Thư chung năm 1848 của Hội Thừa sai Paris
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Thư chung năm 1848 của Hội Thừa sai Paris
Quý Đức Cha và Quý cha,
Năm nay, giống như những năm trước đó, chúng tôi đã nhận được tin tốt và tin xấu từ các miền truyền giáo của mình. Vì các tin tức này phần lớn đã được quý vị biết đến, chúng tôi sẽ chỉ nhắc lại vắn tắt như sau.
Không có gì đặc biệt xảy ra ở Ấn Độ. Ở miền Malaysia, chúng tôi phải than khóc trước cái chết của cha Bohet, người được không chỉ các anh em mà cả tất cả những ai biết cha đều thương tiếc sâu sắc, vì cha có trái tim nhân hậu, tình yêu thương dịu dàng và những lời khuyên răn sáng suốt của cha. Với sự can thiệp của Đức Giám mục Pallegoix, một sự khiển trách nghiêm khắc đã được gửi từ Xiêm đến cho quan tiểu quan cai quản Joncelan, người đã dám trục xuất các cha Ducotey và Borie, và lệnh cấm không được quấy rầy các cha truyền giáo quay trở lại đó đã được ban ra. Cha Beurel đã được an ủi khi làm lễ thánh hiến nhà thờ tuyệt vời của mình; số lượng người Hoa cải đạo trên đảo Singapore vẫn không ngừng tăng. Các cha Plaisant và Lacrampe đã rửa tội một số người Kariants. Số người lớn được rửa tội ở Xiêm năm nay đã vượt quá 200. Trước đây con số này chưa bao giờ đạt mức đó. Năm Thánh của Đức Giáo hoàng Piô IX đã mang lại nhiều kết quả cứu độ cho các Kitô hữu. Người ta chỉ có thể đếm được khoảng 1/30 người không hòa giải với Giáo hội trong dịp này.
Như quý vị đã biết, quý Đức Cha và quí cha thân mến, năm chiến hạm của Đàng Trong, được xây dựng và vũ trang theo kiểu châu Âu, đã bị đánh đắm hoàn toàn trong cảng Đà Nẵng vào ngày 15 tháng 4 năm ngoái bởi ông LaPierre chỉ huy Victoria và Gloire. Khi hay tin hạm đội của mình bại trận, Thiệu Trị nổi cơn thịnh nộ và ban hành sắc lệnh bách hại tôn giáo, nhưng không đề cập gì đến thất bại của ông ta trước người Pháp. “
Sau khi giữ sắc lệnh này trong túi một thời gian dài, cha Masson nói với chúng tôi trong một bức thư ngày 24 tháng 7 năm 1847, các quan lại cuối cùng cũng quyết định công bố nó, nhưng theo cách khiến họ có vẻ sợ ai đó biết đến. Vì vậy, hầu hết đã chỉ công bố y như vậy. Một số khác lợi dụng để ép buộc các tín hữu đóng tiền, và chỉ thế thôi.”
Sắc lệnh thứ nhất được theo sau bằng bức thứ hai, trong đó Thiệu Trị thốt ra tất cả hận thù đối với người Pháp, cấm tất cả tàu Pháp vào các cảng Nam Kỳ và ra lệnh xử tử bất kỳ người Pháp nào bị bắt trên đất An Nam. “Chiếu chỉ này,” cha Masson viết thêm trong bức thư được trích dẫn ở trên, “thay đổi tình hình của chúng tôi theo cách tàn nhẫn. Cho đến nay, chúng tôi chỉ bị truy đuổi vì là cha truyền giáo và giảng dạy tôn giáo Thiên Chúa; bây giờ chúng tôi lại bị truy đuổi vì là người Pháp; và danh hiệu sau cùng này sẽ khiến chúng tôi trở nên tội lỗi nhiều hơn trong mắt Thiệu Trị so với danh hiệu trước, và thậm chí nếu người Pháp chấm dứt ở đây; điều đó sẽ khiến chúng tôi trở nên ghê tởm trong mắt người ngoại đạo. Vì vậy, nếu một trong số chúng tôi bị bắt, họ không nên mong đợi sẽ chết dưới những hình phạt thông thường.”
Chúng tôi đã nhanh chóng chuyển hai sắc lệnh và thư của các anh em ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ liên quan đến kết quả vụ Đà Nẵng cho Bộ trưởng Hải quân. Ngài đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc và bày tỏ lòng biết ơn bằng lời nói và văn bản. Chúng tôi đã viết cho cha Masson: "Chắc chắn tình thế nguy hiểm của anh em đã được hiểu rõ và người ta có mong muốn đặt anh em ngoài tầm công phẫn của bạo chúa mà họ đã khiêu khích chống lại anh em; nhưng liệu người ta có thực hiện các biện pháp cần thiết cho việc đó hay không? Chúng tôi không biết."
