Trích thư luân lưu năm 1844 của Hội Thừa Sai Paris.
Trích thư luân lưu năm 1844 của Hội Thừa Sai Paris.
Trong tất cả các miền truyền giáo của chúng ta, chỉ có miền Nam Kỳ là không có tin tức gần đây. Chúng ta chỉ biết rằng mọi thứ ở đó gần như còn trong cùng tình trạng tương tự như ở Bắc Kỳ. Một linh mục trẻ, người mà Đức Giám Mục Cuenot đặt nhiều hy vọng nhất trong tất cả giáo sĩ bản xứ, bị bắt vào cuối năm 1842. Việc bắt giữ các cha Miche và Duclos đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cho các tín hữu ở Phú Yên và Khánh Hòa. Trong số những người ở tỉnh sau, một số bị ép thực hiện các hành động mê tín, thậm chí một số người có sự bất hạnh từ bỏ đức tin. Ở Phú Yên, vụ việc được giải quyết bằng tiền; nhưng các quan lại đòi một số tiền rất lớn. Các tín hữu ở các tỉnh khác, ngoại trừ một vài vụ bách hại cục bộ, đã khá yên ổn kể từ khi vua Minh Mạng qua đời. Sáu đồng đạo bị giam cầm cùng năm linh mục Dòng chúng tôi vẫn còn trong ngục tù ở Huế. Quí vị chắc đã biết rồi, bằng một phép lạ không thể ngờ, chính các linh mục đã được trả tự do. Ông Favain-Lévêque, vì lòng nhân đạo, đã mạnh mẽ đòi hỏi nhân danh vua nước Pháp. Vua Thiệu Trị sợ hãi và các cha được đưa lên tàu Héroïne. Đức cha Cuenot ngay lập tức gửi một chiếc thuyền đến để đón và đưa các ngài về Nam Kỳ. Nhưng vì đã hành động nhân danh vua mình mà không có chỉ thị trước, và tuyên bố với vua Nam Kỳ rằng ông muốn đưa các cha về quê hương, ông Favain-Lévêque cảm thấy bị ràng buộc kép, không thể nhượng bộ trước yêu cầu của Đức cha Cuenot hay các linh mục.
Tuy nhiên, khi đến Singapore, ông cho phép các cha Miche và Duclos đến trường Công giáo ở Penang; nhưng buộc họ phải cam kết bằng văn bản sẽ không trở lại Nam Kỳ trước khi chúng tôi thoả thuận với Chính phủ. Các cha Charrier, Galy và Berneux, không thể có được đặc ân tương tự, cùng với ông đến đảo Réunion. Ở đó, họ gặp các ông Forcade và Titaud, những người đang trên đường đi Trung Quốc trên chiến hạm Cléopâtre. Cha Berneux van nài ngài Toàn quyền cho phép cha lên tàu Cléopâtre. Cha gặp rất nhiều khó khăn mới được phép, với điều kiện tương tự như điều kiện các cha Miche và Duclos ở lại Penang. Vị đồng nghiệp này ít hy vọng quay lại vùng truyền giáo yêu dấu của mình. Vì vậy, cha Libois chỉ thỏa mãn mong ước của cha Berneux khi gửi ông đến Tatar. Xin Thiên Chúa ban cho ngài được bồi thường xứng đáng về sự hy sinh lớn lao, khi ngài từ bỏ vùng truyền giáo mà ngài hết lòng yêu mến và sẽ bị mọi người nhớ thương sâu xa!
Về các cha Charrier và Galy, họ đã đến đây vào cuối năm ngoái. Không cần phải nói rằng chúng tôi đã cố gắng hết sức để đón tiếp tốt đẹp và bày tỏ tất cả sự quan tâm mà các cha đáng được hưởng. Ở khắp mọi nơi, nhưng đặc biệt là ở các giáo phận của các cha, các cha đã được tỏ lòng kính trọng và tôn kính, và đã tạo dựng được niềm tin rất cao về các nhân đức của các cha. Người ta sẽ nhớ lâu cảm xúc day dứt, chân thành của các cha về những ngày tươi đẹp khi mang xiềng xích vì Chúa Giêsu và dưới áp bức của bản án, các cha vui mừng trong hy vọng sớm được nhận vương miện tử đạo. Các cha sẽ củng cố thêm sự quan tâm mà họ đã gieo trồng bằng cách quay trở lại những sứ mệnh yêu quý mà họ rất mong được phục vụ và nơi họ được khao khát nồng nhiệt. Các cha đã đặt chỗ trên một con tàu của Antwerp sẽ đưa các cha thẳng đến Ma Cao. Vì vậy, chúng tôi có thể khẳng định rằng sự trở lại của các cha ở Pháp chỉ để lại những ấn tượng tuyệt vời, và rất có thể ngoài danh dự mà Hội chúng tôi đã đạt được, chúng tôi còn có thêm một số ơn gọi truyền giáo.
