Bài 8-Thiên Chúa Ba Ngôi
Bài 8 THIÊN CHÚA BA NGÔI Lời Chúa : “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men” (2 Cr 13,13). Ý chính : 1. CG dạy cho biết mầu nhiệm TC Ba Ngôi (Mc 1,10-11 ; Mt 28,16-19). 2. Hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa (Ga 14,23.24.26 ; Mt 3,16-17). 3. Mầu nhiệm hiệp thông (2 Cr 13,13). Tâm tình : ôn thờ, yêu mến Chúa Ba Ngôi. Chuẩn bị : tranh 36 ĐBTT cũ.********I. ỔN ĐỊNH. 1. Đón tiếp : (như các bài trước) 2. Thánh hóa : (GLV cùng với các em nghiêm trang kính cẩn làm dấu thánh giá). Lạy Chúa khi làm dấu Thánh giá, con tuyên xưng Chúa Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần. Xin dạy con biết Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn và sống đẹp lòng Chúa hơn. Chúng con cám ơn Chúa. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. 3. Giới thiệu bài mới : - Ai đã sai Chúa Giê-su đến trần gian ? + ... (Chúa Cha) - Chúa Giê-su có phải là Thiên Chúa không ? + ... (có) - Các em vừa học về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng nào ? + ... (đọc lại câu 25) - Đạo công giáo thờ mấy Thiên Chúa ? + ... (một Thiên Chúa) - Khi làm dấu Thánh giá, chúng ta tuyên xưng điều gì ? + ... Tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi : Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Đó là điều chúng ta học hôm nay. Nhưng trước khi vào bài, chị kể cho các em nghe một câu chuyện nhé. II. EM NGHE LỜI CHÚA. A. Dẫn nhập : Một hôm, thánh Augustinô đi dạo trên bờ biển, giữa cảnh trời đất bao la. Ngài suy nghĩ triền miên với dáng vẻ trầm tư ưu sầu. Bỗng Ngài thấy một cậu bé đang hí hoáy chạy đi chạy lại, tay cầm cái vỏ sò tí ti để múc nước đổ vào một lỗ nhỏ trên cát. Dừng lại quan sát em một hồi lâu, thánh nhân đến bên và hỏi em : - Bé ơi, bé làm gì đó ? Chú bé trả lời : - Cháu muốn múc hết nước biển đổ vào cái lỗ này cho đầy. Thánh nhân mỉm cười và dịu dàng nói : - Không thể làm như vậy được đâu. Chú bé đáp lại : - Vậy mà cháu làm việc này còn dễ hơn điều ông đang suy nghĩ. Nói xong chú bé biến mất. Thánh nhân bừng tỉnh, vì Ngài đang suy tư về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi : mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của loài người mà ngài đòi hiểu thấu đáo. Quả thực, Chúa đã cho thiên thần hiện đến để cho ngài biết tính cao cả, sâu nhiệm của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Phần các em, các em còn nhỏ, trí khôn các em non nớt hơn thánh Au-gus-ti-nô nhiều lắm. Cả chị cũng vậy, chúng ta không thể nào hiểu được mầu nhiệm này đâu. Tuy nhiên, Chúa Giê-su sẽ dạy chúng ta biết. Mời các em đứng nghe Lời Chúa. B. Công bố Lời Chúa : (Ga 14,23-26) Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an. “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây, không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” Đó là Lời Chúa. + Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa. C. Dẫn giải nội dung Giáo lý : 1. Chúa Giê-su dạy cho biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi (x.Mc 1,10-11 ; Mt 28,16-19). Trong suốt những ngày tháng rao giảng Tin mừng về Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã dạy cho ta biết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đoạn Tin mừng các em vừa lắng nghe là một trong những lần Chúa Giê-su tỏ cho ta biết về mầu nhiệm ấy. (GLV tùy thời lượng mà quảng diễn dài hay ngắn về mạc khải Thiên Chúa Ba Ngôi :) a) Chúa Giê-su dạy về Chúa Cha : Chúa Giê-su gọi Thiên Chúa là Cha của Người. Trong nhiều lần cầu nguyện, Chúa thưa với Chúa Cha : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha...” (Lc 10,21) “Lạy Cha, Con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con...” (Ga 11,41) v.v… - Qua những đoạn Lời Chúa vừa nêu trên, Chúa Giê-su cho ta biết Thiên Chúa là ai ? +... (Thiên Chúa là Cha) - Chúa Giê-su tỏ cho ta biết Thiên Chúa Ngôi Cha (gọi vài em lặp lại). b) Chúa Giê-su dạy về chính Mình Người : Khi Chúa Giê-su chịu phép rửa ở sông Gio-đan, biến cố mở đầu cuộc sống công khai, Người thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,10-11). (Cho các em xem tranh và giải thích sự kiện Chúa chịu phép rửa). - Tiếng từ trời phán : “Này là Con Ta yêu dấu” là lời của ai ? +... (của Chúa Cha) - Bài trước các em đã học trong kinh tin kính ta tuyên xưng điều gì về Chúa Giê-su ? + … (cho ít em phát biểu, rồi GLV đúc kết :) Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, Người được Chúa Cha sai đến để cứu độ loài người. Người cũng là Thiên Chúa. Chúa Giê-su nói rõ : “Tôi và Chúa Cha là Một” (Ga 10,30). - Vậy, Chúa Giê-su dạy gì về chính mình Người ? +... (Người là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa...) c) Chúa Giê-su dạy về Chúa Thánh Thần. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su nói với các môn đệ, Người sẽ gởi Thánh Thần đến “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). - Chính Chúa Giê-su tỏ cho ta biết về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Đấng nào ? + … (GLV ôn lại cho các em câu GL 25 bài 7). d) Ba Ngôi là Một Chúa : Trước khi về trời, Chúa Giê-su nói với các tông đồ “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. (Mt 28,19) Như thế Chúa Giê-su tỏ cho ta biết: Cha, Con và Thánh Thần là Một Thiên Chúa. Thiên Chúa duy nhất : Cha là Thiên Chúa, Con là Thiên Chúa, Thánh Thần là Thiên Chúa. Cả Ba Ngôi là một Thiên Chúa. Như vậy, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất : là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Ki-tô giáo, mầu nhiệm nền tảng, suối nguồn của mọi mầu nhiệm Ki-tô giáo. - Ba Ngôi Một Chúa, Một Chúa Ba Ngôi, điều này khó hiểu quá, phải không các em ? Đúng rồi, chị cũng như các em, và ngay cả thánh Augustinô trong câu chuyện đầu giờ. Chúng ta khó hình dung được, phương chi là hiểu. Song chúng ta vẫn tin ! Tại sao ? +... (Vì chính Chúa Giê-su dạy cho ta biết về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi). - Em nào trả lời cho các bạn biết : mầu nhiệm trung tâm của đức tin Ki-tô giáo là mầu nhiệm nào ? +... (nhiều em được hỏi) - Nhờ đâu ta biết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi ? + … (Cho nhiều em trả lời để khắc sâu). 2. Hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa. (Lc 10,21 ; Gc 10,17-18). (GLV có thể gợi lại đoạn Tin mừng Ga 14,23,24.26 hoặc biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa để hình thành hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa. Cha và Thánh Thần hằng hiện diện và hoạt động nơi Con). - Ai đã tạo dựng trời đất muôn vật ? +... (Chúa Cha tạo dựng trời đất muôn vật). - Thế còn ai xuống thế làm người, cứu chuộc chúng ta ? +... (Chúa Con xuống thế làm người cứu chuộc chúng ta). - Và khi Chúa Giê-su lên trời, ai tiếp tục hướng dẫn, thánh hóa Hội thánh? +... (Chúa Thánh Thần). (GLV giảng rõ thêm :) Công trình tạo dựng và cứu độ là của Thiên Chúa, Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa, nên cùng thực hiện mọi công trình. Tuy nhiên mỗi Ngôi biểu lộ một nét riêng của mình như các em vừa trả lời - Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc, và Chúa Thánh Thần thánh hóa. - Vậy khi nói đến Chúa Cha tạo dựng là chúng ta tuyên xưng điều gì ? +... (Thiên Chúa tạo dựng). - Khi nói đến Chúa Con cứu chuộc là chúng ta tuyên xưng điều gì ? +... (Thiên Chúa cứu chuộc). - Khi nói đến Chúa Thánh Thần thánh hóa là chúng ta tuyên xưng điều gì ? +... (Thiên Chúa thánh hóa). Các em thấy đó ! Thiên Chúa là tình yêu, Người muốn thông ban hạnh phúc cho loài người chúng ta, Người yêu thương dựng nên mọi loài cho ta được hưởng dùng. Rồi khi loài người sa ngã, Thiên Chúa đến cứu chuộc, và tiếp tục hiện diện để gìn giữ, hướng dẫn, thánh hóa chúng ta, cho chúng ta luôn sống trong tình thương và ân sủng của Người. Như lời cầu chúc của Thánh Phaolô : (2 Cr 13,13). 