P02-Thức ăn
Last updated
Was this helpful?
Last updated
Was this helpful?
Chánh Tri Kiến P2 - Thức ăn
Kinh Trung bộ Bài số 9. Kinh Chánh tri kiến (Sammàditthi sutta) giảng về 16 chủ đề, trong đó chủ đề thứ 2 là "Thức ăn". Đây là bài kinh quan trọng bậc nhất mà đức Phật giảng cho chúng Phật tử về Chánh Tri Kiến, một phần trong Bát Chánh Đạo. Thông qua bài kinh này, chúng ta sẽ hiểu được thế nào là Chánh Tri Kiến, và phải tu tập thế nào để có được Chánh Tri Kiến:
(Nội dung kinh gốc mình xin post ở dưới bài)
Bốn loại thức ăn (āhāra)
Trong giáo lý của đức Phật, "thức ăn" không chỉ đơn thuần là thực phẩm vật chất mà chúng ta tiêu thụ hằng ngày, mà còn mang ý nghĩa rộng hơn, bao gồm những yếu tố nuôi dưỡng và duy trì sự tồn tại của chúng sinh. Có bốn loại thức ăn:
1) Đoàn thực (kabaliṅkārāhāra) - thức ăn vật chất, gồm thức ăn thô và tế, giúp duy trì sự sống của thân xác. Ví dụ: Cơm, rau, thịt, cá, nước uống, những thực phẩm ta ăn hằng ngày.
2) Xúc thực (phassāhāra) - sự tiếp xúc giữa sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) và sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), tạo ra cảm thọ (hỷ, ưu, xả). Ví dụ: Khi nghe một bài nhạc êm dịu, ta cảm thấy thư thái (xúc thực từ tai).
3) Tư niệm thực (manosañcetanāhāra) - những ý chí, ước muốn, suy nghĩ và động cơ trong tâm thức, quyết định hành vi và nghiệp báo của con người. Ví dụ: Một người có tâm thiện lành, luôn nghĩ về việc giúp đỡ người khác, sẽ tạo nghiệp tốt. Một người đầy sân hận, suốt ngày nghĩ cách hại người khác, sẽ tạo nghiệp xấu.
4) Thức thực (viññāṇāhāra) - nhận thức, tức là sự duy trì của dòng tâm thức, giúp con người có sự liên tục trong nhận biết và tư duy. Ví dụ: Một người khi chết, tâm thức không mất đi mà chuyển sang một đời sống khác (theo nghiệp đã tạo). Một đứa trẻ sinh ra đã có những thói quen và tính cách riêng, do thức thực từ kiếp trước ảnh hưởng.
Tập khởi của thức ăn
*Tập Khởi (Pāli: Samudaya) có nghĩa là sự sinh khởi, nguồn gốc hay nguyên nhân làm phát sinh một điều gì đó.
Các loại thức ăn này khởi lên từ ái dục (taṇhā) - sự yêu thích, ham muốn, bám víu vào sự sống và các trải nghiệm. Chính lòng ham muốn này làm cho con người tiếp tục chấp thủ vào thức ăn, từ đó tạo nghiệp và tái sinh luân hồi. Hãy xem những ví dụ sau để thấy mỗi loại thức ăn được tập khởi như thế nào:
1) Đoàn thực: Một người nghiện đồ ăn ngon, luôn tìm kiếm những món ăn đắt tiền, xa hoa để thỏa mãn vị giác. Khi không có món ăn yêu thích, họ bực bội, khó chịu, thậm chí sẵn sàng gây tổn hại cho các loài động vật, cho người khác để có được thức ăn mong muốn. Chính lòng ham muốn này làm họ tiếp tục bám víu vào thân xác, dẫn đến nghiệp tái sinh trong các cõi để tiếp tục hưởng thụ hoặc chịu khổ do nghiệp báo.
2) Xúc thực: Một người yêu thích ca hát, nghiện nghe nhạc liên tục để thỏa mãn giác quan. Nếu không có những kích thích này, họ cảm thấy trống rỗng, buồn chán, bất an. Họ tìm đến những vật dụng, những nơi có thể thoả mãn được sự yêu thích này như loa đài, karaoke, vũ trường. Do chấp vào sự hưởng thụ này, họ tạo nghiệp để tiếp tục tái sinh, vì còn ham muốn cảm thọ từ thế gian.
3) Tư niệm thực: Một người tham vọng giàu có, quyền lực, luôn suy nghĩ cách làm giàu, đạt danh tiếng. Họ sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục tiêu, kể cả việc tạo nghiệp xấu. Khi chết đi, vì còn ham muốn chưa dứt, tâm thức họ tiếp tục tái sinh vào cõi đời để theo đuổi tham vọng.