Các cha Miche và Duclos đang chờ câu trả lời của chúng tôi với sự nóng lòng, và sớm thôi họ sẽ biết rằng họ được tự do quay trở lại Nam Kỳ. Niềm vui này sẽ bị dịu đi bởi một quyết định mà vì lợi ích của Sứ Mệnh này, chúng tôi tin rằng cần phải đưa ra. Chúng tôi không phủ nhận rằng đã hình thành những mối quan hệ thân thiết giữa họ trong công việc truyền giáo và thậm chí dưới cùm kẹp và roi vọt, nhưng chúng tôi biết đủ về nhân đức và mong muốn được hữu ích cho sứ mệnh của họ để tin tưởng đề nghị họ hy sinh bằng cách tách ra.
Trường Công giáo ở Penang, nay đã có 60 học sinh, dường như đòi hỏi sự hiện diện của một trong các cha này. Do đó, chúng tôi đã đề nghị cha Duclos vui lòng ở lại đó làm Giám đốc cho đến khi Đức Giám mục Cuenot chấp thuận việc bổ nhiệm của cha. Đồng thời chúng tôi đã viết thư cho cha Favre để cha đến Ma Cao rồi từ đó đến Tứ Xuyên. Chúng tôi biết rằng tin này sẽ làm cha vui. Như vây, sẽ có các cha Tisserand, Duclos và Martin ở lại trường Công giáo Penang. Quí vị thấy rằng chúng tôi không bỏ bê trường này.
Trước khi kết thúc phần về các cha giải tội của chúng ta, chúng tôi phải cho quí vị biết rằng, để bày tỏ lòng biết ơn đối với người giải thoát các ngài, chúng tôi đã xin Đức Thánh Cha ban tặng huân chương cho ông ấy. Ông ấy đã có công lao rất lớn đối với Giáo hội nên chúng tôi không nghi ngờ gì về việc ông sẽ nhận được huân chương. Ảnh hưởng về mặt tinh thần của việc giải thoát này là nâng cao uy tín cho các nhà truyền giáo trong con mắt của các quan lại và dân chúng, và mặc dù nhà vua đã tuyên bố rằng đó là do lòng hào phóng của mình, nhưng chắc chắn ông ta chỉ nhượng bộ vì sợ hãi. Đây là bằng chứng cho thấy rằng nếu chính phủ Pháp có chính sách bảo vệ cho các anh em của chúng ta ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ, họ sẽ không còn phải lo sợ tù đày hay cái chết nữa. Giờ đây, khi 5 hay 6 tàu chiến Pháp tuần tra trên biển Trung Quốc, việc đó thật dễ dàng.
Nước Anh, vốn rất lo sợ cờ hiệu của chúng ta, liệu có thể tức giận khi chúng ta làm ở Nam Kỳ điều mà họ vừa mới làm ở Trung Quốc không? Trong một điều khoản bổ sung của hiệp ước, có nói rằng bất kỳ người châu Âu nào bị bắt ở bên trong đế quốc thiên triều sẽ được trao trả cho lãnh sự quán của quốc gia họ. Vậy có gì ngăn cản việc tái lập lãnh sự quán ở Nam Kỳ, vốn bị bãi bỏ sau nhiều sự sỉ nhục mà không bao giờ đòi bồi thường, và yêu cầu vua Annam yếu ớt đó đảm bảo ít nhất là tính mạng cho các anh em của chúng tôi?
Nhưng nếu chính phủ Pháp tiếp tục chính sách trung lập đối với chúng tôi, thì tác dụng tốt đẹp do việc giải cứu năm người anh em của chúng tôi sẽ sớm bị phá hủy hoàn toàn và phản ứng sẽ càng dữ dội hơn. Nhà vua Nam Kỳ sẽ sớm hết sợ hãi; và hơn nữa, ông ta sợ gì một chính phủ chỉ đòi hỏi tự do cho các thần dân bị giam cầm oan ức mà không đòi hỏi ông ta phải chịu trách nhiệm về những tra tấn mà ông ta đã ra lệnh, về án tử hình nhằm vào các ngài, cũng như về tất cả máu của người Pháp mà ông ta đã tìm cách đổ ra?
