Bài 10-Tổ Chức Hội Thánh
Bài 10 TỔ CHỨC HỘI THÁNH Lời Chúa : “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng ; thì chúng ta cũng vậy : tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Ki-tô, ai nấy liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,4-5). Ý chính : 1. Tín hữu Chúa Giê-su là những ai ? (Rm 12,4-8). 2. Các thành phần trong Hội thánh (1 Cr 12,27-28). Tâm tình : Yêu mến và sống liên kết với mọi thành phần trong Hội thánh. Chuẩn bị : ình Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II. hoặc hình Đức Giám Mục - Một số hình chụp sinh hoạt của tu sĩ.********I. ỔN ĐỊNH. 1. Đón tiếp : (như bài trước). 2. Thánh hóa : Lạy Chúa Giê-su, chúng con yêu mến Chúa, xin Chúa mở lòng mở trí chúng con để chúng con biết ngoan ngoãn lắng nghe tiếng Chúa dạy chúng con trong giờ học giáo lý này. 3. Giới thiệu bài mới : - Hôm trước các em đã học bài gì ? +... (Cộng đoàn Hội thánh). Hôm nay, chúng ta sẽ học về tổ chức Hội thánh, các em cùng chú ý lắng nghe. II. EM NGHE LỜI CHÚA. A. Dẫn nhập : Hôm Chúa nhật vừa qua, lớp của Dũng được cô giáo dẫn vào tham quan sở thú. Vào đến cổng, Dũng thấy có người đeo băng đỏ bước ra trao đổi với cô giáo rồi anh vui vẻ mở cổng to cho bọn Dũng vào. Mới đi được mươi bước, cô giáo bảo đứng lại. Cô lại vào gian phòng mở cửa sẵn gặp một ông ăn mặc lịch sự, vui vẻ, rồi chính ông ra gặp học sinh lớp Dũng. Cô giáo giới thiệu ông là Giám đốc sở. Ông vui vẻ hỏi han từng người rồi bảo một cô tiếp viên đứng bên dẫn lớp đi tham quan. Cô tiếp viên đi đầu, vui vẻ cầm tay bé Thảo dẫn đi từng chuồng thú, lồng chim. Nhờ cô tiếp viên này cả lớp được đi giáp vòng sở thú mà không mất giờ. Trong khi đi tham quan, Dũng còn thấy có những người đàn ông mặc đồng phục đi vào trong các chuồng thú để chăm sóc cho thú, có các bà mặc đồng phục cắt cỏ, quét đường... Sở thú thật rộng mà chỗ nào cũng sạch sẽ, đẹp đẽ... khác với vườn bông hôm trước đi tham quan. Cây lá mọc um tùm, cây kiểng tuy nhiều nhưng xờ xạc, cỏ thì chết khô... Sự khác biệt này đã được cô giáo lý giải là do sở thú có tổ chức, còn vườn bông thiếu tổ chức. Các em coi nơi nào có tổ chức có khác. Bước vào Hội thánh các em thấy ngay một tổ chức qui củ, vì Hội thánh là “cộng đoàn có tổ chức”. Hội thánh có tổ chức như thế nào, mời các em đứng lên nghe lời Thánh Phao-lô giải bày : B. Công bố Lời Chúa : Rm 12,4-8 Lời Chúa trong thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Rô-ma. “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy : tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Ki-tô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tùy theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái, thì hãy vui vẻ.” Đó là Lời Chúa. + Tạ ơn Chúa. - Các em nhìn vào thân thể của mình : thân thể mỗi người gồm có những gì? +... (GLV có thể chỉ vào từng phần trong thân thể cho các em cùng phát hiện ; đầu - cổ - thân mình - tay - chân...) Các phần thân thể này tuy khác nhau : đầu không phải là vai, tay không phải là chân, nhưng tất cả đều ăn khớp với nhau theo sự hướng dẫn của đầu : mắt thì nhìn, tai thì nghe, mũi thì ngửi, tay thì cầm, chân thì đi.. Thiếu phần nào thì khổ phần đó. Tay mà đau thì toàn thân đều đau... Hiểu như thế rồi, bây giờ chúng ta tìm hiểu tổ chức Hội thánh nhé. 1. Tín hữu công giáo là những ai ? (Rm 12, 4-8). - Các em cho chị biết các em được gia nhập vào Hội thánh từ khi nào ? +... (từ khi được rửa tội). Như vậy, các em và cả chị nữa, chúng ta là thành phần của Hội thánh công giáo. Được gọi là tín hữu công giáo hay Ki-tô hữu. Tất cả những ai tin vào Chúa Giê-su, đã chịu phép rửa tội và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng đều là tín hữu công giáo. - Tín hữu công giáo là những ai ? +... (các em lần lượt trả lời theo gợi ý của GLV). - Các em có phải là tín hữu công giáo không ? +... (Chúng ta là tín hữu