Bài mở đầu
Bài mở đầu EM HỌC GIÁO LÝ Lời Chúa : “Phúc cho kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Ý chính : 1- Chúa chúc phúc cho những ai học Giáo lý (Lc 11,27-28) ; 2- Chính Chúa Giê-su dạy Giáo lý (Ga 3,2 và TH.DGL số 8) ; 3- Ích lợi của việc học Giáo lý (Ga 14,8-10). Tâm tình : Sung sướng và cảm tạ vì được biết và sống trong gia đình có Thiên Chúa là Cha yêu thương và mọi người là anh chị em. Chuẩn bị : - Nếu dạy Giáo lý trong lớp : Treo tượng chuộc tội nơi xứng đáng nhất, - Dọn một bàn có trải khăn trắng, trên đặt gía sách có cuốn Thánh Kinh mở sẵn đoạn Lc 11,27-28. Nếu có thể, 1 bên đặt bình hoa, bên kia cây nến. - Tranh : Tranh đầu tiên trong bộ tranh ĐBTT cũ.********I. ỔN ĐỊNH. 1. Đón tiếp : - Các GLV vui vẻ, tươi cười đón tiếp từng phụ huynh (nếu có) và từng em vào lớp (vào địa điểm giáo lý), thăm hỏi phụ huynh các em về gia cảnh, làm quen với từng em cốt sao cho các em thấy mình được yêu thương và nhập cuộc với mọi người, mau chóng thoát khỏi tâm trạng sợ sệt, xa lạ ... - Đến giờ, GLV chủ nhiệm chào các em và tự giới thiệu mình và các bạn GLV khác, nếu có. Cũng nên giới thiệu tổng quát các em học viên (Tổng số bao nhiêu, nam, nữ bao nhiêu), tuyên dương sự vui vẻ và vỗ tay chào nhau. 2. Thánh hóa : GLV chủ nhiệm hướng dẫn các em đứng nghiêm trang, khoanh tay, mắt nhìn lên Tượng (nếu có), lên bàn Lời Chúa, làm dấu Thánh gía, cùng đọc kinh Lạy Cha. II. EM NGHE LỜI CHÚA. A. Dẫn nhập : Các em quý mến, Hôm nay, trong buổi học đầu tiên này, Chị kể cho các em nghe câu chuyện về Thánh Têrêsa Hài Đồng Giê-su nhé : Khi Têrêsa còn nhỏ, cô bé rất thích được mẹ và các chị, cả vú đỡ đầu nữa, dạy cho biết về Chúa. Têrêsa thích theo mẹ đi nhà thờ để được dự lễ và ao ước mau lớn để được rước lễ như mẹ và các chị. Mỗi lần thấy mẹ rước lễ xuống, cô bé vội vàng đứng sát bên mẹ, cũng chắp tay, cũng cúi đầu như để hiệp thông với mẹ cám ơn Chúa. Cô bé thật là dễ thương, phải không các em ? Cô bé sung sướng lớn lên trong một gia đình đạo đức thánh thiện, một gia đình mà ai cũng siêng năng đọc Kinh Thánh và học hỏi Giáo lý của Chúa. Vào mỗi buổi sáng khi thức dậy, Mẹ cô bé thường đến hỏi : “Têrêsa con của mẹ, con đã dâng mình cho Chúa chưa ? Chúa Giê-su rất yếu con lắm”. Chính mẹ dạy cho Têrêsa cầu nguyện sáng tối. Và ngày nào cũng thế, chính mẹ lấy sách Giáo lý để hướng dẫn Têrêsa, cô bé chăm chú nghe mẹ nói và hay đặt câu hỏi để được mẹ trả lời. Tiếng đầu tiên cô bé nhớ nhất là “Thiên đàng”. Cô bé rất chăm học, ngày nào mẹ ngăn trở, cô đòi ba hay chị Pauline dạy cho. Têrêsa nói : “Ngay từ khi còn nhỏ, em thích học Giáo lý và Lịch sử của Hội thánh lắm. Đó là hai môn em ưa thích nhất, vì càng học, em càng yêu mến Chúa và Hội thánh hơn. Dầu còn nhỏ, nhưng nhờ học Giáo lý mà em thích làm đẹp lòng Chúa lắm, tới nỗi, khi ai bảo cho em biết làm điều nào không tốt, thì em sẽ không làm lần thứ hai điều đó nữa”. Chị nghĩ rằng : không phải chỉ có cô bé Têrêsa yêu thích học Giáo lý, mà chắc chắn tất cả các em đây cũng rất ham thích học Giáo lý của Chúa, và như thế, các em cũng sẽ được Chúa yêu thương chúc phúc, như bài Tin Mừng do Thánh sử Lu-ca ghi lại. (Mời các em đứng). B. Công bố Lời Chúa : Một GLV khác, nếu có, trịnh trọng bước lên trước bàn Lời Chúa nhận sách, hướng về các em và tuyên đọc : Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 11,27-28). Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người : “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm !” Nhưng Người đáp lại : “Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” Đó là Lời Chúa. Các em sốt sắng đáp : Lạy Chúa Ki-tô, ngợi khen Chúa. Sau khi công bố Lời Chúa,GLV nghiêm trang đặt lại sách thánh trên bàn Lời Chúa. GLV chủ nhiệm thong thả nhắc lại Lời Chúa vừa tuyên đọc bằng ngôn ngữ phù hợp với trình độ hiểu biết vủa các em. C. Dẫn giải nội dung Giáo lý : 1. Chúa chúc phúc cho những ai học Giáo lý (x. Lc 11,27-28). - Hôm ấy, Chúa Giê-su đang giảng dạy dân chúng, một bà nghe Chúa giảng hay quá, đã lớn tiếng khen rằng : “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm”. Thấy Chúa Giê-su giảng hay quá, thích quá, bà đã tìm về ngọn nguồn phúc đức là người mẹ. - Mẹ của Chúa Giê-su là ai, các em ? + ... (Mẹ Ma-ri-a). - Người đàn bà đó đã làm điều Chúa nói sau này : xem quả thì biết cây (x. Mt 7,16) : Chúa Giê-su là quả, Mẹ Ma-ri-a là cây. Chúa Giê-su vừa chấp nhận lời khen của bà đó, vừa giới thiệu một cách thức đạt tới hạnh phúc lớn lao hơn. Đó là cách thức nào, các em ? + ... (Nghe và thực hành Lời Chúa). - Muốn nghe và thực hành Lời Chúa thì phải làm gì, các em ? + ... (Phải học giáo lý). - Hôm nay và từ nay, các em đến đây để làm gì ? + ... (Để học giáo lý). - Chúa Giê-su có chúc phúc cho các em và cho chị khi chúng ta học giáo lý không ? + ... (Thưa có). - Chúng ta có muốn được Chúa Giê-su chúc phúc không ? + ... (Thưa có). - Muốn được Chúa chúc phúc, chúng ta phải làm gì ? + ... (Thưa phải học giáo lý). - Các em có quyết tâm chăm chỉ học giáo lý không ? + ... (Thưa có). - Chúng ta hứa với Chúa sẽ chuyên chăm học giáo lý nhé ! + ... (Chúng em xin hứa). 2. Chính Chúa Giê-su giảng dạy Giáo lý (x. Ga 3,2 và TH.DGL. 8). - Chị đố các em câu thứ hai nhé ! Khi chúng ta đi học giáo lý như hôm nay, ai dạy Giáo lý cho chúng ta nào ? + ... (Thưa chị dạy cho chúng em). - Không phải đâu ! (GLV treo tranh Chúa Giê-su đang dạy các trẻ em mà cắt nghĩa hình rồi nói tiếp) : Vào một buổi tối nọ, ông già Ni-cô-đê-mô đến gặp Chúa Giê-su và thưa với Người (Mời các em đứng) : “Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng có ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy” (Ga 3,2). (Mời các em ngồi). - Ông già Ni-cô-đê-mô đã xưng tụng Chúa Giê-su là gì, các em ? + ... (Là Thầy, là tôn sư). - Ông già Ni-cô-đê-mô không những gọi Chúa Giê-su là Thầy như bao thầy giáo khác, mà còn xưng tụng Chúa Giê-su là Tôn sư, tức là người Thầy đáng kính. Như vậy, ai là Thầy dạy giáo lý của chúng ta ? + ... (Thưa, Chúa Giê-su). - Lần khác, một người thanh niên đạo đức đến thưa với Chúa Giê-su : “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” (Mc 10,17) và rất nhiều lần khác, nhiều người đã gọi Chúa Giê-su là “Thầy” (x. Mt 8,19 ; 12,38 ; 22,16 ; Mc 4,38 ; 13,1 ; Lc 7,40 ; 9,38 ; ...). Chính Chúa Giê-su cũng đã xác nhận danh xưng và chức vụ đó : Sau khi rửa chân cho các Tông đồ, Chúa nói với các ông :“Anh em gọi Ta là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm vì quả