9.9.3.Ý Nghĩa Lễ Hội Rằm Tháng Sáu (Àsàlhapùjà)
3. Ý Nghĩa Lễ Hội Rằm Tháng Sáu (Àsàlhapùjà)
Căn cứ theo kinh điển truyền thống Pàli tạng thì ngày Rằm tháng Sáu chẳng những là ngày khởi điểm mùa an cư Kiết hạ của chư Tăng Phật giáo Nam tông mà còn đánh dấu những sự kiện quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp đạo pháp của đức Tôn sư. Tuy nhiên ở Việt Nam, ngày Rằm tháng Sáu cũng vẫn còn xa lạ đối với đối với đa số Phật tử. Dựa theo kinh điển truyền thống, ngày trăng tròn tháng Sáu âm lịch là ngày kỷ niệm lịch sử trọng đại một lúc bốn sự kiện:
1/ Bồ tát giáng trần
2/ Bồ tát xuất gia
3/ Ðức Phật chuyển Pháp Luân
4/ Ðức Phật thị hiện song thông nhiếp phục ngoại đạo
* Bồ tát giáng trần
Theo bộ kinh Phật Tông, Bồ tát tu hạnh Trí tuệ phải thực hành pháp độ khoảng 20 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Tiền kiếp của Phật Thích Ca là Ngài Vessantara thực hành đại thí đến cụ già Jùjaka thành tựu. Sau đó hết tuổi thọ, Ngài tái sanh vào cõi Trời Ðẩu Xuất (Tusita) có tên là Santusita. Ở cõi Trời này lúc nào cũng trang nghiêm và thanh tịnh, ngoài trừ những ngày Trai giới: mồng 8, 15, 23 và 30. Trong những ngày này, Chư Thiên các nơi vân tập về đây để nghe đức Bồ tát Setaketu thuyết pháp. Thường thường Ngài giảng về bố thí, trì giới, tham thiền, tội ngũ trần, đề cao hạnh xuất gia, ba tướng của vũ trụ... giọng nói của Ngài thanh tao như trời Phạm thiên, y phục chỉnh tề, hào quang sáng chói. Sau thời giảng, Chư Thiên vô cùng hoan hỷ, chấp thọ lời dạy của Ngài và cáo biệt trở về cung điện của mình.
Riêng đức Bồ tát lúc nào cũng trầm tư mặc tưởng về chí nguyện độ đời của mình. Vì thế Ngài lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng giáng phàm để thành đạo. Thông lệ các vị Bồ tát mặc dù tu hạnh nào trước khi thành Phật cũng phải ngụ trên cõi Trời này để chờ thời gian thích hợp giáng phàm. Bồ tát Setasetu sống trên cõi Trời Ðâu suất khoảng 4000 tuổi. Lúc đó, trời Ðế Thích và Chư Thiên nhận thấy ở cõi Diêm phù đề đã vắng bóng Phật tổ từ lâu nên đồng nhau cung thỉnh Ngài giáng phàm để sau này cứu độ chúng sinh. Ngài quán chiếu năm điều:
- Thời kỳ (kàla): Thời kỳ tốt nhất là chúng sinh sống không quá 1000 tuổi mà cũng không quá 100 tuổi. Lý do là nếu sống lâu thì con người đâm ra dễ duôi, bất chấp tội phước; còn như yểu số thì con người chỉ lo mưu cầu danh lợi, thỏa mãn vật chất, không đủ thời gian tu niệm.
- Quốc độ (desa):ở đây không quá giàu mà cũng không quá nghèo, sự bất công và sự phủ phàng lúc nào cũng hiện diện trong cuộc sống. Nhờ thế con người sẽ dễ hướng thiện. Lại nữa quốc độ này phải nằm ngay trung tâm của cõi Diêm phù đề.
- Châu (padìpa): Loài người hiện sống và tồn tại ở bốn châu thiên hạ, đó là Ðông thắng thần châu (pubbavidehadìpa), Tây ngưu hóa châu (aparagoyànìdìpa) , Bắc cưu lu châu (uttarakuradìpa), Nam thiện bộ châu (jampudìpa). Ðức Bồ tát chọn Nam thiện bộ châu, vì tại châu này chúng sinh không quá văn minh kiêu kỳ mà cũng không quá lạc hậu đần độn. Nhờ vậy, khi gặp Phật, họ sẽ dễ lãnh hội giáo lý, tu hành mau đắc đạo.