công giáo hay còn gọi là Ki-tô hữu). Hội thánh là Thân thể mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Tín hữu là những chi thể trong thân thể Chúa Ki-tô. Mà các em cũng thấy đó, trong một thân thể thì mỗi bộ phận có một công việc riêng. (ví dụ : trong thân thể các em - mắt, mũi, miệng, tay, chân đều làm công việc khác nhau, nhưng tất cả đều liên kết, bổ túc cho nhau để làm cho thân thể được phát triển). Chính Chúa muốn những nét khác biệt giữa các chi thể của thân mình để giúp thân mình hiệp nhất và làm tròn sứ mạng. Mỗi người đều có một trách nhiệm nhưng tất cả nhằm phục vụ lợi ích chung. 2. Các thành phần của Hội thánh (1 Cr 12,27-28) - Hàng giáo sĩ gồm những ai ? +... (Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, Linh mục và Phó tế). - (Cho các em xem hình Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II), GLV hỏi : Các em có biết ai đây không ? +... (Đây là hình Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, vị Giáo Hoàng, cũng gọi là Đức Thánh Cha, là đầu Hội thánh). - Ai coi sóc Giáo phận chúng ta ? +... (Cho các em biết Đức Giám Mục Giáo phận). - Ai thay mặt Đức Giám mục coi sóc trong Giáo xứ chúng ta ? +... [Cha xứ, và các cha phó, phụ tá (nếu có) chăm lo, coi sóc xứ đạo chúng ta ? (cho coi hình)] - Hàng giáo sĩ còn có các Phó tế, cũng gọi là thầy sáu, các em ít thấy thầy phó tế xuất hiện. Như vậy, Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, Linh mục, Phó tế, gọi chung là Giáo sĩ. Các Ngài được chọn lựa và lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh để phục vụ dân Thiên Chúa, và làm cho Hội thánh tăng trưởng không ngừng. Các Ngài nhận những chức vụ khác nhau trong Hội thánh và trở thành thừa tác viên có chức thánh, hầu mưu ích cho toàn thể Hội thánh. - Em nào nhắc lại xem, Hàng Giáo sĩ gồm những ai ? +... (GLV giúp các em hình thành câu GL 39). (Tiếp theo GLV cho các em xem một số hình về tu sĩ, hay liên hệ đến các Dì phước, các dòng tu rồi hỏi :) - Trong giáo xứ chúng ta có ai đi tu không ? + … (nếu có thì giới thiệu cho các em, rồi tiếp :) Các anh, các chị đi vào nhà dòng tập luyện nhân đức, khi khấn rồi thì được gọi là tu sĩ. Đó là những người hiến dâng cuộc đời cho Chúa trong những cộng đoàn tu được Hội thánh phê chuẩn, sống 3 lời khuyên phúc âm : Trinh khiết - vâng lời và khó nghèo. Các tu sĩ không làm nên một bậc sống riêng : * Các nam tu có chức thánh thì gọi là tu sĩ giáo sĩ. * Các tu sĩ không có chức linh mục thì gọi là tu sĩ giáo dân. - Các em nhắc lại, thành phần thứ hai là ai ? + … (tu sĩ). - Thành phần thứ ba là ai ? + … (giáo dân). Đây là thành phần đông nhất trong Hội thánh. Đó là toàn bộ các tín hữu không có chức thánh, không đi tu. Như ba má, ông bà nội ngoại... các em và cả chị (anh) nữa chúng ta đều là giáo dân. Nhờ Bí tích rửa tội, chúng ta được vào Hội thánh, được tham dự chức năng ngôn sứ, tư tế và vương giả của Chúa Ki-tô theo cách thức riêng của mình. - Các em thuộc thành phần nào ? + … (giáo dân). - Tóm lại, trong Hội thánh có mấy thành phần ? + … - Chị đố các em : trong Hội thánh, thành phần nào đông nhất ? + … (giáo dân). Đúng rồi, thành phần giáo dân đông nhất. Đây là thành phần cốt yếu và đông nhất của Hội thánh. Giáo sĩ và tu sĩ cũng xuất phát từ giáo dân và có nhiệm vụ phục vụ giáo dân. Để dễ hiểu, chị kể cho các em nghe một câu chuyện, các em cùng nghe nhé. Để chuẩn bị cho kỳ thi “Cây cọ tuổi thơ”, bé Cát mua về một hộp màu mới tinh. Sau nhiều ngày luyện tập, chiều nay, bé Cát hoàn thành bức tranh tuyệt vời của mình. Cậu yên tâm cất hộp màu nước và cây bút lông cũ vào hộc bàn, rồi thoải mái chạy đi đá banh với các bạn.. Trong khi đó, sau khi giúp cậu chủ của mình một cách tích cực, các màu nước bắt đầu kể công và tranh luận với nhau về vai trò của mình : - Màu vàng tự kiêu nói : “Tớ là màu đẹp nhất, nhờ có tớ, cậu chủ mới vẽ được mặt