P.16-Phần cuối - Lậu Hoặc
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Chánh tri kiến Phần cuối - Lậu Hoặc
Kinh chánh tri kiến gồm 16 phần, phần cuối cùng của kinh - Đức Phật giảng về "Lậu Hoặc" - gốc rễ của "Vô Minh" như sau:
{Sau phần này, mình sẽ tổng kết toàn bộ 16 phần để mọi người dễ tìm. Rất mong được kết bạn với các thiện hữu tri thức xa gần, để cùng nhau vun đắp thiện nghiệp ạ}
Chư Hiền, thế nào là lậu hoặc, thế nào là tập khởi của lậu hoặc, thế nào là đoạn diệt của lậu hoặc, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của lậu hoặc?
1. Thế nào là lậu hoặc
Chư Hiền, có ba lậu hoặc này: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.
Giải nghĩa:
"Lậu hoặc" (Āsava): "Lậu" có nghĩa là rỉ ra, chảy ra, ám chỉ những phiền não, ô nhiễm khiến tâm bị nhiễm ô.
"Hoặc" nghĩa là mê lầm, vọng tưởng.
"Lậu hoặc" có thể hiểu là những phiền não, tham ái và vô minh làm cho chúng sinh bị trói buộc trong luân hồi sinh tử. Có ba loại lậu hoặc là:
1) Dục lậu (Kāmāsava): Những ô nhiễm do tham muốn, dục vọng trong thế gian, bao gồm ham muốn nhục dục, tiền tài, danh vọng, ăn uống, hưởng thụ các khoái lạc của ngũ dục (sắc, thanh, hương, vị, xúc).
2) Hữu lậu (Bhavāsava): Những ô nhiễm do sự chấp thủ vào sự tồn tại, mong cầu tiếp tục hiện hữu trong các cõi (sắc giới, vô sắc giới). Đây là sự tham đắm vào các trạng thái của sự sống, muốn tiếp tục tồn tại hoặc tái sinh vào cõi cao hơn.
3) Vô minh lậu (Avijjāsava): Những ô nhiễm do vô minh, không thấy rõ bản chất thật của vạn pháp (vô thường, khổ, vô ngã), không hiểu được Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.
2. Tập khởi của lậu hoặc, đoạn diệt của lậu hoặc
Từ tập khởi của vô minh có tập khởi của lậu hoặc; từ đoạn diệt của vô minh có đoạn diệt của lậu hoặc;
Giải nghĩa:
"Vô minh" (Avijjā): Là sự không thấy rõ bản chất thực sự của vạn pháp, không hiểu được Tứ Diệu Đế (Khổ - Nguyên nhân của Khổ - Diệt Khổ - Con đường diệt Khổ), không nhận thức rõ về luật Nhân Quả. Chính vô minh là nguyên nhân đầu tiên trong Thập Nhị Nhân Duyên, dẫn đến luân hồi sinh tử.
"Tập khởi": "Tập" có nghĩa là sự tích tụ, hình thành. "Khởi" là sự phát sinh, xuất hiện. "Tập khởi của vô minh" có nghĩa là vô minh được nuôi dưỡng và phát triển.
"Đoạn diệt": "Đoạn" là cắt đứt, loại bỏ. "Diệt" là chấm dứt hoàn toàn. "Đoạn diệt của vô minh" có nghĩa là trí tuệ phát sinh, giúp dập tắt sự mê lầm.
"Từ tập khởi của vô minh có tập khởi của lậu hoặc" - Vô minh là cội gốc sinh ra lậu hoặc. Khi vô minh tồn tại, con người không nhận thức đúng về bản chất cuộc sống, từ đó sinh ra tham dục, chấp thủ và phiền não. Khi con người không thấy rõ bản chất vô thường, khổ, vô ngã, họ sẽ chạy theo dục lậu (ham muốn), hữu lậu (chấp thủ vào sự tồn tại), và vô minh lậu (không thấy sự thật). Điều này làm cho chúng sinh tiếp tục trầm luân trong luân hồi sinh tử.
"Từ đoạn diệt của vô minh có đoạn diệt của lậu hoặc" - Diệt vô minh thì diệt được lậu hoặc. Khi vô minh bị phá vỡ (tức là khi con người đạt đến chánh tri kiến, thấy rõ bản chất thật của vạn pháp), thì lậu hoặc cũng bị đoạn diệt. Đây chính là con đường đưa đến giác ngộ và giải thoát. Phương pháp để diệt vô minh là thực hành Bát Chánh Đạo, đặc biệt là Chánh Tri Kiến và Thiền Định, giúp phát sinh trí tuệ.
3. Con đường đưa đến đoạn diệt của lậu hoặc
Thánh Ðạo Tám Ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của lậu hoặc, tức là: Chánh Tri kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh.
Giải nghĩa:
Thánh Đạo Tám Ngành (Bát Chánh Đạo) là con đường thực hành giúp đoạn trừ lậu hoặc (những phiền não trói buộc con người vào luân hồi sinh tử). 8 yếu tố của Bát Chánh Đạo là:
1) Chánh Tri Kiến (Thấy biết đúng đắn) : Hiểu rõ Tứ Diệu Đế.
2) Chánh Tư Duy (Suy nghĩ đúng đắn) : Không tham, sân, si.
3) Chánh Ngữ (Lời nói chân chính) : Không nói dối, không nói ác, không nói thêu dệt.
4) Chánh Nghiệp (Hành động chân chính) : Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm.
5) Chánh Mạng (Sinh kế chân chính) : Kiếm sống chân chính, không làm nghề gây hại.
6) Chánh Tinh Tấn (Nỗ lực đúng đắn) : Siêng năng đoạn ác, tu thiện.
7) Chánh Niệm (Nhận thức tỉnh giác) : Quán sát thân, thọ, tâm, pháp đúng cách.
😎 Chánh Định (Tập trung đúng đắn) : Thiền định để đạt trí tuệ giải thoát.
Đây là con đường duy nhất để đoạn diệt tham, sân, si, giúp hành giả giải thoát khỏi luân hồi.
Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri lậu hoặc như vậy, tuệ tri tập khởi của lậu hoặc như vậy, tuệ tri đoạn diệt của lậu hoặc như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của lậu hoặc như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên "Tôi là", đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này.
Giải nghĩa:
Khi tu tập đúng pháp, hành giả diệt tận phiền não ngay trong kiếp này, không cần chờ kiếp sau.
1) Tham tùy miên (Ái dục ẩn tàng): Hành giả không còn tham đắm vào dục lạc.
2) Sân tùy miên (Sân hận ẩn tàng): Không còn sân hận, thù ghét.
3) Kiến mạn tùy miên ("Tôi là" - Chấp ngã): Không còn chấp ngã (tôi là, của tôi).
4) Đoạn trừ vô minh: Hiểu rõ bản chất vô thường - khổ - vô ngã.
5) Minh khởi lên: Trí tuệ phát sinh, thấy rõ sự thật.
6) Diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại: Đạt Niết-bàn, không còn phiền não.