- Giòng dõi (kula): Theo 30 tục lệ của chư Phật, là vị Phật tổ không thể nào giáng phàm vào dòng dõi thấp hèn, nếu vậy thì sẽ bất lợi trong việc hoằng pháp độ đời. Còn như giáng phàm trong dòng dõi cao quý thì việc hoằng pháp sẽ có khế lý và khế cơ, do đó sẽ có kết quả tốt.
- Cha mẹ (màtara): Ðức Phật là thầy của Tam giới, cho nên cha mẹ của Ngài kiếp cuối phải là người đại duyên đại hạnh và đã từng có hạnh nguyện với nhau trong vô số lượng kiếp.
Sau khi quan sát năm điều thích hợp trên, Ngài đồng ý giáng sanh xuống trần gian để sau này thành đạo tiếp độ chúng sinh. Hôm đó là ngày thứ Năm, Rằm tháng Sáu, năm Dậu.
* Bồ tát xuất gia
Thông lệ chư Phật trong quá khứ, các vị Bồ tát kiếp cuối khi đản sanh 7 ngày thì người mẹ phải băng hà, hóa sanh vào cõi Trời Ðẩu xuất. Bồ tát Sĩ Ðạt Ta cũng ở trong thông lệ đó. Sau khi hoàng hậu Màya băng hà, kế mẫu Mahàpajàpàtigotamì chăm sóc thái tử chu đáo cho đến ngày thái tử vượt cung thành xuất gia.
Thái tử chào đời không được bao lâu, vua cha cho mời những vị thầy nổi tiếng về thiên văn địa lý đến xem tương lai của thái tử và đuợc họ trả lời, nếu thái tử ở hoàng cung sau này sẽ trở thành vua chuyển luân thánh vương, nếu xuất gia sau này sẽ trở thành bậc thầy của nhân thiên. Lời tiên tri này khiến cho vua cha vừa mừng vừa lo. Nhưng mừng thì ít mà lo thì nhiều. Trong lòng nhà vua suy nghĩ rồi mai này con ta đi xuất gia thì vương quốc này thuộc về ai?
Nỗi lo niềm sợ của nhà vua càng ngày càng thêm chồng chất, vì thái tử càng khôn lớn thì có những đặc tính khác phàm, thường hay trầm tư , thích yên tỉnh... Nhà vua báo cho bá quan văn võ hay biết về những đặc tính đó của thái tử , và họ đề nghị nhà vua nên tổ chức lễ cuới cho thái tử càng sớm càng tốt, vì điều đó có khả năng giữ chân thái tử ở hoàng cung. Ðức vua nghe vậy rất đắc ý. Thế là công chúa Da Du Ðà La (Yasodhara) ở một nước lân bang, con vua Thiện Giác (Suppabuddha), chính thức tuyển vào cung làm vợ của thái tử. Công chúa là một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, đức hạnh đoan trang, hoa hậu thời đó. Vua cho xây ba tòa nhà tiện nghi cung ứng với ba mùa thích hợp: mùa lạnh, mùa nóng và mùa mưa để cho thái tử và công chúa hưởng thụ những khoái lạc của trần thế. Vua cha rất mừng khi thấy con sống hạnh phúc êm đềm với Da Du.
Nhưng ai nào có ngờ đâu, sau chuyến du ngoạn bốn cửa thành, thái tử nhìn thấy được bản chất của cuộc đời là vô thường, tạm bợ. Ngài trở về hoàng cung với một nỗi buồn ê chề. Công chúa Da Du bạch hỏi: Sao thái tử buồn, thần thiếp có làm điều chi Phật ý thái tử chăng? Ngài đáp: Không, ta tưởng hạnh phúc của chúng ta sẽ vĩnh hằng mãi mãi, ta nghe trong ta, trong ái khanh và trong mọi người đều phải chịu sức tàn phá của búa thời gian. Dung nhan kiều diễm của ái khanh rồi sẽ bị mai một theo ngày tháng, tóc đen rồi sẽ bị phai màu... Tất cả đều giả tạm, như vậy cái gì là chân hạnh phúc? Ta quyết sẽ thoát ly để tìm một hướng đi đích thực cho ta và cho mọi người.