Đức Giáo hoàng đã cho phép Đức cha Forcade kéo dài chuyến viếng thăm Pháp nhằm vận động một quyết định có lợi cho việc tiếp tục vụ việc này: điều này sẽ cho phép tin rằng Ngài không phản đối những biện pháp khắc nghiệt mà Pháp có thể sử dụng chống lại vua nhà Nguyễn. Mặt khác, chính phủ dường như đã thuyết phục được rằng hành động của ông LaPierre ở Nam Kỳ hoàn toàn không đáng trách; nhưng còn lâu mới có thể thúc giục các hội đồng, đặc biệt khi người ta muốn hòa bình bằng mọi giá, ra tuyên bố chiến tranh với một vị vua cách chúng ta 6.000 dặm để bênh vực danh dự cờ hiệu Pháp và che chở những người truyền giáo nghèo khó, trong lúc những vụ việc được cho là nghiêm trọng hơn nhiều và diễn ra trước mắt chúng ta chiếm hết sự chú ý của các nhà ngoại giao..."
Như vậy, chúng tôi không hy vọng gì ở chính phủ của Louis-Philippe. Liệu chúng ta có nên mong đợi nhiều hơn từ nền Cộng hòa mới của chúng ta? Chúng tôi không thể dự đoán trước khi Cộng hòa được tổ chức hoàn chỉnh; chỉ có thể tin chắc rằng Cộng hòa sẽ không kiên nhẫn chịu đựng những xúc phạm đến danh dự của mình như chính phủ năm 1830. Mặc dù không thúc đẩy truyền giáo, Cộng hòa có thể muốn tất cả công dân của mình ở nước ngoài có được sự tự do mà ở lãnh thổ của mình Cộng hòa ban cho mọi dân tộc và mọi tín ngưỡng. Quá khứ cung cấp cho Cộng hòa lý do chính đáng để tuyên chiến, như trường hợp Nam Kỳ. Với Thiệu Trị, việc người Pháp quay lại tấn công ông là điều chắc chắn nên ông đã chuẩn bị rất nhiều để rửa sạch nỗi nhục thất bại đầu tiên trong cuộc chiến thứ hai. Từ khi gia hạn các sắc lệnh tàn bạo của phụ thân nhằm vào đạo, tất cả các anh thân yêu của chúng tôi ở Đàng Trong và Đàng Ngoài đều phải ẩn náu. Trước đây họ không được hưởng an bình hoàn toàn nhưng ít nhất có thể tận tâm phục vụ mà không quá nguy hiểm. Bảng thống kê mới đây nhất của Đàng Ngoài ghi nhận 7.086 trẻ em ngoại đạo được rửa tội khi gặp nguy tử và 1.308 người lớn được ân sủng đó.
Đức cha Retord đã chọn Đức cha Jeantet, vị cao niên nhất trong các giám mục truyền giáo của chúng ta, làm phó của mình. Đức cha ấy đã được tấn phong giám mục vào ngày Chúa Nhật Tuần Bát Nhật năm trước đó với danh hiệu Giám mục Pentancomie. Lễ tấn phong này đã được cử hành hai lần ở ĐàngTrong, trước tiên là cho Đức cha Pellerin, Giám mục Biblos, Giám mục phó của Đức cha Cuenot, sau đó là cho Đức cha Miche, Giám mục Dansara, Giám mục phó của Đức cha Lefebvre, người đã may mắn trở về Giáo phận của Ngài.
Vụ án các Thánh Tử đạo của chúng ta vẫn đang ở điểm như cũ. Sau khi ông Denain từ bỏ việc viết lịch sử cuộc bách hại gần đây nhất ở Đàng Ngoài,Đàng Trong và và Triều Tiên, ông Louis Veuillot đã vui lòng đem tài năng và danh tiếng của mình phục vụ chúng tôi. Chúng tôi chấp nhận lời đề nghị của ông ấy với biết ơn sâu sắc, bởi vì nó hoàn toàn vô tư về phía ông ấy. Xin Chúa cho phép công việc khác của ông để lại đủ thời gian rảnh rỗi để ông làm việc này! Ngòi bút hùng hồn của ông Veuillot, được tôi luyện qua tất cả các cuộc đấu tranh tôn giáo thời nay, khó có thể không làm nổi bật mối quan tâm mãnh liệt đến các trận chiến và chiến thắng của Giáo hội ở Viễn Đông, nơi máu của các cha truyền giáo Pháp đã hòa với máu người An Nam và Triều Tiên, và cung cấp cho ông những cái nhìn sâu sắc và cảm hứng chính trị có thể có kết quả tốt đẹp cho tương lai các miền truyền giáo của chúng ta.
Gần đây, kho thánh tích của chúng ta đã được ông John O’Connell viếng thăm. Trong số những nhân vật danh giá đi cùng với ông, có một mục sư Kháng Cách và một Phu nhân hầu cận Nữ hoàng Victoria, cũng theo đạo Kháng Cách. Năm nay, chúng tôi đã bổ sung thêm những của báu mới vào kho báu cũ. Ông Chamaison, đại biểu Quốc hội Nam Kỳ, đã đem lại cho chúng tôi hài cốt của các cha Gagelin, Jaccard và Thomas Thien, học trò của vị đồng nghiệp sau cùng này.
Duc Trung VU, CSsR dịch