4) Thức thực : Một người tin rằng "Tôi là người quan trọng", "Tôi phải nổi bật", "Tôi không thể biến mất". Chính sự chấp vào cái tôi, vào ý thức cá nhân khiến họ sợ hãi cái chết, tìm cách duy trì sự tồn tại của bản thân. Đây chính là nguyên nhân của tái sinh, vì khi tâm còn bám víu vào thức thực, họ sẽ tiếp tục trôi lăn trong luân hồi.
Đoạn diệt của thức ăn
Khi ái dục (sự ham thích) đoạn diệt, thì sự lệ thuộc vào thức ăn cũng chấm dứt, đồng nghĩa với sự chấm dứt của vòng luân hồi sinh tử. Hãy xem những ví dụ sau để thấy khi nào thì thức ăn đoạn diệt:
1) Đoàn thực: Khi nhìn thức ăn chỉ là phương tiện, không bị dính mắc. Một vị Tỳ-kheo chỉ ăn để duy trì mạng sống, không tham đắm vào vị ngon, không ghét bỏ vị dở. Khi ăn, họ quán chiếu: "Thức ăn này chỉ để duy trì thân xác, không phải để thỏa mãn dục vọng." Khi tâm không còn chấp vào đoàn thực, người ấy không bị trói buộc vào thân xác này.
2) Xúc thực: Khi không còn chạy theo cảm thọ. Một người đã giác ngộ hiểu rằng mọi cảm giác đều vô thường (vui rồi sẽ khổ, khổ rồi sẽ vui). Khi nghe lời khen chê, họ không dao động, không để tâm bị cuốn vào cảm thọ. Khi nghe một bản nhạc họ không để cảm xúc cuốn vào giai điệu. Khi tâm không còn bám víu vào xúc thực, họ không còn bị cuốn vào vòng sinh tử để tìm kiếm trải nghiệm giác quan nữa.
3) Tư niệm thực: Khi không còn bị chi phối bởi tham vọng và mong cầu. Một người hành thiền, thấy rõ mọi ý nghĩ chỉ là sự sinh diệt, không có cái "Tôi" thực sự. Họ không còn chạy theo tham vọng, không bị suy nghĩ lôi kéo vào vòng luân hồi. Khi tư niệm thực đoạn diệt, họ không còn tạo nghiệp dẫn đến tái sinh.
4) Thức thực: Khi chấm dứt bản ngã, đạt Niết-bàn. Một bậc A-la-hán không còn bám víu vào thức, không còn chấp "Ta là ai". Khi chết, họ không còn tái sinh, vì thức thực đã đoạn diệt, giống như ngọn đèn dầu đã tắt khi hết dầu. Đây là sự giải thoát hoàn toàn, không còn luân hồi.
Con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn
Tôn giả Xá-lợi-phất giảng rằng Bát Chánh Đạo (Ariya Aṭṭhaṅgika Magga) là con đường giúp đoạn diệt sự bám chấp vào thức ăn và chấm dứt khổ đau, gồm có:
1) Chánh Định - Định tâm vững chắc, phát triển trí tuệ.
2) Chánh Tri Kiến - Hiểu rõ bốn loại thức ăn và sự nguy hiểm của chúng khi dính mắc vào ái dục.
3) Chánh Tư Duy - Tư duy hướng đến ly tham, từ bi, buông bỏ.
4) Chánh Ngữ - Lời nói chân chánh, không dối trá, không ác khẩu.
5) Chánh Nghiệp - Hành động chân chánh, không sát sinh, không trộm cắp.
6) Chánh Mạng - Nghề nghiệp chân chánh, không gây hại đến chúng sinh.
7) Chánh Tinh Tấn - Nỗ lực từ bỏ ác pháp, nuôi dưỡng thiện pháp.
😎 Chánh Niệm - Nhận biết rõ ràng mọi hiện tượng trong thân và tâm.
-------------
{nội dung kinh gốc}:
- Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này vị Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này?
-- Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức ăn, tuệ tri tập khởi của thức ăn, tuệ tri đoạn diệt của thức ăn, và tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là thức ăn, thế nào là tập khởi của thức ăn, thế nào là đoạn diệt của thức ăn, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn? Chư Hiền, có bốn loại thức ăn này, khiến các loài chúng sanh đã sanh được an trú hay các loài hữu tình sẽ sanh được hỗ trợ cho sanh. Thế nào là bốn? Ðoàn thực, loại thô hay loại tế, xúc thực là thứ hai, tư niệm thực là thứ ba, thức thực là thứ tư. Từ tập khởi của ái có tập khởi của thức ăn, từ đoạn diệt của ái có đoạn diệt của thức ăn. Thánh Ðạo Tám Ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, tức là: Chánh Tri kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh.
Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức ăn như vậy, tuệ tri tập khởi của thức ăn như vậy, tuệ tri đoạn diệt của thức ăn như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên "Tôi là", đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này.