Hình ảnh bốn cửa thành lúc nào cũng ẩn sâu trong tâm khảm của Ngài - già, bệnh, chết và vị Sa môn, dường như lúc nào cũng thôi thúc Ngài phải thoát ly. Mười ba năm chung sống với Da Du rất hạnh phúc. Ngày Da Du hạ sanh Rahula (La-hầu-la) tưởng là ngày vui nhất của thái tử nhưng khi thái tử nghe tin này Ngài tự than, lại thêm một sợi dây trói buộc. Ngài than như vậy không phải là Ngài không thương vợ con mà Ngài nghĩ đến tình thương vạn loại. Chúng sinh hiện giờ lầm than đau khổ bởi màn vô minh, chỉ có Ngài mới có khả năng giúp họ vượt qua biển sanh tử luân hồi đó. Thừa cơ hội triều đình đang say sưa trong bữa tiệc vui mừng ngày hạ sanh Rahula, trong đêm đó Ngài quyết định cùng với Sa Nặc vượt cửa thành xuất gia vào nữa đêm. Ðó là ngày thứ Năm, Rằm tháng Sáu, năm Mẹo.
* Ðức Phật chuyển Pháp luân
Ðông cung thái tử Sĩ Ðạt Ta xuất gia năm 29 tuổi và thành đạo năm 35 tuổi. Khi giác ngộ, trời Phạm thiên Sahampati cung thỉnh Thế tôn vì lòng từ bi thuyết pháp độ đời. Ngài quan sát thế gian và nhận lời thuyết pháp. Ðầu tiên Ngài nghĩ sẽ thuyết pháp cho ai, người được nghĩ đến là đạo sĩ Alàrakàlàma và đạo sĩ Uddaka Ràmaputta, hai vị này là thầy dạy đạo cho Ngài khi còn là Bồ tát, nhưng Chư Thiên báo là hai vị này đã qua đời. Tiếp đến Ngài nghĩ đến năm người bạn Kiều Trần Như đồng tu khổ hạnh với Ngài và hiện giờ họ đang ở vườn Lộc Uyển Isipatana gần thành Ba La Nại (Bàrànasi).
Từ Bồ đề đạo tràng sang vườn Lộc Uyển rất xa, khoảng 18 do tuần, chư Phật trong quá khứ chuyển bánh xe Pháp lần đầu thường đi bằng thần thông. Nhưng đức Phật Thích Ca quan sát thấy du sĩ Upaka có duyên với Ngài, nếu Ngài đi bằng thần thông thì du sĩ sẽ không có cơ hội gặp gỡ Ngài, mặc dù cuộc hạnh ngộ với đức Phật ngắn ngủi nhưng là một túc duyên cho Upaka sau này giác ngộ. Chính vì thế nên Ngài quyết định đi bộ. Ðường xá xa xôi, đường đi hiểm trở, tất cả cũng vì tình thương và sự giác ngộ của chúng sinh. Không màng những khó khăn cực nhọc trên một đoạn đường dài như vậy và cuối cùng Ngài đến vườn Lộc Uyển đúng vào ngày Rằm tháng Sáu, năm Thân.
Khó khăn thay! Với tình thương dạt dào và tình nghĩa bao la đối với năm người bạn đồng tu như vậy. Ấy vậy mà, khi Ngài đến, chư vị giã vờ không tiếp đón Ngài nồng hậu, trái lại còn định cô lập và hắt hủi Ngài, nhưng Ngài rất bình thản, ung dung, tâm hồn rộng mở đối với các vị.