Trong suốt năm ngoái, vẫn còn nhiều vụ bắt giữ xảy ra ở Bắc Kỳ. Một linh mục bản xứ và một giáo lý viên bị kết án tử hình đã bị hành quyết vào mùa thu. Hai linh mục khác chịu bản án tương tự từ lâu nhưng vẫn chưa bị thi hành. Các cuộc truy lùng gắt gao đã được thực hiện trong khu vực nơi cha Charrier bị bắt. Tuy nhiên, hầu hết các anh em của chúng tôi đã có thể cống hiến hết mình cho sứ mệnh với tất cả lòng nhiệt thành của họ. Nhiều tín hữu tội lỗi đã hối hận xin hòa giải với Chúa và nhiều người ngoại đạo đã được cải đạo. Lễ Phục sinh đã được cử hành tại nhà ông Masson, với sự hiện diện của Đức cha Retord và cha Taillandier, long trọng như trước thời bách hại. Các quan lớn được thông báo về điều này đã bị thuyết phục rằng cuộc họp lớn của các tín đồ Kitô giáo chỉ nhằm mục đích vui mừng vì sự giải thoát của các cha tù nhân của chúng tôi ở Nam Kỳ, và họ không dám nói gì. Nạn đói kém và dịch hạch đang tàn phá đất nước. Tai ương sau lại ít giáng xuống các Kitô hữu hơn là người ngoại đạo.
…….
Mùa hè năm ngoái, chúng tôi rất vui mừng khi nhận được những di vật quý giá của Đức Giám mục Borie, bao gồm hài cốt, cùm gỗ và các đồ dùng cá nhân của ngài. Điều này gây chấn động tại Pháp và nhiều tờ báo đã đưa tin. Trong số các chủng sinh của chúng tôi có một người em trai của vị tử đạo. Cuộc đời của ngài, do một giáo sĩ giáo phận Tulle soạn thảo, vừa được xuất bản. Vì chúng tôi sẽ gửi một số bản cho quí vị, nên chúng tôi sẽ không bình luận trước. Chúng tôi cũng in ra nhiều bản khắc hình chân dung của ngài, được đánh giá là rất giống.
Di vật của ngài và các vị tử đạo khác đã được đặt tại số 6 mà chúng tôi trang trí thích hợp. Không ai bước vào đó mà không cảm nhận được những xúc động mạnh mẽ và có lợi cho linh hồn. Chúng tôi hy vọng việc tuyên thánh sẽ càng nâng giá trị của kho báu quý giá này.
Mới đây vị thư ký của Bộ Truyền giáo đã khuyên cha Langlois nên cho khắc hình 70 vị tử đạo mà hồ sơ đã được khởi xướng, để phân phát theo thông lệ cho các hồng y, nhằm tránh chi phí in riêng lẻ cho mỗi vị. Những bản nhỏ hơn sẽ được phân phát cho giáo dân; và nếu do chúng mà có phép lạ nào xảy ra, thì có thể phục vụ cho việc tuyên thánh cho tất cả, giống như trường hợp các vị tử đạo Nhật Bản. Vụ án của cha Perbogrène sẽ không được tiến hành riêng rẽ như Dòng Lazarist đã yêu cầu. Các chi phí sẽ do các Hội Dòng mà các vị tử đạo thuộc về và chính Bộ Truyền giáo đài thọ, vì Bộ cũng muốn đóng góp vào công việc này.
Từ lâu chúng tôi cảm nhận được việc công bố một cuốn lịch sử về các cuộc bách hại ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ, vốn chưa được biết đến nhiều qua Niên giám của Bộ Truyền giáo, sẽ rất có lợi cho danh dự của Giáo hội cũng như của Dòng chúng tôi. Một người trong chúng tôi đã sẵn sàng đảm nhận công việc này, nhưng văn phong của người đó có thể bị coi là thiên vị, nên chúng tôi thích mượn bút của một người ngoài cuộc. Ông Demain, một nhà văn trẻ nổi tiếng trong giới văn chương với phong cách viết sâu sắc về tôn giáo, đã vui lòng giúp đỡ chúng tôi.
Chúng tôi tin tưởng rằng ông ấy sẽ xây dựng một tác phẩm tuyệt vời để tưởng nhớ các vị tử đạo của chúng tôi. Cuộc bách hại ở Triều Tiên sẽ cung cấp cho bút pháp của ông những màu sắc phong phú nhất.
Chúng tôi đã có tới 28 ứng viên và chúng tôi hy vọng sẽ không có ít hơn sau kỳ nghỉ. Bây giờ chúng tôi chỉ còn lại mười sáu người, trong đó chỉ có ba người là linh mục.
Ngày 26 tháng 12, chúng tôi đã gửi đi 6 thừa sai, gồm các vị sau cùng nơi đến:
….
các thừa sai được gửi đến Nam Kỳ:
Các cha Théophile-Marie LeGrand, quê Nantes; Fr.-Marie-Henri-Agathon Pellerin, quê Quimper; Jospeh Plaisant, quê Digne.
…..
Duc Trung Vu, CSsR dịch
Last updated
Was this helpful?