3. Mầu nhiệm hiệp thông. (Ga 14, 23.26). (GLV đọc chậm câu Lời Chúa : 2 Cr 13,13) “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần . Amen” (GLV cho các em lặp lại từng câu, đồng thanh). Thiên Chúa luôn yêu thương ta, Người là Cha chúng ta, hằng mong muốn cho ta được thông phần vào sự sống của Người nên đã tỏ cho ta biết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Trong đó, mỗi Ngôi hướng về Hai Ngôi khác bằng tất cả tình yêu trao ban và đón nhận. - Trong các em đây, em nào đã rửa tội rồi ? + … (cho các em giơ tay hoặc phát biểu). Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi tham dự vào cuộc sống chung của Ba Ngôi Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta được trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi. - Các em có muốn xứng đáng là Đền Thờ của Chúa Ba Ngôi không ? +... Chắc chắn là em nào cũng muốn Chúa Ba Ngôi luôn ở mãi trong tâm hồn mình. Vậy chúng ta phải làm gì nào ? Các em thấy Ba Ngôi Thiên Chúa luôn hiệp nhất, yêu thương. Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất. Do đó, ta cũng biết sống yêu thương, biết vui tươi sống hòa đồng với người khác. Biết dẹp đi những tự ái, ích kỷ, nhất là biết yêu mến và lắng nghe, tuân giữ Lời Chúa. Nhờ đó, chúng ta sẽ được Chúa chúc phúc, và Chúa Ba Ngôi sẽ đến ngự mãi trong tâm hồn như Lời Chúa Giê-su nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23). - Các em có muốn được như Lời Chúa vừa nói không ? + … (Cho các em lặp lại câu Lời Chúa). - Thiên Chúa tỏ cho ta biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi để làm gì ? +... (Để mời gọi ta thông phần vào chính sự sống của Chúa Ba Ngôi, và góp phần làm cho gia đình ta cũng như dân tộc và Hội thánh, thành cộng đoàn hiệp thông theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi - câu 32 ĐBTT). D. Cầu nguyện : Các em thân mến. Chỉ nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, ta mới biết được Thiên Chúa Ba Ngôi là Thiên Chúa duy nhất, là Cha của chúng ta, luôn yêu thương và muốn chúng ta được sống hạnh phúc với Người. Chúng ta cùng dâng lên Chúa tâm tình ca ngợi, biết ơn : Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi cực thánh : là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng con thờ lạy Chúa, chúng con ca ngợi Chúa. Chúng con yêu mến Chúa. Xin cho chúng con luôn nhớ mọi người là Đền thờ của Chúa Ba Ngôi để chúng con biết tôn trọng nhau. III. EM NHỚ LỜI CHÚA. Củng cố bài sau khi diễn giải từng ý chính của bài cùng với Lời Chúa. “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men” (2 Cr 13,13) 29. H. Mầu nhiệm trung tâm của Đức tin Ki-tô giáo là mầu nhiệm nào ? (GLCG.34) T. Là mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. 30. H. Nhờ đâu ta biết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi ? (GLCG.35) T. Nhờ Chúa Giê-su mặc khải mà ta biết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi (x. Mt 28,19). 31. H. Ba Ngôi hoạt động thế nào ?(GLCG.37) T. Ba Ngôi cùng hoạt động trong mọi công trình, nhưng mỗi Ngôi biểu lộ nét riêng biệt : Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hoá. 32. H. Thiên Chúa tỏ cho ta biết mầu nhiệm Ba Ngôi để làm gì? (GLCG.38) T. Để mời gọi ta thông phần vào chính sự sống của Chúa Ba Ngôi, và góp phần làm cho gia đình ta cũng như dân tộc và Hội thánh, thành cộng đoàn hiệp thông theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi. IV. EM SỐNG LỜI CHÚA. 1. Sinh hoạt : Chọn trong tập Sinh hoạt ĐBTT hay nơi khác. 2. Thực hành : Em luôn kính cẩn mỗi khi làm dấu thánh giá. 3. Bài làm ở nhà : Em tô 3 màu khác nhau hình của bài 8 diễn tả Thiên Chúa Ba Ngôi. V. KẾT THÚC. Qua giờ học giáo lý này, chúng ta tin có một Chúa Ba Ngôi luôn yêu thương ta và vì thế, chúng ta cố gắng sống đẹp lòng Chúa. Từ nay, chúng ta nhớ làm dấu Thánh Giá thật nghiêm trang trước khi đọc kinh, cầu nguyện và cả trước khi ăn nữa, các em có nhớ không ? Rồi, các em cũng luôn nhắc nhở mình sống ngoan ngoãn, dễ thương với cha mẹ, gia đình và biết giúp đỡ bạn bè, luôn hiệp nhất yêu thương nhau để nên giống Chúa và tâm hồn các em xứng đáng là nơi Chúa Ba Ngôi ngự trị. Bây giờ chúng ta cùng đứng lên cám ơn Chúa Ba Ngôi với kinh Sáng danh thật sốt sắng. (Chào nhau)
Last updated
Was this helpful?