P05-Sanh (Sinh)
Chánh Tri Kiến P5 - Sanh (Sinh)
Trong các bài trước, chúng ta đã phân tích Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4 của bài kinh Chánh Tri Kiến, trong phần này chúng ta phân tích phần 5. Sanh (Sinh) các bạn nhé:
1. Thế nào là sanh
Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào trong từng mỗi loại hữu tình, sự sanh, hiện khởi, xuất hiện, hiện diện, hiện hành các uẩn, tụ đắc các xứ; Chư Hiền, như vậy gọi là sanh.
Giải nghĩa:
1) "Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào trong từng mỗi loại hữu tình"
"Hữu tình giới" (sattaloka) là thế giới của các loài có thức (chúng sinh). "Mỗi loại hữu tình" bao gồm tất cả chúng sinh trong ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) và bốn loài sinh là Noãn sinh (sinh từ trứng), Thai sinh (sinh từ bào thai), Thấp sinh (sinh từ ẩm thấp), và Hóa sinh (biến hóa mà sinh ra, như chư thiên, ngạ quỷ). Sự "Sanh"- như vậy không chỉ nói về con người mà còn bao gồm tất cả các loài chúng sinh trong vũ trụ.
2) "Sự sanh, hiện khởi, xuất hiện, hiện diện, hiện hành các uẩn"
"Sanh" (Jāti) là sự chào đời, xuất hiện của một chúng sinh trong một kiếp sống mới. "Hiện khởi, xuất hiện, hiện diện" – là sự hình thành của thân và tâm ngay khi bắt đầu một đời sống. "Hiện hành các uẩn" – tức là năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) bắt đầu vận hành trong kiếp sống đó. Như vậy, sự "Sanh" không chỉ là sự ra đời về mặt thể xác, mà còn là sự vận hành của thân và tâm trong một kiếp sống.
3) "Tụ đắc các xứ"
"Xứ" (āyatana) ở đây có thể hiểu là các giác quan và đối tượng của chúng gồm có sáu nội xứ là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; và sáu ngoại xứ là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Câu này có nghĩa là khi một chúng sinh được sinh ra, họ có được các giác quan, từ đó bắt đầu nhận biết thế giới và tiếp tục chịu ảnh hưởng của nghiệp lực.
2. Tập khởi của sanh, đoạn diệt của sanh
Từ sự tập khởi của hữu có sự tập khởi của sanh, từ sự đoạn diệt của hữu, có sự đoạn diệt của sanh.
Giải nghĩa:
1) "Hữu" (bhava) – Nghĩa là sự tồn tại hay sự trở thành, là điều kiện dẫn đến tái sinh. "Hữu" được chia thành ba loại là :
a) Dục giới hữu (kāmabhava): Sự hiện hữu trong cõi Dục (người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, chư thiên).
b) Sắc giới hữu (rūpabhava): Sự hiện hữu trong cõi Sắc (chư thiên ở các tầng thiền sắc giới).
c) Vô sắc giới hữu (arūpabhava): Sự hiện hữu trong cõi Vô sắc (chư thiên ở các tầng thiền vô sắc giới).
2) "Sanh" (jāti) – Là sự sinh ra của một chúng sinh trong một kiếp sống mới.
3) "Tập khởi" – Nghĩa là sự hình thành, phát sinh, tức là điều kiện khiến một sự việc xảy ra.
4) "Đoạn diệt" – Nghĩa là chấm dứt, không còn nữa.
Đức Phật giảng "Từ sự tập khởi của hữu có sự tập khởi của sanh" có nghĩa là khi một chúng sinh còn tồn tại trong vòng luân hồi, còn có nghiệp lực, còn tham ái và chấp thủ vào sự sống, thì hữu (bhava) vẫn còn. Vì còn "hữu", nên khi kết thúc một đời sống, chúng sinh đó sẽ tái sinh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp đã tạo. Nói cách khác, có "hữu" (sự tồn tại trong luân hồi) thì sẽ có "sanh" (tái sinh trong một đời sống mới).
"Từ sự đoạn diệt của hữu, có sự đoạn diệt của sanh": Nghĩa là nếu một người đoạn diệt được "hữu", tức là không còn tạo nghiệp đưa đến tái sinh, không còn tham ái, chấp thủ vào bất kỳ sự hiện hữu nào, thì tái sinh không còn xảy ra. Đây là trạng thái của Niết-bàn, nơi mà sanh, già, bệnh, chết hoàn toàn chấm dứt.
Nói dễ hiểu, còn "hữu" (còn tham ái, nghiệp lực, còn mong cầu hiện hữu), thì còn "sanh" (còn tái sinh trong luân hồi).Nếu "hữu" bị đoạn diệt (không còn chấp thủ vào bất kỳ hình thức hiện hữu nào), thì "sanh" cũng đoạn diệt (không còn tái sinh, đạt giải thoát hoàn toàn – Niết-bàn).
3. Con đường đưa đến đoạn diệt của sanh
Thánh Ðạo Tám Ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của sanh, tức là: Chánh Tri kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn, Chánh Niệm, Chánh Ðịnh.
Giải nghĩa:
Bát Chánh Đạo (Thánh Đạo Tám Ngành) là con đường duy nhất giúp đoạn diệt sanh (sinh tử luân hồi), gồm có:
1) Chánh Tri Kiến: Thấy biết đúng, hiểu rõ Tứ Diệu Đế, vô thường, vô ngã.
2) Chánh Tư Duy : Suy nghĩ đúng, không tham lam, sân hận, si mê.
3) Chánh Ngữ: Nói lời chân thật, hòa ái, không nói dối, không ác khẩu.
4) Chánh Nghiệp : Hành động chân chính, không sát sinh, trộm cắp, tà hạnh.
5) Chánh Mạng: Nghề nghiệp chân chánh, không làm tổn hại người khác.
6) Chánh Tinh Tấn : Nỗ lực diệt trừ ác, phát triển thiện.
7) Chánh Niệm : Gìn giữ chánh niệm, quán sát thân, thọ, tâm, pháp.
😎 Chánh Định : Đạt tâm định sâu xa, dẫn đến trí tuệ giải thoát.
Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri được sanh như vậy, tuệ tri được tập khởi của sanh như vậy, tuệ tri được đoạn diệt của sanh như vậy, tuệ tri được con đường đưa đến đoạn diệt của sanh như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên "Tôi là", đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này.
"Tùy miên" là những phiền não ẩn sâu trong tâm thức, chưa phát tác nhưng vẫn chi phối hành vi. Có ba loại chính:
a) Tham tùy miên (ái dục) – sự chấp chặt vào khoái lạc giác quan.
b) Sân tùy miên (giận dữ, oán hận) – sự thù hận, sân hận trong tâm.
c) Kiến mạn tùy miên (tôi là) – sự chấp thủ vào bản ngã, vào ý nghĩ "tôi tồn tại".
Khi tuệ tri bản chất của sanh, một vị Thánh đệ tử có thể nhổ tận gốc ba loại tùy miên này, không còn bị chúng chi phối nữa.
Tranh: Sự ra đời của Thái tử Siddhartha Gautama - Hoạ sĩ Maligawage Sarlis (1800)
Last updated
Was this helpful?