Tại sao là bạn thân tình với Ngài trong thời gian dài khổ hạnh, sao giờ đây các vị đối xử tệ với Ngài? Vì lẽ chung tu với nhau trong thời gian khá lâu các vị này thấy Sa môn Gotama tuyệt thực để khổ hạnh chỉ còn da bọc xương. Ðể rồi khi Ngài nghiệm ra pháp tu trung đạo, Ngài bỏ lối tu khổ hạnh, ngày ăn một buổi, tích cực thiền định để tìm chân lý giác ngộ. Ngay lúc Ngài bỏ lối tu khổ hạnh, chưa kịp giải thích thì năm người bạn của Ngài bất mãn và tự âm thầm ra đi, với tâm tự kiêu cho rằng Sa môn Gotama bây giờ không còn là vị chân tu chân chánh nữa. Mang những quan niệm sai lầm như thế nên khi thấy Ngài vừa đến tưởng như giờ đây Ngài Gotama buồn không ai phục vụ và tâm sự nên tìm đến họ. Như vậy các vị đó quyết định không tiếp Ngài. Nhưng với oai phong của vị Chánh Ðẳng Chánh Giác khi vừa ngự đến thì tất cả tâm tư của những vị này hoàn toàn thay đổi với ý nghĩ ban đầu, đồng thời các vị chia nhau mỗi người một việc tiếp rước Ngài như một người hầu. Mặc dù vậy nhưng các vị vẫn còn hoài nghi Ngài chưa phải là vị hoàn Toàn giác ngộ. Nếu tâm các vị này còn hoài nghi thì đức Phật Ngài không thuyết pháp. Do đó Ngài bảo các vị đừng có gọi Như Lai bằng tên tộc nữa vì Như Lai đã hoàn toàn giác ngộ, nhưng các vị vẫn không tin. Ðức Phật nói tiếp: Các thầy nghĩ kỹ lại xem từ trước đến giờ Như Lai có khi nào nói với các thầy như vậy không? Lúc đó năm anh em Kiều Trần Như bắt đầu suy nghĩ .... Khi thấy cơ duyên đã chín muồi, đức Phật bắt đầu thuyết pháp về đề tài Tứ diệu đế để tiếp độ năm vị này làm đệ tử đầu tiên. Ðây là bài pháp nồng cốt trong triết lý Phật giáo, cũng còn gọi là bài CHUYỂN PHÁP LUÂN.
Nội dung bài pháp đầu tiên, gồm có bốn vấn đề:
1. Khổ đế: trình bày tất cả những nỗi đau khổ trên trần gian
2. Tập đế: chỉ rõ nguyên nhân của đau khổ là Ái dục
3. Diệt đế: là trạng thái tịch tịnh, vắng lặng, Níp-bàn
4. Ðạo đế: là con đường Trung đạo có tám ngành.
Tứ diệu đế là pháp môn tu tập bao gồm toàn bộ giáo lý của Phật Thích Ca. Giáo pháp mặc dù nhiều nhưng đức Phật chỉ dạy có hai điều: khổ và diệt khổ. Lại nữa trong phần đạo đế, đức Phật trình bày xuyên suốt 37 phẩm trợ đạo bồ đề dành cho những chúng sinh nào hữu duyên tu tập theo từng pháp môn. Ðó là: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo. Cho nên bài pháp đầu tiên là bài giảng tổng thể và từ đó suốt 45 năm thuyết pháp Ngài chỉ triển khai đề tài này dưới nhiều góc độ khác nhau để tiếp độ chúng sinh.
Bố cục Tứ diệu đế được sắp xếp theo trình tự rất khoa học, logic và hệ thống chặt chẽ. Những học giả Tây phương từng tuyên bố, nghiên cứu Tứ diệu đế không những ở nội dung uyên thâm, mầu nhiệm mà còn cả kiến trúc, bố cục đặc thù của từng pháp môn. Bố cục Tứ diệu đế được trình bày như sau:
Ví dụ như chúng ta đang đứng trước một bức tranh gồm có hai phần chính, phần dưới có những sự bất công, khổ đau, bất hạnh, phiền toái... trong cuộc đời (khổ đế). Trong phần này tác giả cũng cho thấy nguyên của những thảm họa đó là nguồn gió của ái dục, tham sân si (tập đế).
Phần trên chúng ta thấy không gian thênh thang, êm ả, tĩnh lặng, cố nhiên là không có những sự bất công, rên siết, khóc than khổ lụy. Người ở đây bình tĩnh, vui tươi, hồn nhiên thanh bình không bị ái dục chi phối, tâm an lạc giải thoát (diệt đế).
Trong phần này chúng ta cũng nhìn từ dưới lên trên có những con đường đề chữ Bát chánh đạo, Tứ niệm xứ... (đạo đế).
