9.9.5.Ý nghĩa lễ hội Rằm tháng Chín
5. Ý nghĩa lễ hội Rằm tháng Chín
Rằm tháng Chín âm lịch là ngày mãn mùa An cư Kiết hạ (tự tứ) của chư Tăng Nam tông, đồng thời là khởi điểm mùa dâng y Kathina trong một tháng, từ 16- 9 đến 15-10 âm lịch. Có thể nói trong một năm, chư Tăng và Phật tử rộn rịp, tưng bừng và hoan hỷ trong ngày Rằm này, với người tại gia cư sĩ chuẩn bị lễ phẩm, tứ vật dụng cúng dường chư Tăng và tham gia dự lễ dâng y các chùa Phật giáo Nguyên thủy. Chư Tăng lại càng hoan hỷ hơn vì ngày này đánh dấu thêm một tuổi đạo.
Phật giáo Nam tông căn cứ theo lịch của Ấn Ðộ nên nhập hạ vào ngày15-6 âm lịch còn Phật giáo Bắc tông căn cứ theo lịch của Trung Hoa nên nhập hạ vào ngày 15-4 âm lịch. Cả hai bộ phái đều trung thành với quan niệm truyền thống của mình, nhập hạ đúng theo quy định truyền thống và ngày ra hạ đều gọi là ngày Tự tứ (Pavàràna).
Tự tứ là buổi lễ được tổ chức vào ngày mãn mùa an cư kiết hạ, tiếng Pàli gọi là Pavàràna, nghĩa là "thỉnh cầu, tùy ý". Do đó, ngày Tự tứ là ngày thỉnh những vị Tỳ kheo đồng phạm hạnh nói rõ những sai lầm, khuyết điểm dù thấy, nghi hoặc nghe về giới hạnh của mình trước sự chứng minh của chư Tăng để sám hối. Ðây là một hình thức rất tốt trong Phật giáo, mặc dù là giới luật ngày xưa nhưng vẫn không lạc hậu với xã hội đương đại. Hình thức này nói lên tinh thần tập thể góp ý, phê bình cá nhân, và cá nhân tiếp nhận ý kiến sửa đổi và hứa sẽ không tái phạm.
Nghi thức sám hối (Parisuddhi) là một công việc của các vị tỳ kheo phải thực hiện thường xuyên một tháng hai lần, vào ngày 15 và 30 trước khi cử hành lễ Bố tát (Uposatha). Như vậy một năm có 24 lần các Tỳ kheo cử hành lễ sám hối và Bố tát, nhưng các vị cử hành chỉ một lần lễ Tự tứ duy nhất trong năm. Sám hối là nghi thức nêu ra những lỗi lầm của mình do vô tình hay cố ý phạm những học giới với một vị Tỳ kheo cùng phạm hạnh, đồng thời thời điểm đó vị Tỳ kheo ấy cũng sám hối những lỗi lầm của mình cho vị Tỳ kheo bạn. Sau đó nếu trong tự viện có khoảng 4 vị Tỳ kheo trở lên thì các vị bắt đầu cử hành lễ Bố tát. Nghi thức lễ Bố tát là một vị Tỳ kheo thông thạo giới luật đại diện chư Tăng trùng tuyên lại tất cả giới luật của các vị Tỳ kheo. Mục đích là giúp các vị ôn lại tất cả giới luật mà mình đã thọ trì, nếu vi phạm thì các vị lập tức sám hối trước Tăng chúng, hoặc chịu hành phạt tùy theo giới luật vi phạm. Lễ sám hối, Bố tát và Tự tứ là do đức Phật chế định khi Ngài còn tại thế, Sau khi thành đạo, Ngài đi hoằng dương giáo hóa, thành lập Tăng đoàn để hành đạo. Chúng ta có thể xem thêm phần này trong Tương ưng bộ kinh và Luật tạng.
Ngày 15 tháng Chín âm lịch cũng là ngày các chùa của Phật giáo Nguyên thủy tổ chức lễ ra hạ. Lễ này thường do Phật tử thí chủ dâng y tổ chức. Chương trình rất đơn giản, thông thường là tổ chức một buổi trai tăng cúng dường đến chư Tăng an cư kiết tại bổn tự và mời các Phật tử khác cùng đến tham dự. Thật ra, buổi lễ này là do vị thí chủ dâng y tổ chức để tiễn chư Tăng ra hạ chứ không có liên hệ gì đến điều kiện giới luật đã quy định.