thật Ta là Thầy, là Chúa.” (Ga 13,13). Vậy ai dạy Giáo lý cho các em ? + ... (Chúa Giê-su). - Có phải là chị không ? + ... (Thưa không). - Chính Chúa Giê-su dạy giáo lý cho các em đó. Còn chị, chị chỉ là người được Chúa sai đến qua Cha Xứ để thay Chúa giúp các em nghe chính Chúa dạy. - Từ nay nếu có ai hỏi : Ai dạy Giáo lý, các em sẽ thưa thế nào ? + ... (Các em sẽ thưa chính Chúa Giê-su dạy giáo lý cho chúng em). - Đúng vậy. Các em nhớ cầu nguyện cho chị biết nói đúng những điều Chúa muốn dạy các em nhé. 3. Ích lợi của việc học Giáo lý (x. Ga 14, 8-10). - Chị đố các em câu thứ ba nè, các em chú ý nghe câu hỏi để trả lời thật đúng. Em nào trả lời đúng, chị sẽ thưởng đấy : Các em học giáo lý để làm gì ? + ... (Để các em phát biểu, ghi nhận những ý đúng và nhớ phát thưởng cho những em trả lời đúng). - Các em nghe chị nói nè : Hôm đó tại phòng Tiệc ly, khi Chúa Giê-su loan báo Người sẽ rời khỏi thế gian, các Tông đồ buồn sầu. Ông Philipphê nói : (Mời các em đứng). “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Đức Giê-su trả lời: ... Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha ... Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ?” (Ga 14, 8-10) (Mời các em ngồi). Các em thấy đó, khi chúng ta đến gặp gỡ Chúa Giê-su, lắng nghe lời Chúa Giê-su, học giáo lý với Chúa Giê-su thì ích lợi trước nhất là được biết Thiên Chúa là Cha, Người hằng yêu thương chúng ta như chúng ta sẽ nghe Chúa Giê-su dạy trong suốt những bài Giáo lý sau này. - Như vậy ích lợi thứ nhất của việc học Giáo lý là gì ? Em nào nhắc lại ? + ... (Học giáo lý để biết Thiên Chúa là Cha yêu thương). - Đố các em : Ích lợi thứ hai của việc học Giáo lý là gì ? + ... - Các em vừa nói lúc nãy : Nhờ học Giáo lý, chúng ta biết Thiên Chúa là ai ? + ... (là Cha). - Là Cha của ai ? + ... - Có phải là cha của em A, em B ... của chị không ? + ... - Như vậy Thiên Chúa là Cha của tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đều là con của Thiên Chúa. Các em có nhất trí không ? + ... (Nhất trí - giơ tay). - Vậy chúng ta là gì của nhau ? + ... (Là anh chị em của nhau). - Đúng rồi, chúng ta là anh chị em của nhau : Các em là em của chị và chị là chị của các em. Chúng ta là anh chị em của nhau ! Sung sướng không, các em ? + ... - Chúng ta có Chúa là Cha yêu thương và mọi người là anh chị em của nhau! Chúng ta vỗ một tràng pháo tay thật kêu để mừng khám phá mới này (vỗ tay). Là anh chị em của nhau, nên từ nay, chúng ta có chửi nhau, đánh nhau không ? + ... - Là anh chị em của nhau, chúng ta sẽ yêu thương nhau mà cụ thể, chị đề nghị với các em, chúng ta sẽ gọi bạn khác bằng “Chị”, bằng “anh” và xưng mình là “em”. Các em có nhất trí không ? (giơ tay nhất trí - vỗ tay). Chính Chúa Giê-su cũng đã dạy chúng ta như thế khi Người nói : ”Thầy của các ngươi chỉ có một, còn các ngươi đều hết thảy là anh em” (Mt 23,8). Em nào nhắc lại lợi ích thứ hai của việc học Giáo lý ? + ... (Học giáo lý để biết mọi người là anh chị của nhau). - Đố các em : Học Giáo lý còn ích lợi nào nữa không ? + ... - Các em vừa đăng ký vào học giáo lý cấp (khối) mấy đây ? + ... (Cấp I). - Kết thúc của Giáo lý cấp I này, các em sẽ được lãnh nhận Bí tích nào ? + ... (Rước lễ lần đầu). - Đúng rồi. Khi