gấp hơn 2,6 lần khoảng cách Phú Quốc-Côn Đảo! Nhà Tây Sơn làm được điều đó, sao chúa Nguyễn không di chuyển được trên một hải trình ngắn hơn thế đến 2,6 lần? Cần nói thêm là khi trốn lánh sự truy đuổi của nhà Tây Sơn, cũng như khi lánh nạn sang Xiêm, chúa Nguyễn luôn có sự hộ vệ của vài trăm tướng sĩ, chẳng thể đi một mình trên 1-2 chiếc ghe chèo để phải sợ khoảng cách hơn 300 km ấy.
* Những người phủ nhận địa danh Côn Lôn trong Đại Nam thực lục là Côn Đảo ngày nay tìm mọi cách sử dụng tên địa phương của những hòn đảo nhỏ quanh Phú Quốc để gán ghép chúng cho hai từ “Côn Lôn”, thậm chí cho “Côn Lôn” là hòn đảo Cổ Cốt thuộc lãnh hải Thái Lan, khá xa đảo Phú Quốc về phía Tây. Nếu thủy quân Tây Sơn của Phò mã Trương Văn Đa từ Sài Gòn đi ra cửa bể Vũng Tàu, chạy dọc theo bờ biển Nam Kỳ, đi vòng qua mũi Cà Mau, ngang đảo Phú Quốc và ngược lên phía Tây để bao vây quân chúa Nguyễn ở đảo Cổ Cốt của Thái Lan (như có lời giải thích “Côn Lôn chính là đảo Cổ Cốt”) thì thật là một điều chẳng thực tế chút nào!
Thêm một chi tiết bất hợp lý nữa trong luận điểm này: ĐNTL chép rõ: “Thuyền vua bèn vượt các vòng vây (ở Côn Lôn - LN), đến đậu ở hòn Cổ Cốt, rồi lại trở về đảo Phú Quốc”, thì rõ ràng Côn Lôn và Cổ Cốt là hai hòn đảo khác nhau, sao cả hai lại có thể là một được?
* Về chuyện quân Tây Sơn vây đảo Côn Lôn làm ba vòng, cần hiểu rằng Côn Đảo là một quần đảo có đến mười mấy hòn đảo nhỏ và cho đến 1975, chỉ một hòn đảo chính là có người ở. Như vậy vây Côn Đảo là chỉ vây hòn đảo chính, không phải vậy toàn bộ mười mấy hòn đảo để tính rằng chu vi của quần đảo quá lớn. Vả lại không nên hình dung “vây” là hình thức nắm tay nhau làm thành vòng tròn. Đối với thủy quân, cho thuyền bè đậu rải rác làm nhiều vòng quanh hòn đảo chính cũng là vây.
Một trong những điều đáng lưu ý hiện nay là chủ trương phủ nhận đảo Côn Lôn trong ĐNTL năm 1783 là Côn Đảo ngày nay dựa khá nhiều vào các bài viết của hai tác giả Dương Kỵ và Lê Thọ Xuân (quan điểm không đồng nhất với nhau) trên tuần báo Tri Tân thập niên 1940. Chúng ta biết rằng phải đến thập niên 1960, (miền Bắc) Việt Nam mới có đầy đủ bản dịch toàn bộ bộ sử khổng lồ ĐNTL. Trước thập niên 1960, những ai không biết Hán Nôm không có cách chi tham khảo trực tiếp bộ chính sử này. Ngay cả những người rành Hán Nôm, trong những điều kiện lúc đó, cũng không dễ gì tiếp cận với nguyên văn bộ thực lục để nắm vững nhiều chi tiết trùng khớp hay mâu thuẫn nhau.
Hiện nay, chúng ta có điều kiện sở hữu trong tay toàn bộ ĐNTL, một bộ sử mà ngay chúng ta ngày nay cũng không làm nổi, xét về mặt khối lượng tư liệu, tính nghiêm túc và trung thực trong ghi chép sự kiện. Nhờ đó, mà ta còn tìm thấy từ “đảo Côn Lôn” trong một đoạn sử ĐNTL khác, khi chép về việc triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất 1862 nhượng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ và đảo Côn Lôn cho Pháp. Nguyên văn bản dịch đoạn đó như sau:
“ Về ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và một xứ đảo Côn Lôn giao cho nước Phú quản hạt …” (Đại Nam thực lục – Tập 7 – NXB Giáo dục – 2006, trang 771) (Nước Phú: Phú Lãng Sa, chỉ nước Pháp).
Như vậy trong hai sự kiện quan trọng của nhà Nguyễn vào năm 1783 và 1862, sử quán triều Nguyễn đều có sử dụng cùng địa danh Côn Lôn. Ai cũng biết rõ là đảo Côn Lôn của ĐNTL năm 1862 được Pháp sử dụng làm nhà tù, nơi ngày nay là Côn Đảo. Vậy thì cũng là từ Côn Lôn, làm sao Côn Lôn của năm 1862 là Côn Đảo ngày nay mà Côn Lôn của năm 1783 lại không phải là Côn Đảo? Sử thần nhà Nguyễn đâu có lẩm cẩm và tắc trách đến độ sử dụng hai cụm từ “Côn Lôn” với hai nghĩa hoàn toàn khác biệt nhau, mà không nói rõ! Tôi có nói vui với một anh bạn thuộc hoàng tộc triều Nguyễn rằng các anh là con cháu nhà Nguyễn sao không tin vào ĐNTL của Quốc sử quán triều Nguyễn, lại cố đi tìm những luận cứ vòng vo để phủ nhận chúng!
Hi vọng với những dữ liệu và luận cứ nêu trên, tôi đã nêu rõ cách nhìn nhận riêng của mình về chuyện chúa Nguyễn Ánh có từng ra đến Côn Đảo hay không.
Lê Nguyễn
25.4.2022
Last updated
Was this helpful?