Qua sơ đồ đó cho chúng ta thấy rằng lối trình bày của đức Phật rất tâm lý, thực tế và trí tuệ. Ðiều đó ví như có người bảo chúng ta lên đường ra đi, thì phải cho chúng ta biết rõ đi đến đâu, phải nêu mục đích đến như thế nào, rồi để chúng ta suy xét, lựa chọn có nên đi hay không. Nếu như chúng ta thấy mục đích ấy cao quý, đẹp đẽ, có triển vọng trong tương lai thì chúng ta mới hăng hái nỗ lực thực hiện mục đích trên.
Tóm lại, Ngài chỉ cho chúng sinh thấy niềm đau nỗi khổ trên cuộc đời và nguyên nhân đưa đến đau khổ. Ðồng thời Ngài giới thiệu sau khi hết khổ sẽ có hạnh phúc, an lạc, tự do và thoải mái và sau đó Ngài chỉ cho thấy những con đường phải đi để thành tựu được niềm hạnh phúc vĩnh cửu.
Kinh ghi lại trước khi Ngài bắt đầu thuyết pháp Tứ diệu đế, Ngài giảng hai điều mà các thầy cần phải tránh xa, đó là khổ hạnh và lợi dưỡng. Khổ hạnh ép xác thái quá và sống lợi dưỡng thái quá cũng không đưa đến giải thoát. Mà tránh xa hai con đường này đó là con đường Trung đạo. Kết quả sau thời giảng là năm vị Kiều Trần Như mở pháp nhãn, giác ngộ đạo quả Tu đà hườn và nhiều ngàn Chư Thiên trong tam giới đắc đạo chứng quả.
* Ðức Phật thị hiện song thông nhiếp phục ngoại đạo
Trong 30 tục lệ của chư Phật, dùng thần thông để nhiếp phục ngoại đạo là một trong ba mươi tục lệ đó. Ðã là tục lệ thì vị Phật tổ nào cũng phải thực thi đúng như vậy. Tục lệ có nghĩa là luật lệ, quy định, điều lệ đã định sẵn để dành cho những vị Phật tổ trong quá khứ, hiện tại và tương lai thi hành đúng niêm luật.
Cho nên câu chuyện Phật Thích Ca nhiếp phục ngoại đạo bằng thần thông là một chuyện bình thường vì đây chỉ là một việc làm kế thừa truyền thống của chư Phật. Trong thời đức Phật có tổng cộng sáu nhóm ngoại đạo. Những vị này đều có tuổi đời rất thâm niên và tín đồ vô cùng đông đảo. Tên của các vị này là:
- Purànakassapa
- Makkhaligosana
- Ajitakesakambala
- Sanjayavelatthaputta
- Pakuddhakaccayana
- Niganthanàtaputta
Từ khi đức Phật Thích Ca thành đạo dưới cội Bồ đề và Ngài thuyết pháp giảng đạo, có rất nhiều người hữu duyên tìm đến với Ngài. Pháp của Ngài giảng có hệ thống, tâm lý, triết học, hoàn hảo đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối, chúng sinh nào có duyên chắc chắn giác ngộ ngay trong kiếp hiện tiền. Do đó nhiều đệ tử của Phật Thích ca xuất gia, đắc đạo mặc dù họ đã có nhiều năm tu hành theo sáu vị lãnh đạo nêu trên. Các vị lãnh đạo đó nhìn thấy đệ tử của mình mỗi ngày mỗi ít, đa số đã từ giã mình đi theo thọ giới với Sa môn Cồ Ðàm. Không nói được, nhưng càng nhìn đệ tử từ giã ra đi lại càng thêm căm phẫn Phật Thích Ca. Thế nên hình ảnh Phật Thích Ca và đệ tử của Ngài là một sự căm thù đối với nhóm lục sư ngoại đạo trên. Mọi sinh hoạt của Ngài đều bị họ theo dõi để tìm khuyết điểm xuyên tạc, nhục mạ, hạ uy tín... nhưng tất cả đều như gió thoảng mây bay.