Sau khi chư tăng ra hạ, đức Phật cho phép được tổ chức một ngày lễ dâng y trong vòng một tháng từ 16 tháng Chín âm lịch đến 15 tháng Mười âm lịch. Ðiểm đáng lưu ý là trong một năm chỉ được tổ chức lễ dâng y một lần trong một tháng, một tháng chỉ được tổ chức một ngày. Tại sao khi ra hạ, đức Phật cho phép tổ chức dâng y một ngày trong vòng một tháng không hơn không kém? Lý do Ấn Ðộ chỉ có ba mùa: mùa lạnh, nóng và mưa, như vậy mỗi một mùa có bốn tháng. Nhập hạ chỉ có ba tháng, thế nên còn một tháng chư Tăng cũng không tiện vân du hoằng pháp mà phải ở lại tu viện cho hết mùa mưa. Do đó tháng này là tháng thích hợp để tổ chức dâng y. Nếu không còn trong phạm vi của tháng dâng y mà tổ chức dâng y thì không thành tựu quả báu Kathina.
Ðiều kiện được nhận y Kathina là vị tăng ấy phải nhập hạ liên tục ba tháng tại đây không bị đứt hạ, phải có 5 vị Tỳ kheo trở lên, 4 vị làm tăng để giao y Kathina, một vị thọ y. Vị Tỳ kheo được thọ y Kathina là vị có y đã cũ rách hoặc vị đó do tăng chúng đề cử. Phương pháp thọ y Kathina khác biệt hơn cách thọ tứ sự cúng dường của đàn na tín thí. Thông thường, khi nhận những tứ sự cúng dường khác, chư Tăng thọ bằng thân và khẩu. Trái lại, khi nhận tăng y Khathina, chư Tăng thọ bằng tâm chứ không thọ bằng lời. Những thủ tục trên đã hội đủ, chư Tăng hội họp nhau trong ranh giới Simà và chỉ định hai vị tuyên ngôn trình tăng rằng: - "Bạch hóa Ðại đức tăng nay tăng y đã phát sanh đến Tăng rồi, nay tăng giao y Kathina đến Tỳ kheo... nếu các vị hoan hỷ thì làm thinh, lần thứ nhì ..., lần thứ ba... Y cứ làm thinh của chư Tăng tăng y giao cho Tỳ kheo ... thọ."
Khi tuyên ngôn giao tăng y đến vị Tỳ kheo... thì vị ấy chỉ thọ một trong 3 y, đó là Tăng già lê, hoặc y vai trái, hoặc y nội, chứ không được thọ 3 y. Nếu thọ y nào thì vị ấy phải xả y cũ và nguyện y mới. Bên cạnh ấy, những vị đồng nhập hạ nói lên lời tùy hỷ. Nói lời tùy hỷ trước chư Tăng vừa dứt thì tất cả những vị nhập hạ đều hưởng năm quả báu. Ðiểm này khác biệt hơn những việc làm phước khác. Thường người làm phước thì hưởng phước báu, nhưng đặc biệt trong dịp lễ dâng y người thọ y cũng hưởng năm quả phước. Năm quả báu này giúp cho vị Tỳ kheo thuận lợi trong việc tu học, thọ thực, đi lại.
Quang cảnh buổi lễ dâng y thật hoan hỷ. Mỗi chùa thường có thí chủ hoặc thí chủ tập thể. Họ sắm y phục và những thứ vật dụng phụ tùng cần thiết của các vị Sa môn, tất cả đều mang đến chùa, trước khi dâng cúng đến chư Tăng, Phật tử thường tỏ lòng tôn kính nên đội tất cả những lễ phẩm tứ sự đó đi nhiễu ba vòng chánh điện. Không khí rất vui tươi và đầy hoan hỷ của những tâm hồn mộ đạo. Trong một tháng dâng y, thông thường Phật giáo Nam tông Việt Nam sắp xếp mỗi chùa tổ chức một ngày dâng y, do đó chư Tăng và Phật tử luân phiên nhau tham dự lễ dâng y. Nghi thức tổ chức dâng y các chùa của Phật giáo Nam tông đều thống nhất nhau trên mặt giáo luật, cho nên khi tham dự lễ chúng ta thấy tiến trình lễ diễn tiến đều giống nhau.
Last updated
Was this helpful?