trời chiếu sáng rực rỡ...” - “Nhưng bầu trời còn to hơn mặt trời nhiều, thiếu tôi thì bầu trời sẽ ra sao ?” màu xanh da trời hãnh diện nói? - “Còn không có mình thì chẳng có cây cối đâu !” màu xanh lá cây lên tiếng “và khu vườn còn gì là tươi đẹp, sống động nếu thiếu cỏ cây nào ?” - “Còn tuyết nữa chứ ? Các bạn quên mất tuyết rồi sao ?” màu trắng nói to. - “Chẳng lẽ tôi không cần thiết sao ?” màu đen vội vã nói. Và rồi, không ai chịu cho mình là thua kém người khác, tưởng chừng như có cuộc xô xát lớn xảy ra. Nghe đầu đuôi câu chuyện, lúc này, cây bút lông cũ mới lên tiếng : Này, các em hãy xem đây : cậu chủ đã vẽ một bức tranh tuyệt đẹp, trong đó, có rất nhiều trẻ em với đủ màu da: trắng, vàng, đen, đỏ... người thì mắt nâu, người thì mắt xanh, mắt xám... còn mái tóc thì có người màu vàng, người màu hạt dẻ, người màu hung hung... nhưng các em bé này đều chơi với nhau, cùng ca hát, cùng học hành, và cùng giúp đỡ nhau... có ai trong họ ghen tị, gây hấn với nhau đâu ? Còn các em, cùng ở trong một hộp màu, cùng được góp phần để hoàn thành bức tranh thật đẹp, thật ý nghĩa... mà các em không thể sống chung hòa bình được sao ? Các em lại không nhận biết rằng mỗi người đều có vai trò, giá trị riêng không thể thay thế và không thể bị nhầm lẫn với bất kỳ ai khác sao ? Bầu khí trở nên yên lặng .. Từ đó trở đi, không ai còn nghe các màu nước tranh luận với nhau : ai quan trọng hơn ai nữa... - Các em thấy câu chuyện có hay không ? +... Các em biết đó, trong Hội thánh cũng tương tự, mỗi người có một ơn gọi riêng, một chỗ đứng riêng … Điều quan trọng là mỗi người biết cộng tác góp phần mình vào công cuộc chung và ý thức rằng mình mà xấu thì cũng làm cho Hội thánh xấu lây và mình tốt thì làm cho Hội thánh tốt hơn. D. Cầu nguyện : Lạy Chúa, nhờ Bí tích Rửa tội chúng con được làm con Hội Thánh. Xin ban cho tất cả chúng con, được trung thành yêu mến Chúa và Hội Thánh, đoàn kết yêu thương nhau, thực hành công bình và bác ái, thánh hoá cuộc sống hằng ngày, và đưa dẫn mọi người về với Chúa, để ngày sau được hưởng hạnh phúc và chúc tụng Chúa muôn đời. A-men. III. EM NHỚ LỜI CHÚA. “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng ; thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Ki-tô, ai nấy liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,4-5). 37. H. Tín hữu Công giáo là những ai ? (GLCG.129) T. Đó là những người tin vào Chúa Ki-tô, đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. 38. H. Hội thánh Công giáo có những thành phần nào ? (GLCG. 130) T. Hội thánh Công giáo gồm có Giáo sĩ, Tu sĩ và Giáo dân. 39. H. Hàng Giáo sĩ gồm những ai ? (GLCG. 131) T. Hàng Giáo sĩ gồm có Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, các Linh mục và Phó tế. 40. H. Các Tu sĩ là ai ? (GLCG.136) T. Là những Ki-tô hữu muốn bước theo Chúa Giê-su cách triệt để, nên tự nguyện khấn khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục, theo những hình thức đã được Hội thánh phê chuẩn. 41. H. Giáo dân là ai ? (GLCG.138) T. Giáo dân là các tín hữu không có chức thánh và không ở trong bậc tu trì. Nhờ phép Rửa tội họ được dự phần theo cách của họ vào chức Tư tế, Ngôn sứ và Vương đế của Chúa Ki-tô. IV. EM SỐNG LỜI CHÚA. 1. Sinh hoạt : tìm trong tập sinh hoạt ĐBTT. 2. Thực hành : Em vâng phục các vị chủ chăn trong Hội thánh. 3. Bài làm ở nhà : Em lau chùi bức hình Đức Thánh Cha, hay Đức Cha hoặc cha xứ cho sạch để tỏ lòng tôn kính hàng giáo sĩ. V. KẾT THÚC. Như thế, hôm nay chúng ta đã biết về tổ chức Hội thánh, các em nhớ ngoan ngoãn vâng lời các vị chủ chăn trong Hội thánh và cầu nguyện cho mọi thành phần trong Hội thánh biết tích cực góp phần xây dựng Hội thánh ngày một tốt hơn. Bây giờ, chúng ta cùng cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta giờ học giáo lý này. Sáng danh... (chào nhau ra về).
Last updated
Was this helpful?