Sở dĩ có chuyện Phật dùng thần thông chiến thắng ngoại đạo là vì Ðại đức Pindolabhàradvàja vâng lời Ngài Mục Kiền Liên đi thâu bát trầm trên hư không của một vị trưởng giả. Có một ông trưởng giả tìm được một khối trầm, cho tạc thành một bình bát và ông ta treo giải thưởng nếu ai lấy được bát ông sẽ trọng thưởng và cả gia đình theo nương nhờ làm học trò. Nhóm lục sư ngoại đạo nghe vậy cho người môi giới đến xin nhưng ông từ chối. Họ nói với ông trưởng giả chẳng lẽ vì một cái bát mà phải dùng thần thông thì không xứng đáng. Họ tìm nhiều mưu mô để đoạt được bát trầm nhưng không được. Ông trưởng giả nghĩ rằng trong nước mình đang ở có nhiều tôn giáo họ tự xưng là A-la-hán cho nên ông treo giải thưởng như vậy người nào lấy được mới quả là A-la-hán. Nhưng bảy ngày trôi qua nhóm lục sư ngoại đạo không người nào thi hành theo tâm nguyện của ông trưởng giả.
Thế là một buổi sáng tinh sương, Ngài Mục Kiền Liên và Ngài Pindo vào thành khất thực nghe dân chúng đồn xôn xao về bình bát trầm của ông trưởng giả, nên Mục Kiền Liên bảo Ðại đức Pindo hãy đi thâu bát. Ông trưởng giả và dân chúng nhìn thấy tận mắt Ðại đức Pindo lấy bát, ông trong sạch và hoan hỷ cúng dường tứ sự. Từ chuyện lấy bát của Ðại đức Pindo, dân chúng kính trọng và sùng ái đệ tử Sa môn Gotama, và họ rủ nhau đến chùa đông đảo để tìm Ðại đức. Ðức Phật hay biết chuyện này nên Ngài kêu Ðại đức Pindo vào và cấm từ nay về sau, Ðại đức và chư Tăng không được tự tiện dùng thần thông trước quần chúng.
Khi đức Phật cấm chế điều luật đó, nhóm lục sư ngoại đạo hay biết được và cho người đi tuyên truyền rằng: đệ tử của Sa môn Gotama còn vì danh lợi nên mới đi lấy bát còn chúng tôi là A-la-hán không vì danh lợi nên không lấy bát theo lời yêu cầu của trưởng giả. Sa môn Cồ Ðàm còn đập bát và cấm chế điều luật, không cho đệ tử sử dụng thần thông. Do đó họ quyết định thi thố thần thông với ông Sa môn Cồ Ðàm.
Vua A Xà Thế hay tin ngoại đạo nói như vậy, vội vã vào yết kiến Thế tôn và bạch rõ vấn đề những vị lãnh đạo tôn giáo đó muốn thách thức so tài thần lực với Thế tôn. Ðức Thế tôn trầm lặng trong giây lát, Ngài nói với nhà vua rằng Như Lai đồng ý so tài thần thông với họ. Vua nói: - Bạch Thế tôn, còn việc Ngài cấm sử dụng thần thông thì sao? - Tâu Ðại vương, Như Lai cấm đệ tử chứ Như Lai đâu có cấm Như Lai đâu! Thế là đức Phật báo rõ địa điểm và thời gian để so tài thần thông với nhóm Lục sư ngoại đạo. Ngày đó là Rằm tháng Sáu tại Savatthì.
Khi ngoại đạo hay tin đức Phật đồng ý so tài thần thông với họ, nên họ rất sợ và hoang mang. Vì họ nghĩ rằng, Ngài cấm chế không cho đệ tử sử dụng thần thông thì chắc Ngài cũng không được phép sử dụng, ai ngờ bây giờ ông ta đồng ý đấu thần thông với chúng ta thì chúng ta tính sao đây? Nhưng dù sao thì đã lỡ công bố rồi! Nhóm Lục sư ngoại đạo cùng nhau kéo về Sàvatthì và họ kêu gọi tín đồ hùn tiền để xây tháp đài để so tài thần lực với Sa môn Gotama, nên họ thu được một số tiền rất lớn. Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) hay biết tín đồ của nhóm lục sư ngoại lo lắng cho thầy như vậy Ngài cũng nao nao trong lòng. Hôm sau vua vào lễ Phật và xin Phật cho Ðại vương xây một tháp đài giống như ngoại đạo để Thế tôn so tài với họ. Ðức Phật khước từ và Ngài bảo sẽ hiện thần thông dưới gốc cây xoài.