học hết cấp (Khối) I, những em nào học giỏi, ngoan, đạo đức, ... sẽ được Rước lễ lần đầu. Rước lễ là gì, có em nào biết không ? + ... - Là đón nhận Mình Máu thánh Chúa Giê-su vào linh hồn để Chúa ở với các em, phù trợ, che chở các em và nhất là dẫn đưa các em đến hạnh phúc đời đời. Chính Chúa Giê-su đã dạy : (mời các em đứng) “Tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống Máu tôi thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống.” (Ga 6, 53 - 55) (Mời các em ngồi). - Nhờ học giáo lý, các em sẽ được rước lễ, đón nhận Mình Máu Thánh Chúa. Chúa Giê-su đã nói : ai ăn thịt và uống máu Người thì sẽ được điều gì? + ... (sống muôn đời và sống lại vào ngày sau hết). - Đó là ích lợi thứ ba : Học Giáo lý để được rước lễ, nhờ đó sẽ được sống đời đời. Em nào có thể kể lại 3 lợi ích của việc học giáo lý ? + ... (Một là, nhờ học giáo lý, em được biết Thiên Chúa là Cha yêu thương - Hai là, nhờ học giáo lý, em được biết mọi người là anh chị em của nhau - Ba là, nhờ học giáo lý, em được rước Mình Máu Chúa Giê-su để được sống hạnh phúc muôn đời). D. Cầu nguyện : (GLV động viên các em sốt sắng cầu nguyện :) Lạy Chúa, hôm nay ngày đầu tiên chúng con được gặp gỡ làm quen với nhau, nhất là được học biết Chúa là Cha yêu thương và mọi người là anh chị em với nhau. Chúng con sung sướng dâng lời tạ ơn Chúa. Xin dạy chúng con biết chuyên chăm học Giáo lý để yêu mến Chúa và sống tốt với mọi người. Amen. III. EM NHỚ LỜI CHÚA. (GLV có thể củng cố bài để hình thành câu Giáo lý ngay sau khi diễn giải từng ý chính và Lời Chúa :) “Phúc cho kẻ nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,28). 01. H. Em học giáo lý để làm gì ? T. Em học giáo lý để biết Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em. 02. H. Em biết như thế làm chi ? T. Em biết như thế để mến Chúa, yêu người, cho ngày sau được hưởng phúc đời đời. IV. EM SỐNG LỜI CHÚA. 1. Sinh hoạt : (Ngay sau khi diễn giải từng ý chính của bài trong bước thứ hai trên đây, GLV đã có thể vận dụng bài hát, băng reo, hay câu hò... vừa để các em thư giãn, vừa giúp các em hiểu bài và áp dụng vào cuộc sống. Về bài hát, có thể tập cho các em hát “Bốn phương một nhà” cùng với băng reo thích hợp. - Xin xem trong tập Sinh hoạt). 2. Thực hành : - Hồi nãy (lần trước) chúng ta đã biết khi học giáo lý, ai chúc phúc cho chúng ta. + ... - Chúa Giê-su ban cho chúng ta phúc lành lớn hơn cả khi được cưu mang, bú mớm cho Chúa. Vì thế, chúng ta đã cùng nhau quyết tâm điều gì ? + Quyết tâm chăm học giáo lý. - Hơn nữa, khi học giáo lý chúng ta được chính Chúa Giê-su giảng dạy và Người giảng dạy cho ta biết : * Thiên Chúa là Cha quyền năng và yêu thương. * Mọi người là anh chị em của nhau. * Được rước Mình máu Thánh Chúa để được sống đời đời. - Như vậy, chúng ta có quyết tâm chăm học giáo lý không ? + ... (có) (giơ tay nhất trí và vỗ tay để khắc sâu điều quyết tâm). 3. Bài làm ở nhà : Để tỏ ra yêu thích giáo lý của Chúa, các em bao sách giáo lý và đi học về để sách giáo lý lên bàn thờ ở nhà em nhé. V. KẾT THÚC. (GLV có thể nhắc nhớ các em các ý chính trong bài và việc thực hành sống bài Giáo lý rồi mời các em đứng lên kết thúc với kinh Sáng danh và lời chào nhau).
Last updated
Was this helpful?