Ngoại đạo biết được cuộc nói chuyện giữa đức Phật và vua Pasenadi, nên họ cho đệ tử chặt hết những cây xoài trong thành Savatthì. Ðã đến ngày giờ so tài với ngoại đạo, Phật ngự vào thành nhưng chưa đến thành thì có một người giữ vườn Thượng Uyển thấy xoài chín hái dâng cho Phật. Phật hoan hỷ thọ lãnh và tìm một chỗ thích hợp ngồi thọ xoài, còn hạt xoài Ngài bảo người giữ vườn đào lỗ trồng và chính tay Ngài tưới nước. Chẳng bao lâu hạt xoài mọc lên một cây xoài xanh tươi nhiều hoa lá và có nhiều trái thơm ngon.
Dân chúng đến tham dự cuộc so tài của đức Phật và ngoại đạo, họ thấy xoài có nhiều trái chín nên họ hái cùng nhau ăn. Họ ăn xoài thấy hương vị ngon lạ lùng, càng ngon họ càng nguyền rủa bọn ngoại đạo vô cớ chặt hết những cây xoài trong thành Sàvatthì, nên họ thấy bọn ngoại đạo ở đâu họ dùng hạt xoài ném vào bọn ngoại đạo. Ðúng là quả báo nhãn tiền.
Sắp đến giờ so tài, bọn ngoại đạo khủng hoảng tinh thần trước quần chúng. Liền sau đó đức Phật hóa một con đường bằng ngọc báu, rồi Ngài đi thiền hành trên con đường đó.Tiếp theo, Ngài hóa thân, từ một thân thành nhiều thân, lúc đó quần chúng thấy nhiều Phật, Phật ngồi, nằm hoặc hai vị thuyết pháp với nhau... Cuối cùng, Ngài hiện song thông (yamakapàtihàriya), với năng lực này chỉ có đức Chánh đẳng Chánh giác mới có thể thực hiện được. Thần thông này cùng một lúc hiện ra hai điều kỳ diệu: từ thân vừa phún tia nước, vừa phún tia lửa; từ thân phát hào quang xanh và đỏ... Trước uy lực của một vị Phật như vậy, bọn ngoại đạo kiếp sợ và rút lui chạy tán loạn chỉ còn lại dân chúng đang hướng về đức Phật thành kính lễ bái. Ðồng thời Ngài thuyết một bài pháp đúng vào tâm lý của từng chúng sinh, nên hôm đó Chư thiên và nhân loại đắc đạo chứng quả nhiều vô số kể.
Trong giây lát, đức Phật chiêm nghiệm bằng tuệ giải thoát, Ngài thấy chư Phật trong quá khứ sau khi dùng thần thông thắng ngoại đạo là ngự lên cõi Trời Ðạo Lợi thuyết pháp độ Phật mẫu bằng tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Hôm ấy đúng vào ngày Rằm tháng Sáu.
Từ việc đức Phật so tài với ngoại đạo giúp chúng ta có thêm những ý niệm về lời dạy của đức Phật như sau:
- Việc đức Phật thị hiện song thông để chiến thắng ngoại là một chuyện không phải chỉ dành riêng của Phật Thích Ca, mà các vị Phật tổ đều có hành động giống nhau. Lý do thì không thấy kinh điển chú giải thêm nhưng điều đó có thể là để khẳng định trước Tứ chúng về sự uy nghiêm và oai phong của một vị Phật tổ.
- Có thêm một luận cứ trong kinh tạng Nguyên thủy cho rằng đức Phật nhập hạ thứ Bảy trên cõi Trời và Ngài giảng Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) độ Phật mẫu. Căn cứ vào những điểm lịch sử trên, chúng ta không thể nào lãng quên ngày trăng tròn tháng Sáu âm lịch của Phật giáo, mặc dù ngày nay có một số quan niệm cho rằng tạng Vi Diệu pháp không phải do Phật thuyết mà do các vị Luận sư sau này viết ra... Phật giáo Nam tông thường có truyền thống, hằng năm cứ vào ngày này đều tổ chức một đêm đầu đà, để chư Tăng và Phật tử ôn lại ý nghĩa của những điểm lịch sử trên, hầu cúng dường đến đức Phật để gieo duyên lành giải thoát trong tương lai.
Last updated
Was this helpful?